Du khách Việt đến viếng những bộ đội VN đã tử trận tại chiến trường Campuchia trong cuộc chiến với Khơme Đỏ tại Đài tưởng miệm ở thủ đô Phnompenh. ảnh Viet Minh |
(Để tưởng nhớ đồng đội đã hi sinh ở chiến trường K)
Một năm mới lại đến. Mùa Xuân đã về
rồi. Khi mỗi một mùa xuân sang, tôi lại nôn nao nhớ về những cái Tết năm xưa ở
chiến trường K. Nhớ những đồng đội đã vĩnh viễn không còn được đón xuân ở quê
nhà. Những thân xác đồng đội còn thất lạc
nơi rừng khộp rừng le và những đầm lầy mênh mông nước mùa mưa và trơ gốc lác
thân năn mùa khô,.. với linh hồn lang thang mỗi chiều hoàng hôn xứ chùa tháp.
Nơi đó, trong mười năm (1979-1989),
biết bao người lính Việt Nam đã ngã xuống. Họ hy sinh vì chính quyền Việt Nam
không chấp nhận một trong những chế độ diệt chủng tàn bạo nhất của thế kỷ 20.
Chế độ đó được hoài thai từ đảng cộng sản Căm-pu-chia thập niên 1950s – 1960s
và bị tiếm đoạt quyền điều hành bỡi một nhóm theo chủ nghĩa Maoist có nguồn gốc
từ nhóm du học sinh ở Pháp.
Chính quyền Khmer Đỏ, khi đã chiếm
được thủ đô Phnompenh với sự hỗ trợ của cố vấn quan sự Trung Quốc đã bắt đầu
chính sách thanh lọc xua đuổi cộng đồng người Khmer gốc Việt, những viên chức
và gia đình chính quyền Lonnon, người ngoại quốc có nguồn gốc phương Tây; thanh
trừng những người Khmer kháng chiến thân Việt và diệt chủng cả dân tộc mình.
Bao máu xương, nước mắt, mồ hôi của
người lính Việt Nam đã đổ xuống để xoá bỏ một chế độ diệt chủng tàn bạo đó
***
Nơi đơn vị mình đóng quân thuộc
Đông Bắc nước bạn. Đó là vùng lưu hành sốt rét nặng nhất theo bản đồ dịch tể của
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Thủ phủ vùng Đông Bắc là S’tưng-t’reng. Một thị xã
nhỏ nằm cạnh ngã ba sông. Những dòng sông Sê-san, Sê-kông, bắt nguồn từ Tây
Nguyên Việt Nam, chảy về hướng Tây hòa nhập vào sông Mẹ (Mê-kông, Mè-khỏng).
Một thị xã giữa miền rừng bao la bạt
ngàn cây cối, được ví như “vầng trăng trôi giữa rừng thốt nốt”. Nơi đó, từ bao
đời nay những người dân mang các sắc tộc Khmer, Lào, Thái, Hoa, Việt chung sống
hiền hòa và đoàn kết bên nhau. Dù họ có nguồn gốc, sắc tộc từ những miền quê
khác nhau nhưng họ cùng uống nước một dòng Mê-kông.
Thế mà hơn ba năm tồn tại, chế độ
diệt chủng Khmer Đỏ, được Trung Quốc hậu thuẫn, đã phá tan cuộc sống yên bình
đó. Thị xã hoang tàn sau nạn diệt chủng. Dấu ấn của sự chết chóc vương vãi khắp
nơi. Những đầm lầy đầy thây xương người thối rữa, Những hố chôn tập thể với những
sọ người còn nguyên vết nứt, thủng. Sự chia lìa tứ tán của các sắc tộc cộng đồng
cư dân.
Sau thời kỳ diệt chủng khủng khiếp,
những người dân còn sót lại và ly hương đã quay về xây dựng cuộc sống mới dưới
sự chở che và giúp đỡ của những người lính Việt Nam. Mặc cho đài báo nước ngoài
và phương Tây hồi đó ra rả suốt ngày bịa đặt và vu cáo, những người lính Việt
Nam ngày đêm vẫn đồng cam cộng khổ giúp dân xây dựng, tổ chức lại cuộc sống.
Đơn vị mình, bệnh viện Quân y 21
(B21, MT579) một bệnh viện tiền phương quân khu, có nhiệm vụ thu dung điều trị
cả vùng Đông Bắc Căm-pu-chia và Nam Lào. Bệnh nhân là lính Việt, lính Cămpuchia
và người dân địa phương. Không phân biệt sắc dân, tôn giáo, họ đều được điều trị
và phục vụ hoàn toàn miễn phí như nhau.
Người dân Khmer, Hoa, Lào, Việt đều
rất quý trọng bộ đội Việt Nam. “Coong-tốp Việt Nam lơ-o-ná” (Bộ đội Việt nam tốt
lắm!) là câu nói mình thường nghe mỗi khi đi đến đâu, tiếp xúc với bất cứ sắc
dân nào ở đó.
Khoa Truyền nhiễm – Da liễu của
mình có bà mẹ nuôi gốc Hoa bị lính Khmer đỏ cắt gót chân Achille, coi bọn mình
như con. Có anh chị nuôi Khăm-muội, người Lào coi cả khoa như người thân. Có những
gia đình ngư dân gốc Hồng Ngự, Đồng Tháp mừng rỡ khi mình đến thăm bệnh cho con
cái họ. Mỗi khi nhà có giỗ chạp, đám cưới hỏi, họ đều trân trọng mời bọn mình đến
dự. Mỗi dịp Tết Nguyên đán hay Tết năm mới (Chuôn – Chơ – Năm – Thơ – Mây), bộ
đội và dân là khách quý của nhau. Vui bên nhau với tiếng trống bập bùng lửa trại
thâu đêm. Chúc cho nhau cuộc sống hòa bình an lành mãi mãi.
Mình có những đứa trẻ người Khmer,
người Lào, người Việt nhận làm cha đỡ đầu vì đã cứu chúng thoát khỏi tử thần từ
những ca sốt rét ác tính, những ca tiêu chảy cấp. Dù đêm khuya hay mưa gió, bệnh
viện mới khôi phục của bạn gọi yêu cầu là anh em lên đường chi viện và hỗ trợ cấp
cứu, điều trị. Mình cũng đã từng nhiều lần cứu sống những người lính Khmer mà
khi họ trốn ra viện, mới biết là quân của Polpot. Cũng chẳng sao, mình thường
tâm niệm, họ là con bệnh. Cứu người thì không phân biệt chính kiến, phe phái. Có
thể vì thế mà họ sẽ thức tỉnh và rời bỏ hàng ngũ Pôn-pốt để trở về làm người
dân lương thiện.
Mình còn nhớ như in, nhiều đồng bào
ở thị xã Stưng-teng nắm tay chia sẻ sự hốt hoảng và lo lắng khi nghe Ngoại trưởng
Nguyễn Cơ Thạch tuyên bố với đài BBC là Việt nam sẽ rút quân về nước vào năm
1990. Họ sợ Pôn-pốt trở lại. Họ sợ chính quyền mới không giữ được cuộc sống
bình yên vừa có được.
Mười năm sau, trước khi Việt Nam
rút quân năm 1989, Căm-pu-chia đã hồi sinh. Cuộc sống đã khôi phục trở lại màu
xanh của cây cối. Chùa chiền, trường học, bệnh viện, chợ búa đã được khôi phục
và xây dựng lại. Những cánh rừng cao su xanh mướt trải dài không còn tiếng thét
la của người dân vô tội. Những đêm hội dập dìu điệu múa lăm vông của những đôi
trai gái. Cuộc sống lại đâm chồi nãy lộc như cấy cối sau mùa nắng hạn. Mùa xuân
đã về trên đất nước Chùa Tháp. Đó cũng là giai đoạn khó khăn nhất của Việt Nam.
Mỹ và phương Tây cấm vận kinh tế, vì đã coi Việt Nam xâm lược. Trung Quốc thì
duy trì tình trạng chiến tranh ở biên giới phía Bắc.
Bây giờ, sau ba mươi lăm năm nhìn lại,
mới thấy trong đục trắng đen. Nhưng nhìn lại những máu xương bao thế hệ người
lính Việt đã đổ xuống, mình vẫn băn khoăn liệu có hoài phí?
***
Những năm 1979s -1989s, cuộc sống
người dân Việt Nam vô cùng khó khăn nhọc nhằn. Nhưng vẫn là một cuộc sống hòa
bình không có tiếng bom rơi đạn nổ. Trong tâm tư rất nhiều người, cuộc sống đan
xen giữa thời bình thời chiến; giữa hai dòng tư tưởng hưởng thụ và cống hiến;
giữa những hi sinh mất mát và bon chen tinh toán được thua ở đời. Với đa số người
lính Việt, khi đã bước chân sang biên giới K là chỉ biết đang sống ở chiến trường.
Cuộc sống người lính nay còn mai mất. Lương không đủ tiêu. Nhu yếu phẩm dùng
chung. Cùng chia sẻ ca nước mát mùa khô và chuyền tay nhau điếu thuốc mùa mưa.
Nhìn những đồng đội với tấm thân gầy
xanh xao vàng bủng hay khấp khểnh trên chiếc nạng gỗ, những bệnh binh run lên từng
cơn sốt rét rừng, sốt đái ra huyết; và biết ngày mai đến lượt mình,.. thì ai nỡ
so đo tính toán thiệt hơn.
Mình đã nhiều lần khóc thầm và thao
thức trắng đêm mỗi khi không cứu được đồng đội là bệnh nhân của mình. Họ đến bệnh
viện khi đã quá muộn. Đó là những ca đã suy thận hay mất máu nhiều vì đường xa,
vì mưa liên miên tắc nghẽn giao thông, vì thiếu thuốc cần thiết; không cách gì
cứu sống được nữa. Mình khóc vì lực bất tòng tâm. Khóc vì những cái chết trẻ của
đồng đội. Đa số họ đều ở độ tuổi hai mươi và chưa được yêu lần nào.
*****
Nỗi nhớ Mùa Xuân còn là nỗi nhớ về
mùa khô nơi nước bạn. Nhớ những cơn khát cháy họng khi đi qua những cánh rừng
khộp, rừng săng lẽ bạt ngàn trơ trọi cành cây và lốp xốp lá khô. Nhớ những mùa
chiến dịch giành lại các cao điểm trọng yếu, thương đồng đội bị thương, bị sốt
rét hàng loạt đổ về nằm chật kín phòng bệnh.
Nhớ những cơn mưa triền miên mút
mùa làm nôn nao người lính; nhớ những tháng mùa khô cháy bỏng đất đá khô trắng
rừng cây cỏ và thèm những cọng rau xanh…
…. và văng vẳng còn đâu
đây lời ca mỗi dịp xuân về :
Con biết bây giờ mẹ chờ
em trông…
Bao lứa trai làng chào
xuân chiến trường
Không lẽ riêng mình êm ấm…
…… (Xuân này con không về)
Đồng đội ơi, những ai còn nằm bên
đó mà chưa được đưa về với đất mẹ? Xin cho tôi gửi về miền xa ấy chút tình của
người đồng đội cũ của các anh năm xưa ! Xin cho vong hồn các anh được siêu
thoát !
Bạn bè ơi, những ai còn nhớ đến một
thời gian khổ mà thấm đẫm tình người, tình đồng đội ? Xin hãy đừng làm gì hổ thẹn
với vong linh đồng đội mình còn lang thang nơi đất khách quê người !
Sao Hồng
1 nhận xét:
Tôi trân trọng tấm lòng của tác giả Tôi rất cảm động
Đăng nhận xét