Thứ Năm, 28 tháng 5, 2020

Sính chữ


Hôm trước tôi đọc trên rất nhiều tờ báo cái tít chình ình chữ to tướng ở trang nhất (báo in) hoặc phần tiêu điểm (báo mạng), họ rút nhời của cụ nhớn rằng “Lợi ích nhóm, tham nhũng là giặc nội xâm vô cùng nguy hiểm”. Có nhẽ đây chính là nhời cụ bởi nó được đặt trong ngoặc kép, vả lại có dử kẹo họ (báo chí) cũng chả dám bịa.
Tất nhiên, với những lập ngôn đao to búa lớn từ miệng cụ nhớn, người ta hoan hô rần rần. Còn tôi thấy chả có gì hoan hô, mà chỉ chê. Cái nào đáng khen thì khen, cái nào đáng chê thì chê, tính tôi vậy.
Thế thì chê cái gì? Chê cái thói dốt hay nói chữ, chê thói a dua a tòng.
Chữ ở đây là chữ “nội xâm”. Lâu nay thiên hạ có vẻ quen với chữ mới này, không biết do ông ba vạ lãnh đạo nào phát ra trước. Mồm kẻ sang có gang có thép, đám đông nghe vậy không cần biết đúng sai, cứ thế trầm trồ, kiểu như hay nhỉ, khí phách nhỉ, đúng nhỉ. Đúng đúng cái con khỉ.
Từ ghép ất ơ ấy (nội xâm) từng thành tố có gốc Hán Việt, nội và xâm. Ai cũng biết “nội” là bên trong, phía trong, đối lập với “ngoại” là bên ngoài. Nội trú (trú là ở) tức ở bên trong, còn ở bên ngoài là ngoại trú. Đứa nào đi học không về nhà với thày bu mà ở ngay ký túc xá của trường thì gọi là nội trú. Nội hôn là lấy nhau (hôn nhân) trong cùng dòng họ, nhà Trần ngày xưa áp dụng kiểu này để không cho người ngoài họ vào tranh quyền cai trị. Quan nội giám tức là những viên hoạn quan (bị thiến 2 quả lựu đạn để không thể gây… nổ) ở trong cung (nội) chuyên làm việc giám sát (giám) các bà cung phi xinh đẹp nhưng thèm tình ái, ngăn các bà không được tòm tem với ai khác ngoài vua. Nội trợ để chỉ người trong nhà chuyên đỡ đần (trợ) việc nhà…
“Xâm” cũng dễ hiểu, nghĩa của nó là chiếm, đoạt, lấn lấy (cái gì đó) của người khác, của nước khác để làm của mình, nước mình. Ta thường dùng những từ chỉ hành động lấn chiếm, chiếm đoạt có liên quan tới “xâm” như xâm lấn, xâm chiếm, xâm lược, xâm hại, xâm đoạt, xâm lăng, xâm thực… Xâm lược là hành động chiếm (xâm) rồi cướp lấy (lược). Xâm lăng là chiếm và lấn lướt cướp (lăng) của người khác. Chỉ có điều mọi hành động xâm này đều phải từ bên ngoài, từ ngoài vào, tác động vào đối tượng bị chiếm chứ không thể nằm ở bên trong. Nhạc sĩ Phạm Tuyên có bài hát về cô Hồng Gấm, có câu “Khi còn một tên xâm lăng, chúng ta còn đi. Lướt qua đạn bom gian nguy, ta quyết bền chí”, giặc xâm lăng mà ông đề cập là chỉ người Mỹ chứ không phải bên phía Việt Nam cộng hòa. Giặc vào nước ta ăn cướp đất đai lãnh thổ thì gọi là giặc ngoại xâm. Còn kẻ trong nước phá hoại đất nước, tàn hại nhân dân thì chỉ gọi là bọn hại nước hại dân chứ “nội xâm” nỗi gì.
Quay trở về nhời ông cụ trên. Ổng nói “nội xâm” tức là cứ nói bừa thế thôi chứ không hiểu nghĩa của từ ngữ. Bọn tham nhũng, đám lợi ích cá nhân hư hỏng vốn là bọn giặc sinh ra từ trong ruột chế độ, gọi chúng là nội thì đúng rồi, nhưng chúng là nội tặc (giặc bên trong), nội phản (chống đối từ bên trong), hay nội nội con mẹ gì cũng được, chỉ có điều không phải nội xâm. Xâm phải chỉ bọn 4 tốt 16 chữ vàng đang nhăm nhe cướp biển đảo của ta kia kìa. Nó là xâm đấy, chứ không phải bạn bè, người lạ, tàu lạ gì.
Không phải cứ học văn mà biết dùng chữ nghĩa cho chính xác đâu.
Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào: