Chủ Nhật, 24 tháng 7, 2011

Mươi ngày ở Đồng Hới - Quảng Bình

   Sau một năm "cày cuốc" vất vả, theo thông lệ hàng năm bà xã nhà tôi quyết định đi nghỉ "xả hơi" mươi hôm. Tôi dù "ngồi chơi xơi nước" lâu nay vẫn được bả cho "ăn theo". Năm nay địa điểm được lựa chọn là TP Đồng Hới tỉnh Quảng Bình. Đi nghỉ mát mà lại về vùng "chang chang cồn cát, nắng trưa Quảng Bình" nghe thật vô lí? Tuy nhiên sau kì nghỉ chúng tôi mới thấy sự lựa chọn của mình là hợp lý và đúng đắn. 
     Nằm ở cửa ngõ đường vô xứ Huế, gối đầu lên đỉnh đèo Ngang thơ mộng, dải đất Quảng Bình trải ra như một bức tranh hoành tráng về non xanh nước biếc. Phong cảnh ở đây thật kỳ vĩ, sơn thuỷ hữu tình. Bờ biển Quảng Bình có những bãi cát vàng óng ánh dưới rừng dương xanh với nhiều bãi tắm đẹp, nước biển lung linh màu ngọc bích và chưa bị ô nhiễm. Tỉnh có các danh thắng nổi tiếng như động Thiên Đường, động Phong Nha, động Tiên Sơn, rừng nguyên sinh trong khu bảo tồn Phong Nha - Kẻ Bàng, bãi biển Nhật Lệv.v...Ngoài ra Quảng Bình ngày nay còn lưu giữ được nhiều di tích lịch sử, văn hóa của nhiều thời đại khác nhau.

      Mấy hôm đầu chúng tôi trú ngụ tại nhà nghỉ tư nhân "Tứ Quý" trên đường Trương Pháp. Giá phòng khá rẻ  (chỉ bằng 1/2 ) so với nhiều nơi khác trong nước như Sầm Sơn, Cửa Lò, Đà Nẵng...mà tiện nghi không thua kém.

Từ "Tứ Quý" nhìn ra cửa sông Nhật Lệ.
(ảnh chụp bằng ĐTDĐ của tác giả)
Bên phải, trên cao là làng cát Bảo Ninh xưa;
nay là  Sun Spa Resort sang trọng.
                                          
  Buổi chiều chúng tôi tranh thủ đi ngắm cảnh dọc theo đường phố ven biển. Mới đi hơn trăm mét chúng tôi gặp ngay tấm bia ghi di tích "Phòng tuyến Đào Duy Từ" hay còn gọi là Lũy Thầy.
  Người Quảng Bình, từ người dân quê đến nhà nho học thuở Xưa, không mấy ai không biết đến câu ca dao:
"Lũy Thầy ai đắp mà cao
Sông Gianh ai bới ai đào mà sâu".
   Lũy Thầy (còn gọi là lũy Đào Duy Từ) gắn liền với nhà quân sự tài ba Đào Duy Từ. 

Di tích Phòng tuyến Nhật Lệ 
(ảnh chụp bằng ĐTDĐ của tác giả)

   Năm 1631 chúa Nguyễn cho xây luỹ Nhật Lệ. Luỹ cao 1 trượng 5 thước (6m), dài hơn 3000 trượng (12km), ngoài được đóng cọc bằng gỗ lim.
   Hiện nay, tuy luỹ Đào Duy Từ không còn nguyên vẹn như dáng vẻ ngày xưa, thậm chí có nhiều đoạn đã bị mất hoàn toàn do thời gian bào mòn và chiến tranh tàn phá, nhưng vẫn có một số đoạn còn lưu giữ được đấu tích, rõ nét nhất là đoạn luỹ sát cửa sông Nhật Lệ hiện còn vết tích là một gò cao, cây cối mọc xanh tươi, bên trên có ngọn hải đăng góp phần tạo cảnh quan cho thị xã (xem ảnh trên).
 
   Đi quá di tích lũy Đào Duy Từ hơn trăm mét chúng tôi nhìn thấy tấm bia ghi nhớ công lao của tổ chức OXFAM  (Anh) tài trợ xây kè Nhật Lệ từ năm 1985-1988 bằng 2 thứ tiếng Việt và Anh. Tiếc là phần tiếng Anh sai vài lỗi chính tả và thời gian đã làm cho bia và cây cỏ xung quanh khá xơ xác, tiêu điều. Đi tiếp hơn một km chúng tôi gặp tiếp một tấm bia ghi công cho tổ chức CARE Quốc tế đã tài trợ cho Dự án kè bãi tắm Nhật Lệ năm 1992. Cũng giống như tấm bia ghi công cho OXFAM, tấm này cho CARE cũng đã "tàn phai" theo năm tháng. Người dân đã đặt bát nhang thờ cúng ngay dưới tấm bia CARE, chắc mong ...và các thần linh phù hộ cho công việc làm ăn của họ.
   Dự án này chắc khá lớn (nhiều tiền), đi suốt bờ kè này hơn 2 km chúng tôi thấy công trình khá đồ sộ, chắc chắn, đẹp...Tuy nhiên công năng của bờ kè này đang bị bị biến tướng thành nơi ăn nhậu của người Đồng Hới và của khách du lịch.

Kè bãi tắm Nhật Lệ bị bôi bẩn, nhếch nhác
                                                       (ảnh chụp bằng ĐTDĐ của tác giả)

    Suốt hơn 2km bờ kè đã được chia lô cho các chủ tư nhân thuê làm nơi mở quán ăn uống mỗi tối. Điều đáng trách là vấn đề vệ sinh và trật tự mỹ quan đô thị chưa được người dân và chính quyền quan tâm đúng mức.

Bia ghi công tổ chức OXFAM (Anh)
(ảnh chụp bằng ĐTDĐ của tác giả)


Bia ghi công tổ chức CARE Quốc tế 
(ảnh chụp bằng ĐTDĐ của tác giả)

   Buổi trưa ghé một quán trên bãi biển Nhật Lệ ăn cơm. Quán là một ngôi nhà lợp lá, bên trong rộng thoáng và mát. Ông chủ luôn tươi cười và gia đình phục vụ khá chu đáo. Đây là nơi chúng tôi ghé ăn thường xuyên nhất. Điều làm tôi chú ý nhất là cách treo cờ của ông chủ. Tôi nhớ cuối những năm 50 và 60 của thế kỷ trước nhiều nhà ở miền Bắc đã treo cờ như vậy. Được hỏi về điều này ông chủ cười bảo ở trong này làm nhà xong treo như thế cho may mắn. Nghĩ cũng đúng. Cờ Tổ quốc treo dưới ngọn đòn dông của ngôi nhà là ngôi nhà được tổ quốc bảo vệ cho. Tổ quốc là đất, nước, núi, sông, biển cả, bầu trời, con người...là trường tồn. Cờ Tổ quốc có thể thay đổi màu sắc, chế độ nào rồi cũng đổi thay nhưng Tổ quốc Việt Nam sẽ mãi trường tồn.

Cách treo cờ của người Quảng Bình
(ảnh chụp bằng ĐTDĐ của tác giả)

  Hôm sau chúng tôi đi dạo thành phố Đồng Hới. Nơi chúng tôi ghé thăm đầu tiên là di tích nhà thờ Tam Tòa. Khuôn viên nhà thờ được bao bọc cẩn thận, bên trong có cây cỏ dại mọc nhưng sạch sẽ, chung quanh là vườn hoa, nhiều cây xanh mới trồng đang được chăm sóc.


Phía trước di tích nhà thờ Tam tòa 
(ảnh chụp bằng ĐTDĐ của tác giả)
 
 
Di tích nhà thờ Tam Tòa nhìn bên, phía sau
(ảnh chụp bằng ĐTDĐ của tác giả)

    Nhà thờ Tam Tòa là một nhà thờ Công giáo toạ lạc đường Nguyễn Du, phường Đồng Mỹ, thành phố Đồng Hới tỉnh Quảng Bình. Nhà thờ đã được xây dựng từ năm 1886.

    Hàn Mặc Tử đã được rửa tội ở đây vào năm 1912 với tên thánh là Franois Nguyễn Trọng Trí.  Sau Hiệp định Genève năm 1954, nhiều giáo dân xứ đạo Tam Tòa di cư vào Nam. Kể từ đó nhà thờ hầu như bị bỏ hoang. Trong Chiến tranh Việt Nam, nhà thờ Tam Toà bị không lực Hoa Kỳ đánh sập, chỉ còn lại phần tháp chuông với nhiều vết đạn.

  Thị xã Đồng Hới đã bị bom Mỹ san phẳng, tháp chuông nhà thờ trở thành di tích chiến tranh. Ngày 26 tháng 2 năm 1997, UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định số 143/QĐ-UB đưa khu vực tháp chuông nhà thờ Tam Tòa trở thành Khu Chứng tích tội ác chiến tranh và là Di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh, cần được bảo vệ nghiêm ngặt.
   Tuy nhiên đã xảy ra vụ lộn xộn tại Giáo xứ Tam Tòa hồi tháng 7/2009 thu hút chú ý đặc biệt của dư luận, khi giáo dân dựng nhà thờ tạm tại khu Nhà thờ Tam Tòa cũ trên phố Nguyễn Du, phường Đồng Mỹ, Đồng Hới.

   Chính quyền địa phương nói việc dựng cơ sở sinh hoạt tôn giáo mà không có phép là vi phạm Pháp lệnh Tôn giáo và Nghị định 52 về quản lý đầu tư và xây dựng.
   Nhân viên công quyền được cử đến giải tỏa đã đụng độ với giáo dân.
    Các bản tin Công giáo sau đó nói những người tham gia việc dựng lều tạm trên nền nhà thờ đã bị nhân viên công quyền đánh đập, gây thương tích.
    Trong vụ này hàng chục người bị bắt, sau được thả, một số người bị truy tố.
      Tin mới nhất cho hay, đầu năm 2011 chính quyền tỉnh Quảng Bình đã chấp thuận cho Giáo xứ Tam Tòa xây nhà thờ trên một lô đất mới.   Nay Đức Giám mục Giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp cho hay đã có "thỏa thuận miệng" của Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc dành một lô đất "thuận tiện" cho giáo dân xây lại nhà thờ. Tuy nhiên, vì chưa có văn bản giao đất nên chưa thể biết được bao giờ quá trình xây cất nhà thờ mới sẽ được bắt đầu.
     Cũng theo Đức Giám mục Nguyễn Thái Hợp, một ban thiết kế đã được thành lập để nghiên cứu công trình Nhà thờ Tam Tòa, "có thể sẽ xây theo mẫu cũ nhưng được mở rộng hơn để thỏa mãn nhu cầu hành đạo của cộng đồng".
   
   Nằm cách không xa chợ Đồng Hới là Quảng Bình Quan - di tích Thành Đồng Hới. Thành gần biển, cách cửa biển Nhật Lệ 1.500m. Phía Đông là con sông Nhật Lệ, phía Tây cách rừng khoảng vài nghìn mét.  Đây là di tích kiến trúc - nghệ thuật thành luỹ quân sự. Thành Đồng Hới là công trình kiến trúc cổ được xây dựng cách đây gần 200 năm . Ngày nay, phế tích của thành Đồng Hới chỉ là Quảng Bình Quan (mới được phục chế nhưng bị dư luận chỉ trích là không giống thành cũ) và một đoạn tường thành nằm bên quốc lộ 1A đoạn đi qua Đồng Hới.


Quảng Bình Quan (ảnh chụp bằng ĐTDĐ của tác giả)
   Tháng 8 năm 2005, tỉnh Quảng Bình đã tiến hành phục chế thành này với tổng dự toán 31 tỷ đồng.
   Bảo Ninh - trong ký ức của nhiều khách du lịch thì đó chỉ là doi cát nhỏ nhoi ăn ra cửa sông Nhật Lệ lô nhô những căn nhà lụp xụp núp dưới thân dừa gầy guộc.
   
    Thế nhưng, đó đã là chuyện của ngày xưa, bây giờ nhắc đến Bảo Ninh, người ta nghĩ ngay đến Khu du lịch với một vị trí có một không hai, phía Đông là biển, phía Tây là sông Nhật Lệ huyền thoại, phía Bắc là của biển làng chài Bảo Ninh - địa điểm lý tưởng cho du khách du lịch.

Sun Spa Resort trên làng chài Bảo Ninh

    Từ bên này bến đò mẹ Suốt nhìn sang Bảo Ninh như một hòn non bộ sơn thủy hữu tình. Những ngôi nhà cao tầng lợp ngói đỏ xen lẫn với những hàng dừa và rừng phi lao xanh ngát làm cho Bảo Ninh có sức cuốn hút kỳ lạ đối với du khách tham quan.

    Tuy vậy đi dọc bờ bắc sông Nhật Lệ hơn 5 km từ cửa sông đến chợ trung tâm Nhật Lệ với những ngôi nhà xinh đẹp, vườn hoa, cây cảnh xanh tươi trên bờ thì dưới sông vẫn còn nhiều chòi cá rách nát, tả tơi thật phản cảm (xem ảnh dưới).

Chòi cá trên sông Nhật Lệ trong trung tâm TP Đồng Hới
(ảnh chụp bằng ĐTDĐ của tác giả)

    Ngày Chủ nhật 17/07/2011 chúng tôi đi tham quan động Thiên Đường. Từ TP Đồng Hới chúng ta có thể thuê xe taxi đi thăm động với giá thỏa thuận 950 nghìn trong 8 giờ. Nếu quá giờ ta phải trả thêm 50 nghìn/giờ. Thực tế nếu chạy tính theo km trả tiền phải hơn triệu rưỡi. Hôm đó chúng tôi không thăm dộng Phong Nha nên cả đi và về chỉ mất 6 giờ. Nên đi sớm và vào ngày thường để khỏi để xe ngoài xa và tránh chen lấn lúc vào hang.
   Từ nơi đỗ xe gần nhất đến cửa hang có một đoạn đường bê tông đi xuyên trong rừng nhiệt đới, phong cảnh 2 bên rất đẹp. Đoạn này có xe ô tô điện đưa đón với giá 30 nghìn/lượt/người. Nếu không vội và có sức các bạn nên đi bộ vì dường hoàn toàn bằng phẳng, rộng và ta có thể nhìn được nhiều loài cây lạ, to được giới thiệu bằng bảng tên nhỏ gắn vào cây.
    Vào đến chân núi ta còn phải leo hơn 500 bậc đá nữa mới đến cửa hang. Tuy nhiên người ta đã thiết kế các bậc lên có nhiều chiếu nghỉ. Dọc đường có WC sạch sẽ, tiện nghi. Một điểm đáng nhớ của hành trình khám phá động Thiên Đường là sự phục vụ rất chuyên nghiệp của nhân viên ở đây. Giá vé vào của dành cho người lớn là 120.000 đồng, nhưng kết thúc chuyến đi, bất kỳ ai cũng cảm thấy hài lòng.
    Một điều chúng tôi thấy cần chú ý là cửa hang chỉ rộng có 4-5 m2, cầu thang gỗ xuống động khá sâu (vài chục mét) và hơi hẹp, hành lang gỗ bên trong (dài 1km ) có thể chứa
 hàng nghìn người, trong hang không có ánh sáng trời, nếu có xảy ra sự cố (khủng bố, cháy nổ...) thì thật sự là thảm họa. Không biết Tập đoàn Trường Thịnh là chủ đầu tư đã nghĩ đến và có phương án đối phó gì chưa? 

  
Thạch nhũ bên trong động Thiên Đường



Thạch nhũ hình Nhà Rông -Tây Nguyên
 

Cụm thạch nhũ này gọi là "Phòng The"

    Động Phong Nha được xếp hạng một trong hai hang đẹp nhất thế giới với danh hiệu “Đệ nhất động.” Tuy nhiên, khi đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh tìm ra Thiên Đường thì đoàn khẳng định rằng Thiên Đường còn đẹp gấp nhiều lần Phong Nha.
  Động Thiên Đường có chiều dài 31km; trần hang của động có chỗ cao hơn 100m, rộng hơn 200m. Đây là hang động được đánh giá lớn nhất thế giới hiện nay. Ở trong động có vô vàn thạch nhũ được kiến tạo hàng trăm triệu năm qua với những hình thù tuyệt đẹp. Nơi đây, thạch nhũ có pha lẫn thạch anh tạo nên ánh hào quang lấp lánh đẹp mắt. Chúng tôi đã thăm nhiều hang động nhưng chưa có nơi nào đẹp như ở đây. Nhà đầu tư, thiết kế đã giữ gìn tối đa cảnh quan tự nhiên. Tất cả đều còn vẻ hoang sơ như chưa từng có ai đến đây.

   Gần mười ngày ở TP Đồng Hới, điều dễ nhận ra là rất vắng người và xe cộ. Người dân thân thiện. Nhà cửa của dân không xây nhiều tầng, giống các thành phố miền Nam hơn. Dù lang thang nhiều buổi ở đây nhưng chúng tôi không thấy một bóng  công an và cảnh sát giao thông nào trên phố. (khi đi động Thiên Đường, bên ngoài TP có gặp một lần CSGT đang kiểm tra xe máy).
   Một chuyện không thể không kể ra đây là hôm ra sân bay Đồng Hới trở lại Hà Nội, khi đang chuẩn bị qua cửa an ninh thì bị dừng lại cho một đoàn các quan chức đi qua. Điều lạ là họ không bị kiểm tra an ninh dù bị máy báo có "vật lạ" trong người. Anh cảnh sát trẻ gác cửa an ninh bất lực vì một "lệnh miệng" cho đoàn VIP qua. 
   Sau này, khi lên lầu chờ nhìn xuống sân ga hàng không mới thấy có một đoàn xe đang xếp hàng chờ bên dưới. Một lúc sau thì có một máy bay loại lớn của hãng HKVN hạ cánh rồi từ từ tiến vào đậu cạnh nhà ga sân bay. Lúc này mới gần 8h sáng, trước đó trời mưa nhỏ nay đã tạnh nên trời mát. Rõ ràng đây là chuyên cơ vì mỗi ngày chỉ có 2 chuyến bay đến Đồng Hới từ HN và SG. Điều ngạc nhiên là khi máy bay vừa dừng một lúc thì gần chục chiếc xe biển xanh kia tranh nhau chạy ra đường băng lại gần chân thang máy bay để đón khách. Theo chúng tôi quan sát thì gần chục xe kia chỉ đón khoảng hai đến ba mươi khách, số đông (hơn trăm người) còn lại thì đi bộ vào nhà ga.
   Hôm sau qua tìm hiểu mới biết đây là đoàn của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào phát lệnh khởi công Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 vào sáng ngày 19/7/2011 tại công trường Trung tâm điện lực Quảng Trạch thuộc xã Quảng Đông (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình).
Cảnh đón tiếp Đoàn công vụ của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải
vào phát lệnh khởi công Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1
vào sáng ngày 19/7/2011 tại sân bay Đồng Hới.
(ảnh chụp bằng ĐTDĐ của tác giả)
   Nhìn cảnh "tranh" đón tiếp các quan chức VN này chúng ta thấy ngay văn hóa của các nhà thực thi pháp luật ở Việt Nam. Ở đây mọi quy định an ninh, trật tự...nghiêm ngặt ở sân ga hàng không đã bị chính các quan chức tỉnh Quảng Bình bỏ qua chỉ vì không muốn vài người nào đó đi bộ khoảng 50 m (trong buổi sáng trong lành) vào nhà chờ, theo như quy định tại đây. Trong khi họ luôn hô hào nhân dân "sống, làm việc theo pháp luật", rồi "Sống, làm việc...theo gương Bác Hồ vĩ đại", về "văn hóa giao thông"... 
  Nếu các quan chức nước ta biết xót tiền đóng thuế của dân, biết "vì dân" và cả biết thượng tôn luật pháp như các nước dân chủ khác thì không có những cảnh động thổ, đón rước rình rang... như báo chí đã từng đưa và cảnh chen lấn lộn xộn như đã nêu ở trên.
   Đang vui vì những ấn tượng tốt đẹp về người dân và thành phố Đồng Hới trong mươi ngày qua, bỗng chợt buồn vì chứng kiến cảnh trên.
    VM


2 nhận xét:

Hoang Ngoc nói...

Một người con của Đồng Hới sống xa quê hương xin hết lòng cảm ơn tác giả về bài viết thân thiện và trung thực, đặc biệt là góc nhìn khách quan về vụ nhà thờ Tam Tòa. Cũng xin được chia sẻ nỗi buồn của tác giả khi không may gặp phải các quan trên đường về, đi đâu mà gặp phải họ thì có lẽ niềm vui nào rồi cũng bị tiêu tan.

Hachi nói...

Cám ơn tác giả bài viết này, rất công phu và giầu cảm xúc. Lời dẫn và ảnh đều đẹp.
Tuy nhiên có vài thông tin chưa chính xác ( cái vụ 31 tỷ...) và một số thông tin thu lượm trên mạng đã không được kiểm chứng.
Mong được đọc tiếp các ...ký sự dọc đường của bác.