Lại đến ngày kỷ niệm. Một lần nữa, dưới chân tượng đài Lý
Thái Tổ bên Hồ Gươm linh thiêng, chúng tôi làm lễ tưởng niệm cho những người đã
ngã xuống trong cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc 1979-1988.
Tôi cùng nhiều đồng đội, nhiều người bạn đủ mọi lứa tuổi đến thắp hương, tưởng nhớ 5-6 vạn đồng bào, chiến sĩ đã chết vì giữ mảnh đất này mà lòng buồn khôn kể. Những câu hỏi tại sao, tại sao về lễ tưởng niệm, luôn làm căng đầu óc tôi. Một việc tưởng như quá đỗi đơn giản mà lẽ nào không tìm ra lời giải. Cái lý đơn giản đó tưởng cũng đơn giản như chân lý khi con người sinh ra, thì, phải được hưởng quyền làm “cái”con người. Vậy mà sao chuyện thắp hương tưởng niệm cho người đã chết cũng bị ngăn cấm?
Cũng như vậy mà suy, giặc đến nhà thì mọi người phải đánh và những người hôm
nay còn sống phải mang ơn những người đã chết. Đó là lẽ sống phải đạo ở đời.
Tôi và các bạn tôi đến đây biểu lộ lòng biết ơn, chúng tôi làm việc đó tự lương
tâm chúng tôi, chẳng một ai trong chúng tôi muốn gây chia rẽ, đổ máu và càng
không thể bị một thế lực thù địch nào lôi kéo, dụ dỗ.
Vậy mà hôm nay, lần thứ 38, những người ngã xuống vì cuộc chiến tranh do bọn bành trướng gây ra vẫn chưa yên thân, một nén nhang thắp để tưởng nhớ cũng bị gây khó, một số người bị bắt và chắc chắn một số bạn trẻ còn bị đánh đập.
Các người nhân danh ai mà dám làm điều đó? Hãy nhớ là không một Nhân Dân nào trao cho các ngươi quyền đó. Các người chỉ là một lũ nhu nhược, một lũ tôi đòi hèn mọn. Không chỉ thế, các người còn không xứng đáng được dung nạp trên mảnh đất này.
Cái buồn tâm trạng lan đến cái buồn tinh thần. Vẫn là câu hỏi tại sao?
Nhớ mùa hè năm 2015, được cùng các cựu chiến binh sư 356 của mặt trận Vị Xuyên (1979-1988) lên Hà Giang làm lễ tưởng niệm, riêng với những CCB của sư đoàn 356, họ còn mang trong mình tâm thức đến làm lễ ngày giỗ sư đoàn của mình. (ngày 12/7/1984 gần 600 người lính sự đoàn đã hy sinh trên mảnh đất nơi địa đầu này để bảo vệ biên cương Tổ quốc, ít lâu sau, sư đoàn bị xóa tên).
Tôi nhói lòng khi cuối buổi tưởng niệm, một người lính của mặt trận những năm đó đến quảng trường tượng đài trên một chiếc xe thương binh chính hiệu, đã rất cũ kỹ cũng như đã mòn mỏi, chịu đựng với thời gian. Những người bạn của tôi bế anh đến lư hương để anh đặt một cành hoa và thắp một nén hương tưởng nhớ đồng đội của mình. Tôi đau vì bất chợt một câu hỏi đến: Ở đâu những đồng đội của anh ngày hôm nay, sao hôm nay chỉ có mình anh cô đơn?
Tôi đã biết những người lính còn sống của sư đoàn 356 năm xưa, hơn chục năm trước, đã tự mình quyên góp tiền của để xây một đài tưởng niệm ở Vị Thanh và một miếu thờ trên một mảnh đất nhỏ trên cao điểm 468 vốn là chỉ huy sở của một trung đoàn thuộc sư 356 năm xưa. Các anh làm điều đó chân thành với suy nghĩ để nhắc nhau và nhắc cả những người còn sống, đừng bao giờ quên những người đã ngã xuống. Đó là một sự tri ân, thể hiện tấm lòng của đồng đội với nhau.
Vậy mà tại sao những năm gần đây, tại sao hôm nay, vắng bóng các anh mà đáng ra, hôm nay, vị trí danh dự phải thuộc về các anh? Vì thế, tôi đã nổi da gà khi người thương binh duy nhất của mặt trận đến. Những người đồng đội của anh sao hôm nay lại vắng mặt?
Tôi cũng đã nhìn ra khía cạnh âm u nào đó câu trả lời về sự vắng mặt của những người lính Vị Xuyên năm xưa, của sư 356 với rất nhiều người lính Hà Nội mà trong nghĩa trang liệt sĩ Tây tựu những người bạn của họ đang nằm ở đó, vẫn đó những nấm mồ như vô vàn những nấm mồ khác im ắng, lạnh lẽo đã bao nhiêu năm nay.
Những người nằm dưới mộ kia có quyền hỏi vì sao chứ? Họ hỏi ai? Còn gì bằng được hỏi những người đồng đội năm xưa đã chung vai gánh vác việc giữ nước. Hôm nay, tại Hồ Gươm, dưới chân tượng đài vua Lý Thái Tổ, mảnh đất linh thiêng của đất Việt, người bạn của họ đã trả lời. Dẫu rằng chỉ là một tiếng nói nhỏ bé của một người thương binh liệt cứng đôi chân nhưng hành động của anh đã có một tác động lớn đến những người tham gia lễ tưởng niệm, đến cả trăm các chú an ninh đứng khắp nơi, đầy chặt quảng trường. Không gian và thời gian lúc người chiến binh năm xưa xuất hiện như ngừng trôi. Tất cả đều nhìn về phía anh, theo dõi từng động tác khó nhọc của anh từ cắm nén hương, đặt cành hoa cũng cần người trợ giúp và khi được bế lại chiếc xe thương binh già cỗi, cũng ọp ẹp như thân thể anh, anh đã nói những lời thật xúc động: “Đất nước này không thể để cho bọn Trung quốc xâm lược và dẫu cho thân thể anh đã đầy thương tích, anh vẫn sẵn sàng cầm súng bảo vệ đất nước…” (đại ý câu nói của anh thương binh)
Vâng, đấy là hình ảnh đẹp nhất, ấn tượng nhất của buổi tưởng niệm hôm nay. Tôi
nghĩ, những người bạn, đồng đội của anh thương binh kia chắc cũng sẽ phải nghĩ
nhiều hơn, người dân Hà Nội và cả dân tộc này cũng sẽ nghĩ nhiều hơn về ngày
tưởng niệm này, về sự im hơi lặng tiếng như vô cảm của chúng ta suốt mấy chục
năm qua.
theo FB Vinh Anh 17/2/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét