Hiểu đúng về tinh thần Quý Tộc
Khi nói đến giới quý tộc, nhiều người thường nghĩ ngay đến
cuộc sống xa hoa, phú quý và nhiều người hầu kẻ hạ. Nhưng những nhận định đó
hoàn toàn chưa chuẩn xác.
Tại trường nội trú Eton nổi tiếng của nước Anh, học trò phải
ngủ trên tấm phản cứng, ăn uống đạm bạc và chịu sự giáo dục vô cùng nghiêm khắc.
Thực tế vấn đề này không có gì lạ, vì tinh thần quý tộc mà người Tây phương tôn
thờ không phải tinh thần phát tài nhanh chóng, không phải cuộc sống nhàn hạ xa
xỉ, khôn lỏi giành ngôi cao; đó là tinh thần tiên phong hướng tới những giá trị
về vinh dự, trách nhiệm, dũng khí, kỷ luật.
Khác biệt giữa Phú và Quý
Những trường học kiểu quý tộc nổi tiếng thường dạy học trò rất
nghiêm khắc và gian khổ, mục đích để bồi dưỡng tinh thần kỷ luật và ý thức hợp
tác của học sinh. Quý tộc là phải tràn đầy khả năng tự kiềm chế, có tinh thần mạnh
mẽ, và tinh thần này cần được bồi dưỡng rèn luyện từ thưở nhỏ.
Trường nội trú Eton là một trường đã áp dụng phương pháp này
để đào tạo được nhiều nhân tài ưu tú, ví dụ như tướng Wellington, người từng
đánh bại Napoleon. Tướng Wellington là nhân vật rất nổi tiếng trong lịch sử
quân sự thế giới, từng có một sự tích nổi tiếng về ông trước trận chiến sinh tử
với Napoleon.
Khi đó bất chấp hỏa lực nguy hiểm, tướng Wellington vẫn xông
pha lên tiền tuyến theo dõi đối thủ, thấy thế người tham mưu khuyên ông sớm trở
về, vì tiền tuyến quá nguy hiểm, nhưng Wellington cứ đứng bất động, viên tham
mưu đành hỏi “Ngài có nhắn nhủ gì nếu không may tử trận?” Wellington vẫn không
buồn quay người lại, cứ đứng yên đáp: “Nhắn với mọi người, trăn trối của ta là giống như ta đang đứng ở đây”.
Cuộc sống quý tộc theo tưởng tượng của đa số người hiện nay
là ở trong biệt thự xa hoa, đi trên những siêu xe…là chỉ tay năm ngón tùy tiện
sai khiến người khác… Thực tế đây không phải là tinh thần quý tộc mà chỉ là thứ
tinh thần của lớp nhà giàu mới nổi. Trong quan niệm của nhiều người, trường học
quý tộc cần được hưởng thụ các điều kiện quý tộc, có cuộc sống quý tộc vương giả.
Nhưng thực tế, học sinh học trường quý tộc Anh quốc phải ngủ
giường cứng, ăn uống đạm bạc, hàng ngày phải tiếp nhận chương trình rèn luyện
gian khổ hơn nhiều so với những trường dành cho giới bình dân. Đa số người ta
thường đánh đồng khái niệm Phú và Quý. Thực tế hai khái niệm này thuộc hai cảnh
giới khác nhau: Phú là chỉ về vật chất, Quý là chỉ về tinh thần.
Trong tinh thần quý tộc, trước tiên là chỉ về ý thức tự kỷ
luật, phải nghiêm khắc, dâng hiến bản thân phục vụ quốc gia. Hoàng tử William
và Hoàng tử Harry của Anh có thể xem là dẫn chứng điển hình của tinh thần quý tộc.
Hoàng gia Anh đã gửi họ vào học tại Học viện quân sự. Sau
khi tốt nghiệp, Hoàng tử Harry bị đưa tới tiền tuyến tại Afghanistan để tham
gia chiến đấu. Dù Hoàng gia Anh hiểu rõ vai trò quan trọng của Hoàng tử Harry,
cũng nhận thức được sự nguy hiểm của tiền tuyến, nhưng họ càng hiểu rằng tinh
thần hy sinh quên mình phụng sự quốc gia là nghĩa vụ thiêng liêng của quý tộc.
Có một câu chuyện nổi tiếng trong thời Thế chiến thứ Hai,
khi đó Quốc vương Anh Edward đi thị sát tại một khu nhà ổ chuột ở London, ông đứng
trước cửa một ngôi nhà xiêu vẹo hỏi bà cụ trong nhà: “Xin hỏi tôi có thể vào
nhà được không?” Có thể thấy, tinh thần tôn trọng người khác, cho dù đó là người
sống ở tầng đáy của xã hội, chính là tinh thần quý tộc .
Ngày 28/10/1910, một ông cụ 83 tuổi vì muốn giải tỏa khỏi nỗi
giày vò đeo dai dẳng cả đời, đã dâng hết gia sản của mình chia cho người nghèo,
sau đó rời bỏ trang viên rộng lớn đi lang thang và chết tại một bến xe hoang
như một người vô gia cư…. Ông chính là nhà văn Nga vĩ đại Leo Tolstoy. Nhiều
năm sau, nhà văn nổi tiếng người Áo Stefan Zweig đã đánh giá về Tolstoy: “Kết
thúc cuộc đời như thế chính là sự vĩ đại của ông ấy… Nếu không như thế thì Leo
Tolstoy sẽ không thuộc về nhân loại như hiện nay…”.
Cho dù số phận cuộc đời những nhân vật kể trên mỗi người mỗi
khác, nhưng họ đều có điểm chung: mang thân phận và tinh thần quý tộc.
Tinh thần quý tộc còn bao hàm khí chất cao quý, nặng lòng
yêu thương, đồng cảm, dám gánh trách nhiệm; đồng thời còn chỉ sức sống kiên cường,
tôn nghiêm nhân cách, có lương tri, không nịnh hót, không yếu đuối, không cầu
xin, không xin lòng thương hại; nhìn chung đó là nguyên tắc: thượng tôn mỹ đức
và danh dự
Tinh thần độ lượng
Xã hội Tây phương cho đến tận thế kỷ 18 vẫn là xã hội do giới
quý tộc làm chủ, dù giai đoạn lịch sử đó đã qua đi, nhưng đến nay nước Anh vẫn
giữ lại tước hiệu Quý tộc. Ngày nay giai cấp tư sản Anh không phủ nhận vai trò
của nó, không phê phán văn hóa tinh thần quý tộc, trái lại họ còn gửi con cái
theo học các trường kiểu quý tộc, mua trang sức kiểu quý tộc, hàm tước quý tộc,
họ muốn lưu giữ những nét đẹp của tinh thần quý tộc.
Cuộc chiến loạn tại Tây phương thời trung thế kỷ rất giống
thời Xuân Thu Chiến Quốc tại Trung Quốc, trên chiến trường thì các bên là địch
thủ nhưng sau chiến tranh họ lại trở thành bạn bè.
Năm 1135 trước Công nguyên, vua Henry của Anh quốc qua đời,
hai người cháu trai của ông là Stephen và Henry II đều cho rằng mình là người
có quyền thừa kế ngai vàng. Vì Stephen ở Anh nên đã giành được cơ hội lên ngôi;
Henry II ở châu Âu biết tin đã phẫn nộ, và tổ chức một nhóm lính đánh thuê tấn
công Stephen. Thời điểm đó Henry II còn rất trẻ, thiếu kinh nghiệm quân đội nên
khi xuất binh đã không có kế hoạch chu đáo, khi quân binh đổ bộ lên đảo Anh thì
mới phát hiện nguồn thực phẩm và tiền của đều cạn kiệt.
Phải giải quyết việc này thế nào? Henry II đã có lựa chọn mà
đa số người ngày nay khó tin, đó là viết một lá thư cho đối thủ Stephen, nói rằng
vì khi xuất binh thiếu chuẩn bị nên hiện đã không còn lương thực, liệu Ngài có
thể trợ giúp cho tôi để tôi đưa những người lính đánh thuê này xuất ngũ trở lại
châu Âu không? Stephen đã hào phóng cung cấp tiền của cho Henry II. Nhưng sau
đó Henry II lại tiếp tục xuất binh đánh Stephen để giành ngôi vị.
Hành động này đối với người thường gọi là “vong ân bội
nghĩa”, nhưng đối với giới quý tộc châu Âu, khoan dung cho đối thủ là lẽ đương nhiên, còn tranh giành thì vẫn phải
tranh giành. Vài năm sau Henry II lại tiếp tục dẫn quân đi đánh chiếm. Lúc này
tuổi Henry II đã lớn, đã có bản lĩnh hơn nhiều và đánh bại được Stephen.
Nhưng kết quả bất ngờ hơn là Henry II đã ký một hiệp ước với
Stephen, theo đó ngôi vương vẫn thuộc về Stephen, còn Henry II trở thành Thái tử,
khi hết thời Stephen thì Henry II sẽ lên ngôi.
Có lẽ nhiều người sẽ nghĩ: khó khăn lắm mới giành được chiến
thắng, vậy mà chỉ có thể đóng vai người tiếp quản quyền lực thì không đáng!
Xin kể thêm một trận chiến đầy kịch tính nữa: Thế hệ sau của
hai người con vua Edward III nước Anh là Công tước Lancaster và Công tước York
đều muốn nối ngôi vương nước Anh, vì thế mà xảy ra nội chiến. Nhưng kết cục cuộc
chiến lại là hai bên nảy sinh tình cảm, cuối cùng Henry VII của gia tộc
Lancaster đã lấy Elizabeth của York. Sau khi kết hôn thì hai gia tộc tuyên bố hợp
nhất, mở ra triều đại Tudors.
Trong truyền thống chính trị châu Âu có nét đặc thù: Khi Quốc
vương bị phế truất ngôi vương thì vẫn được đối đãi tôn trọng, đây cũng là hiện
thân của tinh thần hiệp sĩ. Vì thế mà trong đấu tranh quyền lực ở châu Âu thường
không có chuyện “nhổ cỏ tận gốc”.
Tinh thần nghĩa hiệp
Giới quý tộc châu Âu thà chịu hậu quả “nuôi ong tay áo” chứ
không muốn đánh mất nghĩa khí của mình. Năm 1688, William III đánh bại James
II. William III là con rể của James II, nhưng ông cảm thấy rằng ngôi vương phải
là của mình, do đó chiếm ngôi vương nước Anh của James II, bắt nhạc phụ trở
thành tù nhân. Ông nhốt nhạc phụ trong một lâu đài gần biển, và để lại một chiếc
thuyền nhỏ cạnh lâu đài. Sau đó James II đã dùng chiếc thuyền này trốn sang
châu Âu.
Năm sau, James II tổ chức một đội lính đánh thuê đến hy vọng
giành lại ngai vàng của mình. Thời điểm này William III đang có chiến tranh với
Pháp, trong tình cảnh nhạc phụ quay trở lại tấn công, William III phải quay
sang ứng phó và đã đánh bại được quân của nhạc phụ James II, nhưng hệ quả là thảm
bại trong cuộc chiến với Pháp.
Như một sử gia từng nói: “Mặc dù sự du nhập của thuốc súng
đã dẫn đến phế bỏ tầng lớp hiệp sĩ, nhưng tinh thần thượng võ và lý tưởng hiệp
sĩ vẫn được lưu truyền lại trong văn hóa phương Tây hiện đại”. Tinh thần hiệp
sĩ này chính là một phần của tinh thần quý tộc, trở thành như một lý tưởng đạo
đức, có ảnh hưởng lâu dài đến tính cách của người phương Tây.
Dù thời kỳ lịch sử đó đã qua đi, nhưng truyền thống tinh thần
quý tộc này vẫn được giữ lại trong giới chính trị Tây phương. Ví dụ trong chiến
tranh giữa miền Nam và miền Bắc nước Mỹ, trước tình cảnh quân miền Nam sắp thất
bại, có người đề nghị đưa quân ẩn mình trong các nhà dân, vào trong vùng rừng
núi để dùng chiến thuật đánh du kích. Nhưng tướng Robert E. Lee chỉ huy tối cao
quân miền Nam tại thời điểm đó đã không đồng ý, ông nói: “Chiến tranh là nghiệp
của người lính, là nhiệm vụ của chúng ta, không được đẩy trách nhiệm này vào
người dân vô tội. Cho dù ta là tướng bại trận cũng không thể dùng cách này, nếu
phải dùng sinh mạng của mình để đổi lấy bình an cho bách tính miền Nam thì ta
thà lựa chọn trở thành tội phạm chiến tranh và chịu hành quyết còn hơn”.
Đối thủ của ông khi đó chính là Tổng tống Lincoln nổi tiếng
của nước Mỹ sau này, khi đó thống soái Lincoln đã cho thấy thái độ cao thượng đầy
chất quý tộc. Ông cho rằng sự thù hận giữa miền Bắc và miền Nam phải hòa giải
chứ không nên kết thêm ân oán, vì thế đã nói với tướng Robert Lee rằng, ngài
cũng đã đến tuổi nghỉ hưu, nên về quê hương nghỉ ngơi đi. Vậy là tướng Lee được
trở về trang viên của mình an hưởng trong vinh quang, viết hồi ký để lại cho hậu
thế.
Còn rất nhiều “viên kim cương” nằm trong tinh thần quý tộc
Tây phương mà chúng ta chưa hiểu hết, ví như ý thức gánh vác trách nhiệm. Thủa
thơ ấu, tỉ phú Rockefeller rất nghèo khổ, ông không hút thuốc, không uống rượu,
không có điều kiện để đi đến rạp xem một bộ phim, giống như người cha của ông,
mỗi khoản chi tiêu ông đều ghi lại trong một cuốn sổ nhỏ. Nhưng họ tiết kiệm chứ
không keo kiệt, vì họ rất hào phóng trong hoạt động quyên góp vì cộng đồng. Ví
dụ, người mà tất cả chúng ta đều rất quen thuộc là tỉ phú
Bill Gates là người đã mang tất cả tài sản cá nhân tặng cho
xã hội. Vừa tiết kiệm lại vừa hào phóng chính là nét hấp dẫn của tinh thần quý
tộc.
Tinh thần này, có thể gọi là hào phóng, nhưng từ góc độ khác
cũng có thể cho là tinh thần gánh vác trách nhiệm, đó là ý thức trách nhiệm xã
hội. Có thể nói đây chính là tinh thần đáng biểu dương nhất trong văn hóa
phương Tây ngày nay.
Ví dụ, nghề tàu biển phương Tây có quy tắc bất thành văn:
khi một con tàu gặp nguy cơ bị đắm chìm thì thuyền trưởng phải là người cuối
cùng rời khỏi tàu, hoặc thuyền trưởng phải lựa chọn bị chìm theo cùng con tàu,
đây cũng chính là tinh thần gánh vác trách nhiệm thừa kế từ tinh thần quý tộc
còn lưu giữ lại.
Trong phim Titanic, trong lúc con tàu đang chìm, vị thuyền
trưởng đã đi vào phòng của mình lựa chọn cùng chìm theo tàu, đây cũng chính là
tinh thần gánh trách nhiệm. Nhân lúc con tàu còn chưa chìm, vị thuyền trưởng đã
đề nghị một ban nhạc lên boong tàu diễn tấu nhằm xoa dịu tâm trạng của mọi người.
Sau khi diễn tấu xong thì vị nhạc trưởng cúi chào tất cả mọi người. Khi con tàu
từ từ chìm xuống, vị nhạc trưởng dù thấy mọi người muốn rời bỏ đi nhưng ông vẫn
ngồi yên vị và kéo một khúc nhạc mới, tiếng nhạc đã khiến mọi người dừng lại. Mọi
người bắt tay nhau, chia sẻ niềm quý trọng nhau, vị nhạc trưởng lên tiếng: “Có
thể được hợp tác cùng mọi người trong tối nay là niềm vinh hạnh của cuộc đời
tôi”.
Đây cũng là một minh chứng thuyết phục của tinh thần quý tộc.
Thực chất của tinh thần Quý tộc
Trong tác phẩm “Tuyển tập Dân ca Anh quốc”, tác giả đã mô tả
những quan sát về giới quý tộc Anh như sau: “Quý tộc chân chính không xem trọng
tiền bạc… Tinh thần giới quý tộc Anh chú trọng phẩm cách cao quý, chính trực,
không tư lợi, không ngại khó khăn, thậm chí hy sinh bản thân vì người khác, đó
là tinh thần xem trọng niềm vinh dự…”
Tinh thần quý tộc không có mối quan hệ gì với các điều kiện
vật chất. Ví như chuyện công nhân thang máy làm việc tại các tòa nhà cao cấp, họ
phải ăn mặc đẹp đẽ và gọn gàng thì mới dám đi mở thang máy cho khách, đây cũng
chính là thể hiện cái tinh thần quý tộc.
Hay tiêu biểu như những người lao động vất vả nhưng dựa vào
nguồn thu nhập ít ỏi của mình mà giúp đỡ người khác sa cơ lỡ vận hơn như trẻ mồ
côi, người già neo đơn…, có thể nói là họ đã có được tinh thần quý tộc. Vì thế,
tinh thần quý tộc nhiều khi cũng rất gần chúng ta, mỗi người chúng ta đều có thể
thực hành để có được tinh thần này.
Từ “noble” trong tiếng Anh, ngoài hàm nghĩa “quý tộc” còn có
nghĩa “xuất thân cao quý”, “cao thượng”, “vĩ đại”, “huy hoàng”…
“Tinh thần quý tộc” dĩ nhiên cũng không được độc quyền, những
người dân bình thường chỉ cần không ngừng nỗ lực xây dựng và giữ vững phẩm cách
bản thân thì hoàn toàn có thể hãnh diện mình cũng có tinh thần quý tộc.
Nhiều người ngày nay thường hiểu tinh thần quý tộc là có nhà
cao cửa rộng, xe sang, người đẹp cặp kè, dùng xa xỉ phẩm châu Âu, con cái du học
nước ngoài… Kiểu tôn sùng lối sống quý tộc này phần nhiều là tôn sùng mặt hình
thức của cuộc sống quý tộc, là tôn sùng kim tiền, như thế là sa đà vào bề nổi rồi.
Ba trụ cột Quan trọng của tinh thần Quý tộc
– Một là tinh thần đào luyện văn hóa, chống chủ nghĩa tôn
sùng vật dục, xây dựng tinh thần văn hóa và tình cảm đạo đức cao quý.
– Hai là tinh thần gánh vác trách nhiệm, trở thành tinh anh
trong xã hội, nghiêm khắc với mình, quý trọng danh dự, giúp đỡ những kẻ yếu thế,
gánh vác trách nhiệm xã hội và quốc gia.
– Thứ ba là có tinh thần tự do, ý chí độc lập, dám nói không
với kim tiền và quyền lực. Chỉ khi có tinh thần tự chủ một cách có lý trí và đạo
đức mới có thể vượt qua được cạm bẫy xu thời,
không trở thành nô dịch cho quyền lực chính trị.
Một tinh thần quý tộc đích thực cần sự tương ứng về đạo đức,
học thức và hành vi, nếu không, cho dù có quyền lực tràn đầy, tiền của chất đống,
cũng không thể xếp vào hàng ngũ quý tộc.
Vì đó là tinh thần của phẩm hạnh cao thượng, là sống trong sạch,
lịch thiệp, có tôn nghiêm; là không vì lợi ích trước mắt mà quay lưng lại tín
nghĩa. Trên ý nghĩa này, tinh thần quý tộc không quan hệ gì với của cải. Tinh
thần quý tộc không đồng nghĩa với giàu có về của cải, giàu có về của cải không
có nghĩa sẽ thành quý tộc. Vì tinh thần quý tộc không thể dùng tiền mà mua được.
• Ảnh 1: Trang phục Hoàng gia thời Trung cổ
• Ảnh 2: Học sinh trường Eton.
• Ảnh 3: Hoàng tử William và Hoàng tử Harry (Ảnh: wiki)
• Ảnh 3: Hoàng tử William và Hoàng tử Harry (Ảnh: wiki)
• Ảnh 4: Leo Tolstoy
Nguồn: Tri Thức Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét