Thứ Tư, 10 tháng 10, 2018

Có Quyết Tâm thì 1500 tỷ cũng là chuyện nhỏ...

Đội tuyển nam và nữ Việt Nam 2018 xếp thứ 7/185 quốc gia.

Nam Nguyen
THỬ THÁCH TIÊU TIỀN
Chuyện bây giờ mới có thể kể. Nhân dịp cả xã hội sôi nổi bàn chuyện 1500 tỷ tiêu gì, đã nhiều phân tích quá rồi, nên tôi xin kể câu chuyện khác, vẫn chuyện tiêu tiền thôi. Tất nhiên như người ta nói chả sai, “kiếm tiền đã khó, giữ được tiền còn khó hơn, mà tiêu như thế nào là khó nhất” – điều đó đúng cho từng cá nhân, và lại càng đúng cho các hội nhóm, công ty, tập đoàn, quốc gia...
Trong năm 2018 này Chủ tịch Liên đoàn cờ vua thế giới (FIDE) Kirsan Ilyumzhinov có mấy chuyến công tác ngắn ngày sang Việt Nam, trong nội dung làm việc có một chủ đề: đề nghị Việt Nam đứng ra đăng cai Olimpyad cờ vua thế giới năm 2022. Trong mọi cuộc gặp gỡ với các chính khách Việt Nam, từ những cựu nguyên thủ như ông Nguyễn Minh Triết, cho đến các lãnh đạo cao cấp đương nhiệm như Nguyễn Thiện Nhân, Vũ Đức Đam hay người trực tiếp phụ trách thể thao là ông Nguyễn Ngọc Thiện một chính trị gia lão luyện như Kirsan không bao giờ bỏ qua mà không nhắc nhở đến chủ đề này....
Thông điệp của Chủ tịch Kirsan Ilyumzhinov tóm tắt như sau: “Tổ chức một Olympiad cờ vua thế giới là một vinh dự lớn cho bất kỳ quốc gia nào. Xin nhớ là chưa có một quốc gia châu Á nào được đứng ra tổ chức sự kiện này, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore hay Ấn Độ đều là những cường quốc với tiềm lực tài chính rất mạnh mà mấy chục năm nay xin đăng cai không được – đơn giản vì “cờ vua” hay “thể thao” đỉnh cao nói chung đó cũng là chính trị đỉnh cao. Olympiad: đó là mười ngày thì đấu liên tục, có khoảng hai nghìn vận động viên quốc tế và huấn luyện viên nữa thì khoảng ba nghìn người tập trung lại thi đấu, sẽ được phóng viên của hầu hết các hãng thông tấn trên thế giới đưa tin, tất nhiên hàng chục nước có tham gia sẽ đưa tin liên tục rồi. Cả thế giới sẽ theo dõi sự kiện nhiều ngày này, không một quảng cáo nào cho quốc gia có thể tốt hơn như vậy, nhất là Việt Nam có thành tích rất tốt ở môn thể thao trí tuệ này! Có thể tổ chức ở Hà Nội, Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Ninh Bình... nhiều địa phương ở Việt Nam có điều kiện và kinh nghiệm tổ chức giải lớn rồi. Chi phí ư – cần chi phí để xây hay sửa sang một số công trình nhà thi đấu, nơi ăn ở... đạt tiêu chuẩn FIDE đòi hỏi, và chi phí ăn ở, đi lại cho vận động viên các nước. Với các nước “đắt tiền” thì chi phí tổng cộng klhoảng 25-30 triệu USD, với Việt Nam chi phí đó chỉ 15-18 triệu USD. Và xin nhớ rằng tất cả cơ sở vật chất đó sẽ được tiếp tục sử dụng, tức là chi phí thực chất chỉ khoảng 5 triệu USD. Các bạn Việt Nam có hiểu một cường quốc cờ vua và một thế lực kinh tế đang muốn vươn ra như Trung Quốc họ sẵn sàng bỏ chi phí bao nhiêu không?”
Cũng trong những cuộc gặp gỡ này ông Kirsan nhắc khéo, tất nhiên bằng ngôn ngữ ngoại giao đủ để người đối diện hiểu rằng ông đã lãnh đạo FIDE 25 năm nay, và với sự chống phá của Mỹ đối với cá nhân ông và vị trí của ông ở FIDE thì có thể hết nhiệm kỳ này ông sẽ dừng “ván cờ” này, nhưng nước Nga hay Putin không bao giờ từ bỏ vị trí lãnh đạo của Liên đoàn thể thao với hơn 200 các quốc gia thành viên, nơi duy nhất đại diện Nga đang “cầm cái” đâu. Và ngoài Trung Quốc ra thì không hề thiếu những quốc gia muốn đăng cai, nhưng ông muốn Việt Nam đăng cai Oympiad cờ vua 2022 bởi vì tình cảm sâu nặng của ông đối với Việt Nam, đó là điều duy nhất tốt đẹp ông đang có thể làm được cho cờ vua Việt Nam, cho đất nước và các bạn Việt Nam khi còn ngồi ở FIDE.
Tôi vẫn nhớ cuộc gặp của ông Kirsan với bộ trưởng văn hóa-thể thao-du lịch Nguyễn Ngọc Thiện sau giải cờ vua quốc tế HD Bank 3/2018. Ông Thiện đã trải qua thời sinh viên ở Ukraina, nhưng Kirsan thật sự bất ngờ khi đã qua phần giao tiếp “long trọng” vị bộ trưởng tâm sự rằng đã có thời gian đến ở và lao động rất đáng nhớ tại Большой Царын là một nông trang trồng lúa heo hút ở nước cộng hòa Kalmykia nơi Kirsan đã từng làm Tổng thống 17 năm liền (thử tưởng tượng bạn đang gặp một vị bộ trưởng nước ngoài, và vị này nói “ngày trước tôi có thời gian làm việc ở nông trường Đồng Dao...” – cũng tương tự như vậy!). Và ông Thiện cũng giãi bày thật – tuy rằng nội dung thì không mới sau các cuộc gặp gỡ kể trên – rằng số tiền 5 triệu hay 15 triệu USD ấy coi là nhỏ thì nhỏ thật, nhưng nó cũng lớn lắm đấy, có làm được phải xin “chủ trương” khó lắm, “quy trình” thì có nhưng “tiền lệ” thì chưa, bộ cũng chỉ có chức năng điều phối, báo cáo thôi... Tức là rất khó! Chủ tịch Kirsan trả lời rằng ông vẫn biết vậy nhưng vẫn hy vọng phía chính phủ Việt Nam hiểu được giá trị của cơ hội này, và đăng ký tham gia chậm nhất là 7/2018, nếu không sẽ muộn.
Có lẽ kết quả các bạn cũng đoán được trước. Nhiều bạn Việt Nam giải thích cho Kirsan rằng ở Việt Nam chỉ có một người có quyền quyết thôi, đó là Thủ tướng, nhưng với những vấn đề mang tính “quốc tế” thì ngay Thủ tướng cũng chưa chắc một mình quyết được... Kirsan chỉ cười và bảo đã sống và lớn lên ở một nơi chả khác gì Việt Nam đâu, nơi mà ai sắm chiếc ô tô đẹp có khi cả thành phố biết, thì chả thể nói là Thủ tướng không biết về vấn đề này được. Còn ông đang thấy một chuyện ngược đời, là đáng nhẽ Việt Nam phải “lobby” chuyện này với ông, thì bây giờ chính ông lại “lobby” với Việt Nam, không chỉ một lần... Có thể Việt Nam không có “duyên” với Olympiad cờ vua thế giới??
Và mới đây thôi không phải vì Việt Nam ta đầu tư trọng điểm cho môn cờ vua (mà có khi hoàn toàn ngược lại) tại giải Olympiad Cờ Vua thế giới 2018 ở Gruzia với 185 nước tham dự đại kiện tướng Nguyễn Ngọc Trường Sơn đạt HCV cá nhân ở bàn 2! Đội tuyển Nam đứng thứ 7 thế giới. Đội Nữ đứng thứ 15 thế giới. Xếp hạng hỗn hợp đồng đội cả Nam và Nữ chúng ta đứng thứ 10 thế giới – một thành tích có lẽ chả môn thể thao khác nào của Việt Nam có thể so sánh được với cờ vua! U23 chả biết xếp thứ bao nhiêu nữa...
Hãy xem lời tâm sự của kỳ thủ số 1 của chúng ta là Lê Quang Liêm – người chơi bàn 1 và không để thua ván nào trước các kỳ thủ mạnh nhất thế giới: “10 năm trước, khi mình cùng đội tuyển VN đạt hạng 9 chung cuộc Olympiad và cúp vàng nhóm B, nhiều người nói đó là kết quả không tưởng và rất may mắn. 6 năm trước, khi chúng mình đạt hạng 7 chung cuộc Olympiad (mình suýt đoạt huy chương bàn 1), nhiều người nói đó là kỳ tích không biết bao giờ mới có thể lặp lại. Hôm nay, đội nam chúng ta đã tái lập kỳ tích xuất sắc trên với hạng 7/185, trong một kỳ Olympiad nhiều đội và mạnh nhất trong lịch sử. Dù chỉ xếp hạt giống số 27 ban đầu, đội đã có thứ hạng cuối cùng trên cả nhiều cường quốc cờ vua như Armenia, Pháp, Ukraine, Đức, Azerbaijan, Hungary, v.v. ..”.
Xếp thứ 7 trên 185 nước tham gia – nếu ở “sân nhà” thành tích hoàn toàn có thể cao hơn! Và một hình ảnh quốc gia trí tuệ, hiếu khách, văn minh thế nào có thể truyền tải tới toàn thế giới trong khoảng 2 tuần! Một cú hích thế nào đối với lớp trẻ yêu thích trò chơi trí tuệ này. Với một chi phí khoảng trên trăm tỷ... Đủ biết “trình độ tiêu tiền” của tất cả chúng ta đang ở đẳng cấp nào rồi!
Vài ngày trước đây thôi một phó thủ tướng Nga là Arkady Djorkovich đã chính thức trở thành tân Chủ tịch Liên đoàn cờ vua thế giới FIDE, những gì mà các quan chức nước ta có thể biết trước đã nửa năm. Còn Olympiad thì dễ hiểu là sẽ tổ chức không phải ở Việt Nam... Khi chúng tôi chúc mừng Kirsan Ilyumzhinov với một giai đoạn mới sau 25 cờ vua, anh ấy có nhắc lại là “đáng tiếc nhất cho Việt Nam đã non nớt về chính trị và bỏ lỡ Olympiad cờ 2022!”. 
Chả biết phản bác thế nào, hôm đó tôi chưa nghĩ ra cái từ để giải thích cho anh ấy hiểu, nước ta chả phải thiếu 5 triệu hay 15 triệu USD cho bộ môn cờ vua hay cho thể diện quốc gia đâu. Cái lúc đó ta thiếu bây giờ tôi đã hiểu, đó là Quyết Tâm! Chứ có Quyết Tâm thì 1500 tỷ cũng là chuyện nhỏ...

Không có nhận xét nào: