Một nhóm học sinh phổ thông đang nghe thuyết minh tại bảo tàng. |
Tọa lạc gần trung
tâm thành phố Tampere, bảo tàng Lenin sở hữu lịch sử hình thành và tầm quan trọng
đặc biệt với nước láng giềng phía Đông của Phần Lan.
Tầng 2½ của Hội
trường Công nhân Tampere chính là nơi Vladimir Lenin và Josef Stalin gặp nhau lần
đầu tiên năm 1905.
Bước chân vào bảo
tàng, đầu tiên khách tham quan sẽ thấy đồng phục màu cam của nhân viên, rồi đến
quầy kính trưng bày những con búp bê Matryoshka, những bức tượng nhỏ của các
lãnh tụ cộng sản, huy chương, miếng dán tủ lạnh… gợi nhớ đến kỉ nguyên Xô Viết.
Tủ gửi hành lí được trang trí bằng chân dung Lenin cùng những người nổi tiếng
đã đến thăm bảo tàng. Đây là Urho Kekkonen - Tổng thống Phần Lan suốt 25 năm,
lâu nhất trong lịch sử - từng đưa bạn bè tới bảo tàng. Kia là Tarja Halonen - nữ
Tổng thống đầu tiên của Phần Lan - đã mua sắm ở quầy lưu niệm. Bạn cũng có thể
chọn ngăn của Juri Gagarin, chàng trai đáp xuống bảo tàng như người hùng sau
chuyến du hành vũ trụ, để gửi giỏ xách của mình; hoặc ngăn tủ của Aleida
Guevara, cô con gái ghé thăm nơi này để tưởng nhớ người cha nổi tiếng Ché. Dĩ
nhiên, nếu bạn gặp may, ô số 9 vẫn còn trống thì bạn hoàn toàn có thể nhờ
Vladimir Uljanov (nhận ra ai không?) - người từng đọc diễn văn ở đây - giữ giỏ
hộ.
Thêm vài bước chân
nữa, một đoạn video trắng đen mời khách tham quan lắng nghe Lenin tự sự chuyện
đời mình. Khi "tôi" (Lenin) ăn xúc xích đen -
"mustamakkara" trong tiếng Phần Lan, làm bằng thịt và huyết heo, thường
được kèm mứt nam việt quất dại (lingonberry) - ở quảng trường Tampere,
"tôi" đã tuyên bố: "Những người dân làm ra món xúc xích đen này
xứng đáng được độc lập". Lúc ấy, Phần Lan là thuộc địa của Nga. Nếu đúng
Lenin từng nói vậy, món xúc xích đen đặc sản Tampere có thêm một lí do để bất
khả thay thế, ngoài mùi vị ấn tượng của nó. "Lenin" cũng kể có nhiều
người đồn thổi là thi hài ông được chuyển đến Tampere sau khi Liên bang Xô Viết
sụp đổ.
Năm 1906, cũng ở địa
chỉ này, Lenin lần nữa khẳng định với những người bạn Tampere đang cho ông
nương náu là mình ủng hộ Phần Lan độc lập. Và ông đã không nuốt lời. Sau khi Phần
Lan tuyên bố độc lập vào ngày 6 tháng 12 năm 1917, Lenin và các đồng chí của
ông nhanh chóng chấp thuận.
Những người đàn
ông nổi tiếng trên các miếng dán tủ lạnh
|
Một trong những gian của bảo tàng Lenin ở thành phố Tampere, Phần Lan |
Khách tham quan được
khuyến khích khoác áo tài xế và chở Lenin đi chơi một vòng.
|
Đây là bảo tàng
Lenin duy nhất nằm ngoài nước Nga. Thời Xô Viết, bảo tàng này là điểm đến không
thể bỏ qua của tất cả du khách xứ bạch dương. Người ta tin rằng bảo tàng Lenin
nằm trong lịch trình được "đề nghị" mà du khách Liên Xô không nên từ
chối. Trong thập niên 1970, trung bình hàng năm có hơn 20.000 người thăm bảo
tàng. Thống kê cho thấy có năm số lượng người Nga tham quan nơi này còn đông
hơn cả người Phần.
Việc thành lập bảo
tàng Lenin không dễ dàng gì. Dự án gây tranh cãi dữ dội khắp Phần Lan, bởi quan
hệ Nga - Phần xấu đi nhiều sau Hiệp ước Hòa bình năm 1944. Hội Hữu nghị Nga -
Phần được thành lập trong một nỗ lực duy trì quan hệ thân thiện giữa hai quốc
gia.
Chi nhánh Tampere
của Hội này dự định thành lập bảo tàng Lenin tại Hội trường Công nhân, nơi
Lenin gặp Stalin lần đầu ở Hội nghị của Đảng Lao động Dân chủ Xã hội Nga năm
1905. Những cuộc tranh luận chính trị ngày càng gay gắt, nhạy cảm, tưởng chừng
không bao giờ dứt giữa phe ủng hộ và phản đối dựng bảo tàng. Nhờ sự hậu thuẫn của
Thủ tướng J. K. Paasikivi cùng nhiều chính trị gia khác, và một lời nhắn khiêm
nhường được gửi đến Hội Công nhân Tampere cảnh báo việc từ chối đặt bảo tàng
Lenin ở tòa nhà công nhân sẽ tạo nên một "scandal quốc tế", mà dự án
tiến triển.
Stalin rất vui sướng
khi biết người Phần muốn làm bảo tàng Lenin, và sự hài lòng của ông giúp nhân
lên uy tín và tầm quan trọng của kế hoạch này.
Cuối cùng, sáng kiến
đầy tranh cãi hóa ra lại trở thành dự án trọng yếu về mặt chính trị, xoắn kết với
quan hệ Phần Lan - Liên Xô. 20 tháng 01 năm 1946, một ngày trước kỉ niệm ngày mất
của Lenin, bảo tàng chính thức mở cửa.
Ngày nay, bảo tàng
Lenin ở Tampere không còn nhắm đến mục tiêu làm hài lòng Liên Xô nữa, mà tập
trung khám phá mối ràng buộc phức tạp giữa Phần Lan và Nga. Bảo tàng vừa trải
qua một đợt thay da đổi thịt triệt để, và phiên bản mới đi vào hoạt động ngày
17 tháng 6 năm 2016, rất đúng lúc kỉ niệm 100 năm Quốc khánh Phần Lan (6 tháng
12 năm 2017).
Suốt năm nay, cả
Phần Lan rộn ràng nhiều hoạt động đa dạng với hashtag #SuomiFinland100.
Thời điểm này thật
thích hợp để đến thăm bảo tàng Lenin, dạo một vòng lịch sử thu gọn, tái hiện lại
quan hệ Phần - Nga từ thời tiền cách mạng vô sản cho đến lúc Liên bang Xô Viết
sụp đổ… và nước Nga thời Putin. Đầy ắp thông tin, thú vị và khá trung lập, triển
lãm gây ấn tượng đến khán giả theo nhiều cách khác nhau, tùy thuộc và cảm nhận
và kinh nghiệm của mỗi người đối với Liên Xô.
Lenin từng nói:
"Không ai dự báo được thời điểm và tiến trình của cách mạng. Cách mạng được
chi phối bởi những quy luật bí ẩn".
Phát biểu này của
lãnh tụ Xô Viết về cách mạng có vẻ đúng cả với trường hợp của bảo tàng mang tên
ông. Là trung tâm công nghiệp mệnh danh "Manchester của Phần Lan" vào
đầu thế kỉ 20, Tampere chứng kiến cú bắt tay đầu tiên của hai kiến trúc sư dựng
nên Liên bang Xô Viết, rồi 41 năm sau, Tampere tưởng niệm cuộc gặp gỡ định mệnh
ấy bằng một bảo tàng Lenin.
Hiện nay, song
song với nỗ lực khắc họa chân dung Lenin đa chiều, toàn diện, bảo tàng còn giúp
khách tham quan có dịp ôn lại lịch sử thế giới, nhất là quan hệ Phần Lan - Liên
Xô và giai đoạn chiến tranh lạnh.
Khi Lenin gặp
Stalin ở Hội trường Công nhân Tampere năm 1905, chắc cả hai ông đều không thể
hình dung ra những điều như thế.
Tuệ Nhật
Gửi cho BBC từ Phần Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét