Thứ Hai, 12 tháng 8, 2019

Hết thuốc chữa



Nguyễn Thông
Thiên hạ đang chú mục vào mấy bức ảnh giải bóng chuyền quốc tế VTV. Không phải coi bóng, mà coi người. Người cũng không phải là các nữ tuyển thủ bóng chuyền xinh đẹp chân dài mà là người coi. Nói màu mè là khán giả. Khán giả quan chức.
Ông bạn tôi chửi, không kìm được mồm giữa nơi đông người, đèo mẹ, chúng nó đổ đốn, nhâng nháo, vô liêm sỉ tới mức ấy thì quả thật hết thuốc chữa. 
Trước kia, trong các cuộc bù khú trò chuyện, hễ nghe điều gì không nên không phải, người ta hay đùa, chắc phải thay lại dân thôi, chứ dân tệ quá, làm khổ cả nhà nước, đảng và chính phủ. Nay, coi tấm ảnh này và nhiều tấm ảnh khác, cần suy nghĩ lại: Không cần thay dân nữa, mà thay đám lãnh đạo. Nát quá rồi.
Đúng, cứ nhìn kỹ mà xem. Đi coi bóng chuyền, đi xem thể thao mà đặc khu màn buông rèm phủ, bàn ghế phủ vải trắng tinh, hoa hoét, đăng ten sặc sỡ, biển tên mica chễm trệ vênh váo, giống như bàn xử án của các quan “đội” thời cải cách ruộng đất thời cách nay hơn nửa thế kỷ (xem ảnh). Những kẻ ngồi vào nơi ấy đã mất hết liêm sỉ, không còn là con người, chứ nói chi làm lãnh đạo. Mà ngay cái thằng trưởng ban tổ chức giải bóng chuyền, thằng chủ VTV, khi nó bày ra sân khấu khán đài kệch cỡm nhố nhăng này, nó đã ủ mưu thừa thãi ý đồ, chỉ có điều nó thiếu thứ quan trọng nhất của con người, là nhân cách.
Lẩn thẩn nghĩ, cũng đừng trách hết, đổ hết xấu xa cho đám “khán giả quan chức” kia, bởi phần nào chúng học từ quan thầy của chúng, từ cấp trên, từ chop bu. Tại trên ngồi chẳng chính ngôi/Để cho kẻ dưới chúng tôi lăng loàn. 
Hãy điểm lại mà xem, mỗi lần các ông to bà lớn hội họp, tiếp khách, mỗi lần các tứ trụ, tam trụ xuất hiện, cứ là trên giời dưới hoa. Hoa rải khắp nơi, hoa bày khắp chốn. Rồi thì bàn ghế gỗ quý sơn son thếp vàng, chạm trổ rồng phượng, uy nghi cầu kỳ. Rồi băng rôn khẩu hiệu, cờ đèn kèn trống. Rồi xe cộ dập dìu. Rồi trẻ con vẫy cờ, người lớn tung hô. Rồi đủ thứ ngứa mắt và tốn tiền…
Đừng biện rằng đó là lễ tân, là tấm lòng quý khách, là quy trình lịch sự nó phải vậy. Nếu đúng cần phải thế, thì giải thích sao đây khi hôm trước trên tivi chiếu cảnh lãnh đạo chính phủ Nhật Bản tiếp vị quan chức cấp cao xứ này. Căn phòng tiếp khách chỉ rộng hơn chục mét vuông, một chiếc bàn dài, hai hàng ghế gỗ, tất cả đều giản dị, đơn sơ, không hoa hoét, không cờ phướn. Nhưng không phải vì thế mà cuộc làm việc không “thành công tốt đẹp”. Họ không lấy cái hình thức lòe loẹt, lãng phí, giả dối đem phủ lên thực chất. Cái mà lãnh đạo xứ này thừa, thì họ rất thiếu, cố ý thiếu, bởi thấy không cần thiết. Cái mà họ thừa thì lãnh đạo xứ này không biết đến khi nào mới có được.
Chúng ta cũng từng chứng kiến cảnh bà tổng thống Croatia dự coi bóng đá khi nước bà lọt vào trận chung kết. Những trận trước đó, bà đến “một mình” với vài người quen, không tiền hô hậu ủng, ngồi lẫn với khán giả bình dân. Ngay cả trận chung kết, dù được xếp vào khu quan chức cấp cao theo quy định nhưng bà vẫn bình dị, không chút đòi hỏi phải được thế này thế nọ. Chúng ta cũng biết có vị tổng thống nước vùng Nam Mỹ, làm việc cho quốc gia nhưng vẫn ở trong ngôi nhà cấp 4, đi chiếc xe tàng đã dùng cách nay hơn 30 năm, tự lái, về nhà ăn cơm vợ nấu, nếu sổ mũi nhức đầu thì để vợ chăm cạo gió xoa dầu, chứ đâu cái thói hễ hơi một tí là phải ban bảo vệ sức khỏe trung ương hỏi han săn sóc. Cũng không ít vị tổng thống, thủ tướng, nguyên thủ các nước “thù địch”, tư bản giãy chết đạp xe hoặc đi bộ đi làm, không cần phải xài xe chống đạn chục tỉ, không sợ bất cứ đứa nào tạt mắm tôm vào mình…
Những khán đài “tinh thần thể dục” giải bóng chuyền VTV, có lẽ chỉ có ở xứ này. Đó là nỗi hổ thẹn. Nhưng chỉ dân thẹn chứ chúng không biết thẹn. Chúng đã chai lì, trơ trẽn, hóa đá cả rồi.
Thông cào


*


XEM BÓNG CHUYỀN, QUAN cũng phải khác DÂN ?

Giải bóng chuyền VTV Cup 2019 vừa tổ chức ở Quang Nam, được người dân hưởng ứng rất đông vui. Mình chơi bóng chuyền từ hồi thanh niên, nay xem giải này cũng thích. Nhưng mỗi lần nhìn lên khán đài, thấy sự phân biệt chỗ ngồi xem của quan chức và của người dân, thì không chịu nổi!
Trong khi người dân đứng ngồi chen chúc chật ních và rất nhiều người không thể vào sân, thì khu vực của quan chức rộng thênh thang, trang hoàng như lễ đài ngày 2/9 cụ Hồ đọc tuyên ngôn Độc lập! Nào là ghế, bàn sang trọng, rộng thênh thang, trên bàn bày hoa tươi và nước giải khát… Ngay trong trận chung kết, có đội Việt Nam thi đấu mà “lễ đài” của các quan cũng vẫn thừa ghế, còn những trận khác, khu vực này rất nhiều ghế bỏ trống, nhưng người dân không được pháp bén mảng đến! (Nhân viên truyền hình trực tiếp cũng rất ý tứ, nhưng thỉnh thoảng vẫn lộ hình ảnh khu vực này trên màn hình, nên mình chụp được).
Thì ra đi xem thể thao, các quan chức cũng phải tham nhũng ghế ngồi thật đẹp mà không mất tiền, lại được phục vụ; lại phải thật sang trọng, phân biệt, xa cách khác hẳn với thân phận thấp hèn của dân đen thì mới khoái!
Đó quả là thứ vô văn hóa của loại quan chức trọc phú học làm sang, không biết mở mắt xem quan chức ở thế giới văn minh, người ta giản dị, bình đẳng, hòa đồng với nhân dân thế nào, nhất là trong sinh hoạt đời thường, như xem văn nghệ, thể thao…
Thời phong kiến chỉ có một ông vua, các quan không được xây nhà to, đi xe đẹp, ăn chơi hơn vua… Nay thì có “Vua tập thể”, mỗi tỉnh, huyện đều có mấy lãnh chúa; họ muốn xây biệt phủ to hơn vua bao nhiêu cũng được, muốn ăn chơi hơn vua cũng tha hồ, chẳng sao… Chỉ có đi xem bóng chuyền, họ cũng phải như vua, chúa, khác xa với thần dân.
Lối sống đó đã trở thành đặc quyền, đặc lợi của quan chức, nên họ ăn, ở, đi lại, chữa bệnh, chơi bời, con cái học hành, cách nói năng, ứng xử … tất cả đều phải khác biệt, xa lạ với người dân mới thỏa mãn. Có phải đó cũng là đặc điểm nhân cách có tính phổ biến của quan chức Việt Nam thời nay?
Từ một hiện tượng có thể xâu chuỗi các sự kiện để nhìn ra bản chất vấn đề, đó không phải suy diễn cảm tính, quy kết chủ quan, tùy tiện mà là một phương pháp tư duy, mọi người dân đều cần được trang bị để trưởng thành về nhận thức, biết phê phán một cách có cơ sở, để thoát khỏi thảm cảnh:
“Dân hai lăm triệu, ai người lớn
Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con”…
như Tản Đà Tiên sinh đã nêu ra từ năm 1916; nay dù đã hơn 100 năm, dân ta gần trăm triệu, cũng chưa khá hơn được bao nhiêu!
11/8/2019
Mạc Văn Trang.

Không có nhận xét nào: