Trong tâm thức đông đảo người dân xứ này, hai nhân vật lịch sử được kính trọng và yêu mến nhất, chiếm được nhiều cảm tình nhất, là cụ Hồ và đại tướng Võ Nguyên Giáp. Hình ảnh cụ Hồ trở nên chói lọi rực rỡ, tất nhiên chủ yếu từ con người cụ, nhưng cũng có phần tô vẽ không nhỏ của bộ máy tuyên truyền. Nghệ thuật tuyên truyền của người cộng sản, thì ngay cả những bậc thầy tuyên truyền đủ mọi thời đại xưa nay cũng phải chịu thua. Vị lãnh tụ của họ được đẩy lên thành đấng bậc vẹn toàn không tì vết, có khi thần thánh, ngọc hoàng, ông trời, đức phật, đức chúa cũng không bằng. Tôi cả đời sống trong thể chế cộng sản, từ lúc bé bắt mũi chưa sạch tới giờ, đã hiểu và nhận ra điều chối tỉ ấy.
Vậy nhưng, với trường hợp cụ đại tướng Võ Nguyên Giáp, có nhẽ là ngoại lệ. Những gì cụ Giáp có được, chủ yếu do cụ tạo ra, ít phải nhờ “bộ máy” họa sĩ. Tài năng, đạo đức, công tích, vẻ đẹp… cụ có được đều tự thân sinh ra, tồn tại vững chắc trong cõi đời, trong lòng người. Không phải vô cớ mà những người lính nhiều thế hệ đã gọi cụ bằng danh hiệu cực kỳ giản dị mà cao quý: người anh cả của quân đội, anh Văn. Người dân bình thường yêu quý kính phục cụ kể cả khi cụ là người lẫy lừng đỉnh cao lẫn khi cụ là vị tông đồ chịu nạn. Hình ảnh anh Văn, vị đại tướng, nhà cách mạng qua bao biến thiên thời đại, qua bao cuộc bãi bể nương dâu, ít bị suy suyển, trong xã hội lẫn lòng người.