Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010

XÂY DỰNG NHÀ SAI PHÉP: CÁN BỘ PHƯỜNG CÓ “TIẾP TAY” ?!

      Hôm trước tôi đến thăm người bạn tại 62 phố Lý Thường Kiệt. Trong câu chuyện trao đổi tôi có kể về chuyện báo chí nêu ở 24 Điện Biên Phủ. Tưởng ông khen Chính quyền, dù việc nhỏ nhưng vẫn không bỏ qua, hóa ra ông còn bực bội kể chuyện đang xẩy ra tại số nhà ông đang ở và việc khiếu kiện của các hộ trong số nhà ông với hộ bà Nguyễn Xuân Huyền đang xây dựng sai phép. Ông bảo: đấy ông xem, chỗ tôi chỉ cách chỗ ông Vũ có khoảng một ki lô mét, cách hồ Hoàn kiếm cũng ngần ấy, là phường trung tâm của Hà Nội mà cách hành xử của hai Phường sao khác nhau quá. Có mấy người hàng xóm ở đây đã hơn 60 năm rồi, nói đất nhà bà Huyền hiện nay là đất ngõ ngôi biệt thự cổ, người ta lấn chiếm dần dần, rồi thế nào lại có sổ đỏ trên gần 50 mét vuông ở dấy. Giờ bà Huyền xây lên, lại xây chiếm luôn phần đất sử dụng chung, không gian chung, gây ảnh hưởng các hộ liền kề. Đơn gửi đi, Phường mời lên họp, bảo hộ ấy xây đúng phép. Dân nghi ngờ, đề nghị cho xem Giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế, Phường bảo không có trách nhiệm cung cấp. Dân lại bằng cách khác xem được Giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế của nhà bà Huyền (xem phụ lục). Hóa ra họ xây hoàn toàn sai với giấy phép xây dựng. Giấy phép chỉ cho xây nhà trên hai lô đất 27,5 và 22,1 m2 và 2 lô này cách nhau gần 5 mét. Còn hai lô đất sử dụng chung chủ nhà không được phép xây dựng gì. Thế mà chủ đầu tư đã xây toàn bộ bốn lô đất, tổng cộng 79 m2 và đã đổ sàn tầng 2 lên 85 m2. Rồi ông bạn còn đưa tôi xem một tập hồ sơ, giấy tờ các loại. Đây ông xem, trong Nghị định số 180/2007/NĐ-CP quy định rất rõ trách nhiệm của người dứng đầu cơ quan có thẩm quyền quản lý trật tự xây dựng đô thị và các biện pháp xử lý công trình xây dựng sai phép. Đây nhé. Điều 13, Khoản 1 nghị định này ghi rõ: Lập biên bản ngừng thi công xây dựng, yêu cầu tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng. Khoản 2: Trường hợp chủ đầu tư không ngừng thi công xây dựng, công trình phải bị đình chỉ thi công xây dựng, buộc chủ đầu tư tự phá dỡ phần công trình sai nội dung Giấy phép xây dựng; đồng thời , áp dụng biện pháp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 12 Nghị định này ( tức ngừng cung cấp điện, nước và các dịch vụ khác phục vụ cho công trình)( xem phụ lục).




    Gần một tháng rồi, kể từ khi các hộ dân đưa kiến nghị lên Phường, thế mà họ vẫn đang xây đấy, có sao đâu. Mấy hộ dân chúng tôi thấy Phường xử lý kiểu gì mà hộ bà Huyền vẫn ngày càng khẩn trương đúc cột và chuẩn bị đổ sàn tầng 3. Ông xem, trong hồ sơ cấp phép, hai ngôi nhà này có 5 tầng, đứng độc lập với nhau, có cầu thang bên trong nhà. Điều đặc biệt là trong 5 tầng của cả hai ngôi nhà không có một phòng vệ sinh nào!?(xem phụ lục). Nhưng còn đặc biệt hơn là khi thi công chủ đầu tư lại đổ kín sàn không chừa lối nào cho cầu thang. Thử hỏi khi thi công xong, công trình đưa vào sử dụng, chủ nhà phải lên xuống lầu bằng cách nào? Chẳng nhẽ họ lên bằng thang tre? Còn nếu xây cầu thang bên ngoài thì không có phép.


    Ở ngay trung tâm thủ đô mà người ta cấp phép cho xây những ngôi nhà 5 tầng không nhà vệ sinh, chủ đầu tư lại xây những ngôi nhà 5 tầng không có cầu thang lên xuống; còn nhà chức trách lại quản lý như vậy thì ông có tưởng tượng được không? Tôi hỏi ông, lỡ có cháy thì thoát hiểm bằng cách nào? Tôi và ông không rành chuyên môn mà còn thấy được điều ấy, các ông cán bộ quản lý xây dựng sao không thể không thấy?   
    Nói rồi ông bạn hăng hái dẫn tôi lên lầu 2 nhà ông nhìn sang nhà bà Huyền. Một tốp thợ 5, người đang khẩn trương làm khuôn thép để đổ sàn tầng 3. Khoảng không trên lô đất sát nhà ông người ta đang để thép chờ. Nghĩa là người ta chưa đổ sàn chỗ ấy. Nói là thép “chờ” nhưng là người chờ. Và những ngôi nhà xây như vừa nói ở trên cũng là những ngôi nhà “chờ”. Người ta chờ sự tiếp tay, sự buông lỏng quản lý của chính quyền, chờ khi “mua” được nhà chức trách, chờ thời gian thích hợp…họ sẽ xây tiếp, hoàn thiện nốt công trình sai phép của mình.

     Chúng ta hay trách người dân thiếu ý thức, điều này có thể đúng một phần nào, nhưng ý thức của người dân phần lớn lại phụ thuộc vào cách hành xử của người quản lý, ở mọi cấp. Nếu ai sai cũng xử lý đúng quy định, không vị nể, không xí xóa thì mọi người sẽ tuân thủ tốt hơn. Khi người quản lý không nghiêm, còn có thể bị “mua” được thì dân còn vi phạm, trong mọi lĩnh vực.


    Trước khi chia tay, ông đưa tôi tập hồ sơ, đơn từ và hình ảnh nhờ tôi đưa lên mạng cho công chúng biết. Bởi như ông nói, với chính quyền Phường ông hết lòng tin rồi, ông chỉ trông mong vào công luận nữa thôi.


      Khi tôi viết những dòng này ông gọi điện báo tin. Nghe đâu (nói “nghe đâu” vì mấy khi chính quyền trả lời đơn thư của dân) trên Sở xây dựng có xuống lập biên bản hôm trước thì ngay tối hôm đó họ đã đổ sàn tầng 3 và hiện họ vẫn đang xây tiếp lên cao…trước sự “bất lực” của chính quyền.






Việt Minh

Không có nhận xét nào: