Lời người dịch:
Thay cho việc tóm tắt các luận điểm chính, tôi quyết định dịch miễn phí :) toàn văn bài phát biểu này trên cơ sở Biên bản chính thức của Nghị viện Liên bang Đức. Hy vọng tư liệu đầu nguồn này có thể giúp bạn đọc Việt Nam có một hình dung cụ thể về quá trình thảo luận chính sách Ukraine của Đức, một quốc gia đang đóng vai trò then chốt trong quan hệ giữa Phương Tây và Nga trong bối cảnh khủng hoảng địa chính trị hiện nay. Ngoài ra biên bản tốc ký này, trong đó bao hàm các ghi chú chi tiết về phản ứng của cử toạ bao gồm các chính khách thuộc Liên minh chính phủ cũng như của các đảng đối lập, cũng có thể cung cấp những ấn tượng sinh động về văn hoá nghị trường, trước hết là về nghệ thuật diễn giải của Gregor Gysi, một luật sư gốc Do Thái xuất thân từ CHDC Đức trước đây và người được coi là một trong những nhà chính trị Đức có khả năng hùng biện nhất.
* *
*
Bài phát biểu của Gregor Gysi, Chủ tịch Khối Nghị sỹ Đảng Cánh tả, Đảng đối lập lớn nhất của Nghị viện Liên bang Đức trong nhiệm kỳ hiện tại, vượt lên khỏi phạm vi chính trị đảng phái, đã dành được sự chú ý rộng rãi của công luận Đức trong những ngày này và được không ít người coi như là một “bài giảng xuất sắc về công pháp quốc tế”.
Phát biểu của Gregor Gysi, Chủ tịch Khối nghị sỹ Đảng Cánh tả sau Tuyên bố của Thủ tướng Liên bang Angela Merkel về tình hình Ukraine tại Phiên họp toàn thể của Nghị viện Liên bang Đức ngày 13.3.2014
Thưa ông Chủ tịch! Thưa các quý bà và quý ông! Putin muốn giải quyết toàn bộ cuộc khủng hoảng ở Ukraine bằng biện pháp quân sự. Ông ta không hiểu rằng các vấn đề của nhân loại không thể giải quyết bằng binh lính hay súng đạn, mà hoàn toàn ngược lại.
Kể các các vấn đề của nước Nga cũng không thể giải quyết bằng cách đó.
Tư duy và hành động của ông ta là sai và chúng tôi lên án điều này một cách rõ ràng!
Tuy nhiên đây cũng chính là phương thức tư duy từng thống soái và vẫn đang thống soái ở Phương Tây: ở các trường hợp Nam Tư, Afghanistan, Iraq và Libya.
Thay thế cho xung đột hệ thống trước đây nay là các đối kháng về quyền lợi giữa Hoa Kỳ và Nga. Chiến tranh lạnh đã kết thúc, tuy nhiên các đối kháng về quyền lợi như vậy vẫn hoàn toàn có thể dẫn đến những hệ quả tương tự.
Hoa Kỳ muốn mở rộng khu vực ảnh hưởng và bảo vệ ảnh hưởng đang có, và Nga muốn mở rộng khu vực ảnh hưởng và bảo vệ ảnh hưởng đang có. Liên quan đến Nga tôi chỉ nêu ra các từ khoá sau đây: Georgia, Syria, Ukraine.
Cho dù lên án hành động của Putin, người ta vẫn phải nhìn nhận nguyên do đã dẫn tới toàn bộ tình trạng tình trạng căng thẳng và xung đột hiện tại. Tôi xin nói một cách hoàn toàn rõ ràng với các quý vị: Tất cả mọi sai lầm mà NATO và EU có thể có thì họ đều đã mắc phải.
Tôi bắt đầu với Gorbachev vào năm 1990. Ông đã đề nghị thiết lập một Ngôi nhà chung châu Âu, giải thể NATO và Khối hiệp ước Warsaw, xây dựng một quan niệm “An ninh chung” với Nga. NATO đã bác bỏ đề nghị này và nói rằng: Giải thể Khối hiệp ước Warsav thì được, nhưng NATO vẫn cứ tiếp tục tồn tại. Và từ một liên minh phòng thủ, NATO đã trở thành một liên minh can thiệp.
Sai lầm thứ hai: Khi tiến hành thống nhất nước Đức, Ngoại trưởng Mỹ, Bộ trưởng Ngoại giao chúng ta lúc đó là Genscher và các Bộ trưởng Ngoại giao khác đã tuyên bố với Gorbachew rằng sẽ không có việc mở rộng NATO về phía Đông. Lời hứa hẹn này đã không được giữ. NATO đã được mở rộng một cách quyết liệt về hướng của Nga.
Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates đã đánh giá việc kết nạp một cách vội vàng các nước Đông Âu vào NATO là một sai lầm lớn và cố gắng của Phương Tây nhằm mời Ukraine vào NATO là một khiêu khích nghiêm trọng. Không phải tôi, mà là Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã tuyên bố như vậy.
Và sai lầm thứ ba tiếp theo đó là quyết định đặt tên lửa ở Ba Lan và Séc. Chính phủ Nga đã nói rằng: Việc này ảnh hưởng đến các quyền lợi an ninh của chúng tôi; chúng tôi không muốn điều đó. – Thế nhưng Phương Tây đã tuyệt nhiên không hề quan tâm tới ý kiến này. Quyết định đặt tên lửa vẫn được thực hiện.
Ngoài ra trong cuộc chiến ở Nam Tư, Phương Tây đã nhiều lần vi phạm và vi phạm một cách nghiêm trọng công pháp quốc tế. Giữa chừng cựu Thủ tướng Schröder cũng đã thừa nhận việc này. Serbia đã không tấn công một nhà nước khác, và cũng không có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Vậy mà nó đã bị ném bom, với sự tham chiến lần đầu tiên của Đức sau 1945. Và người dân của Kosovo đã được phép quyết định li khai khỏi Serbia thông qua một trưng cầu dân ý.
Lúc đó tôi đã cực lực phê phán sự vi phạm công pháp quốc tế này và đã nói với các quý vị: Ở Kosovo các quý vị đang mở nắp chiếc bình của Pandora; bởi vì nếu việc này được cho phép ở Kosovo thì các quý vị cũng sẽ phải cho phép nó ở những nơi khác. – Các vị đã mắng chửi tôi. Các vị đã không đếm xỉa đến điều này, đơn giản bởi vì các vị cho rằng với tư cách là những người thắng cuộc trong Chiến tranh lạnh thì tất cả các ràng buộc cũ không còn hiệu lực với các vị nữa. Tôi xin nói với các quý vị rằng: Người Basque hỏi rằng, tại sao họ không được tiến hành trưng cầu dân ý về việc họ có muốn là một phần của Tây Ban Nha hay không. Người Catalan hỏi rằng, tại sao họ không được tiến hành trưng cầu dân ý về việc họ có muốn là một phần của Tây Ban Nha hay không. Và tất nhiên bây giờ người dân của Krym cũng sẽ hỏi như vậy.
Thông qua việc vi phạm công pháp quốc tế và qua phương thức luật tục người ta cũng có thể tạo ra một công pháp quốc tế mới; các quý vị đều biết điều này. Tôi vẫn giữ quan điểm rằng việc ly khai Krym là một sự vi phạm công pháp quốc tế, cũng như việc ly khai Kosovo đã là một sự vi phạm công pháp quốc tế.
Tuy nhiên tôi đã biết trước Putin sẽ dựa vào tiền lệ của Kosovo, và ông ta cũng đã làm như vậy. Và bây giờ, thưa bà Thủ tướng Liên bang, bà lại nói rằng: Tình hình dạo đó hoàn toàn khác.
(Claudia Roth, Augsburg, LIÊN MINH 90/ĐẢNG XANH: Thì cũng đúng như vậy mà!)
Cũng có thể như vậy. – Nhưng mà quý vị bỏ qua một điều rằng: Vi phạm vi phạm công pháp quốc tế đơn giản là vi phạm công pháp quốc tế.
Thưa bà Roth thân mến, bà hãy thử hỏi một vị thẩm phán xem liệu ăn cắp vì động cơ cao cả so với việc ăn cắp vì động cơ không cao cả có còn là hành vi ăn cắp nữa không. Vị thẩm phán sẽ nói với bà rằng: Ăn cắp là ăn cắp. – Đây chính là vấn đề.
Dạo đó ông Struck (Bộ trưởng Quốc phòng Đức dưới thời Thủ tướng Gerhard Schröder) đã tuyên bố rằng: Cộng hoà Liên bang Đức phải bảo vệ an ninh của mình ở dãy Hindu Kush. – Và bây giờ ông Putin tuyên bố: Nước Nga phải bảo vệ an ninh của mình trên bán đảo Krym – Phải nói thêm là Đức không có hạm đội đóng ở dãy Hindu Kush và cũng nằm xa nơi này nhiều lần. Mặc dù vậy tôi nói rằng: Cả hai câu nói này đều đã sai và đang sai.
Nhưng vấn đề còn lại là: Một khi nhiều bên vi phạm công pháp quốc tế trách cứ một bên vi phạm công pháp quốc tế là nước Nga, rằng nước này đang vi phạm công phạm quốc tế, thì điều này không mang tới một hiệu quả và độ tin cậy đặc biệt nào. Đây là một thực tế mà chúng ta phải đương đầu.
Obama cũng nói y như bà, thưa Thủ tướng Liên bang, về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia. Thế nhưng các nguyên tắc này đã bị vi phạm ở Serbia, Irag và Libya. Phương Tây cho rằng có thể vi phạm công pháp quốc tế bởi Chiến tranh lạnh đã trôi qua. Người ta đã coi thường một cách thô bạo các quyền lợi của Trung Quốc và Nga. Các quý vị không còn một sự nể vì nào trước nước Nga thời Jelzin, vị Tổng thống thường say xỉn này. Thế nhưng tình huống đã thay đổi. Một cách rất muộn màng, các quý vị đã dựa vào những nguyên tắc công pháp quốc tế được hình thành vào thời kỳ Chiến tranh lạnh. Tôi rất ủng hộ cho việc tái lập hiệu lực của công pháp quốc tế – nhưng mà là cho tất cả mọi bên! Khác đi thì chẳng thể nào được.
Tiếp theo đó lại có sự giành giật Ukraine giữa EU và Nga. Cả hai đều suy nghĩ và hành động như nhau. Barroso, Chủ tịch Uỷ ban EU, đã nói: Hoặc là Liên minh thuế quan với Nga hoặc là Hiệp định với chúng tôi! - Ông ta không nói: “Cả hai”, mà là “Hoặc thế này – Hoặc thế kia!”. Còn Putin thì nói: Hoặc là Hiệp định với EU hay là với chúng tôi! – Cả hai đều cùng tư duy và hành động theo phương thức loại trừ. Đây là một sai lầm đầy tai hoạ của cả hai bên.
Không hề có một Bộ trưởng Ngoại giao nào của EU đã tìm cách nói chuyện với chính phủ Nga và ghi nhận các quyền lợi an ninh chính đáng của Nga.
Nga e sợ rằng sau khi có quan hệ chặt chẽ hơn với EU thì NATO sẽ vào Ukraine. Nga cảm thấy càng ngày càng bị bao vây. Nhưng người ta chỉ tập trung vào việc tranh dành ảnh hưởng ở Ukraine.
Các Bộ trưởng Ngoại giao EU và NATO đã hoàn toàn không đếm xỉa đến lịch sử Nga và Ukraine. Họ chưa bao giờ hiểu được ý nghĩa của Krym đối với nước Nga. Bản thân xã hội Ukraine bị phân hoá một cách sâu sắc.
Kể cả điều này cũng không được lưu ý đến. Sự phân hoá sâu sắc này đã bộc lộ từ trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai và vẫn còn thể hiện tới tận ngày hôm nay. Phía Đông Ukraine có thiên hướng nghiêng về Nga. Phía Tây Ukraine có thiên hướng nghiêng về Tây Âu. Hiện tại không có bất cứ một nhân vật chính trị nào ở Ukraine khả dĩ đại diện được cả hai phần của đất nước. Và đây là một sự thật đáng buồn.
Tiếp theo đó còn có Hội đồng châu Âu và OSZE, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Thưa bà Thủ tướng Liên bang và ông Bộ trưởng Ngoại giao, các quý vị đã quá sao nhãng các tổ chức này trong thời gian cuối. Tiền cho các tổ chức này ngày càng bị cắt giảm, bởi vì các quý vị cho rằng chúng không có gì quan trọng. Thế nhưng đây là những tổ chức châu Âu duy nhất mà cả Nga và Ukraine đều là thành viên. Vì vậy chúng ta phải củng cố lại những tổ chức này – cả trên phương diện tài chính – và không được phép lảm nhảm về việc khai trừ Nga; đây là một chuyện hoàn toàn trật khấc.
Tiếp theo đó chúng ta đã chứng kiến tình trạng căng thẳng gia tăng một cách nghiêm trọng ở Maidan. Chúng ta đã chứng kiến những kẻ bắn tỉa và nhiều người chết. Có nhiều lời đồn đại về việc này. Trong những tình huống như vậy sẽ có nhiều điều dối trá. Vì vậy mà chúng tôi đề nghị thiết lập một Uỷ ban điều tra quốc tế. Chúng ta, trước hết là người dân Ukraine, có quyền biết những gì đã xảy ra và ai chịu trách nhiệm nào ở đó. Tôi vui mừng là bà, thưa Thủ tướng Liên bang, đã ủng hộ việc này.
Ở Maidan có nhiều lực lượng dân chủ, nhưng cũng có nhiều lực lượng phát xít. Và Phương Tây đã trực tiếp và gián tiếp đồng loã.
Sau đó Bộ trưởng ngoại giao Steinmeier, Bộ trưởng ngoại giao Pháp và Ba Lan đã ký kết với Yanukovych và phe đối lập một hiệp định. Và bây giờ, thưa Bộ trưởng Ngoại giao, ông lại nói rằng, Yanukovych đã vô hiệu hoá thoả thuận này thông qua việc ông ta bỏ trốn. Điều này sai. Người dân ở Maidan đã bác bỏ thoả thuận này với một đa số áp đảo,
Còn ông, thưa Bộ trưởng Ngoại giao, đã không tranh thủ sự ủng hộ cho thoả thuận này trên quảng trường Maidan. Chỉ sau khi bị bác bỏ, Yanukovych mới rời khỏi Kiew.
Sau đó Nghị viện đã họp và phế truất ông ta với 72,88 phần trăm số phiếu.
Tuy nhiên Hiến pháp quy định tỷ lệ số phiếu phải là 75 phần trăm. Bây giờ ông Röttgen (Chính khách CDU, Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của Nghị viện Liên bang Đức) và những người khác nói rằng: Ừ thì trong một cuộc cách mạng người ta không thể để ý đến Hiến pháp một cách tường tận được. Chỉ vài phần trăm ít hay nhiều hơn thì cũng có sao đâu… – Vâng, người ta có thể làm được mọi việc như vậy. Chỉ có điều là bây giờ Putin dựa vào đó và nói rằng: “Không có đa số để phế truất theo quyết định của Hiến pháp”,
và vì vậy đã căn cứ vào bức thư mà Yanukovych đã gửi cho ông ta.
Ngoài ra: Khi bỏ phiếu ở Nghị viện có rất nhiều người trang bị vũ khí đứng ở đó. Điều này không thật đặc biệt dân chủ. Và trong đợt trưng cầu dân ý vào chủ nhật tới ở Krym cũng sẽ có nhiều binh lính có trang bị vũ khí có mặt ở đó. Cả điều này cũng không thật đặc biệt dân chủ.
Điều thú vị là, thưa Thủ tướng Liên bang, bà có nói rằng một cuộc trưng cầu dân ý như vậy không được Hiến pháp Ukraine cho phép. Vậy thì lúc nào nó có hiệu lực và lúc nào thì không? Khi bỏ phiếu phế truất Tổng thống thì nó không có hiệu lực, và khi tiến hành trưng cầu dân ý ở Krym thì bỗng nhiên nó lại có hiệu lực. Các quý vị phải biết rằng: Quý vị chấp nhận toàn thể Hiến pháp Ukraine hay chỉ là một số phần nhất định của nó, những phần dễ chịu đối với các quý vị? Đây là một kiểu cách mà tôi biết và không thích.
Tiếp theo đó một chính phủ mới đã được thành lập và ngay lập tức được công nhận bởi Tổng thống Obama, bởi cả EU và cả chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức. Thưa bà Merkel! Phó thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Nông nghiệp, Bộ trưởng Môi trường, Viện trưởng Viện Công tố tối cao – tất cả họ đều là các thành viên phát xít. Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia là người đồng sáng lập Đảng phát xít Swoboda. Các thành viên phát xít chiếm giữ những vị trí quan trọng và áp đảo, chẳng hạn trong khu vực an ninh. Chưa bao giờ những kẻ phát xít tự nguyện từ bỏ quyền lực, một khi họ đã chiếm giữ một phần của nó.
Tối thiểu thì chính phủ Cộng hoà Liên bang Đức phải vạch rõ đường giới hạn ở đây, cho dù chỉ vì quá khứ lịch sử của chúng ta.
Khi mà đảng FPÖ (Đảng cánh hữu ở Áo) của Haider tham gia chính phủ Áo, thậm chí đã có các biện pháp tẩy chay quan hệ và tương tự. Vậy mà đối với những kẻ phát xít ở Ukraine chúng ta lại án binh bất động? Swoboda có những mối quan hệ vô cùng mật thiết với NPD (Đảng phát xít mới ở Đức) và với các đảng Nazi khác ở châu Âu. Chủ tịch của Đảng này, Oleg Tjagnibok, đã tuyên bố nguyên văn như sau. Bây giờ tôi sẽ trích dẫn; các quý vị phải nghe những gì ông ta đã nói, nguyên văn như sau:
“Hãy cầm lấy súng, hãy chiến đấu chống lại bọn lợn Nga, bọn Đức, bọn lợn Do Thái và những bọn hạ đẳng khác.”
Kết thúc phần trích dẫn. Tôi nhắc lại. Người đàn ông này đã nói như sau:
“Hãy cầm lấy súng, hãy chiến đấu chống lại bọn lợn Nga, bọn Đức, bọn lợn Do Thái và những bọn hạ đẳng khác.”
Kết thúc phần trích dẫn. – Hiện tại đang có những sự tấn công đối với người Do Thái và người Cánh tả, vậy mà các quý vị không hề nói một điều gì về việc này? Vậy mà các quý vị vẫn nói chuyện với những người của Swoboda? Tôi cho đây là một vụ tai tiếng. Tôi phải nói thẳng với các quý vị như vậy.
Bây giờ thì – như đã báo trước – các quý vị muốn đưa ra các biện pháp trừng phạt, nếu như không còn có cách nào khác. Nhưng mà việc này sẽ không gây ấn tượng đối với Putin. Nó sẽ chỉ làm cho tình hình căng thẳng thêm. Kissinger, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, có lý. Ông nói rằng các biện pháp trừng phạt không phải là dấu hiệu của một chiến lược, mà là dấu hiệu cho việc thiếu đi một chiến lược. Điều này cũng đúng với các chuyến bay quân sự đang diễn ra tới tấp ở Ba Lan và các nước Cộng hoà vùng Ban Tích. Làm như vậy là vì mục đích gì?
Các tài khoản của Yanukovych và thuộc hạ của ông ta bị phong toả, vì đây là tiền bị ăn cắp của quốc gia. Câu hỏi của tôi là: Các quý vị không biết điều này từ trước đó à? Câu hỏi thứ hai: Tại sao lại chỉ là tài khoản của những người này? Thế còn tài khoản hàng tỉ bạc của các trùm tài phiệt ủng hộ cho những lực lượng khác thì sao? Tại sao ở đây các vị lại không làm gì cả? Tại sao mọi việc lại diễn ra một chiều như vậy?
Chỉ có con đường của ngoại giao.
Thứ nhất. Phương Tây phải công nhận quyền lợi an ninh chính đáng của Nga ở Krym, như giữa chừng Ngoại trưởng Mỹ Kerry cũng đã thừa nhận. Phải tìm ra một quy chế cho Krym mà Ukraine, Nga và chúng ta có thể chấp nhận.
Phải đưa ra đảm bảo đối với Nga rằng Ukraine sẽ không trở thành thành viên của NATO.
Thứ hai. Tương lai của Ukraine nằm ở chức năng cầu nối giữa EU và Nga.
Thứ ba. Ở Ukraine phải triển khai một quá trình trao đổi và hoà giải giữa miền Đông và miền Tây, có thể là thông qua một hệ thống liên bang hay là một liên minh quốc gia, có thể là với hai chức danh Tổng thống.
Điều mà tôi trách cứ EU và NATO: Cho đến hiện tại chưa ai tìm và tìm thấy quan hệ với Nga. Bây giờ điều này phải thay đổi một cách triệt để.
An ninh ở châu Âu không thể có được nếu không có Nga hoặc chống lại Nga, mà chỉ có thể có được cùng với Nga. Nếu như cuộc khủng hoảng này vào một ngày đó được khắc phục thì một lợi thế có thể có được là công pháp quốc tế sẽ được mọi bên cùng tôn trọng.
Xin cảm ơn.
-------------------------------------------
Nguồn:
- Biên bản tốc ký của Nghị viện Liên bang Đức http://dipbt.bundestag.de/dip21/btp/18/18020.pdf#P.1522
- Đường Link video bài phát biểu: http://youtu.be/ezEjykTJjVk
(c) Bản dịch tiếng Việt: Trương Hồng Quang
Theo TRƯƠNG HỒNG QUANG
__________________________
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét