Thứ Ba, 9 tháng 10, 2018

Khi dã Tâm đã Quyết!


Khi dã Tâm đã Quyết!

Thủ Thiêm, nơi hàng loạt dân oan mất đất mất nhà, sống không ra sống chết không ra chết hàng chục năm trời, mà còn lừng lững lên đó cái nhà hát, thì không còn từ gì để tả với các vị nữa.

Hôm nay, trên Facebook Tường Minh, tôi đọc được những thông tin này:

- Nhà hát Hoàn Vũ (Cam Ranh, Khánh Hòa), do Tư nhân làm
+ 7.500 chỗ ngồi, đầu tư khoảng 220 tỷ đồng
+ Suất đầu tư 29,3 triệu đồng/ghế

Thời gian xây trong 5 tháng
Đạt chuẩn quốc tế, từng tổ chức Hoa Hậu Hoàn Vũ Thế giới, truyền hình trực tiếp trên hàng trăm kênh truyền hình thế giới.

- Dự án Nhà hát Giao hưởng (Thủ Thiêm, TP.HCM), do TPHCM làm
+ 1.700 chỗ ngồi, đầu tư dự kiến 1.500 tỷ đồng
+ Suất đầu tư 882,3 triệu đồng/ghế

Ừ, thì giá vật liệu từng thời điểm mỗi khác nhưng leo đến mức này thì đúng là các vị đã đưa nỗi đau của người dân ra mà bỡn cợt rồi đấy. Từ bà Nghị lớn đến bà Nghị nhỏ, đã hoàn thành một bản hợp ca mở màn Hát trên những xác người quá thành công rồi còn gì!

Chúc mừng bà Quyết Tâm, một khi (dã) Tâm đã QuyếtHôm nay, có một nữ nhà báo trước đây mình kính trọng, tỏ vẻ khinh khỉnh coi thường những người không ủng hộ việc xây cái nhà hát này. Rằng theo chị đừng đánh đồng nhạc giao hưởng với các khái niệm khác. Thưa với chị, Nhà hát ở Việt Nam để biểu diễn nhạc giao hưởng không thiếu đâu. Hà Nội đã có. Sài Gòn đã có. Toàn ở vị trí trung tâm. Nếu dân muốn nghe giao hưởng thì hai cái nhà hát đó dư sức. Mắc mớ gì mà lội sang Thủ Thiêm mà nghe hả chị?

Một đất nước mất căn bản, nhạc một nốt bẻ đôi không biết, nghệ thuật thì hầu như chưa ai xoá mù, thôi thì cắp sách đi học đã, rồi học thêm cách bảo vệ di sản cái đã, rồi bỏ tiền mua vé vào các Nhà hát hiện có mà ngồi cho đủ chỗ đi cái đã, chứ khoan đã nói xây thêm nhà hát chị ạ! Chứ mấy ai mà giỏi như chị, uyên bác như chị, chui tọt vào Nhà hát mà ngồi chễm chệ vỗ tay rào rào khi biểu diễn giao hưởng được ngay đâu. Thế nên, tốt nhất chị đừng nói gì, thay vì nói ra những điều kệch cỡm! Bởi mất căn bản về kiến thức có thể bổ túc được chứ mất căn bản về lương tâm thì không thể nào bổ túc được chị ạ!

Xưa nay việc xây nhà hát không phải chuyện lạ. Dân có bao giờ bất bình đâu? Xây bao cái Nhà hát rồi, bao cái sân vận động rồi, hết thành phố này đến tỉnh nọ, có ai phản ứng gì? Nhưng Thủ Thiêm thì khác. Và tại sao phải là Thủ Thiêm? Tại sao lại nhảy múa nơi oan gia ngập ngụa ở cái đô thị đắt giá nhất thế giới này?

Và tại sao lại là bà Quyết Tâm cùng với cái gọi là "Hội đồng nhân dân" ủng hộ điều này, và đưa nhân dân ra làm "bảo chứng" khi mà quý vị chưa và chưa bao giờ thuộc về nhân dân?
FB Hoàng Nguyên Vũ
***

Nhà hát của những bóng ma

Để đo sự phát triển của một xã hội người ta đếm số bảo tàng và nhà hát chứ không phải cao ốc. Thế nhưng, đó phải là những nhà hát được xây dựng khi các nhu cầu cơ bản trong đời sống của thị dân đã được đáp ứng như y tế, giao thông, giáo dục... Nghệ thuật là phần hồn của con người còn các nhu cầu vừa kể trên là phần xác. Không bao giờ có tâm hồn tươi đẹp trong một thể xác bệnh hoạn ốm yếu. Và, càng không bao giờ có một tâm hồn đẹp đẽ cao sang như thứ nghệ thuật đỉnh cao là opera được xây dựng trên chính mảnh đất đầy uất hận, oan khiên, căm giận như Thủ Thiêm.
Dường như là một trò trêu ngươi dư luận khi những sai phạm ở Thủ Thiêm chưa được xử lý đầy đủ, những oan ức, khuất tất mà người dân nơi này chịu đựng vẫn chưa được bù đắp; thì “đại diện nhân dân” lại 100% đồng ý xây dựng cái nhà hát, mà phải là nhà hát opera mới chịu. Không ai trong số các đại biểu đó có thể nghe hết một bản opera đâu. Bởi, người có đủ vốn tri thức và mỹ học để thẩm thấu và hiểu được nghệ thuật đỉnh cao như opera thì không thể thông qua việc trớ trêu như vậy.
Ai sẽ hát trong cái nhà hát 1.500 tỷ ấy? Chính những người dân oan mất đất? Tác phẩm đầu tiên được trình diễn ở đó có bật lên được tiếng thét uất ức của những người phải chứng kiến người thân của mình phải treo cổ vì mất nhà mất cửa! Khán giả nào sẽ khoác lên mình những bộ lễ phục hào nhoáng bước vào cái nơi chốn ấy để thưởng thức nghệ thuật mà không chút băn khoăn họ đang đạp lên chính sự căm phẫn của bao nhiêu người dân nhà tan cửa nát mấy mươi năm sống lay lắt? Trong số ấy, tôi đồ rằng sẽ có ông tiến sĩ biết tuốt ưa bợ đỡ chính quyền như ông Lương Hoài Nam.
Có trớ trêu không khi người ta quyết phá cho được ngôi chùa Liên Trì có tuổi đời gần bằng Sài Gòn. Đòi phá cho được các công trình của dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, thậm chí có tuổi đời lâu hơn cả quá trình lập quốc của Canada. Để bây giờ lại nhân danh văn hoá đòi xây nhà hát. Không, khi tôi nhìn những công trình còn dang dở như hệ thống Metro, nhìn những giường bệnh nhung nhúc trẻ bệnh, nhìn dòng người cam chịu cảnh kẹt xe trong nước ngập hôi thối, nhìn những người công nhân gầy gò xanh xao đem con trẻ gửi vào những nơi ẩm thấp tăm tối và đầy bạo lực.... Không, tôi không tin những kẻ đang lãnh đạo một thành phố góp 1/3 GDP quốc gia mà đời sống người dân còn đầy nhọc nhằn như vậy lại có thể đủ vốn văn hoá hay tri thức để có lòng với nghệ thuật đỉnh cao như opera.
Nói các vị trưởng giả học làm sang là nhẹ cho các vị, phải nói đúng các vị là thứ đục nước béo cò. Sự trơ lỳ vô cảm của các vị xứng đáng với một tấm bia đá khắc đầy đủ tên họ của những đại biểu HĐND khoá này, những kẻ 100% thông qua cái dự án nhà hát opera. Bia đá đó sẽ được dựng trước cửa nhà hát. Nếu các vị đồng ý, tôi sẽ chịu phần kinh phí làm bia, khỏi cần tổ chức một cuộc họp để thông qua cho phí tiền thuế của dân.
Cái nhà hát ấy, sẽ là nhà hát của những bóng ma, bóng ma của các linh hồn phẫn uất khi bị cướp trắng đất đai nhà cửa. Chính những bóng ma ấy mỗi đêm sẽ diễn lại vở opera vô ngôn đầy nước mắt mang tên Thủ Thiêm.
Trung Bảo

Không có nhận xét nào: