Thứ Ba, 16 tháng 4, 2019

Bạn đừng khóc cho Paris nữa, hãy quay về thực tại mà khóc cho chúng ta đi!


THỰC DÂN PHÁP CÓ CÔNG HAY TỘI TRONG VIỆC BẢO TỒN VĂN HÓA, KIẾN TRÚC VN?
Nhân vụ cháy nhà thờ Đức bà Paris, anh em bò đỏ nhân cơ hội lên án bọn thực dân Pháp ngày xưa đốt phá chùa chiền ở VN, coi như bây giờ cháy nhà thờ là đáng đời quân gian ác! Anh em thiện lành bò hồng cũng thấy share khắp các diễn đàn ra điều hỉ hả. Thực ra nói đi cũng phải nói lại, hiểu lịch sử thì hãy nói.
Trong thời gian đầu, khi thực dân Pháp mới xâm lược VN, thì đúng là bỏn cũng đốt phá ác liệt, đặc biệt là việc phá chùa xây nhà thờ. Thành HN và thành Gia Định cũng bị san phẳng trong thời gian này, 1 phần là vì nó không còn giá trị quân sự gì hết vào thời đại của pháo binh. Nhưng cần hiểu rõ, lúc đó là chế độ quân quản ở những vùng mới bị chiếm. Anh em bộ đội xứ nào cũng vậy, rất chi là cục súc, võ biền. Ngay cả việc làm quy hoạch, anh em cũng chơi kiểu kẻ ô bàn cờ, nhà cửa thì theo kiểu trại lính hết.
Sau đó đến giai đoạn dân sự, tức là cơ bản đã bình định xong dân bản xứ, thì người Pháp (tức là quan cai trị dân sự) bắt đầu nghĩ tới việc bảo tồn, trùng tu và tôn trọng các giá trị văn hóa bản địa. Dấu ấn lớn nhất là việc thành lập Viện Viễn đông Bác cổ, trụ sở chính là bảo tàng lịch sử VN ở HN (từ đó mà có địa danh Bác Cổ trên tuyến xe bus bây giờ). Kiến trúc tòa nhà này đã có sự pha trộn giữa kiến trúc Pháp và VN, tức là người Pháp đã có ý thức tôn trọng văn hóa bản xứ.
Ngoài ra, từ giai đoạn này, người Pháp đã góp sức rất nhiều vào việc khai quật, bảo tồn các do tích kiến trúc và điêu khắc Đông Dương. Điển hình nhất là việc khai quật và phục chế tháp Chăm và quần thể Angkor Watt (coi như đã bị rừng già che phủ).
Công bằng mà nói, việc phá hoại di tích, kiến trúc của chính người Việt còn hơn người Pháp rất nhiều, nhất là sau mỗi lần thay đổi 1 vương triều, 1 chế độ. Gần đây là vua Gia Long cho phá bỏ thành Thăng Long, thu hẹp lại thành thành Hà Nội, khi biến Thăng Long thành cố đô. Rồi vua Minh Mạng san phẳng thành Quy (Gia Định) sau cuộc nổi dậy của Lê Văn Khôi, để xây lại thành Phụng (sau bị Pháp phá). Hay chính thành Thăng Long, mỗi triều đại thay đổi là gần như phá sạch hết cung điện cũ. Vì thế nên khi khai quật ở hoàng thành chỉ thấy các lớp móng nhà, cống rãnh, giếng...của thời Lê và trước nữa. May ra còn có chùa chiền là ít bị phá.
Nhưng không thể không nhắc tới việc phá hủy di tích khủng khiếp nhất là thời CS. Đặc biệt là giai đoạn tiêu thổ kháng chiến (chống Pháp) và sự kiện tết Mậu Thân ở Huế. Quân VC ẩn náu ở trong các cung điện, máy bay Mỹ ném bom cùng VC pháo kích làm Huế nát bét, di tích còn lại chưa tới 40%.
Với lý do chiến tranh thì còn tạm châm chước, nhưng ngay vào thời bình này, AE QL bây giờ cũng không có ý thức bảo tồn. Điển hình là việc phá hủy hội trường Ba Đình, chính là di tích kiến trúc và lịch sử của chế độ. Gần đây là việc lăm le phá dinh Thượng thư ở SG, trường Châu Văn Liêm ở Cần Thơ hay dinh tỉnh trưởng ở Đà Lạt. Lý do cơ bản là xây mới dễ và dễ ăn hơn là trùng tu, bảo tồn. Phần nữa là do não trạng ngu dốt của các anh em. Thường dốt sử thì cũng không có ý thức về bảo tồn.
Dân quê bây giờ cũng dễ dàng tặc lưỡi đập đi cái nhà gỗ 100 năm để xây cái nhà lô kiểu phố huyện. Đấy là do dân trí.
Tóm lại, xét về công và tội của thực dân Pháp trong việc bảo tồn, phát triển và phá hoại thì công vẫn trội hơn. Vì thời kỳ quân quản khá ngắn, chỉ khoảng 10 năm. Chẳng qua bò đỏ không được dạy về công của bọn thực dân nên anh em mới chửi bỏn như thế. Muốn tìm hiểu chi tiết thế nào thì cứ Google xem Viện Viễn đông Bác cổ EFEO làm được những gì. Viện này hồi đó trực thuộc Bộ Văn hóa (gì đó) bên Pháp, nên không hề e ngại chính quyền Đông Dương. Vì thế, họ không nể nang cả Toàn quyền Đông Dương trong việc bảo tồn di tích. Mà việc bảo tồn này thường xuyên có xung đột với chính quyền đương thời.
Đà Lạt chính là 1 nước Pháp thu nhỏ ở VN, TP này đang đứng trước sự hủy diệt 1 số di tích ở khu trung tâm dưới bàn tay thiết kế của 1 KTS Việt kiều Pháp (mới éo le!). Mỗi ngày lễ, Đà Lạt đều thất thủ bởi anh em. Hi vọng các anh em lên tiếng vì Đà Lạt bằng 1/10 so với việc khóc thương nhà thời Đức bà Paris là quý hóa lắm rồi!
Dương Quốc Chính
Wiki về EFEO
Nhà thờ Trung Lao hơn 100 tuổi cũng bị cháy
https://tuoitre.vn/can-canh-thanh-duong-trung-lao-tram-tuoi…
***
Bạn đừng khóc cho Paris nữa, hãy quay về thực tại mà khóc cho chúng ta đi!

Notre Dame de Paris (Nhà thờ Đức Bà), một di sản nổi tiếng của nhân loại, một biểu tượng tâm linh vĩ đại đã bốc cháy tối qua. Một công trình lớn biến mất trong hoả hoạn khiến cả nước Pháp bàng hoàng. Người ta ngồi bên này đống lửa cầu nguyện hàng tiếng đồng hồ nhưng bất lực. Chúa ở rất xa và không giúp được gì ngoài việc tổng thống Pháp Macron tới ngay hiện trường và đưa ra một hy vọng cho người dân nước Pháp cũng như nhân loại: Notre Dame sẽ được phục dựng. Ngọn lửa có thể thiêu rụi những gì hiện hữu nhưng không thể thiêu rụi được tinh thần trân trọng và yêu quý di sản của người dân Pháp.
Viết chừng đó, tôi sẽ dừng nói câu chuyện về Nhà thờ Đức Bà Paris.
Chợt tôi nhớ đến một lời mong mỏi trước đây của một ai đó rằng muốn Hà Nội sẽ thành Paris, và ngay sau đó người ta cười hể hả với đủ các lý do, rằng chuyện đó là hoang tưởng. Nhưng cũng có người bảo điều đó là có thể bằng một giải pháp có lẽ là duy nhất: Bạn cứ đưa các ông chủ Sun Group, Vin Group sang Paris và cho họ cái quyền đập bỏ các di sản, trong đó có nhà thờ Đức Bà đi và xây lên đó các toà nhà lừng lững như đã làm với Việt Nam, trong đó có Hà Nội, thì Paris sẽ trở thành Hà Nội ngay lập tức.
Và nếu dại miệng, nếu một công trình tựa Notre Dame mà cháy ở xứ ta hẳn các anh ấy sẽ mừng lắm. Ừ rằng thì mà là tiền đâu mà phục dựng lại, chi bằng cho mọc lên đó một trung tâm thương mại có thể cao nhất nhì châu Á gì đó rồi báo chí ngợi ca như một niềm tự hào đương đại, các anh ấy lại ngồn ngộn ngồi lên bìa tạp chí Forbes để vinh danh thứ bậc bao nhiêu trong hàng tỷ phú thế giới.
Bạn đang khóc cho Paris ư? Từ lâu rồi, tôi khóc cho Chúng ta. Chúng ta có hàng ngàn hàng vạn di sản đã bị san bằng trong thời kỳ "xoá dấu phong kiến" thời cải cách ruộng đất. Những tưởng cái thời mông muội ấy lùi xa vào quá vãng cả gần thế kỷ, còn lại hôm nay một số công trình kiến trúc thực sự có giá trị ở Hà Nội, Sài Gòn và đặc biệt là Đà Lạt, đồng tiền của các anh ấy cất tiếng, và di sản bị san phẳng, biến thành cái sân khấu đương đại thật thật giả giả để người Việt hôm nay đến đó mà sống ảo.
Người Pháp để lại những gì giờ mọc lên cái gì ở ngay Trung tâm Sài Gòn? Người Pháp để lại một thành phố ẩn nấp trong rừng thông để thành Đà Lạt, và rồi thì phá thì dỡ thì để cho hoang tàn, thay vào đó là những hổ lốn nhà nhà cửa cửa thành Đà Lạt hôm nay. Và Trung tâm Đà Lạt với ít ỏi những di sản người Pháp để lại, một lô một lốc bè phái, trong đó có những ông kiến trúc sư từng "ở chùa" rồi quay lại "đốt chùa" như ông Hồ Thiệu Trị, quyết san phẳng cho được để đưa Đà Lạt về "diện mạo đô thị mới".
Vâng, nếu các anh giàu bằng mọi giá, kể cả xoá dấu di sản, thì mồ mả các anh cũng chẳng bao giờ yên được khi các anh nhắm mắt. Hãy tin đi, điều đó là thật.
Hôm qua Nhà thờ Đức Bà Paris cháy, người Pháp thành bé nhỏ trước ngọn lửa hung tàn và họ không níu giữ được bộ mặt trường tồn phi thời gian của di sản; Hôm qua Nhà thờ Đức Bà Paris cháy, Chúng ta có thấy mình bé nhỏ trước sự phá hoại của đồng tiền và lòng tham để quyết xoá bỏ những di sản mà chúng ta đã có?
Ngọn lửa thiêu đốt một di sản thì di sản đó sẽ được tái dựng khi mà lòng người còn hướng về di sản. Nhưng lòng tham thiêu đốt di sản thì sẽ không bao giờ phục dựng được.
Bạn đừng khóc cho Paris nữa, hãy quay về thực tại mà khóc cho chúng ta đi!
Hoàng Nguyên Vũ

Không có nhận xét nào: