Thứ Hai, 13 tháng 4, 2020

'' Không một người lính nào yêu thích súng đạn''



Có một câu nói thế này: '' Không một người lính nào yêu thích súng đạn'', quả thật, nếu như chúng ta - những người chưa từng đi qua chiến tranh sẽ rất háo hức muốn được cầm thử 1 khẩu súng, được bắn nó, rồi chúng ta say sưa theo những câu truyện, theo những tác phẩm đã được hình tượng hóa về người lính, và rồi, nếu thật sự trải qua chiến tranh, hãy nhìn những cựu chiến binh Mỹ và Việt Nam coi, nếu bạn đã từng giết người thì bạn sẽ chẳng bao giờ có thể ngủ ngon. Hãy cùng xem người trong cuộc nghĩ gì...

Một trong những ký giả từng tham dự và tường trình về cuộc chiến Việt Nam là phóng viên chiến trường trẻ tuổi Joe Galloway của hãng thông tấn UPI, người có mặt trong trận đánh khốc liệt và đẫm máu đầu tiên giữa quân lực Hoa Kỳ và VNDCCH vào tháng 11 năm 1965 tại thung lũng tử thần Ia Drang, nằm phía Tây Bắc Pleime và cách Pleiku khoảng 60 cây số về hướng Tây Nam. 

Theo chân các tiểu đoàn không kỵ Mỹ đến tận nơi giao tranh, giữa những mịt mù súng đạn và xác người, ông chứng kiến và cảm nhận những người lính Mỹ đã chiến đấu và chết như thế nào nơi một vùng núi đồi xa xôi bên kia bờ đại dương nước Mỹ. Để rồi cùng với tướng hồi hưu Harold Moore – một trong những Tiểu Đoàn Trưởng tham dự trận đánh, ông đã viết lại cuốn hồi ký We Were Soldiers Once… and Young từng được dựng thành bộ phim We Were Soldiers...

Đoạn phỏng vấn được lược dịch và biên tập từ http://www.historynet.com/interview-joe-galloway-soldiers-r…
History Net (HN): Có phải rất khó khăn khi chứng kiến những người lính mà ông theo chân bị tử trận ?

Joe Galloway (JG): 
Một lần tôi theo một toán thiết giáp lội nước suốt một ngày đêm. Ba ngày sau thì nghe tin cả toán này bị trúng mìn và chết hết. Những chuyện như vậy xảy ra gây ra một sự choáng váng dữ dội. Nhưng khi anh dự một trận đánh khốc liệt, dù xác người và thương binh nằm la liệt quanh mình, anh biết là anh cũng như người lính phải làm nhiệm vụ của họ, thì tôi cũng phải làm nhiệm vụ phóng viên của tôi.

HN: Vì không có thời gian để đối diện với nó?

JG: Có một lần tướng Moore dắt chúng tôi đến nghĩa trang Fort Benning sau một cuộc họp mặt những cựu chiến binh. Có một nữ phóng viên ảnh trẻ đang hỏi chuyện Tony Nadall – một đại đội trưởng trong trận Ia Drang, đang ngồi khóc trước một tấm bia của một trung sĩ truyền tin của ông tại bãi đáp Xray( tên của bãi đáp trực thăng) năm xưa. Ở trận đó, khi năm người lính chạy theo Nadall dẫn đầu, thì họ bị lãnh ngay một tràng đại liên quạt ngang, gục ngã hết bốn người. Nadall không thấy và không nghe vì tiếng súng ầm ầm. Ông chỉ nhận ra điều đó khi dây bộ đàm đã bị kéo ra hết cỡ và khi ngó lại, thì thấy bốn người lính của mình đã nằm la liệt. Khi ông thấy tấm mộ bia thì ông khụy xuống và khóc nức nở. Hồi sau cô phóng viên mới hỏi, “Ông biết cũng quá lâu rồi, sao bây giờ ông còn khóc vậy?”. Nadall chậm nước mắt, “Cô biết là ngay lúc đó đâu thể ngừng lại để đau đớn, vì nếu dừng lại mỗi khi một người lính bị tử nạn thì tất cả chúng tôi sẽ bị tiêu diệt sạch. Chúng tôi phải tiếp tục nhiệm vụ và tự nhủ rằng mình sẽ trải lòng một lúc khác. Thì đây là lúc, đây là lần đầu tiên tôi được thấy tên của anh ta khắc trên tấm bia đá trắng này”.

HN: Thời gian có giúp ông xoa dịu những nỗi đau như vậy không?

JG: Chúng chẳng bao giờ ngưng nghỉ, chúng chẳng mất đi được. Hal Moore và tôi từng hy vọng, “Khi viết xong cuốn sách, nó sẽ khép lại cái vòng đó lại”. Lúc đó tất cả chúng tôi đều còn trẻ, chưa biết nhiều về đời sống và chưa hiểu hết những mất mát mà những người ngã xuống đã từ bỏ. Anh biết, họ không có được niềm vui khi có vợ, có con, có cháu, thậm chí với cả những điều phiền toái trong đời sống. Lòng biết ơn về sự hy sinh của người lính lớn dần khi anh hiểu thêm về giá trị của cuộc sống mà họ bị mất. Vì vậy năm tháng có trôi qua cũng chẳng làm nó dễ dàng đi, mà có khi nỗi đau càng nặng nề hơn.

HN: Ông có lúc cũng phải là người lính?

JG: Chỉ lúc nào đó thôi, khi trận đánh khốc liệt quá mà tôi nghĩ có thêm tôi cũng đỡ phần nào. Và tôi cũng chẳng lỗi gì. Mình cũng giận điên khi quân địch cứ nhắm mình mà bắn. Anh biết là họ đưa cho đám phóng viên chúng tôi tấm thẻ nhỏ xinh xắn, trong đó có hàng chữ li ti ghi rằng, tôi là dân sự không đánh trận, có quân hàm tương đương Thiếu Tá trong quân đội Hoa Kỳ. Để lỡ bị sa vào tay địch thì tôi sẽ được đối xử tương đương cấp bậc một Thiếu Tá. Nhưng anh biết là làm gì có cơ hội cho anh đưa tấm thẻ đó ra khi có những kẻ thù cắm lưỡi lê trên đầu AK xông vào mình. Tôi nghĩ là họ đâu có ký công ước Geneva và tôi cũng vậy.
.....

HN: Ông có ngạc nhiên khi thấy mình còn sống sót sau hơn hai năm tường trình về cuộc chiến?

JG: Khi ấy tôi 23 tuổi và sống chung với các đồng nghiệp ở Sài Gòn, chúng tôi vẫn hay đánh cuộc xem ai có thể sống đến sinh nhật thứ 25 của mình. Một số người đã không làm được điều đó. Tôi là người may mắn nhất mà anh còn cơ hội nói chuyện. Những tường trình, phóng sự về cuộc chiến này được mua bằng một cái giá khủng khiếp. Khoảng 70 bạn đồng nghiệp tôi đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình để có những bài báo, tấm ảnh về cuộc chiến Việt Nam.

HN: Cũng có người bảo truyền thông đã đâm sau lưng người lính, đã làm cuộc chiến bị thất bại?

HN: Chẳng phải truyền thông, chẳng phải tôi, mà cũng chẳng phải là Peter Arnett hay Walter Cronkite (Chú: Hai ký giả nổi tiếng thế giới, từng tường thuật và có quan điểm bất lợi cho quân đội và chính phủ Hoa Kỳ trong thời gian chiến tranh VN). Cuộc chiến có bị thua là do mấy đời Tổng thống tại 1600 Pennsylvania Avenue (địa chỉ Nhà Trắng). Tất cả họ đều nhúng tay vào nó. Sau chiến tranh, nó dễ cho mấy ông tướng cay đắng, than vãn là truyền thông đã làm cuộc chiến bị thua ra sao. Chúng tôi đâu làm điều đó. Chúng tôi đâu làm thua trận. Truyền thông đâu có đủ quyền năng để khởi đầu hay kết thúc một cuộc chiến. Tất cả những gì chúng tôi đã làm chỉ là nhiệm vụ của mình và chỉ cố tường thuật trung thực về những gì đang xảy ra mà thôi.

Lời sau cùng, bản thân tôi, một con người trẻ chưa từng tham gia bất kỳ một trận chiến nào, thậm chí chưa từng được cầm 1 cây súng thật nào, chúng tôi chỉ có thể cảm nhận được chiến tranh ở đất nước mình sau hơn 40 năm qua phim tài liệu, những tấm ảnh, những nhân chứng già, những câu truyện... 
Có người hỏi, tôi tham gia page VNW để làm gì, câu trả lời cho cá nhân tôi sẽ là: Để thêm yêu đất nước tôi hơn. Trước đây, khi xem phim tài liệu VNW, một người Việt Nam tôi biết tên những sẽ không nêu ra đây đã từng nói thế này: '' ... Lịch sử sau này sẽ coi rằng là cái cuộc kháng chiến đó có xứng đáng để hy sinh nhiều người dân như thế hay không.'' 
Có lẽ, trong trường hợp này, đáng lẽ ra ông ta phải nói: '' Lịch sử sẽ phán xét xem, cuộc chiến đó có xứng đáng để hơn nửa triệu quân Mỹ và đồng minh đi nữa vòng trái đất, để rồi chết trên một xứ sở xa lạ hay không...'' Nhưng thôi, đó là tùy vào quan điểm của mỗi người, chúng ta không có quyền phán xét ai, hãy để thời gian và lịch sử trả lời. Trí ít, ông ta hơn người viết bài này về tuổi tác, danh tiếng và điều quan trọng nhất là ''có lẽ'' ông ta đã từng được bắn thử một khẩu AK - điều mà người gõ bài này chưa bao giờ được làm.

Ảnh: Phóng viên chiến trường tại VN

Không có nhận xét nào: