Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

NIỀM TIN


Lã Việt Dũng

Hoàng Sa, Trường Sa, biển đảo ư? Đã có Đảng và Nhà nước lo! Nhiều người Việt Nam tin vào điều đó - lẳng lặng không nhắc tới Hoàng Sa, Trường Sa, đường lưỡi bò - tập trung làm ăn. Một ngày đẹp trời, cái giàn khoan to đùng của Trung Quốc hạ xuống, niềm tin vào người anh cộng sản vỡ tan, chính quyền lại vội vã tổ chức một cuộc biểu tình, vội vã khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam, lại vội vã tuyên truyền về biển đảo, kèm theo đó là khẩu hiệu "Đồng lòng cùng chính phủ".

Người cộng sản vốn giỏi tuyên truyền, và họ hiểu sức mạnh của sự đoàn kết. Họ cũng hiểu người dân mong muốn đoàn kết đến thế nào trước hiểm hoạ ngoại xâm. Chống giặc sao được khi không đoàn kết, nhất là trước một kẻ giặc mạnh như bá quyền Trung Hoa.

Trong chiến tranh, đoàn kết giả tạo không có đất sống. Đoàn kết thực sự chỉ có được khi tất cả cùng một niềm tin. Đoàn kết sao được khi cầm súng, người thì nghĩ rằng mình đang hi sinh xương máu cho bọn quan tham, người thì cha ông chinh chiến cả đời giờ vẫn mất đất, thành dân oan, người thì cười khẩy vào cái thứ chủ nghĩa trăm năm chẳng đạt, người thì bảo nhau thôi kệ, cầm súng vì đảng và nhà nước bảo vậy.


Từ "Đã có Đảng và Nhà nước lo" đến "Đồng lòng cùng chính phủ" thể hiện sự sụt giảm về niềm tin. "Đã có Đảng và Nhà nước lo" thể hiện một niềm tin tuyệt đối, một sức mạnh tuyệt đối khiến những ai không nghe có thể bị gạt ra lề của xã hội; còn "Đồng hành cùng chính phủ" là một lời kêu gọi, nó phản ánh thực tế một "bộ phận không nhỏ" không còn quá tin vào chính phủ nữa. Những người cộng sản, vốn giỏi tuyên truyền và hiểu được khát vọng đoàn kết của nhân dân, đã khôn khéo đưa ra đúng thời điểm này.

Tại sao là "Đồng lòng cùng chính phủ" mà không phải là "Chính phủ đồng lòng cùng nhân dân", "Vì một quốc gia cường thịnh, hãy đoàn kết"...? Đơn giản là vì người cộng sản không muốn thay đổi, không thừa nhận sai lầm và không muốn nhân dân nhìn thấy nguồn gốc của sự nghèo nàn, lạc hậu, của sự mất đoàn kết hiện nay. Họ muốn nhân dân một lần nữa tin tưởng vào họ mà không hề nhắc tới chính họ đã chọn TQ là bạn vàng, chính họ đưa nền kinh tế, chính trị, xã hội của Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào TQ, chính họ để TQ khai thác bauxite Tây Nguyên, xây thuỷ điện Sơn La, cho thuê rừng đầu nguồn, nới lỏng an ninh quốc phòng tạo điều kiện cho TQ dễ dàng khống chế Việt Nam. Chính họ, không ai khác, vẫn cố bám giữ cái ý thức hệ chung, đặt niềm tin chung vào người anh cộng sản đến mức chỉ khi TQ hạ giàn khoan mới vội vã lên tiếng, dù cái giàn khoan này di chuyển rất chậm vào biển Việt Nam trước đó cả tháng.

"Vì một quốc gia cường thịnh, phải thay đổi". Đó mới là cách để khôi phục niềm tin và tạo sự đoàn kết thực sự trong dân. Cần phải có những lời nhận lỗi thực sự, những cam kết thực sự, những thay đổi thực sự theo hướng dân chủ hoá toàn diện để tạo niềm tin cho người Việt và bạn bè văn minh trên thế giới. Chỉ khi đó mới có được một hội nghị Diên Hồng thực sự để đoàn kết chống ngoại xâm.

"Vì một quốc gia cường thịnh, phải thay đổi". Đó mới là cách để khôi phục niềm tin và tạo sự đoàn kết thực sự trong dân.

Đọc thư gửi con của anh NguyễnThành Nam - FPT nhân 19/5, mình có thể hiểu và thông cảm được suy nghĩ của anh. Là sếp, là cổ đông của một tập đoàn hàng ngàn nhân viên, không ai muốn nhân viên của mình sao nhãng công việc để suy nghĩ, thảo luận về vấn đề TQ hoặc tệ hơn, xuống đường biểu tình. Anh cũng lấy ví dụ rất hay về tính ôn hoà người Nhật và phương pháp đấu tranh "chạm vào tim" người Trung Quốc.

Thưa anh, tập đoàn của anh là nhà phân phối của Apple, của IBM và nhiều hãng lớn của các quốc gia dân chủ trên thế giới. Anh và công ty của mình cũng mang lại nhiều ngoại tệ cho đất nước, anh cũng đi nhiều qua các quốc gia dân chủ đó và biết rõ các giá trị của họ. Bản thân anh cũng biết nước Nhật ôn hoà nhưng là quốc gia đa đảng, chính phủ rất tự trọng, sẵn sàng từ chức dù chỉ phạm phải một lỗi nhỏ nhất để đảng khác lên thay. Và tôi tin anh hiểu và đồng ý việc Việt Nam cần dân chủ lúc này.

Vậy hãy lên tiếng kêu gọi dân chủ, đa đảng cho Việt Nam đi anh. Hãy can đảm lên tiếng để "chạm vào tim" của đảng cộng sản, dù chỉ một lần!
Cuối cùng, anh cho rằng chiến tranh sẽ không xảy ra, nhưng lịch sử đã chứng minh là không ai có thể khẳng định, chủ quan về điều đó trước TQ. Chiến tranh 1979 gần đây và bài học lịch sử vỡ lòng Mị Châu - Trọng Thuỷ luôn nhắc nhở ta điều này.

An Dương Vương cổ đại có thể chém chết Mị Châu vì ngây thơ, nhưng An Dương Vương hiện đại khó có thể tự chém đầu mình.

Hi vọng bài này đến được với anh và những nhân viên của anh!


1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Một bài viết hay và chính chắn.