Thứ Hai, 30 tháng 10, 2017

TIẾC CHO TỐ HỮU...

  

Hôm nọ, nhìn thấy rặng cây phong vàng rực lá trong chiều thu Ba Lan, tôi bất chợt kêu lên: Sao Nguyễn Du tài thế, ông nhìn thấy rừng phong vàng vào mùa thu ở đâu mà viết trong truyện Kiều:
"Người lên ngựa kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuộm màu quan san..." 

Bất chợt tôi thốt lên:
Nguyễn Du từng đến Ba Lan
Từng say ngắm thu vàng ngày xưa?
Cũng với tâm cảm như vậy, không hiểu sao khi bước chân xuống Vacsava, tự nhiên từ trong tiềm thức bật lên bài thơ Em ơi... Ba Lan của Tố Hữu:

Em ơi, Ba Lan mùa tuyết tan
Đường bạch dương sương trắng nắng tràn
Anh đi, nghe tiếng người xưa vọng
Một giọng thơ ngâm, một giọng đàn
Có phải Sô-panh tình chứa chan
Nâng đàn ca Cô gái Ba Lan 
Có phải A-đam hồn vĩ đại
Bay trên đầu thế kỷ nhân gian...
Em đi cùng anh lên thành xưa
Vác-xa-va ấm nắng ban trưa
Nét vàng lịch sử vừa tươi lại
Trong cuộc hồi sinh, tạnh gió mưa ...


Ngâm ngợi mấy câu thơ, tự nhiên trong lòng dâng lên tình cảm yêu quý, ngưỡng mộ cả thiên nhiên và văn hóa Ba Lan; thương cảm sự mất mát và khâm phục sự hồi sinh của Ba Lan...

Rồi khi vừa đặt chân lên thủ đô CH Sec bỗng trong đầu thầm đọc:
Prahara vàng tím chiều hè
Hỡi nàng công chúa nằm mê, mộng gì?
Nét buồn gương mặt còn ghi
Lối xưa Fucik mới đi thuở nào…
Lidice nhớ máu đào
Vườn hồng ai sẽ ngăn rào sói lang?
...

Những câu thơ như thế vang lên trong tâm hồn, khiến ta ngắm nhìn Praha càng thấy đẹp làm sao trong chiều hè rực nắng; những lâu đài nhấp nhô ven sườn đồi, soi bóng xuống dòng sông xanh... Rồi chưa kịp đến Lidise lòng đã rưng rưng thương cảm...
Rồi nhớ đến những bài thơ hay, nhiều câu thơ hay của Tố Hữu trong tập TỪ ẤY, VIỆT BẮC, GIÓ LỘNG... mà thấy tiếc cho ông. Ông có một tâm hồn nhạy cảm, mê say với đối tượng được phản ánh trong thơ và cách diễn đạt tự nhiên, khiến có nhiều câu thơ làm rung động lòng người, đi vào quảng đại quần chúng...
Nhưng chỉ vì ông có “tâm nguyện” “còn Đảng, còn mình”, với một niềm tin tuyệt đối vào chủ nghĩa cộng sản, “Dâng tất cả để tôn thờ chủ nghĩa”, nên ông chẳng khác gì các “chiến binh” ISIS tin vào Thánh Ala. Ông ca ngợi chủ nghĩa hết lời, không một chút nghi ngờ, và sẵn sàng tiêu diệt bất kể kẻ nào dám động đến “Thánh” của ông, nên có nhiều câu thơ nay đọc lên thấy ghê sợ. Trong tình cảm của ông yêu và căm thù phân rõ giai cấp, địch, ta. Ông có những câu thơ thương xót chị vú em, em bé con người đi ở, em Phước, lão đầy tớ, em bé bán hàng dạo, cô gái sông Hương, bà Bầm, bà Bủ, chị Lý... rất cảm động. Nhưng đối với các bạn văn chương, khi bị quy là “Nhân văn Giai phẩm” chống Đảng, ngay cả Phùng Quán là cháu ông, ông cũng trừng phạt không thương tiếc; đối với địa chủ, hồi cải cách ruộng đất, người ta đồn, ông viết:
“Giết! Giết nữa! Bàn tay không ngơi nghỉ
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho Đảng bền lâu
Cùng rập bước chung lòng
Thờ Mao Chủ tịch, thờ Xít-ta-lin bất diệt!”...

Nghe giọng điệu mấy câu thơ này “rất Tố Hữu”, vì thơ ông, nhất là tập Từ Ấy, rất nhiêu câu thơ “sắt, máu”; ông cũng ca ngợi Stalin và Mao Trạch Đông đến mức người Nga Xô viết hay người Trung quốc trước đây cũng phải vái lạy!
Với niềm tin tuyệt đối và lập trường “bất di bất dich” như vậy, ông tự biến mình thành một “Trùm dư luận viên”, bất kỳ cái gì của tư bản, đế quốc đều xấu xa; bất kể cái gì của phe ta đều tuyệt vời cách mạng; bất kể kẻ nào chê “phe ta” đều bị phê phán “có vấn đề tư tưởng”...

Điều nguy hiểm nhất ở ông là lập trường, thái độ “địch” - “ta” đều do tâm hồn nhà thơ tưởng tượng và khuếch đại; dường như ông rất ít quan sát phân tích thực tế khi làm thơ, bất chập hiện thực khách quan, chẳng hạn “Đại nhảy vọt”, “Cách mạng văn hóa” diễn ra ở Trung quốc khủng khiếp như vậy, mà khi qua Trung quốc ông không thấy gì, chỉ ngợi ca đến tận mây xanh!


Một điều đáng tiếc nữa cho Tố Hữu là ông chưa kịp sám hối, như Chế Lan Viên, Nguyễn Khải, Nguyễn Đình Thi ... Tôi tin rằng sau những sự thật về Stalin, Mao Trạch Đông, sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên xô và châu Âu; với những sai lầm của Đảng CSVN và thực tế xuống cấp toàn diện của xã hội Việt Nam vào lúc ông còn sống, ông đã “tự diễn biến”, biết rõ những ngộ nhận, sai lầm của mình...

Trước khi mất vào ngày 9-12-2002, ở tuổi 82, chắc ông cũng biết rằng, các chức vụ ủy viên Bộ chính trị, Phó Chủ tịch HĐBT vân vân của ông chẳng có giá trị gì, may ra chỉ còn “mấy vần thơ” hay (vứt bỏ hết thơ dở đi) để lại cho đời, nên ông viết:
Xin tạm biệt đời yêu quý nhất
Còn mấy vần thơ, một nắm tro
Thơ gửi bạn đường, tro bón đất
Sống là cho và chết cũng là cho.

Tôi thấy tiếc và thương cảm cho ông!
28/10/2017
Mạc Văn Trang

1 nhận xét:

Mạc Văn Trang nói...

Thú thực mình dốt thơ, có lúc thử làm, không được, nhưng cũng thích đọc thơ. Nhân đến Vacsa, Praha, tự nhiên ngâm nga mấy câu thơ của Tố Hữu viết về 2 nơi này mà thấy tâm đắc, thú vị... Thế rồi nảy ra suy nghĩ, cảm nhận về thơ ông, thấy tiếc cho ông... Viết mấy dòng lên FB như ghi nhật ký... Vậy mà các bạn "bình loạn" ghê quá, làm mình phát hoảng, cứ như mình là nhà phê bình thơ TH! TH là con người của lịch sử, thơ ông là thế, ai cảm nhận thế nào là tùy mỗi người. Nói về TH cũng để răn mình. Cảm ơn nhiều bạn đã chỉ giáo.