Duong Tien Hien
CCB-Thương binh nặng F 356
Cuộc chiến do Trung Quốc xâm lược riêng vùng biên giới Vị Xuyên vùng chiến sự có chiều dài khoảng 20 km, kéo dài từ 1979-1989;
Tại chiến trường Vị Xuyên nhỏ hẹp, cả hai phía Trung Quốc và Việt Nam đã dồn về đây lần lượt gần 1.000 000 quân; Phía Trung Quốc đưa khoảng 10 quân đoàn của 8/10 đại quân khu; Phía Việt Nam đã điều động quân số tương đương 3 quân đoàn gần 200.000 quân để chống lại...
Kết quả về thiệt hại, Việt Nam đã hy sinh khoảng trên 6000 bộ đội theo thông tin mà Phạm Viết Đào thu thập từ nhiều nguồn; Phía Trung Quốc số binh lính tử trận theo số liệu phía mạng Trung Quốc đưa ra là 21.000 lính, số bị thương là 20.000 lính...
Tại Nghĩa trang quốc gia Vị Xuyên, có gần 2000 ngôi mộ liệt sĩ được quy tập; 3900/6000 liệt sĩ được ghi tên trong Nhà tưởng niệm...
Tình cờ vào FB của CCB của chiến trường Vị Xuyên Duong Tien Hien, quê Thái Nguyên, một thương binh nặng được điều trị tại Bệnh viện 108 Hà Nội vào tháng 7/2024 vừa qua. Duong Tien Hien đã kể lại mình bị thương như thế nào và trong những ngày anh chạy chữa tại 108; Biết anh là thương binh Vị Xuyên, TBT Nguyễn Phú Trọng cũng đang điều trị tại đây đã cho y tá mời anh lên trò chuyện. Duong Tien Hien rất lấy làm vinh dự vì không ngờ anh được tiếp xúc với TBT Nguyễn Phú Trọng vào những ngày cuối đời của ông...
NHỚ LẦN NHẶT XÁC ĐỒNG ĐỘI Ở VỊ XUYÊN
Mình là lính của F 356 và là một trong rất nhiều các đồng đội đã bị thương nặng trong những trận pháo kích của quân Trung Quốc tháng 7 tức là ngày 12/7. Hàng năm ngày mà anh em đồng đội gọi là ngày giỗ trận, ngày quá đau thương của F 356 nói riêng và các đơn vị khác trên toàn mặt trận Vị Xuyên Hà Tuyên, cái ngày mà không bao giờ quên, ngày mà không còn nước mắt để mà khóc.
Mình không bao giờ quên ba lần đi nhặt từng mụn thịt của đồng đội, trong ba lần đi nhặt đó, mình không biết nói sao khi cả A ( tiểu đội ) lên tìm 3 đồng đội đi lấy măng, kỷ niệm đó có lẽ là một ám ảnh mà không bao giờ quên và cũng là lần đầu tiên nhìn thấy máu thịt của đồng đội. Đối với các đồng đội lính cũ 82- 83 thì rất bình thường, còn như bọn mình lính 84 mới vào thì chưa gặp trận nào.
Hôm đó, khi đến nơi không còn nhìn thấy ba người, không thấy ai hết. Mặc dù anh em gọi mà không thấy ai trả lời. Tối đến nơi rồi mà không biết ba đồng đội ở đâu. Bỗng anh Sang người Tứ Kỳ Hải Hưng kêu lên: ôi trời ơi đây rồi. Tất cả anh em chạy lại thì thấy một cảnh tượng đau lòng, không biết nói sao nữa. Một mẩu áo và đầu cánh tay mắc lên cây, phải trèo lên gỡ xuống. Cách đó không xa, một mảnh áo nữa vắt qua mỏm đá, cả ống quần nữa và mấy mảnh thịt bết vào khe đá. Lúc đó đã tối xẩm rồi, mọi người tìm xung quanh chỉ nhặt được một số mảnh vụn và hai khúc chân và dày vậy thôi. Vừa nhặt vừa khóc. Ai cũng khóc gọi rất nhiều, vậy mà anh em đâu có còn ai đâu. Tất cả xếp vào hai vong rồi mang về. Lúc đó, tay của anh em máu đã khô, về đến hầm mọi người ùa ra: trời ai cũng kêu lên, gọi anh Tuân và anh Khang C trưởng C phó xuống để xử lý. Vậy ba anh: một là anh Hùng người ở Chương Mỹ Hà Tây và anh Bích ở Thường Tín Hà Sơn Bình, ca hai đều lính 83 và anh Tiếp ở Hà Nội lính 82.
Theo ý của các anh, hai cái chân có dày là của anh Tiếp và anh Hùng, còn cái đầu mà có cánh tay là anh Bích. Chia ra, mình cầm và theo các anh chỉ dẫn, vì mình cũng chưa va chạm đến máu thịt bao giờ nên mình cũng cứ ghê ghê. Mình vừa khóc vừa gọi các anh. Lúc đi các anh bảo mình ở nhà rồi đi lấy can nước, bọn anh đi quen để anh đi. Anh Tiếp còn bảo: nay có xương thịt mới được chia về, bọn anh lên lấy bao măng về, thằng em nấu nồi canh thật ngon nhé. Vậy mà giờ không còn ai nữa vì khu bụi mai vẫn lấy măng đó rất hay bị pháo Trung Quốc bắn lắm. Không hiểu là bọn chúng nghi ngờ gì mà rất hay bắn vào đó.
Theo mọi người phán đoán là chúng thấy có bóng người ở đó, nó sợ mình ém quân vào đó nên nó mới bắn vậy. Không có chỗ nào trú ẩn cả. Khi nó bắn, cả ba anh ở gọn một chỗ nên một quả rơi đúng vào chỗ ba người nấp. Đau xót vô cùng, không có thoát một người nào. Khi các đồng đội vận tải vào để đưa ba đồng đội ra ngoài để chôn cất, nhìn thấy họ khênh đi mà anh em trong A ai ai cũng nói lời Vĩnh biệt. Đó là một ký ức nó ám ảnh suốt cả cuộc đời mình.
Hôm vừa rồi lên Hà Giang thăm và thắp hương cho các đồng đội hôm 12/7, mình đến nghĩa trang, bao giờ mình cũng đến thắp hương cho ba anh. Từ năm 2016 đến giờ, năm nào mình cũng lên thắp hương cho các đồng đội. Chiến tranh đã lùi xa 40 năm rồi nhưng kỷ niệm đau buồn đó không bao giờ quên được. Các anh bị hy sinh trong những khoảnh khắc mà mình không biết lấy gì đền đáp.
Hôm đó lẽ ra mình cũng đi nhưng anh Tiếp bảo mình ở nhà lấy nước để anh đi cho. Vậy cho nên mình rất cảm ơn anh. Mình rất áy náy với anh Tiếp. Tháng 3 năm 2006, lúc đó mình và Huy cụt chân phải cũng là bạn thân của mình, đi đâu hai anh em mình cũng đi cùng. Cả hai anh em mình bị thương vào trận 28/10/85 và cũng cùng ở đoàn điều dưỡng thương binh nặng với nhau tại Thụy Cầu Bắc Ninh. Hai anh em mình tìm đến nhà anh Tiếp, bố anh đã mất chỉ còn mẹ và một chi gái và hai em gái. Anh Tiếp là con trai một, lại chưa vợ con gì, thật sự hôm đến gia đình anh Tiếp huyện Thường Tín Hà Tây, nhưng khi anh em mình đến thì đã sát nhập vào Hà Nội rồi.
Vào tới nhà và giới thiệu là đồng đội của anh Tiếp. Trời ơi, mình cảm động vô cùng khi mẹ anh ôm hai anh em và mẹ khóc to và mẹ gọi ba hồn bẩy vía Tiếp ơi, mẹ ôm anh em mình mẹ khóc. Bọn mình cũng khóc rất nhiều và nghe mẹ kể về anh Tiếp cũng khổ lắm. Từ đó thỉnh thoảng hai anh em mình lại xuống chơi với gia đình, giờ mẹ ở với con gái út. Hai vợ chồng em đều làm việc gần, năm vừa rồi mẹ và hai em gái cũng lên Hà Giang thắp hương cho anh Tiếp và các đồng đội. Nhìn mẹ thắp hương cho các đồng đội và cho anh Tiếp, mẹ tóc đã bạc, nay mẹ đã 82 tuổi nhưng mẹ vẫn còn khỏe, vậy con rất thương mẹ và mong mẹ cứ khỏe mãi vậy mẹ nha. Còn mình năm nào cũng lên thắp hương cho các đồng đội nhưng do sức khỏe của mình sang năm nay giảm sút rất nhiều, vì từ cuối năm vừa rồi vết thương cột sống nó tái phát, đau buốt, không chịu nổi phải đi viện suốt.
TÁCH CAFE ĐƯỢC BÁC TRỌNG MỜI TẠI BỆNH VIỆN 108
Trước khi lên Hà Giang vừa rồi mình cũng hữu duyên nằm viện cùng bác Nguyễn Phú Trọng, hơn một tháng trời ở Viện 108 cùng bác Trọng, bác ở khu chăm sóc đặc biệt, không có ai được vào, nhưng bác Trọng rất thương cảm và quý mến thương binh nặng như hai anh em mình. Hôm nào cũng vậy, cứ ăn cơm chiều xong, bác Trọng lại bảo cháu Loan là hộ lý phục vụ chăm sóc bác gọi hai anh em mình sang uống cà phê hoặc trà nói chuyện vui với bác. Hôm sang chào bác để về để hôm sau lên Hà Giang, không ngờ lần đó cũng là lần cuối cùng chia xa bác mãi mãi không bao giờ gặp được bác Trọng nữa.
Hôm xuống viếng bác Trọng mình khóc rất nhiều; vậy cũng là thêm một kỷ niệm nữa mà không bao giờ quên được và mong bác vui vẻ mỉm cười nơi chín suối và mau được siêu sinh tĩnh độ bác Trọng nhé.
D.T.H
( Nguồn: MẶT TRẬN VỊ XUYÊN HÀ TUYÊN 1979-1989 KÝ ỨC KHÔNG QUÊN )
PS: (*) Tiêu đề của Phạm Viết Đào
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét