Lê Thanh Phong
“Các anh bàn đi, dẹp hết bảng hiệu Trung Quốc. Cấm có được không? Vũng Áng họ lên án vấn đề này rồi đấy. Làm đi, bao giờ làm, bao giờ xong? Bây giờ làm luôn đi. Hai ba ngày sau là phải xử lý xong vấn đề này. Nói là làm chứ không để nó nguội... Để biến đó thành thành phố Tàu là không được. Rất nguy hiểm. Bài học từ Đắk Nông có rồi đấy” - đó là ý kiến của ông Trần Thọ - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng tại hội nghị Thành ủy ngày 2.4.
Điều đáng quan tâm là không chỉ riêng Đà Nẵng, mà có nhiều địa phương treo biển hiệu Trung Quốc dày đặc. Tại Bắc Ninh, biển hiệu tiếng Trung Quốc lấn cả biển tiếng Việt, năm trước các cơ quan chức năng kiểm tra phát hiện và bắt hạ hơn 100 biển vi phạm.
Con đường Bãi Cháy rất đẹp của thành phố Hạ Long có nhiều nhà nghỉ, khách sạn, cửa hàng treo biển hiệu bằng tiếng Trung Quốc, đến đó cứ tưởng là xứ Tàu. Còn nữa, Vũng Áng (Hà Tĩnh), Đăk Nông, Lâm Đồng, Bình Dương đã hình thành nhiều phố Tàu tương tự như vậy.
Tại sao ngày càng có nhiều tuyến đường, khu phố ghi biển hiệu tiếng Trung Quốc như vậy? Câu trả lời cũng rất đơn giản, vì ngày càng có nhiều người Trung Quốc làm ăn sinh sống ở Việt Nam. Người Trung Quốc có mặt tại các dự án bauxite ở Tây Nguyên, các dự án rải dọc các tỉnh duyên hải miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long, về tận Cà Mau, các dự án trồng rừng ở các tỉnh biên giới phía bắc.
Nhiều nơi người Trung Quốc lập khu vực xây dựng, người ngoài không vào được, không biết họ làm gì ở bên trong.
Tấm biển hiệu quảng cáo này kín đặc chữ Trung Quốc ở Tp Hạ Long |
Biển hiệu quảng cáo ghi chữ Trung Quốc san sát nhau |
Lao động Trung Quốc có giấy phép nhiều, nhưng lao động chui cũng không ít. Tình trạng lao động chui bàn đã nhiều, nhưng không xử lý được. Mới đây, một số địa phương kiểm tra và phát hiện lao động Trung Quốc làm việc không phép rất đông như Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Bình Thuận…
Người Trung Quốc sang Việt Nam làm ăn là chuyện bình thường, phải có chính sách hỗ trợ họ để họ làm việc, sinh hoạt an toàn, lành mạnh và đảm bảo đúng pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, các địa phương phải kiểm tra, kiểm soát để biết nắm rõ họ hoạt động kinh doanh hợp pháp hay không, lao động chui phải bị trục xuất.
Kiểm tra lao động Trung Quốc và cũng thường xuyên kiểm tra dân mình, chỉ riêng tình trạng treo biển hiệu tiếng Trung Quốc cũng là một chuyện không thể xem thường. Phải quyết liệt như ông Bí thư thành phố Đà nẵng, “nói là làm chứ không để nó nguội”.
Phải có nhiều ông bí thư như thế, nếu không thì phố Tàu tràn khắp các tỉnh, thành lúc nào không hay.
Theo Báo Lao Động
Bài liên quan: Hạ Long: Phố ta hóa… phố Tàu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét