Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2019

PHẢN BIỆN GIÚP TA TỈNH LẠI TRONG NHỮNG CƠN SAY…



Kính thưa: Nhà báo Trần Đăng Khoa
Nhằm làm sáng tỏ một số vấn đề phản biện xã hội nói chung và qua kênh báo điện tử ở Việt Nam nói riêng, tôi đang thực hiện một công trình nghiên cứu khoa học ở trình độ Luận án Tiến sĩ Chuyên ngành Báo chí - Truyền thông. Trân trọng cảm ơn ông nhận lời trả lời phỏng vấn sâu của tôi liên quan đến nội dung nghiên cứu.

Nghiên cứu sinh (NCS): 
Theo ông, phản biện xã hội có vai trò gì đối với sự phát triển đất nước?

Nhà báo Trần Đăng Khoa:
 Phản biện xã hội có vai trò vô hạn quan trọng. Đối với nhiều vấn đề thuộc mọi lĩnh vực, vụ việc, quyết sách... nếu có phản biện xã hội sẽ có nhìn nhận chính xác hơn, tỉnh táo hơn.
Tôi rất chú ý đến một ý kiến của ông Nguyễn Trần Bạt khi ông nói rằng, cái để xác định trí thức hay không phải trí thức chính là khả năng phản biện của họ. Ai có khả năng phản biện thì người đó mới là trí thức. Trí thức đích thực thì không a dua, ai nói chiều nào xoay theo chiều ấy như một ngọn gió hoang. Phải có tư duy phản biện, phương pháp phản biện, cái nhìn phản biện thì mới thực sự là một trí thức.
Ở Việt Nam, phản biện hơi phức tạp một chút. Có người không thiện chí, lợi dụng phản biện để chống đối, làm mọi chuyện rối mù lên. Họ làm ảnh hưởng đến phản biện. Nhiều nhà quản lý dị ứng với cái gọi là phản biện, ngại phản biện cũng có lý của họ. Phản biện không phải là phá rối, chống đối. Phản biện là một tư duy khoa học cẩn trọng, lật đi lật lại một vấn đề được đưa ra (vấn đề xã hội đang quan tâm) với một cái nhìn không xuôi chiều (nhìn cả mặt thuận và mặc nghịch) để tìm ra chân lý. 
Người phản biện thực sự bao giờ cũng có ý thức xây dựng, thiện chí chứ không gây rối, chống đối. Tức là cái hay thì ủng hộ, cái dở thì phản đối, và dù ủng hộ hay phản đối cũng phải rạch ròi cụ thể. Ngay trong cái tốt cũng đã hàm chứa cái xấu nào đó nên mình nhìn nhận cái đó như thế nào cho khoa học, thuyết phục. Nhất là với xã hội Việt Nam bây giờ càng cần nhìn nhận như thế để tránh chỉ thấy mặt sáng mà không thấy mặt tối hoặc ngược lại, thì rất nguy hiểm.
Tất cả các quyết sách của Đảng, Nhà nước, các bộ, ban ngành, các địa phương rất cần được phản biện để mọi quyết định chuẩn hơn. 


NCS: Theo quan sát của ông, ở Việt Nam, phản biện xã hội thường chú ý đến vấn đề gì? Tại sao?

Nhà báo Trần Đăng Khoa:
 Tất cả mọi vấn đề, nhưng phần lớn là những vấn đề lớn trong đất nước. Ví dụ như vấn đề làm đường sắt cao tốc, làm tàu điện ngầm, xây tượng đài 1.400 tỷ ở một tỉnh nghèo...
Chẳng hạn, nói chuyện làm đường sắt cao tốc, muốn phát triển đất nước rất cần có đường sắt cao tốc. Vì như ở nước Đức phát triển, đi hàng nghìn kilomet chỉ mất mấy tiếng đồng hồ, rất nhẹ nhàng, thoải mái. Ở Việt Nam, cứ thấy nói lý do muốn phát triển đất nước thì phải có đường sắt cao tốc. Điều đó là đúng, nhưng có điều, cái đó đúng ở các nước, nhưng ở Việt Nam đã chín chưa? Đó là cả một vấn đề. Trong khi tuyến đường sắt ở Việt Nam cũ kỹ và tàu chạy như rùa bò mà còn bao nhiêu tai nạn xảy ra liên tiếp. Cho nên, ta phải nhìn vào hoàn cảnh cụ thể ở nước ta để thấy nó thích hợp chưa.
Hay như nói làm tàu điện ngầm ở nước ta. Nếu ta làm được tàu điện ngầm như nước Nga thì tuyệt vời. Nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh nước ta đã thích hợp chưa khi mà mưa lũ ở nước ta khác ở Nga. Tôi ở Nga 7 năm trời chưa từng nghe thấy tiếng sấm. Mưa ở đó không dữ dội, chỉ cần một chiếc ô là thoát được cơn mưa. Còn ở nước ta, mưa đi kèm gió, mặc áo mưa bó vào mà vẫn ướt. Ngay như Hà Nội, một trận mưa nhiều tuyến phố đã thành biển nước. Nếu làm tàu điện ngầm ở Việt Nam, không khéo, mưa trút nước xuống hệ thống tàu điện ngầm. Hơn nữa, chất lượng xây dựng đường trên mặt đất ở nước ta vừa làm tháng trước xong, tháng sau đã xuống cấp. Không khéo, chỉ một trận mưa to hay mất điện đột xuất, có khi hệ thống tàu điện ngầm lại trở thành hố chôn sống hàng nghìn người. Nếu làm tàu điện ngầm thì phải cấm người Việt tham gia. Người Việt hay ăn cắp vặt, toàn rút ruột công trình nên không thể làm được. Nên thuê Nhật hay Nga. Đặc biệt cần nói “không” với Trung Quốc. Không có công trình nào họ hợp tác với Việt Nam mà tử tế cả. Tuyến đường sắt trên cao 13 cây số họ làm là một thảm hoạ.
Cho nên, theo tôi, tiếng nói phản biện của mọi người là rất cần thiết giúp chúng ta tỉnh lại trong những cơn say phát triển nóng mà không nhìn vào thực chất thì nguy vô cùng.

NCS: Các loại hình báo chí ở Việt Nam (gồm: báo điện tử, báo in, phát thanh, truyền hình) thường xuyên tham gia phản biện xã hội. Theo ông, phản biện xã hội ở loại hình báo chí nào có hiệu quả nhất? Tại sao?

Nhà báo Trần Đăng Khoa:
 Hầu hết các báo của nước ta đều có tiếng nói phản biện, đều có sức mạnh của mình. Trong đó, mạnh hơn cả là báo điện tử và truyền hình. Còn phát thanh nếu làm tốt cũng rất hiệu quả. Báo in thì khả năng kém hơn.
Tuy nhiên, ta cần nói một chút về mạng xã hội. Mạng này cũng phát huy phản biện rất mạnh, nhưng ở đó cũng có những thông tin sai lệch, bôi nhọ cả lãnh đạo cấp cao bằng thông tin hoàn toàn sai. Tức là có kẻ lợi dụng phản biện xã hội, lợi dụng dân chủ để hoạt động chống phá.
Ngoại trừ những mặt trái của mạng xã hội này, hoạt động phản biện xã hội của báo chí, tiếng nói tích cực từ báo chí là rất cần thiết. Hiện tất cả mọi lĩnh vực đều có tai mắt của nhân dân dõi theo, ai cũng có thể trở thành “nhà báo” và có tiếng nói phản biện.
Trong các báo, hiện có những tờ có tiếng nói phản biện rất tốt như VietNamNet, Dân trí, VnExpress, VOV.VN, Giáo dục Việt Nam... Bản thân tôi cũng thường xuyên viết báo với tinh thần phản biện. Khi mình có tâm sáng, lòng trong thì không sợ gì cả. Do vậy, ta không ngại thông tin có tính phản động, chống đối, vì ta có cả một hệ thống báo chí chính thống sẵn sàng phản biện lại bằng thông tin đúng đắn. Báo chí đưa thông tin không xác thực thì mất uy tín và có phản biện ngay, không cần tranh luận. 

NCS: Theo ông, phản biện xã hội trên báo điện tử có hiệu quả không? Vì sao?

Nhà báo Trần Đăng Khoa: 
Rất hiệu quả. Báo điện tử thông tin nhanh hơn hẳn các loại hình báo chí khác mà lại có thể lan tỏa thông tin khắp thế giới. Khi sự việc xảy ra ngay lập tức có thể thông tin đến bạn đọc, không cần phải chờ sắp xếp chương trình như ở phát thanh, truyền hình. Trên báo điện tử, khi đưa thông tin lên, độc giả tham gia bàn luận, viết comments cung cấp rất nhiều thông tin nữa. Có khi thông tin comments còn sinh động hơn cả thông tin trong nội dung bài viết. 

NCS: Ông hay truy cập báo nào trong số: VnExpress.net (Tin nhanh Việt Nam), Vietnamnet.vn (ViệtNamnet), Thanhnien.com.vn (ThanhNiên điện tử), Nhandan.com.vn (Nhân dân điện tử)? Theo ông, trong số các báo này, những báo nào đang phát huy sức mạnh phản biện xã hội?

Nhà báo Trần Đăng Khoa: 
Các tờ báo này tôi đều đọc, nhưng tôi hay chú ý hơn vào VnExpress, Dân trí, Giáo dục Việt Nam, VOV.VN. Nói chung, các tờ báo thông tin nhanh, phản biện rất tốt. Đơn cử, vụ việc chặt cây xanh của ông Thế Thảo ở Hà Nội vừa rồi, các báo đã phản biện rất hiệu quả. 

NCS: Nhiều nghiên cứu cho rằng, phản biện xã hội muốn có hiệu quả, cần phải có một xã hội dân chủ. Theo ông, điều kiện này ở Việt Nam đã có chưa và như thế nào?

Nhà báo Trần Đăng Khoa: 
Tất nhiên phải có xã hội dân chủ thì mới có phản biện tốt. Ở Việt Nam ta đang có dân chủ. Bản thân tôi nói về nhiều vấn đề cũng rất thoải mái mà có bị dị nghị hay nhìn bằng con mắt không thiện chí đâu. Chỉ có điều, cần phân biệt rất rõ sự thiện chí và sự lợi dụng dân chủ. Nếu lợi dụng dân chủ thì không còn là dân chủ nữa. Dân chủ là phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, rành mạch sáng - tối. Một xã hội thực sự dân chủ thì phản biện xã hội mới phát triển và có ý nghĩa. 

NCS: Theo ông, có cần luật riêng về phản biện xã hội không? Vì sao

Nhà báo Trần Đăng Khoa: 
Thực ra, phản biện xã hội ở các nước khác diễn ra bình thường hằng ngày. Nhưng ở Việt Nam cần có luật về phản biện xã hội. Bởi vì ở ta có nhiều kẻ lạm dụng phản biện để kích động dân chúng, thậm chí kích động sự thù hận.
Theo tôi, luật ở ta chưa toàn diện, chưa chuyên nghiệp nên nhiều khi có những tội lỗi, nhiều vấn đề xảy ra, nhưng lại không có luật quy định xử lý. Nếu như pháp luật có thể chi phối, bao quát được mọi ngóc ngách của cuộc sống thì rất tốt. Tôi mong có điều đó để giúp đất nước phát triển.

NCS: Trình độ dân trí có ý nghĩa thúc đẩy phản biện xã hội không? Trình độ dân trí ở Việt Nam hiện nay có ảnh hưởng tới hoạt động phản biện xã hội thế nào, thưa ông? 

Nhà báo Trần Đăng Khoa: 
Dân trí rất cần thiết. Có dân trí thì mới có phản biện. Ở nước ta hiện nay, người dân trình độ khá cao rồi, tôi không lo về dân trí mà lại lo về quan trí. Nhiều quan chức trình độ không phù hợp vị trí công tác, không phù hợp với tình hình. Đặc biệt là tư duy nhiệm kỳ khiến vì lợi ích trước mắt, theo nhiệm kỳ của mình mà không lo cho tương lai đất nước. 

NCS: Trong các nhóm chủ thể sau đây, theo ông, những nhóm nào nên tham gia phản biện xã hội: Nhà khoa học, nghiên cứu; Đại diện cơ quan quản lý Nhà nước; Nhà báo; Người dân thường? Trong đó, nhóm nào có khả năng tác động, thuyết phục xã hội nhiều nhất? 

Nhà báo Trần Đăng Khoa:
 Theo tôi, giới báo chí, giới trí thức, khoa học rất quan trọng. Giới khoa học có tư duy khoa học, kiến thức và vị trí của họ để đảm bảo cho những điều họ nói. Giới báo chí thì phát hiện nhanh nhạy các vấn đề. Người dân cũng có tiếng nói phản biện.
Còn nhìn chung, ai cũng có thể phản biện, cái cần hơn là nói có đúng không. Khi anh nói đúng thì tự nó có sức thuyết phục. Còn kể cả nhà khoa học mà gàn dở thì tiếng nói không có sức thuyết phục, trọng lượng nói không bằng người không có học vị như họ. Và cần lưu ý, người ta có thể không có học vị cao nhưng trình độ không thấp. Không có trình độ thì không thể phản biện được, vì phản biện là lật lại cả một vấn đề và thuyết phục người nghe.

NCS: Theo ông, cần làm gì để tăng cường vai trò mỗi chủ thể phản biện xã hội (nhà khoa học, nhà báo, người dân thường, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước…)? 

Nhà báo Trần Đăng Khoa: 
Trước hết cần tạo ra một xã hội thật sự dân chủ, cầu thị. Nghĩa là khi đã đưa ra vấn đề để xin ý kiến phản biện thì phải chân thành. Nếu đưa ra quyết sách xin ý kiến dân thì nếu dân nói phải hay trái cũng hãy lắng nghe họ. Đừng lấy cớ đó để kết tội họ thoái hóa, biến chất, rồi bắt bớ.... Làm thế thì ai dám nói nữa, thậm chí nói thì lại nói dối, nói a dua. Như thế sẽ cản trở phản biện xã hội, cản trở sự phát triển chung.
Cho nên, muốn phản biện xã hội có tác dụng thật sự thì phải thiện chí, thiện chí của chính người đưa ra nội dung cần xin ý kiến của nhân dân, đặc biệt là giới lãnh đạo cơ quan chức năng.
Với giới báo chí, tôi cho rằng trước tiên là phải đưa tin nhanh nhạy, chính xác. Nói như ông Hữu Thọ là phải mắt sáng, lòng trong, bút sắc. Báo chí rất quan trọng. Vì dù phản biện của ai thì cũng cần qua kênh truyền thông báo chí để đến người cần nghe. Tiếng nói phản biện xã hội, tác động đến xã hội. Chính các nhà báo cũng làm công tác phản biện trực tiếp cho nên càng cần phải trung thực, khách quan, chính xác, nhanh nhạy. Tuyệt đối không được lợi dụng phản biện xã hội để gây rối tình hình.
Về phía cơ quan chức năng cần phải trung thực, minh bạch. Nếu chủ trương, đề án... được cơ quan đưa ra mà có sự phản biện của xã hội, phát hiện sai, không phù hợp, thì cơ quan này cần tiếp thu và có lời xin lỗi công khai. Ở các nước dân chủ khác, họ rất minh bạch, lãnh đạo sẵn sàng xin lỗi nhân dân khi họ sai sót, kể cả sau đó xin từ chức. Ở nước ta thiếu cái văn hóa này.

NCS: Trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN XUÂN THÂN

Không có nhận xét nào: