Thứ Tư, 14 tháng 8, 2019

MỘT CON ĐƯỜNG ĐI KHÔNG TRỞ LẠI



Con đường chúng ta hành quân
Chỉ một lần thôi, chẳng bao giờ trở lại 
Suốt Trường sơn có bao nhiêu đồng đội
Vùi xác mình vào con đường lãng quên

Nơi con suối khô khói thở rát đá lèn
Nơi cánh rừng muỗi bu thân sốt rét
Nơi trở giấc trong hầm khuya pháo kích
Chạm má mình nước mắt bạn sang tôi

Một con đường cơn đói quặn như sôi
Thèm đến khóc bát canh chua của mẹ
Con đường ấy âm u thư không tem viết dở
Người vào người ra ôm nhau giữa cổng trời

Một con đường đi chỉ một lần thôi
Người về bâng khuâng đêm đêm nhớ
Người nằm xuống nát hồn mơ quê cũ
Con đường xưa thăm thẳm nhói tim mình

Có một thời con đường ấy lung linh
Mắt trong mắt , vang bài ca ra trận
Anh gặp em tóc xanh chùm súng đạn
Áo ngực em dăng thơm hôi hổi cả cánh rừng

Một con đường leo núi vượt sông
Cột mốc là những nấm mồ chết trẻ
Tên những cánh rừng mang tên người không về nữa
Một con đường nước mắt tưới rưng rưng

Thôi. Kể làm chi những tên đất tên sông
Bởi ứa máu nhớ mà không trở lại
Trường Sơn ơi, xin hương hồn đồng đội
Trở dậy dựng bia cho một con đường

Trở dậy đặt tên cho ngọn núi dòng sông
Hoa rừng trắng đến đời sau vẫn trắng
Con đường cũ lá khô buông tĩnh lặng
Lá khô buồn như tiếng nấc thả vào đêm

Chẳng thể trở về nên cứ nhói con tim
Nối tim bạn với tim mình bằng đường hành quân trí nhớ
Lá vàng rơi chiều xưa bên suối nhỏ
Chiều nay ...
                    rơi trên tóc bạc chúng mình 

Nguyễn Trọng Luân
Sáng 27/7/2011
(bài viết nhớ Lê Chí Thanh, người Cao bằng)

PS:
Nguyễn Trọng Luân là một người lính của những năm cuối trong cuộc chiến tranh chống Mỹ, giải phóng đất nước. Anh rời giảng đường trường Đại học Cơ điện Bắc Thái đi bộ đội tháng 9/72 khi học hết năm thứ ba đại học, vào lúc hàng ngàn sinh viên của các trường đại học được huy động tham gia quân đội. Anh là lính sư đoàn 320A chiến đấu ở Tây Nguyên, mặt trận B3. Thống nhất đất nước, Nguyễn Trọng Luân trở về học tiếp đại học, trở thành một kỹ sư cơ điện và rồi một giám đốc xí nghiệp, lăn lộn nhiều năm với cuộc mưu sinh của xí nghiệp mình. Nhưng gần bốn chục năm qua, Nguyễn Trọng Luân vẫn luôn ám ảnh bởi những ngày tháng chiến trường, những đồng đội đã ngã xuống và nằm lại trên những mảnh đất quê hương.
Có thể nói hầu hết những bài thơ của Nguyễn Trọng Luân như ùa về và bật ra trong một khoảnh khắc nào đó, nhưng là những khoảnh khắc của hôm nay có từ những khoảnh khắc chiến tranh bốn mươi năm trước còn hằn trong tâm khảm người lính, từ chiêm nghiệm của một đời người, từ khắc khoải khôn nguôi về chiến tranh, về những người đã hy sinh và người trở về. 
Nguyễn Trọng Luân đã viết những lời gan ruột của một thế hệ một thời đã dâng hiến tuổi trẻ sống và chiến đấu vì tổ quốc.
Trên đây là một bài trong tập thơ "Mây trên trời Quảng Trị" gồm 32 bài, phần lớn viết trong những tháng năm khá gần đây. Có thể nói cốt lõi của tập thơ là “lời của người sống sót” sau chiến tranh nói với những đồng đội đã chết và người đang sống. Quanh cái cốt lõi ấy, sự hoà quyện giữa tình cảm và nghệ thuật ở các bài thơ đã đạt đến mức cao, động đến nơi sâu thẳm của lòng người, làm bao người luôn ứa nước mắt khi đọc những lời của người lính cũ này.
Cũng vì vậy, những bài thơ của Nguyễn Trọng Luân làm rất nhiều người đã từng yêu thơ, nhiều năm qua thờ ơ với thi đàn, bỗng chợt yêu quý lại thơ ca, thấy thơ ca có thể nói hộ lòng mình  rất nhiều.

Không có nhận xét nào: