Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018

CHUYỆN HOẢ THIÊU

           mộ cụ Alexander De Rhodes, người tạo ra chữ Quốc Ngữ Việt Nam
Thưa ông Trần Đăng Khoa!
 Tôi là Vũ Văn Bường CCB ở Hòa Bình. Quê tôi đất cát rộng, người chết chôn tự do không phải mua đất như ở Hà Nội. Vậy mà con tôi nó cứ bàn nhau tôi chết nó đưa đi HỎA TÁNG tôi cứ băn khoăn việc gì phải hỏa táng. Tôi sợ mất xương mất cốt. Xin ông Trần Đăng Khoa cho tôi vài lời khuyên. Mà tôi nói trước ông nói thế nào là tôi nghe thế đấy. Vì thế mà ông không được xui dại tôi đâu
VŨ VĂN BƯỜNG
Hội Cựu Chiến binh Hoà Bình
................
Chết! Ai dám xui dại bác. Vấn đề bác đưa ra rất hay. Đây cũng là một việc làm giản dị, nhưng rất đỗi quan trọng trong mỗi một gia đình, lại được rất nhiều người quan tâm, nên tôi đưa ra bàn chung ở đây. Tôi cũng mong trong số bạn bè FB, có nhiều nhà tâm linh, nhà khoa học, những chuyên gia hàng đầu, có sự hiểu biết sâu sắc và chuyên sâu về lĩnh vực chúng ta đang bàn mà bác muốn được tham khảo và chia sẻ. Tôi hy vọng họ sẽ giúp được bác.

Ở Việt Nam ta, từ trước cho đến nay, trừ các bậc tu hành, còn người bình dân, chết thường địa táng. Mỗi một dân tộc, hay một địa phương lại có những phong tục nghi lễ khác nhau. Ở các nước văn minh, người ta cũng đang chuyển dần từ địa táng sang hỏa táng. Ở Hoa Kỳ, vào thập niên 70, trong 10 người chết mới có một người hỏa táng, nhưng hiện nay cứ 4 người chết đã có một người hỏa táng rồi. Tỷ lệ người hỏa táng hiện nay là 25%. Người ta tiên đoán vào năm 2025, số người chết ở Mỹ được hỏa táng sẽ lên đến 50%. Riêng ở Việt Nam, do nhu cầu bảo vệ môi trường và dân số tăng nhanh, chính quyền ở nhiều địa phương khuyến khích người dân nên chuyển sang phương thức hoả táng. Theo quan niệm hiện đại, hỏa táng là một hình thức rất hợp vệ sinh, bảo vệ được môi sinh, không mất đất, lại giảm bớt được rất nhiều công đoạn như xây mộ, tảo mộ, bảo quản mộ, cải táng, di dời… Cho nên việc hỏa táng càng ngày càng được phổ biến rộng rãi. Ngay trong di chúc Bác Hồ, Bác cũng mong được hoả táng. 
Trong cộng đồng Phật giáo, nhiều người quan niệm nên dành đất cho người sống ở, hơn là xây quá nhiều những mộ chí, những nghĩa trang cho người đã mất. Nhiều gia đình cũng đã lựa chọn phương thức hỏa táng này. Việc hỏa táng đang dần trở nên thông dụng. Cũng có điều khiến nhiều người còn có chút băn khoăn. Với người sống thì rất tốt rồi. Còn với những người đã khuất thì sao? Việc hỏa táng liệu có phù hợp và có điều gì không tốt ảnh hưởng tới người chết không? Tôi có hỏi một số nhà ngoại cảm đích thực về việc hỏa táng. (Tôi muốn gọi những nhà ngoại cảm đích thực để khu biệt họ với những kẻ lừa bịp giả danh ngoại cảm làm nhiễu loạn đời sống mà dư luận đang lên án). Họ nói hỏa táng giúp người chết siêu thoát được tốt hơn. Việc người chết có linh hồn là điều có thật. Vì thế nhiều nhà ngoại cảm đã nói chuyện được với người chết. Điều đó cũng là có thật và đã được chứng minh bằng khoa học. Còn việc để tro cốt, thờ cúng tro cốt ở đâu là sở thích của từng gia đình. Không có gì ảnh hưởng đến người chết cả. Có gia đình mang tro cốt về nghĩa trang an táng, xây mộ, phủ cỏ xanh lên như mọi ngôi mộ khác. Có gia đình không có người hương khói, thờ cúng thì gửi vào chùa. Cũng có người để một phần tro cốt lên bàn thờ gia đình. Điều này hoàn toàn tùy thuộc vào ý thích của gia đình và phong tục tập quán của địa phương.
Ở trong Nam, người dân hay đưa tro cốt về gia đình. Tôi đến thăm nhà báo, nhà viết kịch Lưu Trọng Văn, con trai nhà thơ lớn rất nổi tiếng Lưu Trọng Lư. Trong khu vườn nhà mình, anh Văn có xây một cái am rất đẹp thờ bố mẹ. Trong am là hai bình tro cốt của nhà thơ Lưu Trọng Lư cùng phu nhân. Phía sau là di ảnh rất đẹp của hai cụ. Nhiều gia đình, không xây am, mà để tro cốt lên bàn thờ. Ngoài Bắc không có phong tục này, và cũng ít người làm như vậy. Họ đưa tro cốt vào mộ, xây ngoài nghĩa trang.
Việc để tro cốt ở đâu, có khi còn là ý nguyện của người đã khuất. Có người yêu cầu con cháu thả tro cốt họ xuống sông, xuống biển hoặc rải xuống nơi họ yêu mến và có nhiều kỷ niệm khi còn sinh sống.
Nhớ lại mấy năm trước đây, theo một ký giả người Việt hiện đang sinh sống ở nước ngoài, trong trận bóng tại cầu trường San Francisco, lúc đang diễn ra trận đấu, một chiếc máy bay nhỏ bay trên cầu trường và thả xuống một chất bụi mầu hơi đỏ. Nước Mỹ đã chứng kiến vụ khủng bố ngày 9/11, rồi lại nghe về vi khuẩn Anthrax, nên khán giả chạy tán loạn. Cầu thủ phải ngưng ngay trận đấu. Về sau báo chí cho biết chất bụi mầu hơi đỏ đó là tro cốt của người quá cố mà khi còn sống ông ta là fan của đội cầu San Francisco. Ông đã để lại di chúc là khi ông chết phải thiêu xác và rải trên cầu truờng San Francisco cho ông. 
Vậy đấy bác Vũ Văn Bường ạ. Một việc đại sự, rất nghiêm túc và linh thiêng, xem ra cũng rất giản dị thôi. Chúc bác sớm có được cách lựa chọn tốt nhất trong việc thờ cúng tro cốt người thân và cho cả chính mình sau này. Tôi cũng chọn cho mình cái cách mà hiện nay bác đang phân vân đấy. Sau này, khi ra đi, tôi sẽ mặc quân phục. Tôi cũng đã dặn vợ con và bạn bè về cái ngày lão Khoa “thăng thiên”. Tang lễ mà buồn thì chán quá. Đã mất người rồi còn mất thêm nữa vì buồn thảm. Có thể biến nỗi buồn thành niềm vui được không? Khi nào lão Khoa thăng thiên, lão sẽ làm “thí điểm”. Sẽ không cử nhạc buồn mà chỉ có những ca khúc tưng bừng thời chiến trận mà lão vẫn hát. Lão đã viết sẵn kịch bản tiễn đưa lão. Lại còn có cả thơ. Lão sẽ dặn lại như sau: Trần Đăng Khoa chỉ là Trần Đăng Khoa khi lão còn sống (tức là thở ra và hít vào), khi không hít thở nữa thì đấy không phải là Khoa. Vì thế lão không chịu trách nhiệm về cái đống bầy hầy ở trong quan tài. Đó không phải lão. Dứt khoát không phải lão. Vì thế không nên nhìn vào. Ghê chết đi được. Tốt nhất thiêu ngay rồi cho vào cái niêu đất chôn dưới gốc khế. Vì xưa nay, chó mèo chết đều như thế cả. Trước khi cho lão vào bếp lò, thì đọc giúp lão bài thơ vái biệt như sau: “Bao năm ròng mệt mỏi - Xuống xứ này rong chơi - Giờ lão làm ngọn khói- Õng ẹo bay về giời…”

Không có nhận xét nào: