Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2019

40 năm cuộc chiến vệ quốc 1979. Chuyện, báo chí chưa bao giờ viết.


Ho Bat Khuat
16/02/2019 
Kỷ niệm 10 năm cuộc chiến vệ quốc 1979, tôi được cử lên Lạng Sơn 1 tháng. Ở đó tôi nghe được những câu chuyện mà báo chí chưa bao giờ viết. Xin kể lại để chúng ta biết và suy ngẫm.
Tháng 12/1988, tôi được báo là chuẩn bị đi công tác Lạng Sơn. Trước ngày lên đường, lại được báo là cần gặp ông Đinh Nho Liêm - Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao.
Tôi đến nhà ông ấy ở số 3 Cao Bá Quát (Ba Đình, Hà Nội). Nhìn thấy tôi, ông Đinh Nho Liêm thất vọng (hay ít ra cũng không hài lòng) nhưng rồi ông vẫn mời tôi vào nhà. Khi đã ngồi xuống ghế, ông Đinh Nho Liêm hỏi tôi: “Cậu làm việc ở Tạp chí Cộng sản được bao lâu rồi?”/ “Dạ, 6 năm ạ.”/ “Học ở đâu ra?”/ “Ở Liên Xô về ạ”/ “Quê ở đâu?”/ “ Quỳnh Lưu, Nghệ An ạ”…
Sau khi “hỏi ngắn, đáp gọn” như vậy, ông Đinh Nho Liêm có vẻ vui tươi hơn một chút nhưng lại hỏi rất nghiêm trang: “Cậu biết rõ nhiệm vụ đi Lạng Sơn của mình lần này rồi chứ?”/ “Dạ, việc của nhà báo thì chỉ viết thôi chứ còn làm gì nữa ạ?!”/ “Đúng là viết nhưng không phải viết bình thường, mà cậu chắp bút cho Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn La Thăng (1922 -2014) một để viết bài kỷ niệm 10 năm chiến tranh biên giới với Trung Quốc để đăng vào số tháng 2/1989 của Tạp chí Cộng sản. Tinh thần là kỷ niệm 10 năm cuộc chiến đẫm máu nhưng không phải gây thù hận, mà là bắt tay giảng hòa. Chắc cậu hiểu rõ ý nghĩa của việc này rồi…”.
Sau đó, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm nói về sự cần thiết phải bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc; sự lắt léo, khó khăn, phức tạp của việc này. Tôi ngồi nghe chăm chú nhưng chưa hình dung được mình sẽ viết ra sao, mặc dù việc chắp bút (viết cho người khác đứng tên) tôi cũng đã làm khá nhiều.

Đoàn công tác của Tạp chí Cộng sản do Vụ trưởng Vụ Quốc tế Nguyễn Trọng Thụ dẫn đầu được Tỉnh ủy Lạng Sơn tiếp đón rất trọng thị. Bí thư La Thăng tin tưởng là sắp tới, quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc sẽ có bước chuyển biến tích cực. Sau 5 ngày, đoàn trở về Hà Nội, riêng tôi ở lại. Nhiệm vụ của tôi là trong một tháng phải viết xong bài báo dài cỡ 3 – 4 ngàn chữ để kỷ niệm 10 năm cuộc chiến với Trung Quốc trên biên giới phía Bắc với tinh thần hòa giải.
Để nắm được tình hình cuộc chiến 10 năm về trước, tôi được tiếp cận với mọi tài liệu mật, được lên các đồn biên phòng, được hỏi Bí thư La Thăng. Tuy nhiên, người luôn luôn trò chuyện với tôi, cung cấp nhiều thông tin và nhiều nhận định có giá trị là ông Trần Rỹ - Trưởng Ban Tuyên huấn (ngày đó chưa gọi là Tuyên giáo) Tỉnh ủy Lạng Sơn. Ông Trần Rỹ người Hà Tây, trong chiến tranh biên giới 10 năm về trước, ông mang quân hàm đại tá và giữ chức Phó Tư lệnh mặt trận Lạng Sơn.
Sau khi bài báo đã được hình thành, chỉ chờ Ban thường vụ Tỉnh ủy có ý kiến, Bí thư chỉnh sửa nữa là xong; ông Trần Rỹ nói với tôi: “Tớ kể chuyện này cho cậu, nghe để biết thôi chứ không phải để viết báo đâu nhé!”. Tôi hứa với ông là sẽ không viết báo về chuyện này trong thời gian sắp tới. Nếu chúng ta có luật giải mật, chuyện ông Rỹ kể chắc cũng được giải mật rồi. Hơn nữa, đây không phải là viết báo, mà chỉ viết trên facebook – “nhà” của tôi.
Theo ông Trần Rỹ, khi chiến tranh xẩy ra, trên mặt trận Lạng Sơn, phía ta có khoảng 50.000 quân, kể cả bộ đội địa phương. Trung Quốc dồn vào hướng Lạng Sơn tới 180.000 quân. Vì vậy, dù chiến đấu rất dũng cảm nhưng quân ta vẫn phải vừa đánh, vừa rút lui và chịu tổn thất khá nặng. Trước tình thế khó khăn, ngày 24/2/1979, Quân khu I quyết định thành lập Mặt Trận Lạng Sơn do Thiếu tướng Hoàng Đan làm Tư lệnh. Ông từ Hà Nội lên nhận nhiệm vụ và ra chiến trường khảo sát ngay. Không may, chiếc xe bọc thép ông đi bị trúng đạn, nổ tung. Tất cả những người trong xe đều hi sinh, riêng ông Hoàng Đan không hề hấn gì. Tuy nhiên, ông biết rằng quân ta sẽ không thể giữ được thị xã Lạng Sơn. Đồng Bành (cách thị xã Lạng Sơn khoảng 18 km) được chọn làm “Đại bản doanh” của quân ta để củng cố lực lượng và chờ cơ hội phản công.
Đúng như nhận định của Thiếu tướng Hoàng Đan, ngày 3/3/1979, quân Trung Quốc chiếm được Lạng Sơn. Ngay trong đêm hôm đó, Tổng Bí thư Lê Duẩn có mặt ở Đồng Bành, ông tỏ ra rất tức giận vì mất Lạng Sơn, đến nỗi ông văng tục: “Các cậu đánh đấm như con c.., mất mẹ nó Lạng Sơn!”. Ông họp với Bộ Tư lệnh Mặt trận Lạng Sơn và đưa ra một quyết định ghê gớm: Phải san phẳng thành phố Bằng Tường để trả đũa việc Trung Quốc chiếm thị xã Lạng Sơn.
Lúc này, với sự trợ giúp về vận tải của Liên Xô, quân chính quy của chúng ta đã có mặt ở Bắc Giang với nhiều vũ khí, khí tài hiện đại. Thực hiện chỉ đạo của Tổng bí thư Lê Duẩn, dưới sự chỉ huy của Tướng Hoàng Đan, chỉ trong một thời gian ngắn (chủ yếu là đêm ngày 4/3/1979), ta đã đưa vào vị trí chiến đấu hàng chục dàn hỏa tiễn “Cachiusa”. Đây là loại vũ khí nhiều nòng có thể bắn hàng loạt đạn tới thành phố Bằng Tường của Trung Quốc; chỉ còn chờ lệnh khai hỏa là thành phố này bị xóa sổ. Tướng Hoàng Đan là người chủ trương “đánh cho Trung Quốc hiểu rằng, họ sẽ phải trả giá không chịu đựng nổi” nên chuyện ta phản công mạnh mẽ là điều không tránh khỏi. (Nghe đến đây, tôi dựng tóc gáy vì năm 1976, tôi qua lại thành phố Bằng Tường 3 lần và biết đây là thành phố xinh đẹp, đông dân, có đường sắt hữu nghị Hà Nội – Bắc Kinh chạy qua. Nếu ta trang bằng thành phố này, Trung Quốc sẽ không ngồi im. Và thế là cuộc chiến tranh càng đẫm máu thêm).
Nhưng sáng ngày 5/3/1979, Trung Quốc bất ngờ tuyên bố rút quân. Nhận được tin này, Bộ Tư lệnh Mặt trận Lạng Sơn hội ý và thảo luận là có phản công và “san phẳng” thành phố Bằng Tường nữa hay không? Tất cả nhất trí là phải hỏi ý kiến Tổng bí thư Lê Duẩn vì chính ông ra lệnh san phẳng Bằng Tường để trả đũa việc Trung Quốc chiếm và tàn phá thị xã Lạng Sơn. Dù là người chủ trương “san phẳng” Bằng Tường nhưng khi Trung Quốc tuyên bố rút quân, ông Lê Duẩn cũng nguôi giận và cho rằng, không cần phải đổ máu thêm nữa. Tướng Hoàng Đan tuy tiếc công đã đưa được vũ khí, khí tài vào vị trí chiến đấu rồi nhưng vẫn đồng tình với chủ trương không phản công, không truy kích khi Trung Quốc rút quân.

Nếu Trung Quốc không tuyên bố rút quân vào ngày 5/3/1979 thì trên mặt trận Lạng Sơn chắc chắn hai bên sẽ còn mất nhiều sinh mạng hơn nữa, thù hận sẽ còn sâu sắc hơn nữa. Nay, kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đẫm máu với người láng giềng Trung Quốc, tôi kể lại chuyện được nghe để thấy chúng ta không hề sợ Trung Quốc, dù họ đông, họ mạnh hơn.


(Ông Lê Duẩn chụp ảnh kỷ niệm với Ban chỉ huy Mặt trận Lạng Sơn - ảnh trên mạng Internet)
***
Tin liên quan:

VỊ XUYÊN PHẢI ĐƯỢC NHỚ MÃI!

(Hôm nay 17/2/2019, đúng 40 năm ngay Trung Quốc nổ súng xâm lược nước ta. Tôi đã nói nhiều về Lạng Sơn nhưng thực ra nơi ác liệt nhất, mất mát, đau thương nhiều nhất trong cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược là ở Vị Xuyên, Hà Giang. Hôm nay xin đưa lại bài tôi viết và công bố vào ngày 26/7/2014)

VỊ XUYÊN PHẢI ĐƯỢC NHỚ MÃI!

26 tháng 7, 2014 • Bao nhiêu năm qua, vì sự “tế nhị” trong quan hệ với Trung Quốc, cuộc chiến tranh biên giới phía bắc đẫm máu gần như không được nói đến như một phần lịch sử bi thương và hào hùng của dân tộc Việt Nam. Hè năm 2014, Trung Quốc mang giàn khoan 981 vào hạ đặt trong vùng biển của Việt Nam đã bóc trần âm mưu thâm độc của họ. Từ đây, người Việt Nam đã có thể công khai nói lên thái độ của mình với người hàng xóm đầy tham vọng và nham hiểm này.

Ngày 12/7/1984: Ngày đau thương
Ngày 12/7/2014, chẵn 30 năm ngày diễn ra trận đánh ác liệt ở Vị Xuyên (Hà Giang), rất nhiều người nhớ đến trận đánh này và tìm cách kỉ niệm. Đây là trận đánh mà ta thương vong rất lớn, riêng sư đoàn 356 đã mất hơn 600 chiến sĩ chỉ trong một ngày. Theo báo chí nước ngoài, sở dĩ ta bị tổn thất lớn như vậy vì kế hoạch tác chiến bị lộ, có kẻ phản bội.
Dẫu vậy, lòng quả cảm của các chiến sĩ hi sinh trong trận đánh này đã khích lệ tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ sau này. Ngày 14/7/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có cuộc gặp gỡ cựu chiến binh Vị Xuyên, phần lớn là chiến sĩ sư đoàn 356.

Đại tá Nguyễn Đức Cam - nguyên phó sư đoàn trưởng - nhớ lại: “Năm 1984, do yêu cầu của nhiệm vụ, sư đoàn được điều động sang Hà Giang. Từ năm 1984-1988, sư đoàn 356 chiến đấu để giữ vững từng tấc đất, ngọn cỏ của biên giới Vị Xuyên. Sư đoàn có hai liệt sĩ được phong anh hùng, một tiểu đoàn là anh hùng lực lượng vũ trang”. Còn cựu chiến binh Đặng Việt Châu nói: “Lúc bấy giờ, người lính sư đoàn 356 đã khắc trên báng súng những lời thề “Sống bám đá, chết hóa đá, thành bất tử”, “Giặc này phải đánh, không thắng không về”... Nhờ sử dụng chiến thuật hợp lý (đánh nhỏ, dùng đặc công là chính), ta đã làm cho quân Trung Quốc tổn thất nặng nề và chiếm lại những cao điểm đã mất.

Sư đoàn 356 nguyên gốc là sư đoàn 316B thành lập vào cuối năm 1974 để làm lạc hướng quân địch. Kết thúc chiến tranh chống Mỹ, sư đoàn 356 chuyển sang làm kinh tế ở Quế Phong (Nghệ An), tham gia xây dựng đường tàu Thống Nhất. Tháng 2-1979, Trung Quốc tấn công biên giới, sư đoàn chuyển sang huấn luyện chiến đấu và được điều từ Nghệ An ra Lào Cai để bảo vệ biên giới phía Bắc. Từ năm 1984, đơn vị được điều lên Hà Giang làm nhiệm vụ đánh đẩy lùi quân địch để bảo vệ biên giới. Năm 1989, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, sư đoàn 356 giải thể.

Trong cuộc gặp gỡ Chủ tịch nước, các cựu chiến binh sư đoàn 356 đã kiến nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sĩ trên địa bàn chiến trường Vị Xuyên, đồng thời tạo điều kiện xây dựng nơi đây một đền thờ để có chỗ thăm viếng, hương khói. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đồng ý với các kiến nghị của đại diện sư đoàn; Chủ tịch nước nói:“Đề nghị văn phòng truyền đạt ý kiến của tôi với tinh thần như vậy cho Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Bộ Quốc phòng...”.

Nhắc lại những trận đánh đẫm máu ở Vị Xuyên trong những năm 1984 – 1988 để chỉ ra rằng, cuộc chiến tranh biên giới phía bắc nổ ra vào ngày 17/2/1979 không kết thúc vào ngày 16/3/1979 như tuyên bố của Trung Quốc cũng như sự cố tình lầm tưởng của một số nhà sử học, cả ở Việt Nam, lẫn trên thế giới.

Xin nói thêm là những tướng lĩnh có công trong những trận đánh để chiếm lại các đỉnh cao ở Vị Xuyên đều chết vì tai nạn máy bay ở Lào (25/5/1998) và ở đảo Hòn Mê .

(26/1/2003).
Từ sông Thạch Hãn đến núi đồi Vị Xuyên

Theo nhiều người, ở Quảng Trị có 2 nghĩa trang lớn không có mộ là sông Thạch Hãn và thành cổ Quảng Trị. Năm 1972, trong 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị, mỗi đêm có hàng trăm chiến sĩ vượt sông Thạch Hãn vào thành Quảng Trị; đã có hàng ngàn chiến sĩ hi sinh, nằm lại ở những nơi này. Tinh thần quả cảm, không sợ hi sinh của các chiến sĩ chiến đầu ở đây đã khiến nhân dân cả nước khâm phục.

Có một cựu chiến binh tên là Lê Bá Dương; quê ở Nghệ An, đã tham gia chiến đầu ở nơi này mùa hè năm 1972. Sau chiến tranh, ông sống ở Nha Trang. Năm 1987, ông trở về chiến trường xưa, gom hết hoa ở chợ thả xuống dòng sông Thạch Hãn và viết những câu thơ: Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...

Từ đó đến nay, hàng năm vào dịp 27/7, hàng vạn người từ mọi miêng đất nước đổ về đây, thả hoa xuống dòng sông Thạch Hãn để tưởng nhớ các chiến sĩ đã hi sinh.
Cũng theo nhiều người, những trận đánh diễn ra ở Vị Xuyên trong năm 1984, thậm chí còn đẫm máu hơn, mất mát còn lớn hơn mùa hè năm 1972 ở Quảng Trị. Ấy thế nhưng báo chí ít viết về điều này; những chiến sĩ hi sinh tại đây ít được nhắc đến. Nhưng bắt đầu từ năm 2014 đã có sự đổi khác. Ngay từ đầu năm, đài hương tưởng niệm ( được xây dựng hoàn toàn bằng tiền đóng góp của các cựu chiến binh) đã được xây dựng trên cao điểm 486 – nơi ngày xưa là sở chỉ huy của sư đoàn 356.

Trên các cao điểm 486, 685, 772, 1059... của huyện Vị Xuyên, còn rất nhiều hài cốt của các chiến sĩ. Việc quy tập vẫn diễn ra, việc xây đền tưởng niệm sẽ được tiến hành. Chúng ta xem những cao điểm này, đặc biệt là cao điểm 1059 như một nghĩa trang lớn. Ở đây hàng năm, từ ngày 12/7 đến ngày 27/7 sẽ có rất nhiều người đến dâng hương tưởng niệm. Đây cũng là nơi các thế hệ người Việt Nam đến để học những bài học lịch sử và mài sắc ý chí cảnh giác trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Đến đây, những ai còn sợ sệt hay ảo tưởng về Trung Quốc sẽ sáng mắt ra.

Không có nhận xét nào: