Thứ Bảy, 17 tháng 3, 2018

CHUYỆN LÍNH TRƯỜNG SƠN: LÍNH BẨN


Bài viết nhớ Lê Chí Thanh, người Cao Bằng


Lính bẩn
 Mãi về sau và đến tận bây giờ chúng tôi vẫn thân nhau chỉ vì cái chuyện  “Lính gì mà bẩn thế!“

Đầu mùa mưa 1973. Tôi nằm trên chốt Chư Prông Ràng phía tây Pleiku. Đã là trận địa chốt thì các bạn biết rồi, một trung đội 9 thằng rúc trong ba hầm chiến đấu. Cứ hai ngày một lần anh nuôi đưa lên 9 nắm cơm to bằng quả cam. Liệu mà ăn mà oánh nhau. Mất chốt thì đời ra tóp, vậy thôi.

Mùa mưa Tây Nguyên thối trời thối đất. Nước rỏ từ rễ cây, vách hầm cũng đã đủ ốm rồi chứ chưa nói đến nước mưa tràn qua cửa hầm lùa vào. Cứ mũ sắt múc từng mũ nhẫn nại đổ ra ngoài.  Ngồi không yên, nằm không yên, đứng không đứng được. Thò mặt ra quan sát trong mưa, trời như thấp ụp xuống đến nơi. Cỏ cây như nằm rạp xuống sùng sũng. Ngày này qua ngày khác, hết pháo kích lại bom, lại thám báo mò lên lẳng vài quả lựu đạn rồi chạy.
Bắn nhau vài loạt, truy kích độ trăm mét rồi thụt vào chốt ngay. Cứ thế, lính chốt luôn trong tình trạng sống dở, chết dở. Buồn quá thì viết thư. Thư viết rồi lại đọc cho nhau nghe chứ ở mặt trận Tây Nguyên việc chuyển thư từ là kém nhất. Gửi đi đâu được. Đọc mãi rồi hoá thuộc. Thuộc tên họ người yêu, tên bố mẹ của nhau, thuộc cả những câu chuyện của đồng đội về quê hương khốn khó của họ. Đến nỗi tôi cứ hình dung ra quang cảnh miền quê của đồng đội mình. Tôi nhớ  người yêu của thằng Trăng (Thái bình) có nốt ruồi ở giữa nhân trung (Khiếp!), nào người yêu thằng Đấu lùn, cao có mét 45 mà cấy sào ruộng một ngày ( thằng này lùn nên người yêu cũng lùn ) ... Thằng Nhớn thì không có người yêu nên tất cả các cô người yêu của thằng khác nó cho là xấu hết. Tôi sốt có lẽ hai, ba lần gì đó trên chốt. Sốt cách nhật, không li bì nên không cho về tuyến sau. Sốt thì mồ hôi vã ra, rên ư ử, hết sốt lại bò ra ngoài kiếm rau, móc củ sắn thừa trên nương, bẻ được cái hoa chuối là mừng rú. Hàng tháng chả ai được tắm, được rửa mặt. Bùn đất, mồ hôi, bụi khói lúc đánh nhau quện lại thành một thứ ghét mầu chì loang lổ trên người.  Nhất là ở mạn mang tai, thắt lưng và mông đít. Cái hầm chứa vài thằng đủ thứ mùi chua, hoi, khắm, thối. Gọi chung là nặng mùi, rất nặng mùi. Ấy thế mà xa nó là thấy nhớ, y như nhớ cái mụn nhọt trên người khi đã chữa khỏi. Vài ba lần bắn nhau giữ chốt, mấy thằng mang tiếng sinh viên cũng đã ghi dấu ấn với đơn vị, dũng cảm có hiệu xuất cao. Nhưng sốt rét thì không chừa ai, nhất là mấy chú học trò thần sốt rét thăm hỏi chu đáo. Từ sốt cách nhật tôi tiến đến li bì, tôi trở thành đống thịt vô bổ của trung đội. Nghe pháo bắn thây kệ. Nghe anh em nã vào tụi thám báo lên chốt cũng động cựa rồi lại rúc đầu góc hầm lặng im. 

Rồi, tôi xuống núi, tôi bò gần nửa ngày lúc tỉnh lúc phê  mơí về đến kiềng đại đội. Rồi tôi được đại đội cho đi viện trung đoàn. Đi viện như tôi không có ai khiêng cáng. Tự đi, cầm cái giấy bé như vỏ bao thuốc lá của đơn vị mà đi. không đi được thì bò. Đi về tuyến sau, dễ quá, ai mà chả muốn có cái giấy ấy mà về tuyến sau, chí ít  sống thêm ngày nào hay ngày ấy. Hai ngày vật vã tôi cũng bò đến được viện trung đoàn. Mùa mưa, đến đấy gặp khối bạn, đa số là lính mới vào chừng một năm. Viện bao giờ cũng gần suối, mỗi lán nằm đựơc sáu đến tám người, nửa nổi nửa chìm, có hầm bốn góc.  Thôi thì thương binh, sốt rét nằm chung hết. Kiến bò ra bu lên vết thương thì giúp nhau giết kiến. Thằng sốt rét giết kiến cho thằng bị thương. Giết kiến trên vết thương cũng là một việc tiêu hoá cái  thời gian buồn bã. Chán rồi thì hát. Lúc đầu một thằng i ỉ, rồi 2,3 thằng rên rỉ theo, rồi sau là hát đồng ca cả lán. Trong thâm u mùa mưa, dàn đồng ca của thương binh và sốt rét não nề như tiếng cồng “Tây tiến “.

Tôi vào lán ấy đã thấy Mão lùn đoàn cùng 302 rên xình xịch một góc  ( thằng này dân đoàn địa chất 12 trên Đại Từ, người Đông Hưng, Thái bình ). Tôi nằm gần nó cho vui, nó vừa rên vừa méo mồm cười, mày đấy a? khoẻ không? Khoẻ đéo gì, đi viện còn hỏi khoẻ không. Ừ nhỉ, nó lại meo méo cái mồm rồi lại ngay lập tức nhắm mắt ư ử rên.

Lán tôi nằm rất gần suối. Cái suối đá khúc khuỷu tạo ra hai cái thác nước con con. Suốt ngày đêm rì rầm cái tiếng  ong óc, xoè xoè. Nhưng sau một trận mưa, nó gầm gừ, nó xoe xoé khác hẳn ngày thường. Vòm dây rừng rậm rạp chùm kín khúc suối đá lúc nào cũng loe hoe mấy bông hoa tím ướt dườn dượt. Lính sốt rét ngồi trên bờ đá ném từng cọng lá, nhìn dòng nước cuốn vun vút chìm nghỉm mà ngẫm ngợi , mà cứ nghĩ thân phận con người trong chiến tranh cũng nhỏ nhoi đáng thương như thế. Đến giờ tiêm Quinin. Y tá xách cái soong con và túi thuốc chui vào từng lán nửa chìm nửa nổi. Gọi từng người.

Chàng y tá chừng tuổi mình hỏi: ông nào là Nguyễn Trọng Luân D8? Tiêm! Tôi ngóc cổ lên, vâng tôi đây.
-  Tụt quần xuống!
Tôi làm theo, nhưng vẫn  ngoái cổ lại nhìn y tá kẹp cái mũi kim kẽ ngón tay. Bỗng tay y tá  giật giọng:
- Kinh quá!  Lính tráng gì mà bẩn thế. Cả mấy thằng thương binh lẫn bệnh nhân nhỏm dậy cùng nhìn vào đít tôi. Những tiếng cười trên những cái mồm méo xẹo. Chàng y tá nheo mắt chun mũi nhìn vào hai quả mông nhăn nhúm, xẹp lép đen như da cổ con trâu, long bong từng tảng ghét mầu xám chì, quà tặng của một tháng nằm chốt. Tôi kéo quần lên đánh sụt. Cơn sốt vẫn đang hầm hập, mắt ngầu ngầu  nhìn  y tá ( mắt ngầu sẵn vì sốt rét )
-  Ông biết tôi bẩn vì sao chứ? Đi thẳng từ chốt Chư Prông Ràng về đây đấy, sợ bẩn thì thôi, đéo tiêm nữa.
Cả lán 6 thằng gườm gườm nhìn tay y tá, rồi gần như đồng thanh:
-   Mày chê chúng tao bẩn thì mày cút đi.
Khỏi phải nói khuôn mặt chàng y tá trẻ ấy như thế nào. Lặng lẽ, hắn không cãi nhau nữa mà đi ra khỏi lán chúng tôi. Chẳng ai nói với ai lời nào. Rừng vẫn mưa, tiếng suối vẫn ong óc, thỉnh thoảng đại bác địch hú qua đầu.
Mươi phút sau, một y tá già hơn xuống tiêm. Không nói gì, không bình luận như không hề có câu chuyên lúc trước. Tối hôm đó, Tôi tỉnh táo hơn, trời cũng ngớt mưa, tôi ngồi ngoài tảng đá bên bờ suối, buồn tê tái. Có người đến gần ngồi bên tôi. Ra là y tá lúc sáng. Lặng im hồi lâu.
-   Ông là Luân đại học Cơ điện à?
Tôi: Ừ, đại học Cơ điện đây.
Rồi hắn bảo: Tôi xin lỗi, chuyện  buổi sáng nay. Tôi bảo: tôi quên rồi, chỉ mong hết sốt rồi về, mong không lên cơn ác tính thôi. Chả nghĩ gì nữa.
Hắn bảo: Tôi Đại học Sư phạm Việt Bắc đây. Nghe ông quát tôi lúc sáng tôi đoán ông ở đại học Cơ điện. Thế cơ điện tôi láo lắm à?
Hắn gãi đầu: ừ ừ, nó ngang ngang nhưng ngẫm lại ... thấy ... cũng đúng. Cơ điện các ông không lẫn được mặc dù rừng Tây Nguyên thì rậm thật nhưng vẫn nhìn ra các ông.

Chà, tay này khá đây. Mình hỏi, ông khoa Văn à? nó bảo không, khoa Địa. Những ngày sau, mỗi lần xuống tiêm hắn thường nán lại lán tôi, có hôm còn đưa thêm cho tụi tôi chục viên Polivitamin chua ngọt, của quí của chiến trường. Vài ngày sau cắt sốt, tôi và Thanh nói chuyện được nhiều hơn. Chàng y tá ấy là Lê Chí Thanh, người Trùng Khánh, Cao bằng. Thôi thì chàng ta hỏi đủ thứ chuyện trên đời nhưng chăm chú nhất là về Văn thơ, thế sự. Tôi có chút gì nghe lỏm đâu đó hoặc cả bịa ra cũng kể với Thanh. Nó còn cùng tôi ghi chép những suy nghĩ của lính sinh viên ở chiến trường nữa chứ, rồi nói về cách làm thơ viết văn ( mà hồi đó làm quái gì có ai dậy làm thơ viết văn như trường Nguyễn Du bây giờ ). Thanh vào lính trước bọn tôi, trước khi đi học y tá ở Tây Nguyên nó từng là lính D9. Cái ngày bọn tôi chạm mặt nhau là lúc Thanh mới về Viện Trung đoàn.

Rồi tôi và mấy thằng cùng lán ra viện về đơn vị chiến đấu. Hôm rời C24 quân y Thanh gói cho  tôi thêm liều thuốc F3 ( liều phòng số 3 sốt rét ). Tôi viết những bài thơ lõm bõm lúc ở viện tặng nó. Ai ngờ vài chục năm sau nó vẫn giữ .
Thanh về ĐH Sư phạm Việt Bắc, tôi về ĐH Cơ điện. Thỉnh thoảng lên tán gái sư phạm, ghé qua Thanh làm bát cơm nguội hay cái bánh mì để giành của nó. Mấy mươi năm vùn vụt trôi, tôi về xuôi nó lên ngược , chen chúc mưu sinh trầy vẩy. Chợt nhớ đến nhau lại qua điện thoại, lúc thì ông tôi, lúc lại mày mày tao tao tớ tớ.

Thanh về nghỉ rồi, tôi cũng thế. Khi nghỉ nó làm giám đốc sở Văn hoá Cao Bằng, tỉnh uỷ viên hẳn hoi. Nó viết báo làm thơ, viết ca khúc. Nghe mà choáng, nhưng ngẫm lại cũng thấy phải. Cái thằng, từ chiến trường nó đã có chí như thế kia mà. Hẹn nhau mùa hạt Dẻ lên Cao Bằng thăm nhau để uống rượu đêm Trùng Khánh trong tiết đầu đông mà chưa biết có đi được không. Huyết áp cứ phập phù, chợt nhớ anh Vương Trọng đã vui nói ... ” Chức tước chẳng thấy cao / Chỉ thấy cao huyết áp ...” . Muốn dịp này lên Cao Bằng có vài thằng lính Sinh viên đi theo cho bõ cái ngày chê nhau bẩn.

Mới hôm nọ Thanh gọi điện bảo tôi, ngày xưa mày bẩn thế mà còn làm đến Giám đốc, kêu ca gì nữa? 

NTL

Không có nhận xét nào: