Chủ Nhật, 16 tháng 9, 2018

Án văn (kỳ 3)

nhà thơ Hữu Loan
Thế hệ 5X chúng tôi, chả mấy ai không biết những vụ án văn liên quan đến Hữu Loan, Quang Dũng. Hai ông nhà thơ này là cái gai trong mắt nhà cai trị. Nào có tội tình chi, chỉ đem cái tình cảm chân thật, riêng tư vào thơ. Dính tí Nhân văn giai phẩm, thế là toi. Ông Hữu Loan viết "Màu tím hoa sim", ông Quang Dũng viết "Tây tiến", nhiều người đọc khen hay, nhưng các quan lãnh đạo tuyên huấn, văn nghệ thì bảo không hay, thậm chí độc hại. Theo quan, phải trừng trị. Đã không viết về thời đại anh hùng, cuộc sống anh hùng, con người anh hùng, khí thế cách mạng, đã không chịu ca ngợi đảng, bác mà lại còn ủy mị, sướt mướt, bi lụy, riêng tư, cá nhân, gây mất sức chiến đấu… thì cứ phải dẹp. Phải ngon, ngoan ngoãn như Xuân Diệu, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, Huy Cận, Nguyễn Đình Thi… thì mới cho vào sách giáo khoa được. Như đã viết, sách giáo khoa môn văn, từ cấp 2 đến hết cấp 3, ngồi chễm trệ chiếu trên là thơ ông Tố Hữu, và tất nhiên luôn phải có thơ văn Hồ Chí Minh ở hàng đầu (dù thơ không hay), sau đó là thơ văn của những ông “ngoan”. Học sinh, sinh viên tha hồ học thơ, ngâm thơ, làm bài thi tốt nghiệp, thi học sinh giỏi về thơ Tố Hữu và thơ của những ông ngoan kia, còn đám Hữu Loan, Quang Dũng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Phùng Quán… là cấm tiệt, không cho bén mảng vào sách, nếu có nhắc tới thì cũng chỉ dăm ba dòng trong bài khái quát với lời chê bai, chửi bới, phê phán kịch liệt. Cho chừa cái thói không đi theo đường lối văn nghệ của đảng. 

Ông Hữu Loan phải bán xới khỏi Hà Nội bỏ về quê xứ Thanh làm ruộng, khai thác đá, con cái đều tốt nghiệp phổ thông nhưng tịnh không đứa nào được vào đại học bởi vướng lý lịch “đen” của bố; ông Quang Dũng về xứ Đoài (Sơn Tây quê nhà) ẩn thân, tiệt đường văn chương, có viết cũng chả ai dám đăng, sợ bị liên lụy. Ngay cả cụ “bỉ vỏ” Nguyên Hồng, cũng bị vu dính Nhân văn giai phẩm, chán thế sự đảo điên, khinh thứ văn chương nịnh bợ, bèn bỏ hết các chế độ quyền lợi, nhà cửa, tiêu chuẩn gạo nước, tem phiếu, gói ghém đồ đạc vào mấy cái tay nải cùng cả nhà rút khỏi thủ đô về tuốt tận rừng núi Yên Thế tỉnh Bắc Giang sống cuộc đời nghèo khó thiếu thốn nhưng để giữ được tâm hồn khỏi bị ô uế. Cụ bảo “không thể nào chơi được với chúng nó” (tức là nói đám Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân…). May ra trong mắt cụ Hồng vẫn còn sót cụ Kim Lân xứng đáng có nhân cách.

Suốt mấy chục năm ròng rã, đời sống văn chương bị méo mó xộc xệch thảm hại, thứ văn học phải đạo (cách nói của thầy Hoàng Ngọc Hiến), văn chương nịnh bợ, tụng ca... tràn ngập, thống trị trong đời sống tinh thần con người. Có những anh chỉ viết vài ba bài nịnh đảng cũng ngoi lên múa may như ông nọ bà kia, còn người cương trực dù tài đến mấy vẫn bị gạt ra ngoài rìa. Nhưng may thay, cuộc sống luôn có những cách nhận ra chân giá trị, biết đâu là thật giả, hay dở, tốt xấu. Nhớ có lần ngồi chơi với nhà thơ Vũ Xuân Hương người Thanh Hóa, Hương bảo đối với giới văn nghệ xứ Thanh, chỉ có 3 vị xứng đáng ngồi chiếu trên ở văn chương đất thang mộc này là Hữu Loan, Xuân Sách và Nguyễn Duy. Còn lại thì làng nhàng cả. Ngẫm thêm, mà không chỉ xứ Thanh, cả nước đều vậy, dù đám nhà văn nhà thơ cơ hội, nịnh nọt tìm mọi cách ngoi lên mua danh chạy chức nhưng rốt cục sống được trong lòng bạn đọc chỉ có những ai thực tài và đủ nhân cách.

Điều trớ trêu là, mãi về sau, khi cuộc sống biến thiên, bãi bể nương dâu, thơ các ông Hoàng Cầm, Hữu Loan, Quang Dũng lại ùa vào sách giáo khoa, còn thơ mấy ông Tố Hữu, Xuân Diệu, Nguyễn Đình Thi… phải lui dần. Âu cũng là sự trả lại giá trị đích thực của văn chương. Những gì đáng được tồn tại thì dù có bị vùi dập, đàn áp, khủng bố mấy đi chăng nữa cũng vẫn có ngày trở về vị trí tương xứng, còn mấy thứ văn nghệ chính trị, cơ hội, mùa vụ đương nhiên sẽ bị lụi tàn.
Những năm 1971-1975, giao thời chiến tranh và hòa bình, bỗng dưng nổi lên mấy vụ án văn nghệ. Có lẽ thời điểm này người ta ngại sự chao đảo, ngả nghiêng về tư tưởng nên săm soi kỹ. Ngoài vụ tập thơ "Cửa mở" của cụ Việt Phương vừa phát hành được thời gian ngắn thì bị thu hồi, bị báo Nhân Dân và tạp chí Học Tập đánh cho tơi tả, thì làng văn dậy lên vài vụ khác. Cơ quan tuyên huấn của đảng ra sức mò mẫm các ngóc ngách, siết thật chặt, giương kính lúp lên soi từng chữ từng dòng. Họ mà phát hiện ra điều gì trái ý, lập tức quy thành án ngay. 


Năm 1972, khi lứa chúng tôi vào đại học, thấy xôn xao vụ Việt Phương, người ta quy cho ông đủ thứ tội “dao động ngả nghiêng, xét lại, nhầm lẫn bạn thù, bôi xấu sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, nói xấu chế độ, bi lụy cá nhân, sa đà tình yêu trai gái, làm yếu hậu phương quân đội…”, báo chí đánh cho tơi tả. Tôi tò mò, tìm khắp nơi không đâu còn cuốn "Cửa mở". Nhà xuất bản, nhà in, hệ thống hiệu sách nhân dân đều trong tay đảng, có mà tìm trên giời. Nghe thầy Hà Minh Đức kể đến cả ông Phạm Văn Đồng thấy họ đánh dữ quá cũng chả dám bênh vực đồng chí bí thư riêng, thư ký thân thiết của mình. Không có bất kỳ văn bản, chỉ thị cấm đoán nào, cũng không ông lớn nào đứng ra tuyên ngôn thế nọ thế kia, dường như chỉ có lệnh miệng ngầm mà uy lực vô song, báo chí hết tờ này tới tờ nọ phang tới tấp, nhiều vị viết theo lệnh trên, nhưng cũng nhiều kẻ lao vào đánh hôi để tạo chút danh tiếng. Phải đến mấy chục năm sau, "Cửa mở" của ông Việt Phương mới được tái bản, rồi cả những bài thơ ông viết về sau này mới được phép xuất bản. Năm 2010 người ta mới "mở cửa" kết nạp ông vào Hội nhà văn VN khi ông đã 82 tuổi. Ngài đổng lý văn phòng phủ thủ tướng còn bị "thi hành án" như vậy, dạng tôm tép như Hoàng Cát, Ngô Văn Phú, Phạm Tiến Duật… đừng có cãi đảng mà thêm nặng tội. (còn tiếp)
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào: