Thứ Tư, 5 tháng 2, 2025

PP Phiêu Lưu Ký - Đền Angkor và nỗi hận muôn kiếp

 

ảnh minh họa

“Nếu như bạn kiên tâm đọc đến con chữ cuối cùng của bài này. Bạn chính là người đã cùng tôi đi vào giấc mộng Angkor, bạn là người giàu tình cảm, bạn sẽ được chia sẻ những may mắn và đức tin về một chân lý cuộc đời, tâm hồn bạn sẽ được thanh lọc đi những tàn dư ác độc của con người để khiến mình trở nên cao thượng, sống tiếp cuộc sống thanh cao có ý nghĩa thiết thực trong cõi đời đầy biến số này. “ - Peter Pho
Thăm phế tích huy hoàng Angkor (Gồm Angkor Wat, Ta Prohm, Angkor Thom và Đền Bayon ). Thời gian đã qua đi một tuần, về đến Hà Thành rồi mà tư duy vẫn tắc nghẽn, ngòi bút vẫn cứng đơ, không biết dùng ngôn từ nào để diễn tả nổi cảm xúc của lão đối với một quần thể nguy nga, đồ sộ, ẩn chứa trong mình nhiều bí ẩn với muôn vàn nghi vấn khó giải đáp. Chỉ khẳng định một điều rằng, nếu bạn không hội đủ những tiêu chuẩn của một nhà sử học, thám hiểm, triết học, nghệ thuật, văn học, hội họa, thi sĩ, thần học thì không thể bình phẩm hết giá trị và cái hồn phách ẩn chứa trong Angkor. Nếu cố mà viết thì chỉ là những vẩy băng nhỏ trên mình một núi tuyết khổng lồ đã kết thành băng giá trên ngàn năm. Lão tự cho mình là chưa đủ tầm để tả Angkor, nhưng khốn nỗi, không thốt lên đôi lời thì có muôn ngàn lời cứ dâng trào tắc nghẽn ở cổ, thôi đành cố thốt ra để người đời chê cười một phen. Âu rằng cũng bõ công học đòi tiền nhân dám khua môi múa mép kể chuyện ngàn xưa...
Lão sẽ không diễn tả những cảnh tượng kỳ bí của Angkor ở đây nữa, bởi những bài văn miêu tả về nội dung này đã tràn ngập trên mạng. Lão chỉ đi sâu vào hồn phách và ý nghĩa nội tâm của nó và cảm xúc chân thật mà lão bị rung động và hồn xiêu phách lạc với những giá trị phi vật thể của nó.
Nhớ đến một đoạn văn của một nhà văn nổi tiếng Đài Loan Tưởng Huy Tiên sinh có viết trong cuốn “ Vẻ đẹp Angkor” :” Thành Angkor như một cuốn kinh Phật, tiếng kinh cầu lầm rầm xuyên suốt khi bình minh, hoàng hôn, trăng tròn, trăng khuyết, hoa nở, hoa rụng, và ngay cả trong sinh tử. Nó như chờ đợi sự lãnh ngộ của từng cá nhân”. Lão PP cho rằng đúng thế, mỗi một con người tuỳ trình độ của mình để ngắm nhìn, để bình phẩm về Angkor, nhưng có một điểm chung là kính phục, bái nể, và cảm động.
Trở lại thời Trung Cổ, nước Campuchia đầu tiên có tên là Chân Lạp. Chân Lạp có lẽ là nhà nước đầu tiên của người Khmer tồn tại trong giai đoạn từ khoảng năm 550 tới năm 802 trên phần phía nam của bán đảo Đông Dương gồm cả Campuchia và một số tỉnh phía Nam của Việt Nam hiện đại. Kế tiếp triều đại này là Đế quốc Khmer được tách dời ra từ Đế quốc Chân Lạp, còn gọi là Đế chế Angkor, một triều đại hiển hách đầy uy quyền và phồn thịnh, Đế quốc Angkor là một cựu đế quốc rộng lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ, với diện tích lên đến 1 triệu km², gấp 3 lần Việt Nam hiện nay, đóng trên phần lãnh thổ hiện nay thuộc Campuchia, Miền Nam Việt Nam, Lào và Thái Lan.
Dựa theo cuốn “The Customs of Cambodia” 真臘風土記 của một viên quan chức Trung Hoa đời nhà Nguyên đã sống trên đất Angkor trong khoảng thời gian từ 1296 đến 1297. Khi về nước, ông ta đã dùng 15 năm để viết lên cuốn sách trên. Trong đó ghi chép nhiều sử liệu quý giá. Cuốn sách ra đời cũng chẳng mấy ai để ý và cũng chả mấy ai đọc, coi như bị lãng quên trong đống sách cũ. Nhưng may thay, một nhà truyền đạo, đồng thời là một nhà am hiểu Hán học người Pháp có tên là Jean-Pierre Abel-Rémusat khi sang truyền đạo tại Trung Quốc vào năm 1819 thì bất ngờ vớ được trong một tiệm thuốc bắc mà ông thầy thuốc đang chuẩn bị xé rời từng trang để gói thuốc. Đọc qua vài dòng, ông sửng sốt như bắt được vàng, ông trả vài xu cho lão thầy lang để có được nó rồi sau đó dịch sang Pháp văn. Cuối năm 1860, Henri Mouhot là một nhà tự nhiên học và nhà thám hiểm người Pháp đem theo cuốn sách này đến Campuchia, dựa theo tình tiết được miêu tả trong sách, cuối cùng năm 1861, ông phát hiện ra khu phế tích cổ miếu hùng vĩ Angkor với những hành lang siêu vẹo, tháp đổ suy tàn, cửa vách nứt nẻ, phù điêu bám bụi...mọi cảnh tượng đều chuẩn y như sự miêu tả trong sách. Vậy là đền Angkor sau khi bị hủy hoại và ngủ quên hơn 400 năm đã được ông Tây Henri Mouhot vén lên bức màn huyền bí của nó. Rồi mãi đến năm 1971, người Campuchia khi chỉnh lý để viết một tài liệu văn hiến cho đất nước mình thì phát hiện chẳng có mẹ tư liệu gì để có căn cứ mà hạ bút viết, do đó sách giáo khoa lịch sử cũng không thể nào soạn ra được. May thay, một nhà văn Hoa Kiều Campuchia có cái tên là Lý Thiếm Đinh 李添丁 cũng vớ được một cuốn “The Customs of Cambodia” phiên bản Hán văn và ông bèn dịch ra phiên bản tiếng Campuchia, như vậy người Campuchia mới biết đến lịch sử của quốc gia mình và cũng tự hào đã có một thời kỳ vàng son, oách hơn anh Đại Cồ Vịt nằm ở ngay sát nách...kkk
Phật vô ngữ, Phật chỉ mỉm cười. Đến Angkor, ta bất gặp nhiều tượng đá với bộ mặt mỉm cười hiền lành đến thoát tục. “Trên thế gian này có 3 điều có thể giúp con người giảm thiểu sự cay đắng, khốn cùng trong cuộc sống, đó là hy vọng, yên ngủ và mỉm cười”. Câu nói bất hủ này của Immanuel Kant, một trong những triết gia quan trọng nhất của nước Đức, cũng là một trong những triết gia lớn nhất của thời kỳ cận đại, của nền văn hóa tân tiến và nhân văn. Câu triết lý này xuyên suốt hầu hết trong những cảnh tượng ở khu phế tích này. Bước chân đến đâu, từ từng tảng đá, từng bức tượng, từng họa tiết đều cho ta liên tưởng đến niềm hy vọng ngời ngời không hề bị giết chết, vẫn thấy nụ cười, và sự yên ngủ êm đềm triền miên hàng thế kỷ.
Tác phẩm tứ diện tiếu Phật bằng đá với bốn mặt Phật đang cười lão cho là đẹp nhất. Khiến lão liên tưởng đến Tứ Diện Thần Đàn của nhà lão. Nụ cười này đẹp đến muôn thuở như người đời đã ví nó đẹp ngang tầm với nụ cười của Mona Lisa. Những tượng Phật khổng lồ, mỗi bức đều chỉ nói chuyện với những kẻ phàm tục đến chiêm nghiệm nơi đây bằng ánh mắt. Lão như có cảm giác thấy được hơi ấm toát ra từ bên trong khi đặt tay lên “da thịt” của tượng. Cảm giác như máu vẫn tươi nóng và vẫn lưu thông trong huyết quản của từng pho tượng, và như nghe thấy những lời tâm sự thì thầm:” Ta nằm chôn sâu trong những khối đá chất chồng. Miệng ta đã khép kín, hồn ta đã cưỡi lên lưng thánh điểu bay xa. Đừng hỏi ta điều gì, tại sao? Và cũng đừng đi hỏi gió mưa, đại ngàn, rêu xanh, cỏ dại. Hãy đi hỏi đống đá đổ nát điêu tàn về thế gian ngu đần và độc ác, hỏi về thế giới trước đây và hiện tại. Hoặc có thể hỏi những hòn đá trước khi tôi luyện thành đá nó có nghe hiểu tiếng chuông và lời cầu kệ ban mai? Nó có hiểu thấu được lòng từ bi, nhân ái để gìn giữ lại những thành tựu hiếm hoi của nhân loại...”.
Bạn đã từng đến đây một lần hay nhiều lần, bạn có nghe rõ lời thì thầm của đá? Sinh mệnh hết đỗi ngắn ngủi, con người ta chỉ sợ sự ngu si đần độn và man rợ, dùng bàn tay của mình giết chết đồng loại, phá hết thành quả văn minh nhân loại. Nếu sinh ra là loài súc sinh như vậy thì thà làm một tảng đá để bị cưa xẻ đẽo gọt thành một pho tượng Phật hay một chú tiểu, thành một linh vật hay chỉ để làm một phiến đá lót chân cho người đời, mặc cho gió mưa, ngày tháng xói mòn...
Lão đứng ngỡ ngàng trước bóng tà dương của thành Angkor Wat và cảm thán về vẻ đẹp thiêng liêng và bi hùng của nó. Ánh hoàng hôn nhuộm lên thành cổ một màu tím đậm xen lẫn màu hoàng kim kiêu sang. Một sự đổ nát tiêu điều, khuyết tật, nhưng tráng lệ hào hùng. Khí sắc lộng lẫy chẳng kém gì Thần miếu Luxor bên bờ sông Nin, Ai Cập. Tuy rằng những kẻ hành hương đã không còn tấp nập như thuở nào, và thế sự thuyên chuyển, vật đổi sao dời, nhưng sự vĩnh hằng còn đậm nét trong mỗi tảng đá nằm lại đây.
Đền Beng Mealea là ngôi đền nằm trong quần thể di tích thời Angkor dùng là nơi chôn cất vua Suryavarman II giờ đây thương tích đầy mình, còn lại, chỉ là một đống đá ngổn ngang, mục kích cảnh tượng trước mắt khiến lòng đau quặn. Con người quả là ngu xuẩn và ác độc, chiến tranh tàn phá văn vật còn hơn bội lần sự hủy hoại của thiên nhiên. Trong những trận chiến của những năm 70 của thế kỷ trước, đạn pháo bom mìn đã hủy hoại triệt để đền Beng Mealea, một kiến trúc cổ tinh xảo đầy tính nghệ thuật. Một đống đá nằm đấy là một bằng chứng để cảnh tỉnh loài người, những viên đạn ác độc không bắn trúng kẻ địch nhưng đã bắn trúng một Khmer cổ xưa, bắn trúng đền Angkor, bắn trúng con tim của những người dân yêu chuộng hoà bình trên toàn thế giới. Sau vài ngày, lão có dịp đến thăm bảo tàng diệt chủng Tuol Sleng và Cánh Đồng Chết Choeung Ek “Killing Fields” nằm ở ngoại ô phía nam Thủ đô Phnom Penh. Quả là ghê tởm đến rợn người với tội ác của con người với con người. Lão liên tưởng đến thành Angkor, một đế chế hùng mạnh như vậy, liệu có thể đã gặp phải một nạn diệt chủng kinh tởm gấp ngàn lần nạn diệt chủng dưới thời Khmer Đỏ? Khiến một xã hội hưng thịnh như vậy biến mất khỏi tầm mắt người đời và để lại một dấu chấm hỏi chưa thể giải đáp. Nếu quả như vậy, dân tộc Khmer đang bị ràng buộc với một lời nguyền độc địa và liệu có còn một nạn diệt chủng nữa sẽ xẩy ra trong tương lai?
Mỉm cười là một bài học liên quan đến nhân tính. Đền Angkor chứa đựng thâm sâu hai cực của nhân tính là quang minh và hắc ám, lương thiện và tàn nhẫn. Những nụ cười vĩnh hằng ấy có buồn tủi, có hân hoan, một nỗi buồn man mác sau giông bão cuộc đời và một niềm vui sống sót sau cơn hoạn nạn. Một sự tủi hờn phát từ nội tâm và một niềm tin chan chứa trong tương lai. Đấy chính là nụ cười Khmer, một nụ cười khó tưởng tượng. Bởi trong niên đại binh hoang mã loạn, đói khát triền miên, máu chảy thành sông, con người còn độc ác hơn loài thú chém giết lẫn nhau. Nhưng nụ cười tại sao vẫn trang trọng đến thế? Từ đấy ta nhìn thấy một triết lý sống, hãy mỉm cười, cho dù là nghịch cảnh hay thuận cảnh, như vậy cuộc đời của bạn mới tươi vui và ý nghĩa,
Nơi đây đã từng một thời huy hoàng, nhưng bị hủy diệt thảm hại. Mỗi phế tích, mỗi một họa tiết, mỗi hiện vật đều như đang thì thào với người đời về lịch sử xa vời của chúng. Nơi đây có biết bao bí mật đang chờ đợi con người đến khai quật, và có biết bao điều tâm tư muốn chúng ta giúp chúng giải bày. Đứng trước những bức điêu khắc ấy, bạn thấy ngậm ngùi, thấy mũi cay xè, thấy thế giới hoá ra rất bé nhỏ, thấy sự bất hạnh của Angkor, nhưng cũng thấy sự may mắn của nó trong những ngày tháng bị chôn vùi trong cát bụi cuộc đời thì hôm nay có một người hiểu được nó, đồng cảm nó, đứng lặng yên bên nó, chia sẻ ngọt bùi với nó và viết được lên những dòng tâm huyết cho nỗi oan ức kèm khát vọng sâu xa của nó để phô diễn trước người đời. Đó chính là lão Thánh chém Peter Pho. Trước khi lão tìm đến nơi đây để chiêm ngưỡng nó, thì chính nó đã phát hiện ra lão, tìm đến lão, thủ thỉ với lão, mời chào lão đến để thỏa mãn sự phanh phui nó với thiên hạ. Thực ra, lão chỉ là một gã múa bút đơn độc với sự hiểu biết nông cạn, nhưng lão có được trong tim một nhiệt huyết sôi động và chân thành, biết nghiêng mình trước nghệ thuật, biết quỳ gối trước một thành tựu huy hoàng, trước một kỳ quan vĩ đại đến lung lạc hồn vía.
“Nếu như bạn kiên tâm đọc đến con chữ cuối cùng của bài này. Bạn chính là người đã cùng tôi đi vào giấc mộng Angkor, bạn là người giàu tình cảm, bạn sẽ được chia sẻ những may mắn và đức tin về một chân lý cuộc đời, tâm hồn bạn sẽ được thanh lọc đi những tàn dư ác độc của con người để khiến mình trở nên cao thượng, sống tiếp cuộc sống thanh cao có ý nghĩa thiết thực trong cõi đời đầy biến số này”.
Hãy nói cho tôi biết, bạn đã đọc đến hết bài, không sót một chữ. Thank you very much!
Peter Pho

Không có nhận xét nào: