Tác giả cùng một nhân vật trong cuốn sách.
Khi cô tiếp viên đến hỏi, tôi không dám ngẩng lên vì mắt hãy còn nhòe nước... Lúc đó, máy bay đang chạy ra đường lăn và tôi đang đọc trang 18 "Tôi Là Con Gái Của Cha Tôi", cuốn sách thứ 3 của Phan Thúy Hà.
21 câu chuyện với rất nhiều thân phận, thân phận của những "thằng ngụy què" (cách mà họ từng bị gọi vô cùng miệt thị) trong những ngày mà đôi khi chính họ vẫn buột miệng gọi là "sau ngày giải phóng".
Như thế nào là "sau ngày giải phóng".
Có thể hình dung theo cách nói của một người dân Cam Lộ: "500 đồng trước mua được một tạ lúa; 500 đồng giờ đổi... mua được 20 ký lúa. Vợ tôi đi làm hợp tác xã mỗi ngày được 3 lạng lúa. Có nhà cuối vụ được 3 bao lúa. Với ba bao lúa người ta sống thế nào".
Nhưng, "may mà chiến tranh không kéo dài tới bây giờ". Hồi chiến tranh, đi lính đỡ chết hơn ở làng; "ai không sợ đói thì đi cách mạng, đứa nào sợ chết thì đi lính(VNCH)".
"Giải phóng" với một phế binh Cộng hòa là, 24.480 đồng của kỳ lãnh tiền tháng 4-1975 sẽ là kỳ cuối cùng; của những thương binh đang điều trị dở dang trong Quân y viện Cộng hòa là tự tìm đường mà về; có người mang theo bịch nước tiểu bên mình suốt hơn bốn mươi năm sau, vì vào ngày 30-4 chưa kịp làm phẫu thuật...
Cũng như "Đừng Kể Tên Tôi" [viết về những cựu binh của QĐND VN] trong cuốn sách mới viết về các cựu binh, các thương phế binh VNCH này không có một nhân vật nào được tường trình đầy đủ. Có nhiều cuộc gặp tình cờ, có không ít câu chuyện bỏ lửng... Nhưng, đúng như Hà viết, có những tình huống, cô đã định lấy máy ảnh ra chụp nhưng rồi thôi vì "nếu không chụp sẽ nhớ lâu hơn" là chụp.
Có lẽ, trong những khoảnh khắc ấy, cô nhận thấy, đôi mắt của họ không nhòe đi như mắt tôi... Chỉ có sự đồng cảm của những con tim chứ không có thứ máy ảnh nào có thể chụp được nước mắt chảy vào trong cả.
Phan Thúy Hà viết như không viết... Như một bản năng được trời cho, cô chuyển những hình ảnh mà cô "bắt" được, cô truyền những cảm xúc mà cô có được... đến ta đầy đủ tới mức như chính chúng ta cũng đang cùng cô trực tiếp nghe chuyện đời sau 30-4 của những người "lính Ngụy".
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét