Năm 1988, cách đây gần 40 năm, Huy Đức làm phóng viên tờ tin huyện Nhà Bè (nơi tôi đang ở bây giờ), còn tôi lúc bấy giờ là phóng viên báo Văn Nghệ Minh Hải. Tôi với Huy Đức quen nhau như một cơ duyên. Hôm ấy tôi từ Cà Mau lên SG dự buổi ra mắt tạp chí Văn TP số đầu tiên (vì có bút ký Nơi Ấy Bây Giờ đăng hai kỳ trên đó). Phải nói rằng buổi tối hôm ấy, tại quán Nghệ Sĩ, 218 Pasteur ( trụ sở Hội Mỹ thuật TP ), ai cũng quan tâm đến Trương Huy San với truyện ngắn Dòng Sông Cụt. Người ta xúm nhau cụng ly với anh đến mức anh say khướt, khi ra về, vừa tới cổng là Huy Đức té ngã, nằm lăn trên hè phố.
Gần 40 năm trôi qua, tôi vẫn nhớ như in truyện ngắn Dòng Sông Cụt, Huy Đức kể rằng sau năm 1975, trên một vách núi ở Hà Tĩnh hiện ra sừng sững một khẩu hiệu: THAY TRỜI ĐỔI ĐẤT SẮP XẾP LAI GIANG SƠN. Dưới chân núi là một công trình thủy lợi do ông Chắt Thấu, chủ tịch xã làm tổng chỉ huy cùng với cô con gái của ông là bí thư xã đoàn. Họ huy động toàn dân đào một son sông ra biển. Người ta cứ thi nhau đào, nhưng đào con sông ấy để làm gì thì không ai biết. Hỏi ông Chắt Thấu, ông cũng chỉ trả lời ngắn gọn là đào để ra biển, ra biển để làm gì, ông không trả lời, chỉ ra lệnh hãy đào đi.
Cô con gái ông Chắt Thấu chỉ huy một nhóm đoàn viên thi đua, tất nhiên là cô phải lao động cật lực để làm gương, và hậu quả là cô tử vong tại công trình vì đứt mạch máu do làm việc quá sức. Cái chết của cô bí thư đoàn làm cho công trình ngưng lại, bỏ dở nửa chừng, cuối cùng dòng sông không thể ra biển, gọi là dòng sông cụt. Cái chết của cô con gái, sự lên án của quần chúng về một công trình mù quáng làm cho ông Chắt Thấu lâm bệnh qua đời trong đau đớn. Đến đây Huy Đức kể thêm một chi tiết rằng, mấy năm trước ông Chắt Thấu đã bán bộ ván gõ lấy tiền mua chiếc radio để hàng ngày nghe chủ trương đường lối. Giờ ông chết thảm không có tiền mua chiếc quan tài.
Sau Dòng Sông Cụt, bút ký Nơi Ấy Bây Giờ của tôi cũng được quan tâm không kém, vì nó đụng chạm đến nạn cường hào ở nông thôn vào thời điểm ấy.
Tôi với Huy Đức biết nhau từ cái cơ duyên đó.
Sáng hôm sau, hai chúng tôi gặp nhau trong căn tin của báo Tuổi Trẻ theo lời hẹn với anh Hồng Đăng. Anh Đăng nói với tôi:" Mầy viết kiểu đó là về quê sống không yên đâu. Về Tuổi Trẻ với anh đi".
Trước khi đăng bút ký Nơi Ấy Bây Giờ, nhà văn Anh Đức cũng bảo tôi về tạp chí Văn, ông nói ở chung cư 148-150 Đồng Khởi còn thừa một căn hộ, về đó ở.
Tôi đã phớt lờ trước hai cơ hội về SG từ năm 1988.
Sau đó tôi thấy trên tạp chí Văn số 2, số 3 xuất hiện các truyện ngắn Dòng Chảy, Anh Ấy Sẽ Trở Về của Huy Đức. Tôi cứ đinh ninh rằng anh sẽ theo nghiệp văn chương. Nhưng không, Huy Đức xuất hiện trên Tuổi Trẻ với những phóng sự điều tra đình đám, trong đó có loạt bài về Đường Sơn Quán.
Mười lăm năm sau, tôi lại khăn gói lên SG sau mấy lần suýt vào tù ra khám. Chúng tôi gặp nhau ở tờ SGTT cùng với Nguyễn Quang Lập, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Trọng Tín, Trần Việt Đức. . . với cái tên gọi là nhóm lang thang cơ nhỡ. Khi Tâm Chánh giao cho tôi làm một phóng sự truyền hình thăm dò ý kiến bạn đọc, nhiều độc giả nói rằng họ mua tờ SGTT để xem Huy Đức viết gì trong mục góc nhìn, Đỗ Trung Quân Nguyễn Quang Lập viết gì trong tạp bút, phóng sự ảnh của Trần Việt Đức kỳ nầy chụp cái gì...
Với tôi, trong cuộc đời cầm bút, có lẽ đó là những tháng năm vui nhất, bình yên nhất sau bao nhiêu năm sóng gió, bão giông.
Anh Quân thường tâm sự với tôi: Cuối cùng rồi ai cũng già, ai cũng chết, hãy sống tử tế với nhau, càng về già kiếm bạn chơi càng khó. Có bao nhiêu hãy ráng giữ, đừng bỏ bớt.
Võ Đắc Danh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét