Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2025

CẦN BẮT TAY VỚI MỸ - Phần 2 – XA NƯỚC RỒI CÀNG HIỂU NƯỚC ĐAU THƯƠNG


 

(Dành cho người đọc chậm. Tiếp theo )

Thế là chú Thành nhờ người nhà mua cho cả đống sách về các loại tôn giáo khác nhau gửi vào nhà tù để đọc và chiêm nghiệm: đạo Phật, đạo Thiên Chúa, Lão Tử, Đạo Đức Kinh, đạo Hồi, đạo Dừa, đạo Mẫu…thôi thì đủ loại. 15 tháng trôi nhanh và nhờ gia đình chạy nên ông được tha. Tuy vậy hàng tuần vẫn phải lên Sở cảnh sát khai báo hết chuyện nọ tới chuyện kia, chẳng khác gì tội phạm, chú hiểu kiểu này ở đây mình không còn làm ăn được gì nữa rồi…

Chú tin vào số phận. Chú đã vào chùa ở mấy tháng cho thanh tịnh, thế mà cũng vẫn bị lôi về nhà để trình báo. Rồi có anh bạn tù có rất nhiều quan hệ bên Pháp quốc, mới gặp chú hỏi “mày có muốn qua bên đó không, đi với tao?”. Thì đi, vợ và 4 con thơ sẽ đi sau thôi! Đúng hẹn ngày giờ, chú ăn mặc đẹp như dự tiệc, tay xách cặp ung dung bước lên một con tàu của Pháp đang đứng ở bến Nhà Rồng, chiều hôm đó trên tàu có một buổi dạ tiệc. Ông bạn tù cùng bạn gái khoác tay nhau lên tàu. Sau buổi tiệc cả ba người được dẫn xuống hầm tàu để ẩn ở đó, rồi sáng mai tàu nhổ neo ra khơi…”Sóng dưới thân tàu đâu phải sóng quê hương”. Ra đến hải phận quốc tế họ mới được chui lên, và chỉ phải trả tiền vé cùng “dịch vụ phí” mất 1500 USD, chú Thành sang tới Marseile. Cùng thuỷ thủ đoàn ra khỏi cảng thế là xong dịch vụ “đưa người”, ba người Việt hoà vào đám đông nước Pháp, nơi chú Thành đã từng tới trường từ bé…

Thứ Tư, 23 tháng 4, 2025

CẦN BẮT TAY VỚI MỸ - Phần 1 - NHỮNG TRÍ THỨC TỪ MỸ TRỞ VỀ



(Dành cho người đọc chậm)

Cú nâng thuế choáng váng cả hành tinh của Donald Trump. Tôi cũng không phải ngoại lệ, thôi thì không biết đi hỏi người tài vậy. Hỏi chú Thành, người đã góp phần đưa chế độ ông Diệm đến bắt tay với Mỹ, và sau này khi nước ta thống nhất lại một lần nữa giúp chúng ta vượt qua cấm vận khắc nghiệt của USA...

Chú không trả lời thẳng vào câu hỏi mà thong thả kể chuyện cuộc đời. "Mọi sự trên đời đều là duyên nghiệp!". Và tôi, một hậu sinh láu táu đã từng viết về những tri thức trẻ từ Pháp trở về theo cách mạng, hôm nay được nghe về sự trở về xây dựng miền nam của lớp trí thức Việt, trở về từ Mỹ, theo lời kêu gọi của....câu chuyện cứ bắt đầu từ đầu thế kỷ 20.

Nhà chú quê ở Quảng Nam, bố chú là cụ Bùi Kiến Tín, học y ở Pháp về năm 1942, lúc đầu hành nghề ở Hà Nội, sau di dần về phía nam, Quy Nhơn rồi Sài Gòn Chợ Lớn. Cụ lập ra hãng dầu khuynh diệp “Bác sĩ Tín”- tức là thành phần “tư sản” giàu có rồi, cụ còn làm bác sĩ riêng cho gia đình họ Ngô và có lúc làm tới Bộ trưởng Thông tin ở chính phủ Ngô Đình Diệm một thời gian ngắn. Tức là nhà chú toàn người có đầu óc làm ăn cả, tuy ai cũng có phần bay bổng lãng mạn, mà biểu hiện rõ nhất là ông chú Bùi Giáng. Chú Thành có học bổng đi Mỹ nhờ một trường dòng (mặc dù gia đình không theo đạo nhé) nhưng vì “không có gì ngoài điều kiện” mà lại học tốt, nên chọn học ở Columbia – chú có lẽ là người Việt đầu tiên học về tài chính kế toán ở đây. Chú rất mẫn tiệp vào cái tuổi 95 này:

Thứ Tư, 16 tháng 4, 2025

BÀNG QUAN XÃ HỘI


 

Tác giả : Bùi Thanh Hiếu

 

Lo cho mình đã, chuyện xã hội thì hơi sức đâu mà quan tâm.

 

Đấy là lời của nhiều người khuyên tôi. Họ nói cũng có lý, mình còn lo công việc và gia đình. Làm sao mà để ý được chuyện xã hội, làm được gì đâu, chỉ mất thời gian mua thêm nhiều phiền toái.

 

Xã hội bây giờ rất nhiều người sống như vậy. Ngoài việc kiếm tiền và quan tâm đến thú vui của họ, mọi việc khác đối với họ chẳng đáng bận tâm. Tôi ngồi nhiều cuộc nhậu, giữa những người mặc quần áo sang trọng và trên bàn là những món ăn ngon. Những câu chuyện của họ không hề khiến tôi đau đầu tí nào, bởi nó là những câu chuyện xoay quanh tình tiết của bộ phim, một ngôi sao ca nhạc có bồ mới, hãng quần áo hiệu nào đó sắp giảm giá...

 

Họ chẳng hại ai cả, họ cũng không nhờ vả vay mượn gì ai. Những người trên bàn tiệc đó đều mang gương mặt viên mãn. Chuyện lũ lụt chết vài chục người ở miền Trung hay chuyện biển Đông là những câu chuyện đối với họ là những chuyện mất thời gian, chả giải quyết việc gì. Họ thực sự hạnh phúc.

Thứ Ba, 15 tháng 4, 2025

THẦN “ĐỊA ĐẠO”



(Dành cho người đọc chậm)

Mới xem xong “Địa đạo” đầu óc vẫn quay quay, tiếng bom ném vẫn lùng bùng trong tai, cứ nhớ cảnh trong địa đạo xoay người còn khó mà có con béc giê đang lao vào…thì tự nhiên tôi nhớ cảnh mấy em du kích dùng dao găm đào đất nhoay nhoáy, mãi mới kiếm ra cái xẻng…Đúng là địa đạo Củ Chi là một công trình xây dựng đồ sộ, chưa nói tới độ khó trong thi công, mà không thấy nói tới việc ai thiết kế, rất đâu ra đấy!? Tự nhiên lại nhớ tới thằng bạn mới gặp bên Nga (nhưng nó không phải người Nga, nói thế không các cụ các bác lại chê, toàn chuyện Nga chưa chán à…Dạ, em biết gì có gì xảy ra đối với chính em thì em kể, không mấy hôm nữa nó quên, chứ có phải mỗi người Việt mình biết đào hầm đâu?)

Đang ngồi uống bia tán phét ở Moscow, bọn Nga cũng chả khác các dân tộc khác lắm đâu ở chỗ tụ bạ là thích chê bai chính phủ với bọn quan chức. Một thằng kể : “Thằng cha phụ trách thể thao ở Duma đề nghị cấm vừa đi vừa hút thuốc, chứ còn nằm, ngồi đứng thì vô tư…bố khỉ!”. Đứa khác chêm vào: “Có thằng to phết đòi thông qua luật quay xổ số cho bọn trẻ con vừa đẻ, giải thật to từ chung cư đến ô tô, để kích thích tăng dân số, chứ bây giờ âm quá; lại có đứa khác bảo ai vô sinh bắt đóng thuế nặng, chừa ngay; chưa bằng có đứa đề nghị tặng nhà đông con một chú ngựa, vừa tiện đi lại vừa có cái trẻ em chơi!”. Đến khổ, Nga cũng quấy phết nhỉ, “cháu của đại văn hào Tolstoy đề nghị các trường phổ thông bỏ học ngoại ngữ, mà đi xây tổ cho chim…”. Tôi cũng khá bất ngờ khi có đứa hỏi mình: ”Việt Nam chúng mày nói ít cười nhiều, chắc là quan chức phát ngôn toàn lời hay ý đẹp chứ nhỉ? Có vụ gì vui kể anh em cười chơi?”. Thế mà nghĩ lâu chưa ra, đúng là các quan nhà mình nói hay mà lại còn hay đọc giấy viết sẵn nữa, sai thế quái nào được! Cuối cùng tôi nhớ ra: “Bọn tao có cô gái đại biểu, đề nghị chống lụt bằng lu, mỗi nhà đào một hố trong sân vườn, vừa trữ nước vừa chống lụt cho thành phố!”. Cứ tưởng ví dụ xuất sắc ấy phải gây cười ghê lắm, thế nào ba bốn chú tây chả thấy cười gì, còn hỏi tôi “Thế thì làm sao?”. Tôi đâm lo, mới hỏi “Thế bà này đúng, khả thi à?”. Chúng nó mới chỉ cho tôi đứa trẻ nhất, rất đẹp trai, ít nói, bảo: “Chúng mày không biết làm thì hỏi thằng này, nó đào cho, con mẹ kia nói thực ra khả thi đấy, cười cái gì?”. Tôi toát mồ hôi, mới hỏi thằng trẻ, râu ria như tay đấm MMA Khabib kia xem sao. Nó bảo:

Thứ Tư, 9 tháng 4, 2025

PHÁO ĐÀI BREST

 


PHÁO ĐÀI BREST
(Hoài niệm của một người lính vô danh vô cảm của một thời vô bổ tại Đông Âu)
Tháng 9 chúng tôi có mặt ở ngoại ô Minsk, một vùng rừng thông mênh mông xanh mướt quanh năm. Đơn vị tất nhiên biết danh sách từ trước, ra đón nhiệt tình, hồ hởi lắm, khoe trường này truyền thống giúp Việt Nam đánh nhau với máy bay Mỹ nhất luôn, nhiều người tài học đây lắm, ngoài năm thứ ba có chục ông học viên thì có gần chục nghiên cứu sinh. “Quân đội nó lại lừa mấy đứa trẻ chúng mày rồi, mở mồm ra là bảo "почему страны" (“những vì sao đất nước”); thôi tối vào phòng anh uống bia nói sau...” – là câu mà mấy anh nghiên cứu sinh đón 5 thằng Hà Nội vừa sang choai choai sàn sàn chúng tôi đặt chân tới trường ở Minsk. Vô cảm, chúng tôi chỉ hơi tò mò thôi chứ kiểu như chai lỳ sớm với cái quân đội này rồi, mặc dù mới vào lính có một năm. Đến chiều tối uống bia, các đại ca mới giảng cho: “chúng mày sang đây là học kỹ thuật, lính kỹ thuật hay sĩ quan kỹ thuật thì cũng để đi hầu máy thằng học chỉ huy với chính trị, chứ làm vương làm tướng gì… Bọn ở nhà chúng nó toàn hứa hão với trẻ con, các anh đây bị lừa mười lăm năm trước rồi!”. À ra thế, vẫn vô cảm, có lẽ cái cảm giác đó mới giúp cho những đứa trẻ chưa là người lớn này đứng vững được qua năm tháng, mặt khác đó là cái các thế hệ đi trước chả có được đâu…