Thứ Tư, 23 tháng 9, 2020

RƠM RẠ DẠI KHỜ

 




VÕ ĐẮC DANH
Hồi ấy, chị Vân thường rủ tôi ra đồng giữ trâu với chị, chị nói đi một mình sợ ma, rủ tôi đi cho vui. Đó là những ngày sau tết, lúa đã vô bồ, còn lại cánh đồng mênh mông gốc rạ. Vào những buổi trưa nắng, chị Vân bảo tôi cột trâu lại, còn chị tìm đến một cái gò cao, lựa một đám gốc rạ còn xanh, chị lấy dao cắt một lõm đủ hai người nằm rồi trãi dưới đất một lớp rạ khô, phần rạ tươi, chị phủ lên che nắng. Khi tôi cột xong mấy con trâu thì chị Vân cũng vừa làm xong cái chòi rạ. Chị nhìn tôi cười mĩm: “Giống cái túp lều lý tưởng hôn ?”. Rồi không ai bảo ai, chị nằm xuống trước, tôi nằm theo sau, cạnh chị. Thỉnh thỏang, chị lại nhìn sang tôi cười mĩm, tôi cũng cười, rồi cả hai chìm trong giấc ngủ trưa. Có hôm tôi thức trước, chị Vân vẫn còn ngủ say, chị nằm thẳng người, hai tay úp lên ngực, hơi thở cứ đều đều. Lúc ấy trời đã xế dài, những tia nắng dìu dịu trùm lên cánh đồng rạ khô vàng rực, mênh mông. Chị Vân ngồi bật dậy, lại nhìn tôi cười rồi lại vỗ lên đầu tôi: “Ngủ ngon hôn, thằng nhóc !”

Chúng tôi lùa trâu đến một cái đìa lớn giữa đồng, từng người bạn mục đồng cũng lần lượt lùa trâu đến. Tôi đứng dưới cầu thang múc từng thùng nước chuyền lên cho chị Vân đổ vào thau cho trâu uống. Như một thói quen, khi đàn trâu uống nước no nê thì đến lượt con người tắm rửa. Cả gái, cả trai cứ để nguyên quần áo, tắm xối xả trên bờ đìa. Trong bộ bà ba đen đẫm nước bó sát người, chị Vân gánh hai thùng nước đi tắt đường đồng về nhà, tôi ngồi trên lưng trâu lững thững theo sau. Đôi gánh oằn vai, chị đi trong bóng chiều thấp thóang.

Saigon xưa … cái thời xé tiền để ... thối lại !

 


Tôi xa quê hương ở vào tuổi không quá trẻ dại để dễ quên và cũng không quá già để chỉ dành toàn thời giờ cho một điều mất mát, rồi đau đớn. Tôi ở vào tuổi mà khi bước đến vùng đất mới, đời sống đã như lôi tôi đi trong một cơn lốc trên những con đường khác nhau trước mặt, hầu như không ngưng nghỉ. Tôi chóng mặt, nhưng tôi vẫn biết tôi là ai và tôi ở đâu trên quê người, nên những lúc tôi phải ngưng lại để thở là những lúc hồn quê nôn nao thức dậy trong tôi.

Mỗi lần nhớ đến quê nhà là nhớ đến Sài Gòn trước tiên. Sài Gòn không phải là phần đất dành riêng cho người miền Nam nữa, đối với người miền Bắc di cư vào Nam năm 1954, người Trung chạy giặc năm 1968 thì Sài Gòn chính là phần đất quê nhà đáng nhớ nhất. Tôi lớn lên, sống cả một thời niên thiếu ở Sài Gòn. Đi học, dậy thì, yêu đương, mơ mộng, làm việc, lấy chồng, khóc, cười, rồi chia ly với Sài Gòn.

Tôi nhớ lại hồi bé theo bố mẹ di cư vào Sài Gòn. Ba tôi làm việc ở Nha Địa Chánh, nên từ những căn lều bạt trong trại tiếp cư Tân Sơn Nhất, gia đình tôi được dọn vào ở tạm một khu nhà ngang trong sở của Ba ở số 68 đường Paul Blanchy (Hai Bà Trưng) sau lưng Bưu Điện. Tôi đi học, đi bộ băng qua hai con đường là tới trường Hòa Bình, bên hông nhà thờ Đức Bà. Tôi vào lớp Ba. Ngày đầu tiên cắp sách đến lớp, ma sơ là người Nam, hồi đó còn mặc áo dòng trắng, đội lúp đen.

Thứ Năm, 17 tháng 9, 2020

BIẾT KHÓC CHO TRÂU

Đài Tử sĩ (Monument aux Morts), nhằm tưởng niệm binh sĩ 
Pháp- Việt chết trận trong cuộc chiến.
Doduc
Nhà văn Nguyễn Văn Bổng thuộc lớp đàn anh của thế hệ nhà văn hiện nay đã từng có tiểu thuyết mang tựa đề “Con trâu”. Tiểu thuyết từng được trích đoạn đưa vào sách giáo khoa. Đọc nó mới biết con trâu thời kháng chiến được bảo vệ như thế nào. Như sinh mạng người!
Thành ngữ Việt thì nói “con trâu là đầu cơ nghiệp”.
Đời một con người có ba việc lớn phải làm mới thành được là: làm nhà/ cưới vợ / tậu trâu. Không có trâu khó nên cơ nghiệp!
Đi cày, bố không cho dùng roi hối trâu, ông bảo nó kéo cày ăn cỏ, mình ăn cơm với thịt. Trâu ăn giả làm thật, nó gúp mình làm ra miếng ăn, không được đánh nó. Nó như người, chí có điều không biết nói thôi.
Nửa thế kỉ trước, nhà bán con trâu tháu, bố tôi cầm bọc tiền xong còn đứng nói chuyện với nó dặn dò trâu như nói chuyện với con cái. Đông tác chia ly cuối cùng là vuốt nhẹ má trâu rồi xoay người vỗ vào mông nó ba cái trước khi người mua dắt trâu đi.

Chủ Nhật, 13 tháng 9, 2020

HỮU DUYÊN

 


Tác giả: Châu La Việt
Ảnh: sưu tầm
Nhạc sỹ Phạm Tuyên là con của học giả Phạm Quỳnh- Một Thượng thư triều Nguyễn. Đi với cách mạng, ông trở thành một nhạc sỹ của Cách mạng, nhạc sỹ của nhân dân, đặc biệt của những người chiến sỹ.
Mãi mãi không bao giờ quên những giai điệu, những tình cảm ông dành cho người lính!
*
Ngày ấy Sài Gòn mới giải phóng. Nhạc sĩ Phạm Tuyên đến với thành phố này. Ông hết sức xúc động khi lần đầu được gặp gỡ những con người phóng khoáng, cởi mở, đặc biệt là những người chiến sĩ trẻ, quê Nam, quê Bắc đang hối hả trên đường đi làm nhiệm vụ … Từ nỗi xúc cảm ấy, nhạc sĩ đã ấn tượng ngay với một bài thơ còn tươi nguyên nét mực in trên báo Sài Gòn Giải Phóng:

Anh ở trong này không có mùa đông
Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ
Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ
Thật lạ kỳ là mùa đông phương Nam

Nhìn ra ngoài cửa sổ, quả thật trời Sài Gòn xanh cao vời vợi, thành phố mới giải phóng tràn trề ánh nắng. Cũng qua ô cửa sổ đó, nhạc sĩ trìu mến nhìn những người chiến sĩ trẻ quân phục xanh, ba lô con cóc sau lưng đang đi giữa Sài Gòn với những niềm vui căng tràn trên gương mặt, ánh mắt, nụ cười, nhưng có lẽ cũng đang thương nhớ quê hương miền Bắc đã xa cách bao năm để vượt Trường Sơn đi chiến đấu...

ĐÀN BÀ TUỔI 70

 

                                                    ảnh minh họa

1

Đun xong siêu nước đổ vào hai chiếc phích, bà cụ Phấn lấy chiếc chảo nhôm cũ đặt lên bếp sau đó bà xúc một thìa mỡ từ chiếc liễn sứ cho vào giữa chảo, đợi cho thìa mỡ tan chảy và bắt đầu sôi nhẹ, lúc này bà cụ Phấn thong thả cầm bát cơm nguội cho vào chảo rồi đảo đều tay, khi chỗ cơm rang ngấm mỡ và săn lại, bà cụ Phấn đập thêm quả trứng và cho thìa nước mắm vào trộn nhanh tay. Lúc người cháu gái tỉnh giấc, trên bàn uống nước đã có hai đĩa cơm rang nóng hổi, bà cụ Phấn ôn tồn nhắc:

-Thôi đánh răng rửa mặtt rồi ăn sáng cho nóng.


Vừa xúc cơm rang ăn người cháu gái vừa tấm tắc khen:

-Trời lạnh như vậy sao bà không ngủ thêm chút nữa, cơm rang của bà thì ngon tuyệt vời. Trưa nay con xin về sớm, đầu giờ chiều con sẽ đưa bà lên huyện, mọi việc bây giờ là tùy ở bà nhé.


Đợi người cháu gái đi khuất, bà cụ Phấn bắt đầu dọn dẹp nhà cửa rồi ngồi bên bếp lò cho ấm, năm nay tuy rét muộn nhưng đợt gió mùa Đông Bắc khiến nhiệt độ giảm sâu, có lẽ vì thời tiết thay đổi nên cả đêm qua bà cụ Phấn đau nhức xương khớp không sao ngủ nổi. Ngồi mãi cũng buồn, bà cụ Phấn mở chiếc hộp gỗ nhỏ lấy ra từng bức ảnh để xem, ảnh của bà thời trẻ được một phóng viên quân đội chụp, hồi đó bà làm công nhân của Nhà máy dệt 8.3. Khi tờ báo đăng bài viết có kèm bức ảnh, bà đã cắt bức ảnh trong báo cất đi coi như báu vật. Đôi mắt già nua của bà cụ Phấn như lóe sáng trước bức ảnh cưới duy nhất, ảnh bà ôm bó hoa Dơn đứng bẽn lẽn bên cạnh chú rể, dù ảnh đen trắng nhưng bà vẫn nhớ tấm phông đằng sau màu xanh Cửu Long có dán đôi chim bồ câu trắng đang tung cánh. Ngoài con số đề ngày 25/10/1974, dòng chữ có nội dung “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ” được hầu hết các đám cưới sử dụng, câu khẩu hiệu đó như một mệnh lệnh nhắc nhở, bởi vì đất nước vẫn đang trong thời kì chiến tranh.

Thứ Sáu, 11 tháng 9, 2020

Đến với bài thơ hay: NỢ EM NGUYÊN MỘT CON ĐƯỜNG

 


Đến với bài thơ hay:
NỢ EM NGUYÊN MỘT CON ĐƯỜNG của nhà thơ

Tặng L... ngày sinh nhật

Trời xanh thu biếc sang mùa
Em như hiển hiện lại vừa xa xăm
Thanh thiên tròn đến chín rằm
Em giăng rối sợi tơ tằm thơ tôi
Tự mình làm cuộc chia phôi
Cho chùng nhắc nhớ đứng ngồi chẳng yên
Người day dứt kẻ ưu phiền
Xé mây định mệnh chặn miền bão giông
Lênh đênh thuyền đợi bến trông
Đơn côi dòng lạnh trôi không lục bình
Là em ngọn gió chung tình
Là ta khắc khoải bóng hình nhân duyên

NGUỒN GỐC NHỮNG CÂU NÓI NỔI TIẾNG

 

Nguồn gốc câu nói: ‘Nhà nước của dân, do dân và vì dân’
MInh Trí
Có những khẩu hiệu hay cụm từ đã trở nên quá quen thuộc với cuộc sống chúng ta đến mức ít người quan tâm đến nguồn gốc của nó. Đa phần chúng ta đều tin rằng đó là “sản phẩm địa phương”. Tuy nhiên, nếu truy nguyên về nguồn gốc của nó thì chúng ta lại có thêm những nhận thức thú vị.
1. Nhà nước của dân, do dân, vì dân
Chúng ta hay nghe nói trong các văn bản chính trị rằng: Nhà nước Việt Nam là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Tuy nhiên, đây là tư tưởng được tổng thống vĩ đại nước Mỹ Abraham Lincoln nói ra lần đầu tiên trong diễn văn Gettysburg nổi tiếng trong buổi lễ khánh thành Nghĩa trang Quốc gia vào tháng 11 năm 1863. Lincoln nói rằng: “…một chính phủ của dân, do dân, vì dân sẽ không bao giờ lụi tàn khỏi trái đất này” (Goverment of the people, by the people, for the people shall not perish from the Earth).
Hàm ý của câu nói này đó là: Chính quyền không phải những người làm nên lịch sử mà chính nhân dân đã xây dựng, chiến đấu và bảo vệ đất nước. Chính phủ được sinh ra để phụng sự nhân dân chứ không phải điều ngược lại. Tư tưởng này có nhiều điểm tương đồng với tư tưởng của Mạnh Tử: “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh” – Dân là quý nhất, đất nước đứng sau, vua đứng cuối cùng. Lincoln là một người thành thật với biệt hiệu Honest Abe (Abe thành thật) và đó không phải là lời đầu môi chót lưỡi của một chính trị gia mị dân mà thực sự là tinh thần của chính quyền Lincoln và nước Mỹ.

Chủ Nhật, 6 tháng 9, 2020

Tư liệu: Về Chủ tịch HỒ CHÍ MINH

 

Bà Josephine Stenson là Giáo sư, tiến sĩ sử học của trường đại học Florida Atlantic ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ. Đây là bài phát biểu của bà tại Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội tháng 5 năm 1990 khi Người được tổ chức "Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc" (United Nations Educational Scientific and Cultural Organization, viết tắt UNESCO tại kỳ họp lần thứ 24 năm 1987) tôn vinh là "Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà Văn hóa kiệt xuất"
Bài tham luận tiếng Anh, nhan đề "Hồ Chí Minh, một nhân cách lớn của thời đại" đã được ghi lại và sau đó do Bảo tàng Hồ Chí Minh xuất bản. Một bài tham luận rất lí thú, với một góc nhìn từ người nước ngòai, một phụ nữ, một trí thức Hoa Kỳ đã cung cấp cho chúng ta những thông tin có nhiều điểm mới mẻ, đặc biệt, cho thấy một cái nhìn khác, một quan điểm thông thóang và táo bạo, nhưng vẫn tế nhị về chuyện đời tư nhạy cảm, đối với phụ nữ, tình yêu của Người.
Dưới đây là toàn văn bài tham luận
------------------
HỒ CHÍ MINH, MỘT NHÂN CÁCH LỚN CỦA THỜI ĐẠI
“Xin cho phép tôi được mặc chiếc áo dài của người mẹ Việt Nam, người mẹ đã sinh ra những anh hùng của nhiều thời đại chống ngoại xâm để bảo vệ tổ quốc thân yêu của mình. Và thời nay, có một người mẹ đã sinh ra thiên tài Hồ Chí Minh. Bà cũng đã mặc tà áo này.
Hôm nay tôi mặc tà áo này không phải để chưng món quà sang trọng của bạn bè Việt Nam tặng cho tôi. Đây là sự ngưỡng mộ một sắc phục dân tộc mà chưa có một sắc phục phụ nữ nào lại đẹp, có văn hóa, bề dày truyền thống và thanh lịch như chiếc áo dài Việt Nam.
Từ Hoa Kỳ, tôi sang Thái Lan và vào Thành phố Hồ Chí Minh, thấy ngỡ ngàng khi nhìn thấy nữ sinh các trường đều mặc áo dài – những chiếc áo dài tuyệt đẹp. Tôi như bị thôi miên cứ đứng nhìn ngây ngất những tà áo dài mềm mại trên thân hình rất đẹp của các nữ sinh.
Trong khi đó một cảm giác buồn tương phản đột nhiên xâm chiếm trong lòng tôi một cách bất ngờ khi tôi nhìn thấy nhiều chị em khác cũng tại thành phố này mặc những bộ đồ mà người phụ nữ Mỹ chúng tôi đã bỏ từ thập kỷ 60 sang thập kỷ 70. Khi ra Hà Nội tôi hiểu được bề dày của nền văn minh sông Hồng, nhưng không giống như Thành phố Hồ Chí Minh, phụ nữ ít mặc áo dài, phần lớn họ mặc quần áo giống như phụ nữ Bangkok và Philippines.
Hồ Chí Minh là người mà tôi dành nhiều thời gian nhất trong đời nghiên cứu lịch sử của tôi để tìm hiểu cho được đích thực tính cách của ông. Tôi thuộc tuổi con cháu Bác Hồ Chí Minh. Cho phép tôi được ca ngợi, lời ca ngợi muộn màng của người hậu thế.