Phối cảnh một góc nhỏ của đặc khu kinh tế Vân Đồn. |
Nước có hơn 63 tỉnh thành, dân hơn 90 triệu. Ân huệ thiên nhiên vốn đã không công bằng, nay không lẽ Quốc hội lại chỉ dành đặc quyền cho 3 nơi.
Cái thời Đặng Tiểu Bình làm Thâm Quyến và là bởi chính trị Trung Quốc khi đó chưa cho phép "thị trường". Thành công của Thâm Quyến có vai trò thị phạm cho những bước đi cải cách về chính sách. Nay, thay vì đặc khu, lẽ ra Chính phủ & Quốc hội nên cải thiện môi trường kinh doanh cho cả nước. Cái gì đang cản trở người dân làm ăn, cái gì đang làm cọc cạch cỗ xe kinh tế thị trường... thì nhanh nhanh gỡ bỏ.
Trước hết, Chính phủ nên quay trở lại với hành động có ý nghĩa nhất từ đầu nhiệm kỳ của mình: huỷ bỏ các điều kiện kinh doanh (đang sử dụng công cụ hành chánh can thiệp vào các quan hệ dân sự, kinh tế); phát hiện và ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các điều kiện kinh doanh trong các dự án luật mới (Dự luật An Ninh Mạng là ví dụ).
Tiếp đó, nên sửa đổi chính sách đất đai. Cho dù đặc khu hay ở đâu trên lãnh thổ VN, ưu đãi đặc biệt nhất với một nhà đầu tư nước ngoài cũng chỉ có thể ngang bằng với những gì mà người dân và các nhà đầu tư VN được hưởng.
Nếu "định hướng xã hội chủ nghĩa" vẫn còn tác dụng như thuốc an thần thì quý vị cứ xài. Nhưng, thay vì "lấy quốc doanh làm chủ đạo", phải lấy "hiệu quả nền kinh tế làm chủ đạo". Tất cả những doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém hiệu quả phải được dẹp ngay. Về lâu dài, không chỉ quân đội, công an mà nhà nước phải từ bỏ vai trò kinh doanh (chỉ làm những dịch vụ công mà khu vực tư không chịu làm".
Điều kiện tự nhiên đã làm cho các địa phương phát triển không đồng đều. Dân chúng có nơi đã có thể làm giàu, có nơi không tiếp cận được những phúc lợi căn bản nhất. Nên có những chính sách để rút bớt khoảng cách vùng miền đó thay vì tập trung nguồn lực vào những nơi mà không cần chính sách gì các nhà đầu tư đã ùn ùn mang tiền tới (như Vân Đồn, Phú Quốc...).
T.H.S
***
***
Hiện đang có nhiều người lên tiếng phản đối, phản biện Đặc khu Kinh tế. Tôi nghĩ đây là một việc rất tốt. Càng có nhiều ý kiến phản biện càng chứng tỏ nhiều người quan tâm (còn may hơn là dân thờ ơ, đúng không). Càng có nhiều ý kiến phản biện thì càng có dịp để chỉnh sửa, hoàn thiện, xem xét kỹ lưỡng. Như vậy khi đưa ra quyết định sẽ chính xác hơn. Và quan trọng là đi kèm với quyết định đó là những giải pháp khả thi hơn, và vì lợi ích chung hơn. Như vậy càng cần thiết xem xét lại đánh giá môi trường toàn diện.
Về đặc khu kinh tế, có thể lấy ví dụ về đánh giá tác động môi trường (các chuyên gia ngồi hội đồng đánh giá môi trường chiến lược có thể cho thêm ý kiến).
Việt Nam hiện nay mỗi công trình lớn đều có đánh giá tác động môi trường (ĐTM), công trình lớn nữa thì có đánh giá môi trường chiến lược. Đó là quy định bắt buộc, và ngày càng chặt chẽ. Ví dụ trong hội đồng ĐTM về nhà máy thủy điện có nhiều chuyên gia ở các lĩnh vực khác nhau. Chuyên gia về thủy văn thì nói về tiềm năng nguồn nước và những nguy cơ về lũ lụt, hạn hán. Chuyên gia về địa chất, và an toàn đập thì nói về khả năng về địa chất và sự an toàn cũng như những nguy cơ của đập. Chuyên gia về sinh thái và đa dạng sinh học thì nói về những nguy cơ tác động ảnh hưởng đến hệ sinh thái và rừng, và những giá phải trả khi phá rừng làm thủy điện. Chuyên gia về xã hội thì nói về những tác động đến sinh kế và văn hóa, lối sống của người dân, về những cái giá phải trả khi tác động đến đời sống, sinh kế, truyền thống văn hóa. Sau khi phân tích các mặt được, mất, hội đồng sẽ cân nhắc và bỏ phiếu. xin mở ngoặc là các thành viên hội đồng cũng chịu áp lực từ các bên liên quan. Dự án càng lớn thì càng áp lực.
Vậy thì với đặc khu kinh tế, tầm ảnh hưởng và tác động của nó ai cũng biết là rất lớn. Với một chiến lược lớn như thế, không thể nói làm là làm ngay. Chắc chắn phải có nghiên cứu phân tích của các chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau. Bao gồm các chuyên gia trong các lĩnh vực về kinh tế và tài chính, quy hoạch và hạ tầng, thể chế và chính sách, tài nguyên và môi trường, văn hóa và xã hội ... Tất nhiên phải bao gồm cả chuyên gia trong nước và quốc tế. Nội dung đánh giá chiến lược này cần được công khai để toàn dân biết, và đặc biệt là các chuyên gia trong các lĩnh vực biết và có tiếng nói phản biện. Những ý kiến phản biện chuyên gia không thể nói vo được, mà phải dựa trên các nghiên cứu, các kinh nghiệm thực tế, các bằng chứng cụ thể. Và tất nhiên, phải có phân tích logic, và có phản biện rộng rãi. Như trên đã nói, tầm dự án lớn thế này chắc chắn áp lực, nhóm lợi ích sẽ rất lớn. Đây thực sự là một cuộc chiến.
Chúng ta có khá nhiều kinh nghiệm thất bại, thất thoát trong thời gian qua. Nếu chúng ta không thay đổi, nếu không nghiêm túc phản biện thì lại thêm một món nợ khổng lồ cho con cháu, và vn mãi mãi tụt hậu. Chẳng so được với cả Lào, Cam. Điều này chắc là mong muốn của Tàu Khựa.
HN 31/5/2018
P.H
2 nhận xét:
Cho thuê đất đặc khu 99 năm!
Suy nghĩ của chúng tôi về đặc khu. Mong được lan tỏa. Từng tiếng nói góp thành sức mạnh.
99 năm không phải là thời gian quá dài của một dân tộc, đặc biệt là đối với nước ta. Dân tộc có khoảng 50 vạn năm lịch sử. Tổ tiên của chúng ta đã có cuộc sống nguyên thủy hàng chục vạn năm trên vùng đất này. Việt Nam là chiếc cầu nối giữa châu Á lục địa và châu Á hải đảo.
99 năm cũng không phải là dài so với lịch sử văn minh của dân tộc Việt. Từ ngành trồng lúa nước sơ khai, người Việt đã xây dựng cho mình một nền văn minh rực rỡ từ phía Nam sông Dương Tử đến đồng bằng Thanh Nghệ Tĩnh.
99 năm —mấy hôm nay, nghe số năm ấy. Tôi đã phải giật mình. Đó là khoảng thời gian đề xuất chúng ta cho ngoại bang thuê đất.
99 năm — một con số quá dài đối với đời người của chúng ta.
99 năm sau, con cháu hỏi, khi các vị ấy cho thuê đất thì ông cố ngươi đã làm gì.
Hôm nay, TÔI LÊN TIẾNG.
Tôi KHÔNG đồng ý để họ biểu quyết cho ngoại bang thuê đất trong 99 năm tới.
Tôi chỉ là một công dân bình thường trong xã hội này. Tôi nhỏ bé, tôi chẳng nắm trong tay quyền lực nào cả. Tôi cũng chẳng có tham vọng hay thủ đoạn về chính trị nào.
Tôi lên tiếng vì lương tri của tôi không cho phép tôi câm lặng.
Có một đại biểu nào đó đã nói: "Trung Quốc bây giờ quá mạnh, họ đã chiếm Hoàng Sa và một phần Trường Sa của chúng ta. Việt Nam quá yếu không thể chống trả. Nhưng, con cháu sẽ giành lại, 100 năm sau, 1000 năm sau, con cháu chúng ta sẽ giành lại."
Không! Tôi không đồng ý với luận điểm trên. Giữ gìn chủ quyền dân tộc là trách nhiệm của những người đang sống, của chính thế hệ chúng ta. Chúng ta không thể đùn đẩy trách nhiệm đó cho thế hệ sau.
Không! Việc làm đó là vô tri.
Đối diện với một Mông —Nguyên hùng mạnh và hung hãn vào thế kỷ XIII, vua tôi nhà Trần đã không chịu đầu hàng. Họ đâu dám nghĩ sau này đế chế Mông —Nguyên suy yếu, con cháu họ sẽ giành lại độc lập. Họ đã chiến đấu ngoan cường, đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền dân tộc.
Vậy mà, giờ đây con cháu họ, những người tự xem là rực rỡ, là siêu việt, đã và đang ngồi họp bàn để cho ngoại bang _ trong đó có một trong số kẻ thù của họ thuê đất 99 năm.
Một đại biểu viện dẫn, sau 99 năm đất đai ấy sẽ lại là của con cháu chúng ta. Với thời gian ấy, liệu đã có bao nhiêu thế hệ của ngoại bang đã ra đời ở các đặc khu ấy.
Bài học nhãn tiền của Ukraina vẫn còn đó, họ mất Crưm bởi có quá nhiều người nói tiếng Nga đồng ý để Crưm "trở về" với đất mẹ.
99 năm sau, liệu có bao nhiêu con cháu ngoại bang sinh sống trong các đặc khu. Đặc biệt là Vân Đồn, ngõ hầu của nước ta và quá gần Trung Quốc. Liệu, khi bị trấn giữ ở ngõ hầu thì chúng ta có vươn mình ra được với thế giới.
Phú Quốc là một đảo có vị trí đắc lợi. Khi Thái Lan xây dựng siêu kinh đào Kra, thì Phú Quốc sẽ thay thế Malacca, Singapo là nơi rung chuyển hầu hết hàng hóa qua biển Đông. Nó còn là một căn cứ hải quân tuyệt vời án ngữ vịnh Thái Lan. Một vị trí như thế có nên cho thuê làm đặc khu.
Một đặc khu khác mang tên Bắc Vân Phong ở Khánh Hòa, nó quá gần Cam Ranh. Liệu khi đặc khu này được thành lập thì Cam Ranh có bị ảnh hưởng về mặt quốc phòng hay không?
Đặc Khu là hình thức kinh tế ở thời kỳ trước. Nó là phương pháp sơ khai, là hạ sách trong việc mở cửa, kêu gọi nhà đầu tư nước ngoài.
Phát triển đất nước phải dựa vào nội lực, là cái bên trong, không thể dựa vào bên ngoài để đánh đổi lấy sự phát triển được.
Với ba đặc khu sắp thành lập, liệu kinh tế của Việt Nam có thật sự cất cánh khi mà ở bên trong có quá nhiều vấn đề cần phải đại "phẩu thuật".
Từ giáo dục, y tế, giao thông vận tải...cho đến môi trường, văn hóa. Khi mà, thâm hụt ngân sách ngày một lớn, bộ máy nhà nước phải gồng gánh một đội ngũ thừa số lượng mà thiếu chất lượng. Nạn tham nhũng tràn lan. Quan chức thừa bằng cấp, lý luận mà thiếu thực tài...
Chúng ta không cần đặc khu. Cái mà chúng ta cần là xây dựng niềm tin ở nhân dân. Xây dựng bằng hành động chứ không phải là những ngôn từ sáo rỗng.
----------
Phát triển đất nước không hề khó. Chỉ cần thu hút được trí tuệ và tài lực của tất cả mọi người, trong cơ chế dân chủ thật sự thì Việt Nam sẽ sớm hóa hổ, hóa rồng.
(Fb Nghiên cứu lịch sử/ Hoa Anh Đào
Đăng nhận xét