Vợ gã bỏ gã theo người khác, để lại cho gã một gia tài rách bươm xơ mướp. Gã buộc phải làm anh gà trống vụng về chăn dắt đàn con dại !
Nỗi sầu tình, sầu đời gọt gã héo cả người. Cảnh khốn cùng phủ chụp xuống đời gã ngắc ngứ, thừa sức công phá gã hóa rồ. Ngày lại ngày - gã đạp xe thồ khi cuối chợ, đầu ga; khi lang thang chở gió rã rượi cả hai chân. Ít ai dám lên xe một gã mặt mày khổ não, râu tóc hoang dại.
Đêm nay, như mọi đêm - gã dựng xe dưới mái hiên ga chờ chuyến tàu khuya. Dáng người gã cùng bộ áo công nhân cũ mèm, hòa trong vũng nhờ nhờ của ngọn đèn điện sân ga, nom như khối giẻ cũ biết nhúc nhích.
Tiếng còi tàu ré lên tha thiết như mũi âm thanh xuyên bóng đêm yên tĩnh rồi oà ra the thé âm u.
Gã lật đật đứng dậy, phóc lên xe, đạp vội ra ghi Nam, chực khách. Ở đó, có năm sáu đồng nghiệp gã đứng chờ.
Theo quy ước dân xe “ai đến trước có quyền giành trước”, gã chỉ dám chú ý đến thiếu phụ bồng con lủi thủi đi ra. Chị ăn mặc nhếch nhác nghèo khổ. Đám xe thồ không ai muốn giành chị vì vẻ cơ hàn hiện rõ trong dáng luộm thuộm kia.
Chị lách qua đám người lộn xộn rồi lầm lũi đi…
Chị đi đâu với đứa con nhỏ trong đêm khuya?
Lòng gã dấy lên mối thương cảm, định bụng chở giúp chị một cuốc xe:
- Chị ơi chị, đi xe thồ không, tôi không lấy…
Gã cứ đạp rề rề theo.
Chị ngoảnh nhìn.
Chạm vào vẻ đẹp đàn bà - gã bàng hoàng, giọng chùng xuống:
- Chị lên xe tôi chở giúp một đoạn.
Thiếu phụ dừng chân trước cột đèn. Đứa bé trong bọc nỉ cựa mình khóc: “Oe… oe…”. Nghe chị dỗ bé với âm giọng cùng xứ và thái độ ngượng ngập mới làm mẹ
- làm gã có thiện cảm.
Chị ngước nhìn gã, rõ cái mặt thảm hại của ông xe thồ cứ dai dẳng đòi chở giúp.
Chạm vào sự bần hàn của nhau, họ bỗng cảm thấy đồng cảm. Hơn nữa chị thấy ông xe thồ này khác với những ông xe thồ bặm trợn khác, thường eo giá từng hào.
Thiếu phụ nở nụ cười đẹp mê hồn. Nụ cười tan hết nỗi phiền muộn trên khuôn mặt chị, đến nỗi gã chưa tin chị có nụ cười “ác liệt” thế.
Gã xao động!...
Chị ngồi lên yên bọc mút phía sau xe gã:
- Anh chở tui đi đường ni.
Gã chống chân dừng xe trước ngôi biệt thự, mặt tiền lát đá granite, cổng xây màu vàng óng dưới vùng sáng xanh của đèn cao áp hắt tới.
Gã rất ngạc nhiên khi thiếu phụ dừng trước ngôi nhà to lớn.
Chị đi đâu về?
Làm gì ?
Hay người giàu thường giả vờ là nghèo khổ khi đi xa?
Thiếu phụ nhoẻn miệng cười và giúi vào tay gã xấp tiền:
- Cám ơn ông…, nhà tôi đây rồi.
- Tôi, tôi… không nhận đâu!
Nói xong, gã đạp xe vù chạy cùng với nỗi băn khoăn…
Nhà gã nằm cuối con hẻm.
Chiếc xe đạp xóc tưng tưng vì ổ gà, băng qua những ngôi nhà kiên cố.
Đàn chó hai bên hẻm túa ra sủa ầm ĩ. Từ lâu, gã khoái sự tiếp đón chân thành đến náo động của đàn chó:
“Ừ nhỉ, chỉ có đàn chó công nhận sự có mặt của gã trên đời.
Chúng không sáo rỗng, không bọc nhung lịch sự trên những cái mõm oang oang dài ngoẵng ấy”.
Gã khoái chí cười khan một mình. Gã cười với bóng đêm, cười với những con chó nhiệt tình, với mớ hận đời ... rối bòng bong trong lòng gã.
Đến nhà, gã thả chiếc xe đạp tựa vào tường bờ-lô trần, hé cánh cửa gian chính lách người vào. Trong nhà gã độc nhất ngọn đèn ngủ tỏa ánh sáng mờ mờ. Gã lần mò bưng xoong cơm và chén xì dầu, nhúm dưa cải, mấy tép khuôn đậu chiên qua dầu mè, do đứa con gái đầu mới tám tuổi của gã vừa nội trợ vừa chăm sóc ba đứa em, để dành cho gã. Gã ngồi nhai cơm lép nhép, trệu trạo.
Nhai bóng đêm, nuốt bóng đêm, ôm khối cô đơn đầy góc nhọn, chia chỉa vào tim gã nhức buốt. Cả nhà gã ăn chay.
Hôm đi khám bệnh, bà bác sĩ bảo:
- Người trên bốn mươi tuổi như chiếc xe đạp rơ vít, ốc, lỏng lẻo dần hết thảy. Huyết áp anh mười bốn, cao hơn bình thường, thấp so với người bệnh cao áp huyết
- Bà bác sĩ coi phim, tiếp.
- Người uống rượu nhiều như anh, gan bị nhiễm mỡ là phải rồi. Trên thế giới người ta đang đau đầu về bệnh tim mạch, không trị được từ gốc, chỉ có thuốc hạ áp huyết. Theo em, anh nên ăn nhiều rau, tập thể dục, nếu ăn chay được, rất tốt.
Đúng ra, gã tin vào lời dạy của thầy. Thầy gã là một Tỳ-kheo tu Tịnh độ, hiện làm giáo thọ ở nước ngoài. Được quen với thầy trong một cuốc xe trưa, gã nói chuyện với thầy:
- Hồi thanh niên con ăn cơm gạo lứt muối mè được ba năm. Hồi nhỏ con đòi đi tu, cha mẹ con không cho đi vì con là con trai trưởng, chừ mới khổ như ri, thầy ạ.
- Tu thì tuổi nào cũng tu được. Vào quán cơm chay tôi mời anh một bữa.
Vào quán cơm, gã kể hết chuyện đời gã cho thầy nghe.
Ăn xong, thầy hẹn khi nào đi làm việc thiện thầy sẽ gọi và cho gã một tờ giấy có ghi lời KHAI THỊ của Đại sư Ấn Quang:
Không luận xuất gia, tại gia - đều phải trên kính dưới hòa, nhẫn điều không thể nhẫn, làm việc người không thể làm, chịu thay khổ nhọc, thành tựu việc tốt cho người.
Ngồi yên thường xét lỗi mình. Luận bàn đừng chê kẻ khác.
Đi đứng nằm ngồi ăn cơm mặc áo, từ sáng đến tối, từ tối đến sáng, một câu niệm Phật hoặc niệm ra tiếng hoặc niệm thầm, không cho gián đoạn. Ngoài niệm Phật ra không khởi niệm khác.
Thường luôn hổ thẹn, sám hối lỗi lầm. Dù có tu trì vẫn thấy mình khiếm khuyết. Không được kiêu căng, chỉ xét lỗi mình, không vạch lỗi người, chỉ nhìn cái hay, không tìm điều dở.
Luôn nghĩ:
Tất cả đều là BỒ-TÁT.
Chỉ ta là kẻ phàm phu.
Từ đó, thầy và gã thiết lập tình thầy trò. Cách nhau biển Thái Bình Dương nhưng thầy luôn gửi thư về dạy gã tu hành, tập làm người tốt. Gã cũng tin lời dạy của Đức Đạt lai Lạt ma về việc loài người nên ăn chay, vì không có răng nanh và đường ruột không dài như loài ăn thịt. Đức Phật không nhấn mạnh việc ăn chay, nhưng Ngài bảo đừng sát sanh, có lòng từ bi với tất cả chúng sanh…
Gã dẹp bữa ăn tẻ nhạt, nhích các con để kiếm một khoảng trống đặt lưng xuống.
Chuông chùa ngân vang du dương. Đã ba giờ rưỡi.
Gã dã dượi dắt xe ra khỏi nhà. Sau cuộc xe chở khách quen, tới tháng lấy tiền, gã sực nhớ thiếu phụ bồng con hồi khuya. Tự dưng bụng gã nóng ran, như có linh tính thúc giục. Gã đạp xe đến ngôi nhà đáng tò mò đó. Mặt gã bị hút vào bọc nỉ quen thuộc, dù gã mới thấy cái bọc ấy lần đầu, nhưng tình tiết đặc biệt đã khắc sâu vào tâm gã.
Cái bọc nỉ nằm lù lù trước cổng sắt khép kín. Trên vòm cổng là một giàn hoa giấy um tùm.
Tiếng mở cửa "kin… kít”.
Một thanh niên mặc quần soóc trắng, áo may-ô ba lỗ, chân mang giày Adidas đi ra cổng.
Thấy bọc nỉ, anh ta nhảy lui một bước nhanh gọn như sóc.
Khi đã ổn định tinh thần, anh lấy mũi giày lừa nhẹ lớp vải nỉ đang phủ hờ trên mặt em bé.
Một thoáng sững sờ, rồi anh ta bước ra đường dáo dác nhìn quanh.
Đường vắng người.
Anh ta trở lui túm nhẹ bọc nỉ và vừa đi vừa quan sát hai bên đường, mắt len lén.
Gã từ con hẻm đối diện ngôi nhà đạp xe chầm chậm theo sau. Gã rùng mình khi thấy anh ta thả gói nỉ vào trong thùng rác công cộng.
Anh ta chạy thể dục.
Gã đạp xe đến thùng rác đang tỏa thán khí như lớp sương đục mỏng, bồng đứa bé lên xe về nhà.
Các con gã ùa ra đón gã, chúng mừng vui khi thấy gã về sớm, lại thêm bọc nỉ, chúng tưởng có quà.
Sau mới ngã ngửa - ra là đứa bé.
Chúng lại cười toe toét, đua nhau giành bé. Đứa bé khóc khan khản - Gã luống cuống lục trong bọc nỉ và mắt sáng lên khi thấy sẵn một bình sữa đầy. Có lẽ thiếu phụ đã chuẩn bị cho con trước đó.
Gã tìm được một mảnh giấy trong áo bé, nét chữ ngoằn ngoèo:
“… Đây là giọt máu tội lỗi của anh, vì nó mà tôi phải trốn chui trốn nhủi trên vùng kinh tế mới để đẻ nó cho khỏi bẽ mặt. Tôi trả lại cho anh, nếu anh sợ vợ anh thì anh nhờ mẹ anh nuôi giúp, dù sao cũng là cháu đích tôn của mẹ anh. Tôi phải làm lại cuộc đời.
Địa chỉ của tôi, Huỳnh Thị Phương Đ… ấp... xã…”.
Từ khi nhà có thêm thằng cu sơ sinh, gã búi việc hơn. Hình như trời cũng cảm động - từ dạo có thằng bé, gã chạy xe liên tục. Và, không biết gã tán dẻo thế nào với các bác sĩ bệnh viện khoa Sản, gã được họ giới thiệu với các sản phụ tốt bụng, con họ dùng không hết, cho gã sữa.
Ngày hai bữa gã đạp xe tạt qua viện, lấy sữa vào chai thủy tinh rồi treo lủng lẳng trước ghi-đông xe về cho thằng bé bú.
Tin gã nuôi con mọn lan ra cả xóm. Bà Bẽo bán tạp hóa, bà Miên buôn trầm, chị Nguyệt có chồng lái xe và các bà rỗi việc thường túm tụm với nhau buôn dưa lê.
Thấy gã hăm hở xin sữa về cho thằng bé, các bà cười rung rúc. Có lần bà Bẽo chặn gã:
- Chu choa, chú xin sữa đâu nhiều vậy?
Gã dừng lại, mặt ngời ngời khoe:
- Dưới khoa Sản chị ạ, họ nặn cho tui đó.
Các bà hùa nhau nói:
- Không ai tốt như anh, khi không…
- Anh thiệt nhân đức!
Gã tở mở mặt mày, cáo từ các bà về cho cu Lượm bú, kẻo con tới cữ rồi.
Bà Bẽo nhìn theo:
- Coi kìa, nghe tụi mình khen mặt hí hửng chưa kìa.
- Rước của nợ về trong khi các con hắn đói xanh mặt.
Nhờ trời, gã bỏ được nghề chạy xe thồ, xây qua nghề chụp ảnh dạo. Số là nhờ anh em bên họ mẹ gã bán mảnh đất gần trung tâm thị xã. Mẹ gã được hưởng vài cây vàng tình thân ruột rà. Mẹ gã mua cho bà một chiếc áo quan để dành, còn bao nhiêu phân phát cho con cái.
Gã mua chiếc máy ảnh, tự học nghề chụp ảnh dịch vụ.
Nhờ chiếc máy ảnh, nhà gã khá dần. Thằng cu Anh và cu Lượm được đến trường học. Năm tháng dần trôi…
***
Một bữa, gã ngồi ngáp vặt trước cổng chùa Liên Hoa chờ khách. Mắt gã sáng lên khi thấy một chiếc xích-lô chở một người đàn bà sang trọng chạy vào chùa.
Gã đứng dậy vuốt lại tóc, xốc lại áo sơ-mi, lôi máy ảnh trong túi xách ra đeo trước ngực và tròng lên mắt hơi lồi một cái kính cận 0,50 đi-ốp cho ra dáng nghệ sĩ nhiếp ảnh.
Thói đời là vậy, người ta thích tin vào vẻ ngoài, chứ không thấy đức tính tốt bên trong của một người lùi xùi. Gã bước xuống bậc cấp:
- Xin mời bà viếng cảnh chùa và chụp ít kiểu ảnh kỷ niệm.
Bà xua tay với ý “xin miễn” và nở nụ cười buồn.
Nụ cười mê hồn và âm giọng cùng xứ của bà làm gã lặng đi!? Hình như gã gặp nụ cười này đâu đó rồi? Phải rồi, thiếu phụ ôm bọc nỉ đi giữa canh khuya năm nào.
Sau phút ngần ngại, gã lên tiếng:
- Bà chụp vài bức ảnh dưới tượng Đức Phật Quan Âm. Chiều có ảnh, tôi đưa về khách sạn cho bà.
Ngước nhìn tượng Phật bằng xi-măng trắng nổi lên thiêng liêng giữa vòm cây lá xanh, người đàn bà nói:
- Ông chụp cho tôi vài “pô” cũng được.
Chụp xong, gã lấy sổ bút ghi biên lai:
- Xin bà cho biết quý danh, địa chỉ để tôi trả ảnh.
- Huỳnh Thị Phương Đ… ở… trong Nam mới ra…
- À… đúng rồi ! Đúng là chị đêm đó rồi! Có phải cách đây bảy năm chị bồng con đi chuyến tàu đêm ...?
Người đàn bà “A!” lên sửng sốt! Gã hỏi tiếp:
- Chị có phải ở ngôi nhà đó không?
- Nhà chồng tôi đấy. Ảnh đi xuất cảnh rồi.
Người đàn bà bỗng khóc. Nước mắt chảy loang vệt phấn.
Gã nghiêm mặt:
- Xin lỗi, bà đừng nói dối tôi. Chủ nhà ấy là một thằng khốn nạn, không phải chồng mà là người tình phụ của bà. Chính hắn đã vất con bà vào thùng rác, tui nhặt về nuôi…
Người đàn bà hét lên: “Trời! Con tôi còn sống!”. Rồi bà lảo đảo quỵ xuống. Gã vội xáp tới đỡ lấy người đàn bà, nghe bà ấy thều thào:
- Anh, anh… làm ơn cho tôi gặp con tôi…
***
Mười ngày sau - gã tiễn thằng cu Lượm và người đàn bà lên tàu vào Nam. Người đàn bà tháo tất cả nữ trang bà đang đeo trên người trao cho gã. Nhưng gã chỉ nhận mảnh giấy con con ghi địa chỉ của người đàn bà và hứa có dịp vào thăm cu Lượm.
Tàu chạy. Trên đường trở về, gã tưởng như vừa mất một vật gì rất quý giá. Đến con hẻm, các bà túa ra tranh nhau hỏi:
- Người ta trả công nuôi con cho anh bao nhiêu?
- Tôi không nhận! - Gã thật thà đáp.
Nguyệt trề môi:
- Công anh bắt tép nuôi cò.
Cò ăn cò béo cò giò lên non.
Gã đạp xe chạy nhanh nhanh để tránh những tiếng cười dè bỉu.
Ôi chao
- người đời ơi là người đời …
Truyện ngắn của Nguyễn Nguyên An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét