Tôi là nhà văn, và các liên tưởng tôi thường dính
líu tới văn học. Sau các sự kiện ở Krym, cuối cùng tôi đã hiểu ra rằng dân nước
tôi và vị Tổng thống do “toàn dân” bầu nên của đất nước này khiến tôi liên tưởng
đến ai.
Họ giống các nhân vật của Dostoevsky, ông gọi họ là
“những kẻ ở xó hầm”. Đó là những con người sống rất lâu, thường là suốt đời,
trong trạng thái bị hạ nhục, khiến tâm lí họ hoàn toàn bị méo mó. Cả cuộc đời họ,
toàn bộ những ước mơ và nguyện vọng của họ chỉ rút gọn vào một mục tiêu: trả
thù, rửa nhục. Nỗi khao khát trả thù bệnh hoạn ấy phần lớn không nhằm cụ thể
vào những kẻ nào đó đã làm nhục họ, mà chĩa vào toàn thế giới. Dostoevsky đã
miêu tả nhiều giai đoạn phát triển của căn bệnh mà giới tâm lí học hiện đại chắc
sẽ gọi là một “chấn thương bỏ ngỏ” này. Nó đặc biệt ăn sâu ở những người không
bao giờ ra khỏi trạng thái bị hạ nhục.
Ở Nga ngày nay cũng hệt như ở thời Dostoevsky, cả cuộc
đời người ta thường là sự hạ nhục: từ khi sinh ra trong một bệnh viện bình dân
(một chi nhánh thực thụ của địa ngục) đến lúc say xỉn ở góc đường mà chết. Những
con người sống một cuộc đời như thế thường hình thành một lòng tự hào bệnh hoạn.
Để phục hồi sự cân bằng nội tâm vốn liên tục bị những hoàn cảnh ê chề bên ngoài
tàn phá, muốn sống còn thì họ buộc phải có một điều gì đó để tự hào.
Cơ sở để tự hào có thể hoàn toàn ngớ ngẩn và viển
vông, nhiều khi đơn giản là bịa đặt và hầu như bao giờ cũng phi lí, khiến người
có tư duy bình thường, lành mạnh phải bật cười hoặc nhún vai cho qua. Nhưng những
kẻ bị hạ nhục kinh niên thì bám chặt lấy những ảo ảnh ấy, đầy đức tin, cuồng
tín, nhiệt thành và trong thâm tâm càng bất mãn thì càng hăng say phụng sự
chúng.
Từ góc nhìn này, tôi thấy tất cả những gì đang được
bộ máy tuyên truyền ở Nga mệnh danh là “làn sóng yêu nước”, “tinh thần yêu nước”
v.v. là biểu hiện của một căn bệnh tâm hồn trầm trọng mà không ai buồn chạy chữa.
Bao giờ cũng vậy: hiện thực ngay trước mắt càng tồi
tệ, đất nước càng ngập ngụa những vấn đề không được giải quyết thì những tiếng
“Hura” trong các cuộc biểu tình càng to, dân chúng càng cuồng nhiệt hân hoan
khi lãnh tụ xuất hiện trên khán đài trước Lăng Lenin.
Nếu không được “xả hơi” đều đặn, một kẻ bị hạ nhục sớm
hay muộn sẽ nổ tung, khi đó hắn sẽ giết một bà già và làm một cuộc cách mạng,
như nhân vật Raskolnikov của Dostoevsky trong tiểu thuyết Tội ác và Hình phạt.
Chế độ Nga hoàng đã không thèm đếm xỉa đến tình cảnh đó và vì thế mà tiêu vong.
Nhà cầm quyền hiện nay biết chọn một đường lối an
toàn để dân chúng quy phục, bằng cách đều đặn cấp cho dân chúng những dịp tốt để
tự hào và hô “Hura” thật to. Với hệ thống truyền hình do nhà nước triệt để định
hướng thì việc đó không khó khăn gì. Điều này khiến tôi nhớ đến những bệnh viện
tâm thần ở Nga, tại đó bệnh nhân không được điều trị, mà được bình trị bằng uống
thuốc an thần và diệt mọi khả năng nhận thức.
Tất nhiên người dân Nga không nên tự hào về bản thân
mình như những cá nhân độc đáo (vì các cá nhân thì khó chăn dắt hơn một bầy
đàn), mà tự hào về mình như một bộ phận của cộng đồng, họ thuộc về cộng đồng
không nhờ những cống hiến nào đó mà chỉ nhờ huyết thống. Lòng “tự hào dân tộc”
thật đắc dụng cho việc này.
Nhưng cứ nghe những tiếng như “lòng yêu nước” và “ý
niệm dân tộc” là trong tâm trí tôi hiện lên cảnh sau đây: Tôi còn nhớ một người
đàn ông đầu cạo trọc, xăm trổ đầy mình, bẩn thỉu, tuyệt đối méo mó và bệ rạc,
chân vòng kiềng, lảo đảo giữa một thành phố tỉnh lẻ buồn thiu. Ông ta mặc một
chiếc áo phông mới tinh, có in dòng chữ kiêu hãnh: “Tôi là người Nga!”
Người ta tự hào, chẳng hạn về Thế vận hội Olympic
hoành tráng và nhắm mắt trước thực tế là cái sự kiện rùm beng đó đã ngốn một
khoản khổng lồ trong ngân sách quốc gia (một phần lớn vì tệ quan chức ăn cắp của
công đã đạt tới những kích thước cực đại). Không lâu nữa chúng ta sẽ được ngấm
mùi hậu quả của sự phung phí ngân sách khủng khiếp này. Nhưng phần lớn người
Nga không nhìn ra tương quan giữa những hình ảnh rực rỡ từ Sochi và những đợt
tăng giá, những khoản nợ công và thâm hụt ngân sách sắp tới.
Họ lại ru mình một lúc lâu trong giấc mơ ngọt ngào đẹp
đẽ về một “cường quốc”, trong đó đời sống mỗi ngày một “vui tươi và khấm khá”,
như Stalin từng nói. Họ quên mất rằng cái gọi là cường quốc ấy không có tiền
cho những nhu cầu thiết yếu nhất của người dân. Rằng trường học thì cũ nát, đổ
sập và con cái họ sẽ vùi xác ở đó. Rằng người già, cả đời lao động cho nhà nước
để rồi phải đi ăn xin vì lương hưu không trả nổi tiền nhà. Có thể kể vô tận những
ví dụ như vậy.
Hoặc họ tự hào về một điều mà lẽ ra người ta nên hoảng
sợ, chẳng hạn về vụ sáp nhập Krym, khiến nước Nga rơi vào vị trí không mấy hay
ho là bị cô lập trên trường quốc tế và dấn sâu vào một cuộc chiến với lân bang…
Một chân dung thế lực thù địch, thật dễ dàng và tiện lợi để trút mọi cảm xúc của
một dân tộc bị hạ nhục vào đó, như trút xuống cống nước thải.
Hình ảnh đại diện cho thế lực thù địch Chechnya, một
kẻ khủng bố đeo bom tự sát, đã quá nhàm chán, cả những người mà truyền hình nói
gì đều tin hết cũng không còn tin vào đó nữa. Sau những vụ khủng bố mới đây
trong ga tàu điện ngầm ở Moskva, thậm chí cả những người về hưu và các bà nội
trợ cũng bảo nhau rằng Chechnya chẳng liên quan gì hết, đó chỉ là trò mở màn
cho chiến dịch tranh cử mà thôi.
Một hình ảnh khác của thế lực thù địch, kẻ tranh đấu
cho tự do, tham gia các cuộc tuần hành của những phần tử phẫn nộ và mang cách mạng
ra đe đất nước, cũng đã hết thời: người ta lấy đó làm ngáo ộp để dọa dân chúng
và nhân tiện đả thông luôn, rằng chỉ có Putin mới cứu nổi đất nước này khỏi
nguy cơ hỗn loạn. Và vị “cứu tinh” duy nhất ấy lại được nhất trí bầu thêm một
nhiệm kì phi pháp nữa, nhiệm kì thứ ba. Bầu xong thì những phần tử phẫn nộ bị vứt
luôn, như vứt những quân bài đã hạ, biểu tình bị dẹp, người biểu tình bị tống
vào nhà tù, những cơ quan truyền thông độc lập cuối cùng còn sót lại bị đóng cửa.
Bây giờ chúng ta có một chân dung thế lực thù địch mới:
những người anh em Ukraine và “bọn Mỹ xấu xa”, khui ra thật nhanh từ kho đạn dược
của bộ máy tuyên truyền Xô-viết.
Vậy là những kẻ bị hạ nhục có việc để bận tâm: họ tự
hào về đất nước (vì cuối cùng thì “sự công bằng của lịch sử đã được khôi phục”!)
và giơ nắm đấm lên dọa thế lực thù địch nóng hổi vừa ra lò. Vậy là họ, những kẻ
bị hạ nhục, không nguy hiểm. Trong một thời gian nhất định. Sau đó người ta sẽ
dành cho họ một chân dung thế lực thù địch mới. Tất nhiên người ta sẽ lo sao để
chiến tranh thực sự không xảy ra (nếu tình hình không đến nỗi mất kiểm soát).
Vì chiến tranh, với hậu quả của nó là chết chóc và đau thương, tất yếu khiến
dân chúng tỉnh ra và trở về với hiện thực. Nhưng chính quyền cần những cái đầu
mụ mị, dễ lái về hướng cần lái hơn.
“Tự hào dân tộc” thật là tiện. Nó chỉ bất tiện ở một
điểm: phải liên tục tăng liều lượng, nếu không thì nó hết tác dụng. Hiện tại,
chính quyền Nga đã phải dùng đến những chất rất dễ tuột khỏi tầm kiểm soát. Như
một kẻ nấu rượu đang tâm dụ cho dân uống, để rồi chính mình rơi dần vào vòng ma
men và đánh mất khả năng tỉnh táo trước hiện thực.
Bất kì ai biết tư duy lành mạnh đều thấy không thể cứ
như vậy mãi được. Nhưng ở Nga, những người còn có khả năng đánh giá đúng tình
hình thật ít ỏi. Phải thắp đuốc lên đi tìm họ. Người thì đã bỏ nước mà đi, trước
khi quá muộn. Người thì ngồi trong tù. Người thì đã khiếp nhược, rút về an phận
nhà cửa ruộng vườn.
Cả trong hàng ngũ chính quyền lẫn trong dân chúng đều
không có những người biết tư duy lành mạnh như vậy. Ở Nga, những nhân vật nêu
trên của Dostoevsky cũng có mặt trong chính quyền, những kẻ bị đè nén và vì thế
mà méo mó đến vô vọng do mặc cảm. Và khi một kẻ bị đè nén leo được lên đến đỉnh
quyền lực thì điều gì sẽ xảy ra? Dostoevsky cũng đã viết rất nhiều về chuyện
đó, chẳng hạn trong tiểu thuyết Làng và dân Stepanchikovo. Điều gì sẽ xảy ra?
Không có gì là tốt đẹp. Kết quả là một bạo chúa cỡ nhỏ và một nhà độc tài hèn
nhát.
Natalja Kljutcharjova
Phạm Thị Hoài dịch
_______
Natalja Kljutcharjova (1981) sống ở ngoại ô Moskva,
là tác giả của hai cuốn tiểu thuyết Nước Nga – Ga cuối và Làng dân ngu.
Nguồn: Welt, 09-4-2014
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét