Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

GIẢI NOBEL - ALNAMIT 2018

Ông Nguyễn Quốc Triệu, Trưởng Ban Bảo vệ,
chăm sóc sức khoẻ cán bộ T.Ư

Mặc dù có hơi trễ nhưng tôi vẫn xin gửi đến Ban Tổ Chức bản danh sách đề cử giải Nobel 2018. Nếu Ban Tổ Chức lỡ trao giải cho ai rồi thì đề nghị hủy ngang để trao hết giải cho các nhà pha học VN.
1. Giải Nobel Vật Lý
Giải Nobel Vật Lý năm nay xin được đề cử cho Sở Quy Hoạch Kiến Trúc Tp HCM với công lao phát hiện ra “khả năng bốc hơi đột ngột của tấm bản đổ làm bằng chất xenlulozo”.
Khi “đại án” Thủ thiêm đang bước sang giai đoạn nóng bỏng thì tấm bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm bống dưng... không thấy. Một tài liệu đồ sộ liên quan đến vận mệnh cả nghìn hộ dân mà bống dưng biến mất trong thời điểm cần thiết thì chỉ có thể là do khả năng bốc hơi đột ngột từ trạng thái rắn, không qua quá trình hóa lỏng, trong hóa học gọi là thăng hoa.

Với phát hiện quan trọng này, sở quy hoạch kiến trúc đã mở ra một chương mới cho rất nhiều quan chức thành phố. Một giải Nobel là hoàn toàn xứng tầm.
2. Giải Nobel Y sinh học:
Giải năm nay sẽ không có ai xứng đáng bằng đồng chí Nguyễn Quốc Triệu –Trưởng ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung Ương. Đồng chí Triệu đã có công nỗ lực tìm ra loại virus hoàn toàn mới, tạm gọi là virus Lạ.
Cụ thể, sau khi Chủ tịch nước băng hà, đồng chí Triệu đã đăng đàn công bố Ngài Chủ tịch đã mắc phải căn bệnh lạ do virus cũng rất lạ gây ra.
Kể cũng lạ, khi mà Chủ tịch nước đã mắc bệnh suốt hơn 1 năm trời, với 6 đợt điều trị tại Nhật, vậy mà cả thế giới vẫn không biết con virus đó là gì, nguồn lây nhiễm từ đâu, cơ chế lan truyền ra sao...? Một giải Nobel cho đồng chí Triệu không có gì là lạ.
3 Giải Nobel Hóa học:
Xin đề cử cho giải Nobel Hóa 2018 cho một công trình nghiên cứu mang tên: “Khả năng gây ức chế thần kinh của các phân tử hữu cơ trong hợp chất phân bón” của Công ty Thuận Phong – Đồng Nai.
Đề tài khoa học này đã rất nhiều lần làm nóng các nghị trường, bởi câu hỏi tại sao 6 cơ quan chức năng đã khẳng định là phân giả, mà đến giờ này Thuận Phong vẫn chưa bị khởi tố?
Cái thời khắc “giờ này” đã lặp đi lặp lại những mấy năm nay rồi. Có vẻ như Thuận Phong hoặc cơ quan chức năng coi dư luận cũng như... phân chăng? Vụ việc có dấu hiệu chìm xuống này đã gây ức chế không chỉ cho nông dân, mà cho toàn thể nhân loại tiến bộ.
4, Giải Nobel Kinh tế:
Với “thế nước đang lên” như hiện nay thì ở VN chắc hẳn sẽ có rất nhiều ứng viên nặng ký cho giải Nobel kinh tế.
- Đầu tiên phải kể đến nhà Kinh tế học lỗi lạc Quá Văn Thể với học thuyết “thu giá”. Với khả năng sáng tạo vô tiền khoáng hậu, “thu giá” có sứ mệnh giúp các ông chủ BOT nuốt trôi hàng nghìn tỉ đồng tiền phí.
- Tiếp đến là dự án nghiên cứu “Hiệu quả siêu kinh tế của cây lục bình” thuộc UBND Tỉnh Tiền Giang. Cụ thể, khi khởi đầu dự án vào hồi cuối tháng 7/2018, Tỉnh Tiền giang đã chi 8 tỷ đồng để diệt lục bình (bèo tây). Và rất nhanh chóng, chỉ chưa đầy 2 tháng sau, Tiền Giang nhà mình lại tiếp tục chi tiền tỷ để... trồng lục bình. Như vậy, chỉ xoay quanh 2 việc trồng và diệt lục bình, Tiền Giang đã kịp thời giải ngân cả chục tỷ đồng. HIệu quả không thể nào tả xiết.
- Cạnh tranh khốc liệt giải Nobel kinh tế năm nay còn có Nhà Xuất Bản Giáo dục. Bộ Dục cho biết, hàng năm việc xuất bản và phát hành sách giáo khoa đã làm Nhà xuất bản lỗ 40 tỷ đồng, nhưng số tiền chiết khấu lại lên tới 250 tỷ. Mô hình kinh doanh kiểu tưởng lỗ hóa ra lãi, tưởng lãi hóa ra lỗ... như thế này thì chỉ có ma mới biết được, nên trên thị trường người trần mắt thịt khó lòng mà cạnh tranh nổi. Một giải Nobel cho bộ Dục không có gì là to tát.
- Xứng tầm hơn cả vẫn là 3 dự án đặc khu kinh tế gây rúng động dư luận. 3 hòn đảo ngọc giá trị tựa như 3 lô đất vàng, như 3 cô á hậu 25k thế này thì khối kẻ thèm thuồng. Ấy vậy mà ông chủ lại còn khuyến mãi thêm vô số ưu đãi vào nữa thì quả là hiệu quả kinh tế không biết đâu mà kể. Nếu đặc khu đoạt giải thì chị Kim Ngân cũng sẽ là đồng tác giả, vì đã có công lớn trong việc đánh giá tiền khả thi: “Một đồng rót vào đặc khu để hút về hàng chục, hàng trăm đồng”. Mà chưa hết, giải còn phải chia phần cho đoàn nhà báo hùng hậu được mời đi Trung Quốc về rồi viết bài tuyên truyền cho Luật đặc khu nữa chứ.
5. Giải Nobel Văn học:
Có một số ý kiến đề xuất trao Nobel văn học cho Giáo sư Bùi Hiền với tác phẩm cải cách chữ Tiêw Việt. Tuy nhiên với những “cụk cặk lớn” ngay từ đầu, Giáo sư Bùi bị gạt khỏi danh sách đề cử.
Hai ứng viên sáng lóa cho giải Văn học năm nay lại là 2... nhà Báo, và rất có thể họ sẽ là đồng sở hữu. Dưới đây là 2 trích đoạn trong 2 tuyệt phẩm:
“...Những ngày nay, người dân Kim Sơn trắng đêm không ngủ, họ tựa vào nhau để ôn lại kỷ niệm đã qua. Trung thu năm nay, trăng vẫn tròn vạnh mà lòng người lại trống trải, hụt hẫng như khuyết một người thân. Trong mỗi ngôi nhà nhỏ ở Kim Sơn, đêm Trung thu thay vì kể cho con trẻ nghe câu chuyện về chú Cuội, chị Hằng, các bậc phụ huynh lại kể câu chuyện cổ tích khác. Đó là câu chuyện về tinh thần vượt khó từ thuở thiếu thời đến khi làm nên nghiệp lớn của bác Chủ tịch nước Trần Đại Quang rồi đọc cho con cháu nghe bức thư cuối cùng bác gửi cho các cháu thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu trước khi bác đi vào giấc ngủ vĩnh hằng.” – Chích tác phẩm “Kim sơn những đêm không ngủ”, tác giả Đào Hằng.
“...Về phần mình, trái tim tôi run lên mỗi khi nhìn thấy Ngài trên truyền hình, thấy mái tóc trắng phau của Ngài, phong thái điềm đạm nhưng uy kính, giọng nói ôn tồn nhưng đầy lửa cháy mà Ngài tạo ra. Và tôi đã khóc, vì thật lòng không thể tin được rằng ở một thời buổi như thế này vẫn còn một quan chức, một “SĨ PHU BẮC HÀ” như thế!” – Chích một bài (tên quá dài) của nhà báo Thể thao Phan Đăng.
6. Giải Nobel Hòa Bình.
Giải Nobel Hòa Bình năm nay xin đề cử cho 423 Đại biểu đã bấm nút thông qua luật Animal.
Bịt mồm bịt miệng hết cả các thành phần bất đồng, đối kháng... thì chả hòa bình thì là gì? Một giải Nobel Hòa Bình là không thể chối cãi.
7. Đề xuất có thêm giải Nobel công nghệ thông tin.
Tuy Viện Hàn Lâm Khoa Học Hoàng Gia Thụy Điển chưa có chủ trương trao giải Nobel Tin học, nhưng do vấn đề 4.0 tại VN đang rất thời thượng, nên tôi đề nghị trao thêm giải này, và các đề cử cho giải như sau:
- Đề tài 1: “Ứng dụng công nghệ sửa điểm tự động vào kỳ thi Phổ thông trung học Cuốc Ra” – Tác giả: Tập thể sở Ráo Rục Hà Gian.
- Đề tài 2: “Ứng dụng 4.0 trong công tác quản lý hoạt động cờ bạc online” – Tác giả Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa.
- Đề tài 3: “Chủ trương sáng suốt trong việc bãi bỏ yêu cầu chụp hình chân dung chủ thuê bao di động sau khi đã bắt toàn dân nô nức đi chụp ảnh” – Tác giả: Bộ Thông tin truyền thông.
(Hienmq Aq).
Nguồn Trung Tran

Không có nhận xét nào: