Phần lớn các nhà lãnh đạo phương Tây hiểu sai tính cách của ông
Putin.
Nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin chưa bao giờ
giấu giếm việc ông thần tượng cựu Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Yuri
Andropov, người có tính cách rất tương đồng với ông và cũng một nhân viên của
Ủy ban an ninh quốc gia (KGB) như Putin.
Vì thế, mà một trong những hành động đầu tiên
ngay khi ông Putin lên nắm quyền 15 năm trước đây là khôi phục tấm biển kỷ niệm
cựu Tổng bí thư Andropov bên ngoài tòa nhà trụ sở trước đây của KGB ở quảng
trường Lubyanka tại Mátxcơva.
Từ sự nghiệp của ông Andropov, có thể tìm ra
"manh mối" về các ý định thực sự của ông Putin trong cuộc khủng hoảng
ở Ukraine hiện nay.
Cụ thể, trong thời gian làm Đại sứ Liên Xô tại
Hungary, ông Andropov đã thuyết phục nhà lãnh đạo Liên Xô khi đó là Nikita
Khrushchev cử Hồng quân đến Hungary để dẹp tan các cuộc nổi dậy chống chính phủ
sở tại.
10 năm sau, ông Andropov - lúc đó là người đứng
đầu KGB - đã “đọc vị” bàn tay thao túng của NATO trong làn sóng biểu tình
"mùa Xuân Prague". Và một lần nữa, ông đề xuất cử Hồng quân đến bảo
vệ để ngăn nguy cơ "vệ tinh" của Liên Xô rơi vào ảnh hưởng của phương
Tây.
Logic của ông Andropov là không cho phép các
nước “vệ tinh” được lựa chọn hướng đi cho mình vì nếu chỉ một nước làm được,
các nước còn lại cũng ùa theo. Vì thế, Liên Xô chỉ có hai con đường lựa chọn,
hoặc sử dụng sức mạnh răn đe, hoặc sẽ phải đối mặt với các cuộc nổi dậy tương
tự như ở Bucharest, Warsaw và Đông Berlin.
Hồi đó, phương Tây đã lớn tiếng chỉ trích Liên
Xô sử dụng quân sự áp đặt ý chí của mình tại những quốc gia vệ tinh. Nhưng ông
Andropov đã dự báo một cách chính xác rằng phương Tây sẽ không can thiệp vì
không muốn chạm trán với Hồng quân. Những hành động quyết liệt của ông Andropov
đã góp phần duy trì ảnh hưởng của Liên Xô đối với Đông Âu thêm 3 thập kỷ.
Khi lên nắm quyền ở Nga năm 2000, ông Putin
không hề biết rằng những suy tính và tính cách của cựu đồng nghiệp KGB lại tác
động sâu sắc đến mình như vậy. Chả thế mà năm 2008, trong năm cầm quyền cuối
cùng của nhiệm kỳ tổng thống thứ hai liên tiếp, ông Putin đã phát động
cuộc chiến tranh chớp nhoáng 5 ngày trên đất Gruzia để "dạy" cho
Tbilisi bài học về ý định ngả theo phương Tây.
Khi đó, ông Putin cũng đánh giá đúng về tương
quan lực lượng Nga - NATO và đi đến nhận định rằng NATO sẽ không
dám làm gì để “cứu” Gruzia. Sự thực sau đó diễn ra đúng như vậy. Tbilisi mất
trắng cả Nam Ossetia và Abkhazia chỉ sau một tuần chứng kiến từng đoàn xe tăng
Nga hùng dũng tiến vào.
Với cuộc khủng hoảng ở Ukraine hiện nay cũng
vậy. Ông Putin đang sử dụng lại chiến thuật “một mất, một còn" ở Cộng hòa
tự trị Crimea để nắn gân Kiev và các thế lực phương Tây. Đối với nước Nga năm
2014 của Putin, một chính phủ thân phương Tây tại Ukraine cũng nguy hiểm như
một Hungary và CH Séc muốn vượt ra quỹ đạo bên ngoài, đe dọa dự án Xôviết tại
Đông Âu.
Nga lo ngại cuộc cách mạng tại Ukraine sẽ lan
tỏa đến các đường phố ở Mátxcơva và Saint Petersburg, nơi từng diễn ra các cuộc
biểu tình lớn chống Putin trong các năm 2011-2012. Nếu không hành động nhanh
chóng, nước Nga sẽ để mất vùng đệm Ukraine, mất quyền tự do khai thác cửa ngõ
ra Biển Đen ở Crimea và chấp nhận vòng cung ảnh hưởng của phương Tây tiến gần
hơn đến nước mình.
Mất Ukraine, Nga cũng sẽ mất đi một thành viên
quan trọng trong "dự án" Liên minh Á-Âu mà Tổng thống Putin đang dày
công xây dựng. Ông Putin muốn thành lập một khu vực thương mại tự do rộng mở
trong nhóm các nước thuộc Liên Xô trước đây nhằm tạo nên sự gắn kết chặt chẽ về
kinh tế, tiền đồn cho sự hợp tác về quân sự và chính trị sau này. Theo kế hoạch
của ông Putin, Liên minh Á - Âu sẽ được thành lập trong năm 2015. Vì thế
chẳng có lý gì ông để cho phương Tây phá ngang tại thời điểm chỉ còn một năm
nữa là liên minh sẽ được ra đời.
Ngoài yếu tố hợp tác trong Liên minh Á - Âu và
là vùng đệm chiến lược giữa Nga và châu Âu, Ukraine còn có vị trí trọng yếu
trong việc trung chuyển các nguồn khí đốt của Nga bán sang toàn bộ khu vực châu
Âu. Mặc dù Nga đang đẩy mạnh việc mở rộng nguồn cung khí đốt sang châu Á để làm
giảm bớt sự phụ thuộc vào đường ống dẫn chạy qua Ukraine tới “lục địa già”,
nhưng chẳng ai đảm bảo được rằng nhu cầu khí đốt ở châu Á sẽ ngang bằng được
như châu Âu hầu như quanh năm giá lạnh. Đó là chưa kể việc thiết lập thị trường
mới ở châu Á trước mắt sẽ ngốn của Mátxcơva rất nhiều thời gian và tiền của đầu
tư xây dựng đường ống dẫn khí.
Nhưng ý nghĩa lớn hơn cả của cuộc chiến tại
Ukraine là quyết tâm của Điện Kremlin muốn chấm dứt 20 năm “Đông tiến” của
NATO. Sau khi NATO kết nạp 10 nước Đông Âu, trong đó có Estonia với biên giới
chỉ cách Saint Petersburg 150 km, Nga đã quyết định không ngồi chờ để NATO tiếp
tục “áp sườn” phía Tây và phía Nam của mình. Vì thế, sẽ chẳng có bất kỳ sức ép
hay lý do gì để nước Mátxcơva không dám mạnh tay tại Ukraine, xét trên góc độ
bảo vệ các lợi ích cốt lõi của đất nước trên cơ sở vẫn tuân thủ luật pháp quốc
tế, luật pháp sở tại và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Đây cũng chính là điều đã được Tổng thống Putin
- nhà lãnh đạo quyền lực nhất thế giới năm 2013 theo bình chọn của báo chí
phương Tây - nhắc tới trong bài phát biểu đầu tiên của mình về tình hình
Ukraine sau hơn một tuần im lặng sau sự “ra đi” của đồng minh Viktor
Yanukovych. Trong bài phát biểu quan trọng này, nhà lãnh đạo nước Nga khẳng
định “không hề có việc binh sĩ Nga đang hoạt động tại Crimea” song nếu cần nước
Nga sẵn sàng xuất chính để bảo vệ người dân Ukraine và các lợi ích của mình
theo yêu cầu của Tổng thống hợp hiến Yanukovych, cho dù đây “sẽ chỉ là lựa chọn
cuối cùng trong tình huống vạn bất đắc dĩ”.
Vì thế, việc phương Tây kỳ vọng lấy sức ép về
chính trị (đe dọa cô lập nước Nga, tẩy chay Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Sochi
vào tháng 6 tới) hay trừng phạt kinh tế, quân sự để làm nao núng các ý đồ của
Mátxcơva xem ra chỉ là ảo tưởng.
Đức Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét