Chủ Nhật, 29 tháng 7, 2018

Ở LẠI VỚI MÂY NGÀN GIÓ NÚI


Tin vui! Các bằng chứng được những người tìm kiếm tập hợp và chuyển giao tuy rằng vẫn đang được phân tích, kiểm định tiếp nhưng thông tin bước đầu đã đủ để khởi động cả một bộ máy. Phía quân đội ta và phía Nga đều đã vào cuộc để tìm kiếm chiếc MiG-21 xấu số của phi công Công Phương Thảo và thầy giáo huấn luyện bay chuyển hạng Yuri Poyarkov đã mất tích ngày 30/4/1971, đó cũng là mục đích quan trọng đầu tiên của những người tìm kiếm tự nguyện. Xin nhắc lại những kết quả điều tra của họ: xác định đúng là có chiếc máy bay MiG-21Y (loại bay huấn luyện) đã rơi ở vùng trời Đại Từ, Thái Nguyên. Xác định đường bay của máy bay và điểm va đập với sườn núi. Xác định vị trí của hai phi công đã hy sinh. Các hiện vật và thông tin thu được đều được chuyển chính thức cho các cơ quan có thẩm quyền, kể cả nước bạn. Hiện trường vẫn được giữ lại chờ những cuộc khảo sát quy mô sắp tới.

Xin nói thêm một chút về một việc mà có nhiều bạn hỏi: làm sao xác định được là hai phi công đã hy sinh? Xin thưa là cũng vô tình thôi, một trong những nhà tìm kiến đã mang một phần chiếc dù cháy dở, chưa bung ra về chuyển cho bên kiểm nghiệm, và ở trong thế nào lại có một phần hàm răng có thể là của người ngoại quốc. Khi phân tích ADN giáo sư đầu ngành tên Lương có giải thích rằng đây là xương người thì có thể khẳng định hoàn toàn, tuy vậy với thời gian gần 48 năm trên độ cao như thế, độ ẩm cũng rất lớn thì xương đa phần đã bị biến đổi thành màu tím đen, còn tóc hay móng đã bị phân hủy hết rồi! Hy vọng khi quân đội khảo sát xuống độ sâu dưới mặt đất thì có thể còn những phần xương vẫn giữ được màu vàng, tức là vẫn phân tích ADN tốt! Tất nhiên giáo sư sẽ nhận làm với tinh thần trách nhiệm cao nhất! Chứ không nghi ngờ gì nữa, cả hai thầy trò đã hy sinh ngay cùng một chỗ…
Công việc của những người tìm kiếm tự nguyện có thể coi là đã kết thúc ở đây, đấy là nỗ lực của rất nhiều người đã đồng hành, động viên, giúp đỡ; nhiều người dân địa phương đã không quản ngại vất vả, bất chấp “tháng giêng là tháng ăn chơi” lặn lội cùng đoàn đi tìm kiếm vất vả. Rất nhiều bạn FB cùng theo dõi, góp ý, kể cả người Nga, và đều chúc cho cuộc tìm kiếm được hoàn thành kết quả như ý. Là người không có điều kiện để có thể tham gia “một tay, một chân” vào công cuộc tìm kiếm đầy ý nghĩa và hấp dẫn này nhưng có may mắn được chứng kiến từ đầu đến cuối, tôi xin “khoe” một chút về những người bạn mình, đã tham gia trực tiếp vào công việc này, cũng bởi họ đã tự nguyện bỏ chất xám, công sức, thời gian để làm từ trái tim của mình chứ không vì bất cứ mục đích tư lợi, háo danh nào nên tôi vẫn chỉ dùng những “nick” trong đời thường để nói về họ, có thể họ sẽ vui vẻ hơn mà bỏ qua tội “khen trộm sau lưng” này – chắc chả ai nghe thấy tên họ của các “chiến binh” này bao giờ, nhưng tin tôi đi, họ rất “không phải dạng vừa đâu”:
-“Gauss toán học”: một quái kiệt mà có lẽ trong làng toán ai cũng biết. Người cực hiếm mà hồi trẻ đã được giải nhất toán miền bắc cả lớp 7, rồi sau là cả lớp 10. Học sinh chuyên toán A0 rồi khoa toán Lomonosov, tại đấy anh bảo vệ luận án tiến sỹ, nhưng trong quá trình mấy chục năm dạy toán đại học chưa bao giờ được giữ đến chức tổ phó bộ môn hay được hình thức khen thưởng bất kỳ nào. Sau này ra ngoài làm, việc của anh là “thiết kế hệ thống” – tức là chỉ ra những cái bất hợp lý ở tất cả các khâu, trong đó kể cả bất hợp lý của các lãnh đạo, thế nên họ vừa cần anh nhưng cũng rất “cảnh giác” với anh.
Với núi rừng anh có cơ duyên đã rất lâu: anh duy trì một nhóm leo núi Tam Đảo (phía Vĩnh Phúc) để cho những người có bệnh tật sẽ tự điều trị, tuần nào cũng leo, đã 20 năm liền! Còn anh thì có một sức khỏe tuyệt vời so với tuổi tác. Đây không phải lần đầu anh mới trèo núi đi tìm người bị nạn, mà đã tổ chức đoàn tìm kiếm trong vụ tay leo núi chuyên nghiệp người Anh mất tích tại Sapa mấy năm trước – người ta đã sớm tìm ra nạn nhân tại vị trí gần đúng như suy đoán logic của anh. Trong công việc MiG-21 lần này anh chính là người khởi xướng cuộc tìm kiếm, tính toán thu hẹp diện tích máy bay có thể rơi và tìm ra mảnh vỡ máy bay đầu tiên đủ để kết luận đó là tai nạn của chiếc MiG-21Y.
(Anh đang tập trung sức lực để giải một bài toán tầm cỡ hơn thế rất nhiều: xét lại vật lý lượng tử dưới góc nhìn của toán học cao cấp! Đây sẽ là cuộc chiến kéo dài nhiều năm, cũng sẽ có rất nhiều cung bậc cảm xúc và vô cùng phức tạp đối với người theo dõi, nếu được chính chủ cho phép và đủ khả năng diễn giải tôi sẽ giới thiệu sau…)
-“Anhxtanh vật lý”: tiến sỹ vật lý plasma tại Nhật, là chuyên gia đầu ngành về plasma nhưng có lẽ cách làm khoa học ở đấy dạy anh một khả năng mà ở Việt Nam có vẻ chưa được coi trọng, đó là “tích hợp” nhiều bộ môn, nhiều ngành khoa học khác nhau để đưa ra giải pháp có thể nhanh chóng được áp dụng trong thực tiễn. Là người bị bệnh tim và huyết áp, phải có chế độ chăm sóc riêng nhưng trong việc tìm kiếm ở Tam Đảo này anh đã liều lĩnh để hai lần “lên đỉnh” – chắt chiu thông tin, dùng công nghệ vũ trụ thiết lập ra đường bay giả định của chiếc MiG-21, từ đó xác định được điểm rơi và kiểm chứng nó là chính xác trên thực địa.
Anh có nhiều phát minh được đăng ký, nhưng có lẽ việc có ý nghĩa nhất đã từng làm được đó là dùng ảnh vệ tinh để chứng minh được Formosa xả thải bậy ra biển theo lộ trình thời gian – dẫn đến việc Formosa đuối lý và phải chấp nhận để phía Việt Nam vào tổng kiểm tra. Hiện nay một trong những việc anh đang triển khai là tích hợp công nghệ plasma và nano để đốt xử lý dioxin – việc mà cả các tổ chức quốc tế vẫn loay hoay chưa có hướng giải quyết khả thi ở Việt Nam mấy chục năm qua…


-“Ali hóa học”: chị từng là lớp trưởng A0, tiến sỹ hóa học tại Nga. 40 tuổi chị từng nhận trách nhiệm quản lý toàn bộ BK Holding – hệ thống doanh nghiệp của trường Bách Khoa – và chị để lại dấu ấn là máy móc nào chị cũng có thể hiểu cách vận hành, thậm chí sửa chữa chứ không chỉ “đút chân gầm bàn” như rất nhiều nhà khoa học khác. Chị bảo bởi hồi bé đã thích tìm tòi, 11 tuổi đã tháo lắp cả chiếc xe đạp nhoay nhoáy “như thợ”! Trong vụ tìm kiếm MiG-21 này chị là người đã xác định được vị trí mà hai thầy trò đã hy sinh cũng như may mắn tìm được bằng chứng. Chị cũng là người kết nối nhanh nhất theo con đường chính tắc để phía Nga vào cuộc. Phụ nữ thường mát tay hơn…
Cũng như hai “chiến binh” kể trên chị chưa bao giờ nhận được hình thức khen thưởng nào cả, ngoài thành tích học tập thời trước. Có lẽ đóng góp ý nghĩa nhất của chị cho xã hội, đó là phát hiện ra sự cố mất điện của khu vực xử lý chất thải trong nhà máy Formosa, dẫn đến việc phía Đài Loan phải chịu đền bù 500 triệu USD. Khi tham gia đoàn kiểm tra FHS khác với các GS-TS khác chỉ quan tâm đến “quy trình” thì kinh nghiệm của nhà quản lý sản xuất thời Bách Khoa đã giúp chị xác định ngay được điểm yếu của “đội bạn” khiến họ phải tâm phục khẩu phục. Trong nửa tỷ đô la bồi thường đó có công lao lớn của chị, nhưng chị không được gì (tất nhiên thôi), đến cả bằng khen cấp Bộ chủ quản chị cũng bị gạch tên khỏi danh sách “được cấp bằng khen” bởi lý do – các bạn đọc hãy ngồi cho vững vào rồi tôi mới dám viết ra – chị sử dụng Facebook hơi nhiều! Vâng, bây giờ có lẽ chị ấy cũng không đọc được những dòng này đâu. Sau vụ MiG-21 chị sẽ quay lại với đề tài quan trọng nhất của mình trong những năm cuối: dự án Boxit đằng nào nhà nước cũng đã đầu tư và ra sản phẩm rồi, bây giờ chất thải xử lý làm sao để không những an toàn mà còn trở thành sản phẩm cũng thương mại hóa được! Lại một câu chuyện rất lý thú và còn dài…
Điều gì còn đọng lại sau cả tháng trời tìm kiếm máy bay và hai phi công? Đó là cảm xúc khó tả khi biết dưới kia, trong nắm đất này, đang quyện vào nhau những hạt máu của người thầy, người học trò, nay mãi mãi sẽ còn lại với đất trời Tam Đảo! Không chỉ những người tìm kiếm tự nguyện, mà chúng ta nữa, đều có thể góp sức tác động để phía Nga, hay cả hai nước chung tay dựng cho các liệt sỹ một tấm bia kỷ niệm, một nơi mà du khách có thể ghé qua để thăm viếng các anh. Ý nghĩa lắm chứ, vì các liệt sỹ đã hy sinh cho cả chúng ta nữa mà! Còn gia đình các anh có lẽ sẽ nhẹ lòng hơn khi biết vong linh của các anh sẽ mãi mãi ở lại với mây ngàn gió núi Đại Từ...
(Ghi chú: đặc biệt biết ơn các bạn Đại Từ: Tuấn, Hiệu-Hiền, Trung, Nam, Phú, Lý-Thủy, Thắng... Em P.V.Hưng, L.Phúc, N.Khôi và còn rất nhiều người đã chung tay, chung sức, chung lòng!).

Không có nhận xét nào: