Người chết sống lại!
Tám mươi năm sau, 1998, thân xác những người quá cố được đưa về nơi an nghĩ vĩnh viễn tại nhà thờ thánh Catherine ở thành phố Saint Petersburg.
Tổng thống Nga và bà Boris Yelsin đã tham dự lễ cải táng cùng với thân nhân hoàng tộc Romanov, gồm cả hoàng tử Michael xứ Kent. Những người chết được giáo hội chính thống Nga vinh thánh.
Ngày 1 tháng 10 năm 2008, Tối Cao Pháp Viện Nga công nhận Sa Hoàng Nikolai đệ nhị và gia đình là nạn nhân bị các phần tử Bôn-sê-vich đàn áp chính trị.
Nhìn lại một khúc phim lịch sử bi thảm:
Sa Hoàng Nikolai đệ nhị và gia đình, năm 1913.
Ngày 22 tháng 3 năm 1917, do cuộc cách mạng tư sản, Kerensky lên cầm quyền, “Nicolas Romanov” bị truất phế khỏi ngai vàng. Nhà vua cùng hoàng gia bị chính phủ lâm thời giam ở lâu đài Alexander tại Tsarskoe Selo.
Ông cùng gia đình sống cuộc sống trầm lặng. Ông tự mình làm “gia sư” dạy cho các con ông về lịch sử và địa lý.
Tháng 8 năm 1917, chính phủ Kerensky di chuyển gia đình ông đến Tobolsk trong dãy núi Urals, nhằm mục đích để giúp họ tránh khỏi hậu quả của cuộc cách mạng đỏ sắp xảy ra.
Sau khi chính phủ Bolsheviks nắm quyền vào tháng 10 (lịch Nga - ngày 7 tháng 11- theo lịch Tây) năm 1917, nhà vua và gia đình bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhà vua tiên đoán tương lai không có gì tốt đẹp cho ông cũng như gia đình.
Lúc 2 giờ 33 chiều ngày 17 tháng 7 năm 1918 nhà vua bị giết bằng nhiều phát bắn vào đầu và ngực. Các con gái của nhà vua bị đâm bằng lưỡi lê.
Xác nhà vua cùng hoàng gia bị đốt và chôn dấu ở một nơi gọi là “Bốn Anh Em”
Ngày hôm sau, tin tức lan tràn khắp thành phố Yekaterinburg về việc chôn dấu xác chết Nga Hoàng và gia đình nên Yurovsky, tên thủ lãnh bọn đao phủ giết gia đình Nga Hoàng sợ hãi, đem các xác chết chôn ở Koptyaki, cách xa thành phố nói trên 19Km.
Vậy là người chết đã sống lại trong lịch sử nước Nga và trong lòng dân tộc Nga!
Trông người mà nghĩ đến ta!
Người Việt Nam có tàn ác như thế không?
Tự ái (không dúng chỗ) thì nhiều người bảo rằng không! Người Việt là một dân tộc hiền hòa, v.v… và v, v…
Tôi không đồng ý nhưng cũng không phản bác, chỉ trình bày vài sự kiện lịch sử (dã sử), chỉ trong thời cận đại mà thôi, không nói xa hơn nữa.
Sau khi anh em nhà Tây Sơn nổi loạn (thật sự là nổi loạn chứ chẳng khác gì hết như Việt Cộng tuyên truyền). Biện Nhạc (Nguyễn Nhạc) thu thuế của dân rồi bài bạc ăn chơi sạch (Giống như anh chàng Năm Tu Hú trong hồi ký “Kể chuyện đánh giặc ở quê hương Nguyễn Tấn Dũng của tôi vậy), sợ quan trên bắt tội bèn cùng các em, lập bè đảng đi làm giặc. Thế rồi anh em nhà Tây Sơn “được làm vua, thua làm giặc” như tục ngữ nói vậy.
Nhân cái loạn nầy, Hoàng Ngũ Phúc đem quân chiếm Phú Xuân năm 1774, (sau nầy là Huế). Các chúa Nguyễn bỏ chạy vào Gia Định. Rồi Nguyễn Huệ lập mưu chiếm được thành Phú Xuân, bắt các tông tộc của chúa Nguyễn giết sạch. Cha mẹ Nguyễn Ánh (sau nầy là vua Gia Long) cũng bị giết, xác thả trôi sông.
Câu chuyện miếu ông Quận Công:
Phía trên bến đò Trường Súng (?) trên sông Hương, ngang Huế, bên phía hữu ngạn, có ngôi miếu nhỏ, người ta gọi là miếu “Ông Quận Công.”
Sau khi lên ngôi, Gia Long muốn tìm lại tung tích cha mẹ bị giết, không biết ở đâu. Vua ra lệnh, ai tìm được xác cha mẹ ông, sẽ phong cho làm quận công.
Có một người làm nghề chài lưới, vào xin tâu với vua rằng, trước đây, ông ta quăng chài vớt được hai xác chết, là cha mẹ nhà vua. Thay vì đem chôn cất cho tử tế, ông sợ nhà Tây Sơn bắt tội, bèn thả xuống nước trở lại.
Vua Gia Long giữ lời, phong cho ông làm quận công, nhưng phạt ông tội chết vì sự tàn ác, vớt người chết không đem chôn mà thả trôi sông.
Ông chài đánh cá được phong làm quận công, xong cho ra pháp trường.
Dĩ nhiên, đây là chuyện đồn đãi, không có sở cứ, nhưng ngôi miếu nói trên thì có thực. Người Huế xưa, nhiều người biết ngôi miếu ấy và câu chuyện nói trên.
Lăng Ba Vành:
Tôi đi thăm lăng Ba Vành những 3 lần.
Lăng ở gần dòng tu Thiên An, - dòng tu nằm trên một ngọn đồi, nên có khi người ta gọi là Đồi Thiên An. Gần đồi Thiên An có một cái mã lớn, chôn chung nhiều người theo nhà Tây Sơn, bị giết, gọi là “Mã Ngụy” - (Bây giờ Việt Cộng cũng gọi Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa là nghĩa trang Ngụy” vậy). Phía sau đồi Thiên An có một cái lăng bỏ hoang đã lâu ngày, thường gọi là Lăng Ba Vành. Lăng có ba vòng thành, mộ ở giữa thì không còn xác người. Xác đó, cũng người ta đồn là xác của vua Quang Trung.
Giáo sư Nguyễn Thiệu Lâu, khi còn dạy ở trường Khải Định, - tên cũ của trường Quốc Học -, ông từng dẫn học sinh của ông đi thăm lăng nầy. Về sau, ông có viết bài đăng trên tập san Gió Mới kể chuyện đi thăm lăng, và cũng nói tới xác người trong lăng là xác vua Quang Trung.
Khi tôi học với ông Văn Đình Hy, niên khóa 1956-57, cùng bạn học cùng lớp, theo ông đi chơi Lăng Ba Vành. Đi “chơi” là tiếng thông dụng của bọn học trò hồi ấy: “Đi chơi lăng.” Ông Văn Đình Hy cũng nói với chúng tôi đó là lăng vua Quang Trung. Trước đó hai năm, tôi cùng các bạn hướng đạo, cũng đi chơi lăng Ba Vành, và cũng nói với nhau đó là lăng vua Quang Trung.
Lăng nầy cũng ở gần núi Bàn Sơn, là nơi ông Nguyễn Huệ làm lễ tế trời đất, lên ngôi hoàng đế (1788) để được chính danh đem quân ra Bắc hà diệt quân Thanh.
Xác vua Quang Trung ở lăng nầy bị Gia Long cho đào đem về Phú Xuân. Gia Long cho bỏ vào cái đầu lâu vào trong cái giỏ tre, bảo binh lính tiểu tiện vào đấy.
Tại sao Gia Long có hành động hèn hạ như thế?
Một là để trả mối hận quân Tây Sơn giết cha mẹ ông cùng thân thích họ hàng.
Thứ hai, Nguyễn Ánh cũng từng nhiều lần bị Nguyễn Huệ đánh cho thất điên bát đảo, phải chạy qua Xiêm xin lánh nạn. (Người miền Nam thường gọi là “Gia Long tẩu quốc” - Tẩu có nghĩa là chạy, còn chạy trối chết hay không thì không nghe sử nói tới.
Vì vậy, tuy Quang Trung chết rồi nhưng Gia Long hãy còn sợ: Sợ Quang Trung hiển thánh như Quan Vân Trường, sợ Quang Trung đầu thai sống lại thì phen nầy Gia Long khó toàn thây. Nói như thế là dị đoan, nhưng ai bảo rằng Gia Long không tin dị đoan? Thời kỳ ấy, văn hóa ấy, vua Gia Long có tin dị đoan cũng không có gì là lạ! (1)
Vậy thì hãy cho binh lính tiểu tiện vào sọ của vua Quang Trung cho nó dơ dáy. Dơ dáy thì không hiển thánh được, không tái sinh được.
Việc ấy không phải một mình Gia Long làm.
Nguyễn Thân, (2) quan nhà Nguyễn có công lớn dẹp được loạn mọi Đá Vách ở phía Tây Quảng Ngãi. Về sau, Nguyễn Thân quay lưng với nhà Nguyễn, theo Tây. Tây sai triều đình Huế đem quân đánh ông Phan Đình Phùng ở núi Vụ Quang (Hà Tĩnh) mấy lần nhưng không thắng. Mãi đến khi ông Phan Đình Phùng bị bệnh kiết lỵ qua đời, nghĩa quân yếu đi, Nguyễn Thân mới đánh được Vụ Quang (1895). Nguyễn Thân cho đào xác ông Phan Đình Phùng lên, đốt thành tro, trộn với thuốc súng, bắn xuống sông cho mất tang tích.
Nguyễn Thân cũng có mối sợ như Gia Long, sợ ông Phan Đình Phùng tái sinh hỏi tội.
Năm 1957 (58?), Ba Cụt bị án chém. Ông Đội Có đem máy chém về Cần Thơ chém đầu Ba Cụt, sau đó, xác Ba Cụt, không ai biết chôn ở đâu?
Tại sao ông Ngô Đình Diệm làm thế?
Vì ông sợ tín đồ đạo Hòa Hảo. Họ sẽ biến ngôi mộ của Ba Cụt thành “thánh địa” thì phiền cho chế độ của ông Diệm lắm. Tôi không tin ông Ngô Đình Diệm tin dị đoan, sợ ông Ba Cụt hiển thánh hay tái sinh mà làm hại ông.
Nếu nói rằng ông Diệm sợ như thế thì Việt Cọng ngày nay sợ hơn nhiều.
Anh em tổng thống Ngô Đình Diệm bị giết ngày 2 tháng 11 năm 1963. Hôm ấy, chế độ nhà Ngô sụp đổ rồi, dân chúng Saigon vui mừng lắm, đổ ra đầy đường, hân hoan trong không khí tự do (?). Vì vậy, khi chiếc xe M113 của Thiết Đoán 10 Kỵ binh chở xác anh em ông Ngô Đình Diệm về tới bộ Tổng Tham Mưu, cái gọi là “Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng” không dám để cho bà Kim Anh, cháu gọi tổng thống Ngô Đình Diệm bằng cậu đưa xác hai ông về chôn ở nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi. Phải hai năm sau, mộ hai ông mới được cải táng về đấy, có xây lăng và đặt bia, tên tuổi rõ ràng. Tôi từng vô nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi nhiều lần, tò mò đi thăm mộ ông Trần Văn Văn, mộ tướng Lê Văn Tỵ, mộ anh em Ngô tổng thống, ông Nguyễn Văn Trung (thân phụ tông tông Thiệu) và dĩ nhiên cả mộ mấy ông bạn tôi, “Tổ Quốc ghi ơn” nằm trong đó. Tôi thấy mộ anh em ông Ngô Đình Diệm đẹp đẽ, có ai phá phách hay phản đối gì đâu!
Thế rồi, trước khi tôi vượt biên (1989), nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi bị dời. Ai có thân nhân, nhanh chân thì dời kịp, còn ai chậm lụt hay mộ nào không có thân nhân thì bì san bằng. Lúc ấy, tuy tôi có nghĩ tới nhưng cũng không rõ mộ anh em tổng thống Ngô Đình Diệm ai đứng ra lo việc dời mộ và dời đi đâu.
Bây giờ thì nhiều người biết mộ hai ông dời về Lái Thiêu.
Khi hai anh em ông chôn ở trong phạm vi bộ Tổng Tham Mưu, tôi không rõ có bia ghi tên tuổi gì không! Khi dời về nghĩa trang Mạc Đỉnh Chi thì có bia gi tên tuổi rõ ràng. Hằng năm, đến ngày 2 tháng 11, có người đến làm lễ ở mộ.
Bây giờ mộ hai ông dời về Lái Thiêu, nếu có ai đến thăm mà hỏi mộ anh em tổng thống Ngô Đình Diệm ở đâu thì không ai biết, nhưng có ai hỏi mộ ông Huynh, ông Đệ ở đâu thì đồng bào địa phương biết ngay và chỉ cho!
Sao gọi mộ ông Huynh, ông Đệ mà không gọi mộ ông Diệm, ông Nhu! Không lý Việt Cộng cũng “kỵ húy” như luật nhà Nguyễn trăm năm trước?
Chắc chắn Việt Cọng không kỵ húy và cũng không tin hai ông tái sinh. Nói cho đúng tim đen Việt Cộng thì họ kỵ… nhân dân.
1)- “Nhà Mạc tuy đã làm vua, nhưng còn sợ lòng người nhớ nhà Lê, cho nên công việc gì cũng theo phép nhà Lê cả.”
2)- “Việt Cộng tuy cướp được miền Nam, nhưng biết lòng người còn nhớ anh em tổng thống Ngô Đình Diệm nên đem xác đi dấu, không cho làm bia mộ đặt tên anh em ông Diệm mà gọi là mộ ông Huynh, ông Đệ”
Đoạn 1 là sử do ông Trần Trọng Kim viết trong “Việt Nam Sử Lược”, quyển 2, trang 15.
Đoạn 2 là sử do tôi viết trước cho các nhà soạn sử sau nầy. Nếu họ không chép y như thế thì cũng sẽ na ná như thế.
Việt Cộng sợ ông Ngô Đình Diệm khi ông làm tổng thống đã đành. Bây giờ, ông chết rồi, chết năm 1963, những 12 năm trước khi Việt Cộng chiếm miền Nam, vậy mà Việt Cộng cũng còn sợ, không cho dựng bia để tên anh em ông. Chúng những hy vọng vài ba chục năm sau, năm bảy chục năm sau, chế độ của chúng thêm vững chắc, trong lịch sử cũng như trong xã hội không ai biết ông Ngô Đình Diệm, cũng sẽ như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, họ là ai cả.
Hy vọng thì vẫn hy vọng như vậy, nhưng chúng vẫn cứ lo, lo việc không thành nên chúng sợ những người đã chết. Họ chết hình hài nhưng họ vẫn sống trong lòng dân chúng, chúng sợ họ tức là sợ dân chúng.
Dân không quên họ thì Việt Cộng không bao giờ yên.
Đó là chân lý!
Hoàng Long Hải
(1) Tái sinh: Phần đông người Việt tin đạo Phật, con người sinh ở nhiều kiếp. Kiếp nầy gây ân, kiếp sau trả ân. Kiếp nầy gây oán, kiếp sau trả oán.
Ngày xưa có ông Vân Địch, mắc nợ người, khi sắp chết vẫn chưa trả được nợ, bèn hẹn với chủ nợ kiếp sau xin làm con trâu nhà chủ để kéo cày trả nợ. Vì vậy, Kiều có câu nói với Kìm Trọng:
Tái sinh chưa dứt hương thề,
Làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai.
Nghì cũng có nghĩa như nghĩa: “Trai mà chi, gái mà chi, con nào có nghĩa có nghì thì hơn.”
(2) Nguyễn Thân.
Cụ chánh án Hy (Nguyễn Hy, thân phụ bà ca sĩ Minh Trang) là con ông Nguyễn Thân.
1 nhận xét:
Tôi đã sống,học tập, làm việc,ở Liên xô CS hơn 8 năm. Nói và hiểu tiếng Nga gần như người bản xứ nhưng khi ấy tôi chưa bao giờ được nghe, biết đến vụ thảm sát Sa Hoàng và gia đình, vụ thảm sát hơn 20.000 sĩ quan và binh lính Ba Lan - là những tù binh ở Kha Tưn...và biết bao trại cải tạo-những nhà tù trá hình dành cho những người bất đồng chính kiến thời Stalin. Đó là những tội ác kinh hoàng của chế độ CS.Nói đến điều này để thấy rằng không phải cứ sống trong chế độ nào cũng biết rõ chế độ đó, khi mà nhà cầm quyền cố tình bưng bít thông tin, đàn áp đối lập...May thay lịch sử rất công bằng. Tội ác nào rồi cũng bị trả giá, sự thật rồi cũng được nói ra.
Đăng nhận xét