Thứ Bảy, 1 tháng 2, 2025

CHÓ: MỘT THỜI ĐỂ NHỚ

 


Nguyễn Bảo Sinh

23/03/2024


                      “Đêm qua anh đi chơi về

            Hương tình men rượu bay đi ít nhiều

                     Vợ con chẳng nói một điều

             Chỉ con chó mực vẫy liều cái đuôi”

                   “Làm thơ, nuôi chó, chọi gà

                  Ba trò chơi ấy làm ta bơ phờ”


Ngày xưa ta nuôi chó chỉ để trông nhà, làm thịt và dọn phân cho trẻ con. Chó rất ít khi được ăn cơm chứ đừng nói đến ăn thịt, cá như bây giờ. Chó được ăn vã cơm đó là một đại tiệc lớn. Thời Pháp thuộc cấm chó chạy rông ra đường, ai vi phạm sẽ bị phạt.


“Hà Nam danh giá nhất ông Cò

Trông thấy ai ai chẳng dám ho

Hai mái trống tung đành chịu dột

Tám giờ chuông đánh phải nằm co

Người quên mất thẻ âu trời cói

Chó chạy ra đường có chủ lo

Vớ vẩn đi xia may bắt được

Phen này chắc hẳn kiếm ăn to”

                                 (Thơ Tú Xương)

Trong truyện Vũ Trọng Phụng, hai cảnh sát “Minoong”, “Min-đơ” đi suốt Hà Nội cũng chỉ tìm cách phạt được mấy chủ thả chó chạy ra đường. Sau ngày toàn quốc kháng chiến, người nuôi chó Béc giê đầu tiên ở Hà Nội là ông Đỉnh làm nghề thầu khoán, giầu lắm, nhà ở đầu phố Hàng Chiếu. Ông nuôi chó tại nhà, đầu phố Thanh Hà, sát cổng Ô Quan Chưởng. Thời đó, mỗi lần ông Đỉnh cho chó phối giống là cả phố đến xem đông nghịt. Thuở ấy, nuôi chó Béc giê là biểu hiện của gia đình quý tộc. Mua chó Béc giê phải đặt từ bên Pháp. Khách mua gửi cho chủ bán một chiếc khăn mùi xoa đã dùng quen. Sau đó chủ chó xuống Hải Phòng đón chó.

Chó đánh hơi chiếc khăn mùi xoa, rồi chạy xuống đám đông đánh hơi, tìm đúng chủ mua và ngồi ngay dưới chân. Thế là đã hoàn thành hợp đồng mua bán. Thời ấy chó Béc giê toàn nuôi bằng thịt bò sống tốn kém lắm. Chủ chó cũng oách lắm:

Tường ông trồng toàn những chai

Vườn ông thả đầy những chó”

Hoà bình lập lại, đồng chí Trần Duy Hưng, chủ tịch uỷ ban quân quản Hà Nội, ra lệnh triệt để cấm chó. Ai nuôi chó coi như phạm pháp. Thường xuyên có đoàn kiểm tra vác gậy gộc theo công an đi vào từng gia đình đập chết chó hoặc bắt chủ nhân lên đồn. Đoàn kiểm tra bao giờ cũng có công an và mấy đồng chí dân phòng và tổ trưởng dân phố cùng đi. Tổ trưởng dân phố và dân phòng vừa phải miễn cưỡng chấp hành lệnh cấp trên, vừa phải lấy lòng dân, nên một mặt đi báo trước cho dân để chạy chó, vừa mặt mũi nghiêm trang theo công an đi đập chó hoặc bắt chủ.

Cái cảnh mang chó đi chạy công an thật khóc dở, mếu dở. Nhiều khi phải mang chó đi sơ tán sang phường khác, hoặc ôm chó trốn lên gác thượng, hoặc giấu chó vào tủ. Song công an cũng dày dạn kinh nghiệm, họ mang cái phèng đi gõ, lập tức chó sủa ầm lên nên bị lộ. Chó bị lôi ra đập chết, người lớn đau thương, trẻ em khóc ầm lên như nhà có người chết. Nếu nhà nào có ao chuôm thì ôm chó xuống ao phủ bèo Tây lên đầu như du kích trốn Tây đi càn.


Khoảng năm 1970, trên điếm tổng Sơn Tây có tay bán phở mắc hai tội một lúc: nuôi chó Béc giê và dùng chó Béc giê đi ăn trộm gà, đã bị Toà án Nhân dân tỉnh xử tại chỗ để cảnh cáo răn đe, tay bán phở bị xử án 2 năm tù. Tay bán phở lập kỷ lục Ghi- nét người đầu tiên bị tù vì nuôi chó ở Việt Nam. Việt Nam thời đó chỉ có hai cơ sở được quyền nuôi chó nghiệp vụ là Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ. Một vài hộ được cấp giấy nuôi chó cho Bộ Nội vụ. Người làm giả giấy phép nuôi chó của Bộ Nội vụ đem bán cho dân nghiền nuôi chó là ông Vi, hỗn danh là Lã Bất Vi, nhà chỗ Hồ Ba Mẫu cạnh đường Tầu hoả. Trại nuôi chó của Sở Công an Hà Nội do Đại uý Bổng chỉ huy. Trại chó nghiệp vụ này nằm ở cuối đường Hoàng Hoa Thám, đối diện với chợ Bưởi. Song, vì không có kinh phí, và chó nghiệp vụ hoạt động không có hiệu quả lắm nên trại này cũng tiêu điều. Sau này, trại đó giải tán. Đại uý Bổng nghe đâu cũng đã chuyển sang 113.


Trại chó nghiệp vụ của Bộ Công an trước gọi là C500 đóng ở Hà Đông. Sau đó chuyển lên Kim Anh và đổi tên là C32. Đồng chí hiệu phó trường là Bùi Bá Đoan phụ trách chuyên môn có nhiều kỷ niệm với giới nuôi chó Hà Nội. Có lần đồng chí Bùi Bá Đoan mời một số anh em hội nuôi chólên để tham gia trại. Đồng chí Đoan giảng cho học viên thế nào là biểu hiện của chó chửa. Sau đó, ồng chí Đoan hướng dẫn mổ thử một con chó cho là chửa cho anh em chứng kiến. Khi mổ ra, hơi bị choáng, vì con chó này lại không chửa.


Còn đồng chí Bộ, trưởng phòng chăn nuôi, người loắt choắt, tính tình cởi mở, chân tình, được anh em giới nuôi chó Hà Nội quý mến. Khi đồng chí Đoan nghỉ hưu, đồng chí Bộ lên đại tá thay đồng chí Đoan. Ngành nuôi chó thì lon đại tá là cao nhất. Phụ trách ngành nuôi chó của Bộ Nội vụ là Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm. Đồng chí Chiếm rất mê chó, đã mang đôi chó Béc giê thuần chủng về Trần Quốc Toản nuôi, song nuôi mãi không đẻ được vì đồng chí bảo vệ theo sách của đồng chí Chiếm đưa cho bảo cứ sạch kinh năm ngày thì mang đi lấy giống. Vì không có thực tiễn nên đồng chí nuôi chó không phân biệt được đâu là kinh và đâu là huyết. Kinh sạch nhưng huyết còn chảy đến 15 ngày. Khi sạch huyết là trứng hết rụng.


Đọc quá nhiều sách vào mình

Không tiêu hoá được cũng thành ung thư”


Trước năm 1975, người nuôi chó cảnh ở Hà Nội chủ yếu ở Ngọc Hà và làng Thanh Trì. Ngọc Hà là đất hoa, người dân thích cái đẹp nên yêu chó cảnh. Còn Thanh Trì thời Tự Đức là nhà tù cải tạo dân trộm cắp. Đất này có máu tù, nên dân nuôi chó thích loại chó Béc giê to lớn, hung dữ để doạ trộm.


Người nuôi chó cảnh trước năm 1975 ở Hà Nội chỉ đếm trên đầu ngón tay như: Nguyễn Bảo Sinh ở 167, Trương Định; Phạt Khoèo, Nghĩa, Hoàng ở Thanh Trì; ông Thoả ở Trương Định. Ông Thoả trước làm tiếp phẩm cho trường nuôi dạy chó của Bộ Nội vụ. Thời đó, kiến thức về

chó ít lắm. Ông Thoả là người đầu tiên có công phổ biến cách cho chó Béc giê giao phối. Những bậc lão thành chơi chó nay đã giải nghệ, ông Thoả nay đã hơn 70 tuổi, tóc trắng xóa, đi đứng chậm chạp,sức sống cạn kiệt. Còn Phạt Khoèo thời sốt đất phát tài to, song lại lao vào cờ bạc đỏ đen về chơi gà chọi nên tay trắng lại trở về trắng tay. Còn Nguyễn Bảo Sinh vẫn duy trì và phát triển nghề nuôi chó ở Việt Nam và trở thành bậc tổ của ngành nuôi chó cảnh kinh doanh.


Đặc biệt là ông Đỉnh ở Hàng Chiếu đã mất từ lâu, song thời 1990 thì mấy cô con gái ông Đỉnh làm nghề dậy học lại tiếp tục nuôi chó cảnh, nghề mà ông Đỉnh say mê từ năm 1947. Mấy cô gái con ông Đỉnh lại nuôi chó Nhật trên chính ngôi nhà mà ông Đỉnh ở năm 1947. Sau năm 1975, khi ta giải phóng miền Nam, phong trào nuôi chó mở sang trang mới.

Sau giải phóng, nhu cầu dân Sài Gòn về chó Béc giê rất cao. Thời Nguỵ, chó Béc giê là binh chủng bí mật của quân đội, nên dân thường không được nuôi, trừ một số gia đình có thế lực mới được phép. Từ năm 1975 - 1985, người miền Bắc có phong trào nuôi chó Béc giê bán cho Sài Gòn. Người Bắc kỳ độ ấy nghèo lắm, cơm còn chẳng đủ ăn, mấy ai dám nuôi chó Béc giê. Người Hà Nội nuôi chó Béc giê chủ yếu để chống đói. Lúc đó không ai dám bỏ tiền ra mua chó để chơi. Suốt từ năm 1975-1985, Hà Nội chỉ là bồi chó cho dân Sài Gòn.

Ông Khuyến, tay chơi gà chọi nổi tiếng ở Hải Phòng là người đầu tiên dùng Hon- đa đặt thêm cũi sắt để chở chó từ Hà Nội xuống Hải hòng, rồi vận chuyển vào Sài Gòn bán.


Khoảng năm 1975, ông Nguyễn Bảo Sinh mua lại con chó Béc giê tên là Bạch Tuyết của Bộ Nội vụ. Thời ấy, đây là con chó to nhất và đẹp nhất. Đẹp nhất lúc sơ khai thời nuôi chó gần như đồng nghĩa với to nhất. Họ cân chó đẹp như cân lợn, mo tăng phú tất cả mọi chỉ tiêu chó đẹp quốc tế. Vì vậy, Hà Nội có phong trào nhồi chó. Chó Béc giê nào cũng bụng ỏng như lợn, không thích chạy, chỉ nằm. Chủ chó làm một cái tạp dề đeo cho chủ và chó, một tay cầm phễu to đút vào mồm chó, một tay múc cháo đổ vào miệng chó. Ngày xưa, nhồi cho chó ăn cũng vất vả như ngày nay các bà mẹ quá yêu con, nhồi cho cháu bé đến vã mồ hôi mới xong một bữa. Nghĩ thật ngây thơ, một lần tôi và cậu Hiếu ở 117, phố Huế đang ngồi chơi lúc 15 giờ ở quán nước, có một ông bạn phất phơ đi qua bảo ở Lạch Tray, Hải Phòng có một con chó Béc giê to bằng con bê. Thế là máu tò mò của tôi và Hiếu nổi lên. Mặc dầu trời lạnh, mưa phùn, trời lại trở về chiều, hai thằng yêu chó như điên đèo nhau bằng xe máy phi thẳng xuống Hải Phòng. Đến Lạch Tray, tôi và Hiếu tìm đến nửa đêm mới mò ra địa chỉ con chó to như con bê. Ông chủ chỉ cho tôi một con chó nhỉnh gấp rưỡi con chó ta, ông ta trầm trồ cho là nó to nhất. Tôi và Hiếu nản hẳn. Hai người lại hối hả về Hà Nội. Mưa đậm hạt, chân tay tê cóng, nhiều lúc không điều khiển nổi tay lái. Đến hôm nay, nhiều khi tôi và Hiếu ngồi kể lại chuyện xưa, cái thời ấu trĩ yêu chó đến điên khùng. Trên cả điên khùng là ông Khải mù ở ngõ Trần Quốc Toản. Khải tuy mù nhưng có hai vợ, hai vợ xinh đẹp và sợ Khải một phép. Đến người sáng mắt như tôi cũng không điều khiển được một vợ, thì Khải mù quả là “anh hùng dân tộc”. Hơn nữa, Khải mù còn là chủ nhiệm một hợp tác xã làm phụ tùng xe đạp. Năm 1975, xe đạp là phương tiện chủ yếu để giao thông, thì ông chủ nhiệm Khải là nhà doanh nghiệp vĩ đại của Hà Nội. Ông Khải mù lại chơi chó. Ông bắt con cái chở đi khắp nơi đồn có chó đẹp. Ông xuống tận Hải Phòng, Hải Dương, Vĩnh Phúc để xem chó. Thời 1975, ô tô rất ít, đi như thế cũng khó như ta đi vòng quanh nước Tầu. Bất cứ một con chó Béc giê dù dữ đến đâu, Khải mù cũng ôm ngay được và sờ mó, vuốt ve, mặt rưng rưng cảm động như ta nắn bóp, vuốt ve người tình, mắt đờ ra toàn lòng trắng.


Một lần Khải mù lên phố Bát Điếu mua của ông D một con Béc giê mầu đen. Nuôi một thời gian, chó đổi lông sang mầu vàng. Theo luật thì Khải phải chấp nhận. Khải không chịu, Khải nấp ở cổng nhà D, D vừa mở cửa, Khải thộp ngay được ngực rút ngay dao ra và hô hoán ầm lên: Mày thấy tao mù, mày lừa bán cho tao con chó lông vàng lại bảo là lông đen. Ông phải giết thằng lừa đảo”. Nhân dân đi qua ai cũng bảo: “Tệ quá, ai lại đi lừa người mù”.Quả đó, Khải thắng to, D thì nhớ đời. D phải trả lại, kể cả tiền bồi thường công nuôi dưỡng. Nuôi chó Béc giê thập niên 1980 biết bao chuyện bi hài. Con chó gây dấu ấn ở thập niên 1980 phải kể đến con Rô-man. Rô-man là chó của Bộ Nội vụ trang bị cho nhân viên bảo vệ kho hàng Yên Viên. Một hôm, kẻ cướp bẻ khoá cướp hàng. Nhân viên bảo vệ và Rô-man xông ra chiến đấu. Rô-man bị đánh què. Còn nhân viên bảo vệ bị đâm chết. Thương binh Rô-man bị thải ra bán cho dân. Trương Tử Nam đẹp trai như người mẫu Hà Nội, đã mua Rô-man về nuôi tại số 17, Nguyễn Huy Tự. Trương Tử Nam bị dính líu vào phi vụ vượt biên, bị công an bỏ kho. Trương Tử Nam bán cho Quyết thuốc lào ở Bà Triệu. Quyết thuốc lào yêu quý chó hơn cả vợ con, vì mua được chó khôn, giá rẻ. Đặc biệt Rô-man là chó huấn luyện bảo vệ chủ. Ai đánh chủ là Rô-man xông tới dùng mõm đấm cho quay đơ, rồi há mồm ngửi vào cổ họng đối phương. Dù khôn thế nào thì chó vẫn là chó. Nó không thể nào phân biệt được giữa bạn bè bắt tay nhau, ôm hôn nhau với đánh nhau. Cho nên, khi ban đêm, Quyết ôm hôn vợ, chó cũng xông đến đả cho vợ một trận. Ông tổ trưởng dân phố vào nhà, khi ra bắt tay Quyết, chó cũng cho một trận no đòn. Nhà Quyết ở trong ngõ, ai đi qua trông thấy ngài Rô-man ngồi lù lù trên giường cũng đều sợ hãi len lét như rắn mùng năm. Bạn bè cũng ít ai dám đến chơi, mặc cho Quyết luôn cam kết: “Mời bác cứ vào chơi, con Rô-man khôn lắm, tuyệt đối không cắn bác đâu”. Đúng là dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng. Nguy hiểm nhất là mỗi khi Quyết mở cửa, Rô-man xông ra bể nước chung uống tòm tọp trên các chậu rửa mặt, khiến nhân dân rất sợ hãi và tức giận. Người giận nhất là đồng chí thượng tá quân đội khi bị Quyết mắng: “Mày đừng tinh tướng, Rô-man đi chơi phố, cả nước ra chiêm ngưỡng. Còn mày, cứ đi cả ngày có ai thèm nhìn”.

Sau đó đồng chí thượng tá và nhân dân yêu cầu công an giải quyết. Quyết cậy mình là thương binh hạng nặng, bỏ ngoài tai. Thời ấy, thương binh được ưu tiên lắm. Một buổi, Quyết mang Rô-man ra phối giống tại cửa trường tiểu học Lê Ngọc Hân. Sự việc này gây xôn xao, ầm ĩ. Các em học sinh nam, nữ bỏ học ùa ra xem đôi chó kéo co thở hồng hộc. Khách qua lại dừng chân, ô tô đỗ hàng đoàn xuống xem chó phối giống. Đoạn đường từ phố Bà Triệu tới Đại Cồ Việt tắc nghẽn giao thông. Hà Nội thời 1980 rất vắng, bình thường không bao giờ có tắc đường cả. Sau phi vụ này, Quyết bị phòng giáo dục lên án là tuyên truyền tệ nạn xã hội cho các em học sinh bằng hình thức: cho học sinh xem chó phối giống. Quyết bị tống giam vào Hoả Lò. Thường ngày Quyết nói: “Chỉ có bước qua xác của Quyết mới bắt nổi chó”. Lần này thì vợ Quyết khóc mếu máo nhờ bán hộ chó càng nhanh càng tốt, giá bao nhiêu cũng được.


Quyết lập “kỷ lục Ghi-nét” Việt Nam là người đầu tiên nuôi chó ở Hà Nội bị tù. Sau khi được tha khỏi tù, có lần Quyết đến tôi chơi. Đang ngồi uống nước bỗng có hai đại ca vào chơi. Quyết và hai đại ca này sững sờ. Đại ca hỏi Quyết:

- Có nhớ đàn anh không?

Quyết ngớ ngẩn giả vờ không biết. Đại ca nhắc:

- Cái hồi bị giam khai là nuôi chó bị bắt, các đàn anh mắng cho một trận bảo là ngông, là hỗn, bắt đổ bô một tháng còn giả vờ quên à?

Quyết bẽn lẽn nhìn xuống đất.

Rô-man lại sang tên cho cậu Nam lái xe ở cuối phố Lê Đại Hành. Cậu này nuôi được một thời gian thì bị tai nạn lái xe, tử vong. Rô-man rơi vào tay bà Lan Mười, chủ xưởng nhựa lớn ở phố Hàng Bột, bà này bị bắt và bị tịch thu gia sản theo nghị quyết 228, dân gian gọi là nghị quyết “hai hai túm”, những người kinh doanh có máu mặt ở Thủ đô

đều bị tóm gọn.

Đúng là con chó mang phúc hoạ cho con người không nhỏ. Vì thế, ở những đền thờ ta có tục lệ thờ chó đá. Rô-man theo tướng số xếp loại chó phản chủ. Chủ nào nuôi Rô-man nhẹ thì tán gia bại sản, nặng thì tù tội, nặng nữa thì tử vong.


Khoảng năm 1985, đất nước rục rịch chuyển sang kinh tế thị trường. Lúc này thì vận mệnh con chó cũng thay đổi. Thay đổi vận mệnh con chó cũng tiên tri cho vận mệnh con người. Lúc này đã có nhiều cuộc họp của các cấp lãnh đạo về việc có nên bãi bỏ lệnh cấm chó không?

Theo tinh thần họp của thành uỷ thì đất nước ta còn nghèo, còn có nhiều cụ già chưa đủ cơm ăn, trẻ thơ còn thiếu sữa, ta lại cho phép nuôi chó Béc giê bằng sữa, bằng thịt thì có đúng với tính chất của Đảng cộng sản không?


Theo công văn đề nghị của Sở Công an Hà Nội thì:

1. Chó là con vật gắn bó với dân tộc từ mấy nghìn năm lịch sử, gắn bó với tâm linh dân tộc: “Khuyển mã chí tình”.


2. Các vị lãnh đạo nhà nước ta có nhiều người rất thích nuôi chó: Lê Nam Thắng, Tư lệnh trưởng quân khu Thủ đô; Vũ Xuân Chiêm, Thứ trưởng bộ quốc phòng; Nguyễn Chánh, Chủ nhiệm tổng cục hậu cần; Hoàng Minh Giám, Bộ trưởng; Nguyễn Đức Thuận…


3. Các nước xã hội chủ nghĩa như Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức, Liên Xô… đều được phép nuôi chó. Những buổi họp hội đồng nhân dân thành phố đều nổ ra cuộc tranh luận gay gắt về vấn đề chó.

Rồi người dân Hà Nội choáng váng khi nghe tin được phép nuôi chó. Được phép nuôi chó, từ nay vận mạng dân tộc đã chuyển sang xóa bỏ thời kỳ bao cấp. Dân nuôi chó nổ sâm banh ăn mừng tin thắng lợi lớn.

Mọi người nô nức dắt chó lên số 86 Nguyễn Du xếp hàng tiêm và lấy giấy phép nuôi chó. Trưởng phòng chó lúc đó là thiếu tá Tạ Văn Thi và phó phòng là đại uý Khương Văn Đồng, sau đó đại uý Khương Văn Đồng về làm quận phó hình sự quận Hai Bà Trưng. Bác sỹ tiêm chó là thiếu uý Dung, cấp giấy phép là thiếu uý Long.Nội dung giấy phép nuôi chó nay đọc lại thấy rất kỳ cục như: “Tất cả mọi chó sinh sản phải giao lại cho sở công an chứ không thuộc chủ quyền sở hữu của người nuôi”.


Nhân dân thấy rất vô lý vì chó của dân do dân nuôi mà khi chó sinh sản lại nộp cho nhà nước thì thật vô lý. Có người lại bảo, dân vốn gian, ta cứ dấu biệt chó con đi thì có mà trời tìm. Nhưng do mừng quá vì được nuôi chó nên chẳng mấy ai thắc mắc gì. Lúc này xẩy ra điều khá kỳ quặc, Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội thì đọc lệnh cấm nuôi chó, trong khi Sở công an Hà Nội lại cấp giấy phép nuôi chó. Và cũng như muôn đời, chủ nào có tiền đút lót thì không phải mang chó đi kiểm tra cũng được đưa giấy đến tận nhà. Trâu bò húc nhau, ruồi muỗi chết. Xuân Thuỷ ở đầu phố Bạch Mai, bán đồ mỹ phẩm là vật thí mạng trong việc trâu bò húc nhau này. Xuân Thuỷ tên thật là Xuân, có thời làm mỳ sợi nên còn gọi là Xuân Mỳ, Xuân Mỳ là tay chơi, tay nghiện mầu trắng. Thời 1980, Xuân Thuỷ xây một căn nhà hai tầng rưỡi có mặt bằng 49m2. Thời ấy xây nhà mái bằng hai tầng là một sự kiện long trời lở đất của Hà Nội. Xuân Thuỷ nhờ Phạt Khoèo ở Thanh Trì mua cho một ổ chó đẻ 9 con về nuôi kiếm lời. Nuôi chó đẻ mệt lắm. Xuân Thuỷ rất cần cù chịu khó thức đêm sụt mấy cân. Anh thường đùa: “Nuôi được đàn chó nên người thì mình thành nó”. Có lần cả phố đồn ầm là Xuân Thuỷ mua cả phở cho chó ăn. Mua phở cho chó ăn tội chết là cái chắc. Báo Nhân Dân đăng bài kết tội Xuân Thuỷ nuôi 10 con chó, mỗi con hàng ngày ăn hết 1kg thịt bò. Báo Nhân Dân đã phê bình thì coi như là bản án. Sau đó, Xuân Mỳ bị tịch thu ngôi nhà đầu Bạch Mai, và bị đầy xuống khu lao động Tương Mai, nay đổi là Tân Mai. Tài sản Xuân Thuỷ mang theo là đàn chó. Trong lúc cùng cực, Xuân Thuỷ nhờ có chó mà cứu sống gia đình bằng cách làm chủ chứa, môi giới mại dâm chó, vi phạm nghị quyết 87 CP của chính phủ, nhưng vẫn được coi là hợp pháp. Nhờ chó, Xuân Thuỷ kiếm được ít tiền nên chuyển lên ở khu lắp ghép Trương Định. Sau đó, đất nước sang thời kỳ đổi mới, Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh đã lãnh đạo dân tộc ta chuyển sang xoá bỏ bao cấp. Việc làm ngay là trao trả nhà cho những người

bị tịch thu theo nghị quyết 228. Xuân Thuỷ được trả lại ngôi nhà đầu Bạch Mai mở cửa hàng mỹ phẩm đắt khách nhất phố Bạch Mai. Xuân

Thuỷ mua thêm căn nhà đối diện cũng mở hàng mỹ phẩm, đồng thời Xuân Thuỷ còn phát triển cửa hàng mỹ phẩm Xuân Thuỷ ở nhiều nơi trong Hà Nội. Còn cậu Xuân thời đó là hộ tịch đầu Bạch Mai, người canh gác dưới nhà Xuân Thuỷ, trước đêm Xuân Thuỷ bị tịch biên nhà cửa, để đề phòng tẩu tán tài sản.


Khi Xuân Thuỷ bị trục xuất ra khỏi nhà, bị cưỡng chế lên ô tô về Tân Mai, Xuân Thuỷ rất lạc quan, tin nhà nước sẽ xét lại và mình sẽ trở về. Xuân Thuỷ nhờ Xuân hộ tịch:

“Cậu nhớ giữ đừng làm hỏng đồ, thế nào nhà nước cũng trả lại nhà cho mình”.

Xuân làm hộ tịch khá lâu đầu Bạch Mai, nghe đâu sau này Xuân hộ tịch bị phá sản vì vỡ đề. Theo cách giải thích của người nuôi chó, sở dĩ Xuân Thuỷ bị tịch thu nhà vì mắc tội với tâm linh do đi mua chó chửa về nuôi. Nuôi chó thì mua chó chửa là độc lắm. Còn Xuân hộ tịch bị vỡ đề vì đi bắt người mua nuôi chó chửa cũng độc lắm, nhẹ thì tán gia

bại sản, nặng có thể tử vong.


Con chó Béc giê nổi tiếng đầu thập niên 1970- 1980 là con A-mi của ông Nguyễn Bảo Sinh tại 167, Trương Định,Hà Nội. Con A-mi thuộc giòng con Bạch Tuyết, chó màu trắng của Bộ Nội vụ, con chó to cao nhất của Việt Nam thời đó. Ông Sinh mua con A-mi giá một cây vàng. Một cây vàng thời đó có thể mua được 2.000m2 đất ở Hà Nội. Có lần ông Sinh nói chuyện ở quán nước mua Bạch Tuyết giá một cây vàng gây ẩu đả to, vì mấy tay anh chị chửi: “Mẹ mày, trên đời này làm gì có chó giá đến một cây vàng, mày định chửi tụi ông là đầu đất hả”.

A- mi là tổ của ngành nuôi chó kinh doanh ở Việt Nam. Năm 2006, ông Sinh tổ chức ngày giỗ thứ 30 của A- mi, tất cả anh em nuôi chó thời 1975-1985 có mặt đông đủ, và những cựu chiến binh nuôi chó gặp nhau rưng rưng cảm động ôm chầm lấy nhau. Thời 1975 chỉ chuộng chó xám, A-mi mầu xám vàng.

Từ năm 1984 trở đi, thời trang chó chuyển sang mầu đen. Tính làm mành ở đường Hoảng Hoa Thám nuôi con Nét đen tuyền dáng mảnh mai như ngựa được nhiều người ưa thích.


Thời 1985, Phong ở Hải Hưng, dạy trường Đảng, nuôi con chó Mi-sa mầu đen vàng nổi tiếng nhất miền Bắc. Mọingười đua nhau đem chó đến lấy giống. Nhiều con chó nhận bừa là lấy giống Mi-sa để dễ bán con. Thời ấy, giá bán chó con kỷ lục của Mi-sa, cũng của cả nước, là bốn chỉ, năm 2001 là 10 cây vàng một con.

Becje Ami và Bát Phố

“Siêu mệt, siêu chết, siêu lời

Lạc vào làng chó, ít người thoát ra”


Không có nhận xét nào: