Thứ Năm, 3 tháng 5, 2018

THẤT LẠC LƯƠNG TÂM HAY SỰ LỘNG QUYỀN THÁCH THỨC LUẬT PHÁP?



Trụ sở cơ quan tôi vốn là một biệt thự cổ, nằm ở vị trí rất đẹp ngay giữa Trung tâm TP Hồ Chí Minh, đoạn giáp giữa Quận 3 và Quận 1. Bất ngờ, vào mùa hè năm 2003, cơ quan nhận được một thông báo gửi đi từ Văn khố quốc gia Cộng Hòa Pháp nằm ở Paris. Thông báo cho biết tòa nhà mà cơ quan chúng tôi đang sử dụng được xây từ năm 1903, khi ông Ngô Đình Diệm còn đang ở truồng. Sau trăm năm, từ Pháp, đơn vị xây dựng cho biết tòa nhà đã hết hạn bảo hành, bảo dưỡng. Từ đây, mọi biến động, thay đổi đối với tòa nhà, họ hết trách nhiệm. Họ tha thiết đề nghị những người thế hệ sau sở hữu và sử dụng nó phải hết sức cẩn thận, gìn giữ, hết sức thận trọng và tôn trọng khi phải sữa chữa hay thay đổi. Phòng khi kẻ hậu sinh da vàng, mũi tẹt, ngón chân Giao Chỉ tiếp nhận gặp “bối rối”, họ gửi kèm theo đầy đủ một bản sao hồ sơ khảo sát - thiết kế - xây dựng… của tòa nhà, trang nào cũng có công chứng đầy đủ!

Nhắc lại chuyện này, tôi không định ca ngợi sự cẩn trọng, chu đáo và thiện lương đầy trách nhiệm của bọn thực dân đế quốc, những kẻ chuyên đi xâm chiếm thuộc địa và vơ vét tài sản, bóc lột nhân dân. Tôi chỉ muốn khẳng định rằng: trên đời này chẳng có cái quái gì tự nhiên biến mất cả. Qua không biết bao nhiêu biến cố vĩ đại với các kiểu thắng lợi rực rỡ, với hai cuộc chiến tranh thế giới, hai lần chiến tranh Đông Dương và đánh bại hai đế quốc to, hồ sơ xây dựng tòa nhà cơ quan tôi vẫn còn nguyên không thiếu một trang thì chắc chắn tôi không thể tin trên đời lại có gì có thể thất lạc, mất tích chỉ vì một đôi lần “cơ quan dời trụ sở”.
Vậy mà có đấy. Gần 11 năm trước, tờ Tuổi Trẻ và hàng loạt báo khác, rất nhẹ dạ và hấp tấp, đã kêu ầm lên: “Vì sao 160 ha tái định cư của khu Thủ Thiêm biến mất?” (TTO 09/11/2007 20:08 GMT+7). Rồi bây giờ, 2018, khi các cá nhân quan chức có trách nhiệm trong vụ mất đất trước sắp thành củi đốt lò, thành phố văn minh nghĩa tình lại nóng rực lên trước thông tin mọi Bản đồ 1/5000 quy hoạch khu đô thị Thủ Thiêm được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 1996 cũng bỗng dưng đồng loạt biến mất. Lý lẽ của ai đó rằng “chỉ là không tìm thấy chứ không phải là mất hay không có” nghe ra không đáng tin. Bởi lẽ, nó mơ hồ, trừu tượng, không có chỗ dựa mang tính vật chất.
Tóm lại, đất không bốc hơi, chỉ bị ai đó ăn mất. Bản đồ, nếu thực đã có, cũng không mất, trừ phi ai đó cố tình thủ tiêu nó. Và ai đó, chắc chắn phải là kẻ có, hoặc từng có quyền lực vén mây che mặt trời tại đất này. Vì thế, cái được coi là "bản đồ quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt", Văn phòng chính phủ đã gửi bản gốc đi nhiều cơ quan có trách nhiệm, nhưng chúng lại có thể “biến mất” đồng loạt trong cùng một thời điểm ở mọi cơ quan có thẩm quyền và trách nhiệm lưu trữ nó. Và thật khôi hài, hàng loạt văn bản giấy tờ, đi kèm không bị mất, tại sao chỉ mất mỗi bản đồ quy hoạch? Trả lời: vì chỉ có bản đồ là bằng chứng xác đáng nhất chỉ ra rõ ràng việc đất đai biến mất, hoặc bị - không phải siêu nhiên mà là con người cụ thể - nuốt chửng.
Chuyện “biến mất” được đưa ra trong thời điểm một số cá nhân từng là lãnh đạo cao cấp của thành phố đang bị quy trách nhiệm về những sai phạm và nhiều dấu hiệu cho thấy sắp bị xử lý, chứng tỏ luật pháp đang bị bỡn cợt và thách thức. Nếu thật sự bản đồ quy hoạch đã mất và không xác định được mất trong khoảng thời gian nào, thì UBND TP Hồ Chí Minh căn cứ vào đâu để thu hồi đất của 15.000 hộ dân Thủ Thiêm và giao đất cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân? Nếu không có bản đồ, căn cứ vào đâu để quy trách nhiệm với những sai lệch thực tế nghiêm trọng đã và đang xảy ra?
Trả lời kiểu gì, bản chất của vụ việc cũng đã lộ ra: bản đồ quy hoạch đang được những kẻ sai phạm cố ý giấu đi, hoặc tệ hơn, thủ tiêu nó để che dấu sai phạm của mình. Không còn dừng lại ở mức gọi là sai phạm đó phải gọi là tội ác. Luật pháp đang bị thách thức nghiêm trọng. Giả sử bản đồ ấy chưa từng tồn tại, nghĩa là sẽ không có chuyện mất, vấn đề càng nghiêm trọng và tệ hại hơn: quyền lực đang đứng trên luật pháp.
Trong một thời gian rất dài, chúng ta vẫn được nghe và phải bằng lòng với những “chỉ đạo tư tưởng” đầy tính lạc quan và sặc mùi bao che, rằng đâu đó trong bộ máy công quyền vẫn có những sai sót, vẫn còn những cá nhân tha hóa…v.v. Thực tế không phải vậy. Tội phạm công quyền đã cấu kết và lớn mạnh thành tập đoàn, công khai thách thức luật pháp, công khai đối đầu và chống lại luật pháp khi bản thân chúng có nguy cơ bị trừng phạt. Nếu chỉ là sai phạm cá nhân, quyền lực cá nhân, không một ai đủ sức thổi bay tất cả bản đồ quy hoạch một khu đô thị đang được lưu trữ trong hàng chục cơ quan nhà nước có quyền hạn và trách nhiệm. Nó cũng không đủ sức làm biến mất 160 ha đất tái định cư ở Thủ Thiêm, không đủ sức bán rẻ hàng chục ha đất ở Nhà Bè, không đủ sức dời cả đồn biên phòng, xóa trắng hàng chục km bờ biển của nhân dân Quảng Ngãi để giao cho một doanh nghiệp, rồi nhơn nhơn tuyên bố “khoảng 8km vẫn có một đườngxuống biển”.
Bất chấp doanh nghiệp, người dân than trời vì giá xăng tăng vô tội vạ, Bộ Công thương vẫn không nao núng, tiếp tục lên kế hoạch tăng, theo đề xuất của đơn vị cung cấp, kinh doanh xăng dầu là Petrolimex. Tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2018 của Tập đoàn Xăng Dầu Việt Nam (Petrolimex), mức chia lãi cổ tức đã được ông bố đã được công bố. “Bộ Công Thương, đại diện phần vốn Nhà nước tại Petrolimex, với 981,68 triệu cổ phiếu đang nắm giữ (tương đương 84,71% vốn điều lệ Petrolimex) sẽ nhận được 2.945 tỷ đồng tiền cổ tức năm 2017” (Theo Tiền Phong, 2/5/2018). Vậy là rõ, vừa đá bóng, vừa thổi còi, lợi ích nhóm đã biến Bộ Công thương thành một đơn vị kinh doanh, tìm mọi cách thu lợi nhuận. Họ đang buôn chính sách và lạm quyền móc túi nhân dân!
Còn nhiều, vô cùng nhiều dẫn chứng khác. Quyền lực của cái ác, cái xấu, cái cố sai rõ ràng đang mạnh lên, rất mạnh. Nhóm lợi ích đang cấu kết nhau thành những tập đoàn, tổ chức, không chỉ là những cá nhân phạm tội đơn lẻ hay những sai lầm điều hành có tính giai đoạn. Cái ác, cái xấu đủ mạnh để công khai chống lại và phỉ báng luật pháp, nhằm để đã và sẽ tiếp tục tàn phá đất nước và nhân dân. Không có chuyện ác, chuyện xấu, chuyện sai nào mà những kẻ quyền lực tha hóa không dám làm. Trước pháp luật, tội phạm đã không cam khoanh tay chịu trói khi bị phát hiện xử lý mà đang điên cuồng tìm mọi cách chống lại, với tất cả khả năng, tiềm lực tài chính kinh hoàng của nó.
Tôi không nhìn thấy bất kỳ một tàn tích thực dân đế quốc nào trong tập đoàn cái ác, cái xấu ấy cả. Chẳng thực dân đế quốc nào coi thường luật pháp và tàn hại nhân dân, đất nước đến như vậy. Tất nhiên, tôi tin, với công cuộc chống tham nhũng đang được đẩy mạnh, đang vào hồi quyết liệt, những kẻ gây ra sự tàn hại, làm giàu trên bằng bòn rút tài nguyên của đất nước và mồ hôi nước mắt của nhân dân trước hay sau cũng sẽ thành củi đút lò. Nhưng đáng buồn, trước đó, chúng chính là kẻ có quyền rao giảng đạo đức bắt cả vạn, cả triệu người như tôi phải nghe, phải tin, phải lặp lại như vẹt. Tệ hơn nữa, vẫn còn cơ man những kẻ đang tiếp tục tự tin rao giảng sự nhảm nhí và ô nhục đó.
Vì bộ áo quyền hành trên người và mặt nạ lý tưởng trên mặt chúng vẫn chưa rơi, chưa bị triệt để bóc trần..
NGUYỄN HỒNG LAM

2 nhận xét:

Nguyễn Thị Kim Phượng nói...

“ Câu chuyện của bà Nguyễn Thị Kim Phượng (58 tuổi), khu phố 1, phường Bình An, quận 2:
Sau 3 lần cưỡng chế, ngày 31/7/2012 là “ngày kinh hoàng” nhất trong cuộc đời của tôi. Người ta kéo một đội đến để đập phá nhà, dùng xe ủi san bằng hết cả, dù tôi cố ngăn cản.
Khi đó, tôi chỉ nghĩ muốn lấy đất phải có quyết định thu hồi, muốn cưỡng chế phải có quyết định của tòa án. Tôi chỉ kịp mang theo giấy tờ tùy thân, sổ nhà đất.

Mãi sau này, khi con trai lớn đám cưới, nó bảo tôi tìm cho mấy tấm ảnh lúc nhỏ để in ra, tôi cũng không biết tìm đâu, chỉ biết khóc với con.

Tối hôm đó gia đình chúng tôi chính thức thành người vô gia cư. 4 người chia ra 4 nơi để xin ở cho dễ. Chồng vào công ty, 2 đứa con thì một đứa về nội, một đứa về ngoại ở tạm. Còn tôi kiên quyết không chịu đi.

Cả cuộc đời vợ chồng, con cái chỉ có một cái nhà. Mà không phải chỉ là cái nhà không đâu. Ở đó là kỷ niệm, là linh hồn của 4 con người. Đập nhà vô lý làm sao tôi có thể chấp nhận.
Sau “cú sốc” đó, tôi đi lang thang khắp các nhà sách để tìm đọc luật Xây dựng, các văn bản liên quan về quản lý thu hồi đất đai thuộc sở hữu Nhà nước. Không có điều kiện mua, tôi cứ nán lại đọc từ sáng đến chiều. Chiều về lại ghé đến nhà những người dân cùng hoàn cảnh như mình để tìm hiểu sâu hơn.

Tôi mua báo để đọc, cứ có bài nào liên quan đến Thủ Thiêm là cắt lại. Đọc được thông tin gì hay, có lợi cho mình và dân, tôi ghi chép vào giấy. bà Nguyễn Thị Kim Phượng (58 tuổi), khu phố 1, phường Bình An, quận 2:
Cứ vậy, đến năm 2013, từ một người chỉ học đến lớp 9, tôi bắt đầu “rành” về bản đồ. Mấy hôm nay, nghe thông tin về bản đồ 1/5.000 năm 1996, tôi cũng có một bản được sao chép từ Cục Lưu trữ Nhà nước. Đi đâu tôi cũng vác cái ba lô đựng đầy giấy tờ bên mình. Đó là tất cả những văn bản pháp lý, quy định pháp luật, kể cả những bản đồ được sao chép. Mang theo để ai muốn tìm hiểu thì lại nói cho họ nghe, cung cấp tài liệu.

Hiện tôi vẫn sống trên nền đất cũ, sau khi nhà bị đập bỏ thì dựng lán lên ở. Năm 2016 chồng mất vì ung thư, tôi mới nhờ người phụ che tôn bốn phía để có nơi thờ tự”.

Nguyễn Huy Hoàng (40 tuổi), khu phố 1, phường Bình An, quận 2 nói...

Ngôi nhà tuy nhỏ, nhưng do 2 vợ chồng gầy dựng sau vài năm lấy nhau, là nơi che chở, kỷ niệm và cũng là tài sản duy nhất đáng giá của chúng tôi. Tôi sao nỡ để vợ con có cuộc sống bấp bênh, đi thuê trọ hay ở trong những căn hộ nợ tới bạc tỷ?

Từ sau những lần khiếu nại để giữ đất, tuy được ở lại căn nhà của mình, cuộc sống hàng ngày của chúng tôi lại khó khăn theo cách khác, chỉ tóm gọn trong 3 từ: Tối tăm, xa rời văn minh, hôi thối.

Chiếc đèn cao áp trước cửa nhà đã bị cắt điện từ lâu dù vẫn có người ở, cột đèn vẫn đứng đó. Cộng với những bãi lau sậy, cây cối um tùm, đường đi về của 2 vợ chồng tối om, mù mịt.

Chỉ cách quận 1 có một cây cầu, đứng từ nhà chúng tôi nhìn rõ những căn nhà cao tầng sáng loáng đang xây dựng, nhưng căn hộ hai vợ chồng không được lắp internet. Đường dây đã kéo tới tận cửa, nhưng không ai dám tới nối mạng.

Những thùng rác quanh nhà đã bị thu đi từ lâu. Nhiều kho bãi xung quanh cứ nhè gần cửa nhà mà đổ rác thải. Ngày nắng, mùi xú uế bốc lên nồng nặc, nước từ rác thải ra chảy vương vãi, ruồi nhặng bu khắp nơi, xông thẳng vào cửa nhà. Ngày mưa, rác thải bị cuốn trôi ra đầy đường, nước mưa hòa với nước rác chảy ngập ngụa khắp nơi.

Dù vậy, gia đình tôi chấp nhận ở lại đây mặc điều kiện sinh hoạt rất thấp. Đây là nhà mình, mình có hộ khẩu giấy tờ đàng hoàng. Không phải cứ bị ép uổng là bỏ. Nhưng cũng phải nói rằng, việc vừa nuôi con bệnh, vừa liên tục khởi kiện, khiếu nại, đi ra đi vào Hà Nội - TP.HCM nhiều năm qua khiến tôi mệt nhoài, cả thể chất lẫn tinh thần.

Trong nhà tôi lúc nào cũng đầy đủ các bộ hồ sơ giấy tờ. Trong số đó có quyết định về bồi thường, hỗ trợ thiệt hại, tái định cư từ năm 2013. Theo quyết định, toàn bộ căn nhà 55,39m2 của hai vợ chồng được bồi thường, hỗ trợ thiệt hại khoảng 162 triệu đồng. Trong khi đó, chính cũng tại con đường này, năm 2017, 1 m2 được định giá 80 triệu đồng, giá thị trường lên tới 150-160 triệu đồng.