Thứ Bảy, 20 tháng 11, 2021

Những ngộ nhận về nhà Tây Sơn và anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ

 


Những ngộ nhận về nhà Tây Sơn và anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ
Một số sử gia VN tả Tây Sơn "huyền thoại" nông dân áo vải cờ đào, dựng nên cơ nghiệp kiểu "phất cờ khởi nghĩa, lấy của nhà giàu chia cho dân nghèo" là điều không thực.
- Thiệt ra người sáng lập Tây Sơn Nguyễn Nhạc không phải nông dân và anh em nhà này chưa có ra đồng cày ruộng một ngày.
Ông bà Hồ Phi Phúc và Nguyễn Thị Đồng là một trung nông ở vùng núi An Khê Bình Định, nhà không nức vách đổ tường nhưng có của nả để mướn thầy giáo về dạy chữ dạy võ nghệ cho ba con của mình tại nhà.
Nguyễn Nhạc là anh lớn sanh năm nào không rõ, năm 1771 ông là người khởi xướng và lãnh đạo cuộc "khởi nghĩa" Tây Sơn.
Nguyễn Nhạc là tên thiệt, còn có hai tên gọi khác là ông Hai Trầu vì có một thời ông làm nghề lái trầu và rất giàu có. Có của ông lo lót làm chức Biện Lại thâu thuế cho chúa Nguyễn nên bà con kêu ông là Biện Nhạc.
Năm 1765 Võ Vương Nguyễn Phước Khoát qua đời để lại một cục nợ tổ chảng do quá trình làm mới hình ảnh Đàng Trong, quyền thần Trương Thúc Loan lại tham lam, nắm chúa Nguyễn Phước Thuần làm đủ trò bậy.
Chúng ta nhớ rằng thời điểm đó Qui Nhơn là trạm trung chuyển của quân đội chúa Nguyễn trong quá trình hoạch định, mở mang, khai phá đất Nam Kỳ nên dân Qui Nhơn ná thở vì là nơi gom lương thực và binh lính.
Nắm được yếu tố lòng dân xáo động đó, mùa xuân năm 1771, Nguyễn Nhạc trước đó đã ôm một số bạc thậm thụt được do thâu thuế từ ấp Tây Sơn nổi lên với khẩu hiệu lấy của nhà giàu chia cho dân và thành công vang dội.
Tây Sơn đánh chiếm phủ thành Qui Nhơn diễn ra vào tháng 6 năm Quý Tỵ 1773, Nguyễn Nhạc sau đó chiếm cả một vùng rộng lớn từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận. Đến cuối năm 1775, Tây Sơn làm chủ từ Quảng Nam đến Bình Thuận.
Trước đó quân Trịnh của Đàng Ngoài chiếm đô thành Phú Xuân của vương quốc Đàng Trong vào đầu năm Ất Mùi 1775, Trịnh cai trị tàn bạo.
Năm 1786 thì ông em Nguyễn Huệ đã giải phóng Phú Xuân khỏi tay quân Lê-Trịnh. Tây Sơn vô Phú Xuân ra tay hạ quân Trịnh gần hết, gọi là “hạ” nó nhẹ, nặng là “tàn sát”.
Chỉ còn vài trăm người Đàng Ngoài chạy thoát ra ngoài thành giả ăn mày câm điếc để không nói giọng thiệt nhưng bị dân xứ Huế vốn căm thù đón đường "hạ" hết.
Chỉ chừa một người lính duy nhứt sống sót được chạy về phía Bắc báo tin thất trận ở Phú Xuân. Đây là chi tiết sử liệu vô cùng thú vị về nhà Tây Sơn mà sử VN ngày nay "né" nhắc.
Suy cho cùng Tây Sơn họ vẫn là người Đàng Trong, tâm tánh Đàng Trong
-Tây Sơn không phải là "ân nhân" của nông dân
Thực ra Tây Sơn nổi lên trong 30 năm đó người nông dân chẳng có lợi lộc chi hết, quyền lợi là trong tay đám bộ sậu quân phiệt tướng lãnh Tây Sơn thôi, Tây Sơn trên thực tế không có mục đích giải phóng nông dân.
Tây Sơn không chú trọng phát triển kinh tế, họ gây chiến liên miên ,nạn vét lương và bắt lính đã làm nông dân kinh hoàng bạt vía
Người nông dân Đàng Trong nói chung và Qui Nhơn nói riêng lại thất vọng và họ lại mơ ước chúa Nguyễn mau ra dẹp cho xong Tây Sơn qua câu ca dao sau:
"Lạy trời cho chóng gió nồm
Cho thuyền chúa Nguyễn thuận buồm trẩy ra"
Gió nồm là gì?
Năm nào cũng vậy, vào tháng 4, tháng 5 khi gió nam thổi mạnh thì từ Gia Định chúa Nguyễn Ánh lại đem chiến thuyền nương gió ra Trung đánh Tây Sơn, khi gió mùa đông bắc thổi thì lại rút quân về.
Người ta gọi những đợt tấn công như vậy là những trận "giặc mùa".
Tây Sơn tàn nhẫn dữ dằn trong việc cưỡng bức nông dân phục vụ cho các chiến dịch quân sự và các công trình xây cất dinh thự, pháo đài của họ.
Cuộc sống của nông dân ở những nơi ba anh em Tây Sơn chiếm đóng còn cực khổ hơn dưới ách chúa Trịnh hay chúa Nguyễn, vì quân Tây Sơn liên tục tiến hành chiến tranh và bắt lính luôn con nít và phụ nữ.
Bản thân tướng lãnh Tây Sơn thì vung tiền vàng như nước. Nguyễn Du làm chứng trong bài "Long Thành cầm giả ca"
"Tây Sơn chư thần mãn toạ tận khuynh đảo
Triệt dạ truy hoan bất tri hiểu
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo"
(Tây Sơn quân tướng thẫn thờ
Ngả nghiêng đến sáng còn chưa thỏa lòng
Quăng lụa thưởng tây đông tíu tít
Vàng tựa bùn cứ việc vung tay)
-Tây Sơn không phải "thống nhứt" đất nước vì họ chia ra làm ba cho ba anh em họ cai trị. Bắc Hà họ buông lơi vì lý do phức tạp chánh trị, dân đông không sanh lợi, Gia Định thì họ không thể cai trị triệt để
Học giả Hoàng Xuân Hãn khẳng định:"Công thống nhất nước Việt Nam là Tây Sơn, tức là Quang Trung, đối với tôi thì tôi không đồng ý. Tây Sơn có đánh bại quân Xiêm ở Rạch Gầm, là một sự thực. Đánh bại quân Thanh ở Thăng Long cũng là một sự thực. Nhưng hai trận thắng ấy không phải là đồng thời, mà trái lại, có thể nói là hồi vua Quang Trung ở ngoài Bắc thì Nguyễn Nhạc còn đang chiếm vùng giữa, vùng trong thì lúc ấy nhà Nguyễn đã chiếm cả trong Nam rồi. Không phải là thống nhất. Đấy chỉ là đánh được giặc ở Nam, đánh được giặc ở Bắc".
Anh em Tây Sơn coi mạng binh lính như rác, họ xài biển người. Như trận Nguyễn Huệ đánh nhau với Nguyễn Nhạc năm 1787, và chỉ trong một trận đó, nguồn tin từ một nhà truyền giáo nước ngoài nói Nguyễn Nhạc mất tới 40 ngàn quân.
Trong năm lần quân Tây Sơn tấn công vào Gia Định từ năm 1776 đến năm 1783, Nguyễn Huệ tham gia chỉ huy ba lần vào năm 1777, 1780, 1783.
Theo lý thuyết Nguyễn và Tây Sơn đánh nhau 25 năm, từ năm 1777 cho đến năm 1802, nhưng năm 1792 Nguyễn Huệ đã chết rồi .
Nhưng nhìn kỹ, chúa Nguyễn Ánh chưa bao giờ đánh thắng Nguyễn Huệ, nhưng Nguyễn Huệ chưa bao giờ làm chủ được Nam Kỳ, cũng chưa bao giờ dám "bình định" và thiết lập bộ máy cai trị Miền Nam.
Tây Sơn chỉ có khả năng ở khúc Miền Trung, họ đuối sức ở Miền Nam, bỏ Bắc Hà cho loạn.
Nguyễn Huệ có mấy lần đem quân ra vô Thăng Long như chổ không người, nhưng giai đoạn này nhà Tây Sơn áp dụng chánh sách "buông lơi" Bắc Hà, thả lỏng xứ này cho làm gì thì làm, nhưng ai ngoi lên có ý muốn làm thủ lãnh Bắc Hà là bị Nguyễn Huệ diệt liền lập tức.
- Người Bắc Hà và Nguyễn Huệ khi xưa đều không coi nhau ra cái gì, đều khinh nhau. Phong trào Tây Sơn bị sĩ phu Bắc Hà chửi là đồ "thảo khấu" thô kệch nhà quê.
Bản chất rõ là gì? Nguyễn Huệ vẫn là người Đàng Trong, Nguyễn Nhạc là người Đàng Trong. Đàng Trong là vùng đất phía nam sông Gianh của các chúa Nguyễn độc lập với vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Nguyễn Huệ khi làm vua từng buộc miệng chê “Thăng Long đã hết vượng khí” và kiên quyết không chịu ra Thăng Long nhận sắc phong của Càn Long, Nguyễn Huệ đóng đô ở Phú Xuân. Danh nghĩa chánh thống thì vua Thái Tổ nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc chứ không phải Nguyễn Huệ.
Ngày 21-7-1786 Nguyễn Huệ dẫn đại quân ra Bắc dẹp họ Trịnh, vào Thăng Long gặp vua Lê Hiển Tôn. Vua Lê phong cho Nguyễn Huệ chức ”Nguyên súy Dực chính phù vận Uy quốc công” và gả bà công chúa 16 tuổi Ngọc Hân cho Nguyễn Huệ 33 tuổi sau đó Lê Hiển Tôn qua đời.
Thái Đức Nguyễn Nhạc ở Qui Nhơn được tin rằng Nguyễn Huệ đã tự đem quân ra Đàng Ngoài và đã chiếm giữ thành Thăng Long, ở rất lâu (45 ngày) nên vội vàng mang binh thân chinh ra Bắc.
“Hoàng Lê nhất thống chí” của họ Ngô có ông Ngô Thời Nhiệm làm quan Tây Sơn nên cuốn này viết “ca ngợi” Tây Sơn, nhưng sách cũng chép đoạn Thái Đức gặp vua Lê Chiêu Thống lợt nhách, hời hợt như nước (Tức là chúa Tây Sơn coi thường).
Thái Đức ra đến nơi, vua Lê Chiêu Thống thân hành ra đón ở cửa Nam. Nhà vua đứng bên trong cửa ô, sai hoàng thân là Thanh Nguyên hầu quỳ ở bên trái đường để chào và nói là có vua Lê ra đón. Tuy nhiên Thái Đức cứ thế đi qua cửa ô không đáp lễ, không gặp vua Lê, giục ngựa đi thẳng và cho một người quay lại nói rằng:
"Quả nhân thấy nhà vua lễ độ quá, sợ rằng nếu xa giá ở lại chậm trễ, hoặc giả làm phiền cho quý thể, phải quỳ lạy mệt nhọc, rồi quả nhân phải mang tiếng là thất lễ. Bởi thế, quả nhân phải vội vã đi ngay. Xin ngự giá hãy cứ về cung, ngày khác thong thả sẽ cùng gặp nhau".
Ngày hôm sau, mùng sáu tháng tám âm lịch, vua Thái Đức sai bày ở phủ đường của Nguyễn Huệ ba chỗ ngồi. Chính giữa kê sập của vua Thái Đức, bên trái là ghế của vua Chiêu Thống, bên phải là ghế của Nguyễn Huệ.
Rồi trong đêm 5-9-1786 Thái Đức Nguyễn Nhạc cùng Nguyễn Huệ đột ngột rút quân về Nam không hề vào cung từ biệt vua Lê.
Tây Sơn luôn “thả” cho Bắc Hà trong tình trạng xô bồ xô bộn, bất ổn chánh trị xã hội.
Sau khi Nguyễn Nhạc đột ngột về Nam thì ngoài Bắc vua Lê Chiêu Thống lúng túng khi trong tay không có cái gì để trị vì, ổn định xứ sở Bắc Hà. Thế lực Trịnh Bồng nổi lên, vua Chiêu Thống phải nhờ Nguyễn Hữu Chỉnh từ Nghệ An ra đánh dẹp.
Nguyễn Hữu Chỉnh bắt đầu chỉnh đốn, khôi phục, thiết lập quyền lực ổn định xứ Bắc Hà từ từ. Nhưng như vậy là không đúng kế hoạch "buông xứ Bắc” của Tây Sơn.
Thành ra cuối năm 1787 Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm, Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân đem quân ra Bắc lần thứ hai diệt trừ Nguyễn Hữu Chỉnh. Lê Chiêu Thống bỏ trốn qua Tàu.
Nhưng rồi Vũ Văn Nhậm có ý ổn định, nắm quyền mà Tây Sơn gọi là ”chuyên quyền” nên mùa hè năm 1788, Nguyễn Huệ đem quân ra Thăng Long lần thứ ba diệt trừ Vũ Văn Nhậm tại giường ngủ.
Ta có thể hiểu rằng, xứ Bắc cứ để vô chủ thì không sao, hễ ai có khả năng đứng lên cầm quyền thì sẽ bị Nguyễn Huệ dẹp.
-Thế tại sao sĩ phu Bắc Hà "ca ngợi" Nguyễn Huệ tận mây xanh? Nguyễn Huệ là anh hùng dân tộc vĩ đại của xứ Bắc?
"Ôi Nguyễn Huệ người anh hùng áo vải
Muôn chiến công, một chiến công dồn lại
Một tấm lòng, muôn vạn tấm lòng mang
Ngọn cờ vung, bao tính mệnh sẵn sàng
Người cất bước, cả non sông một dải
Vươn mình theo – dãy Hoành Sơn mê mải
(Vũ Hoàng Chương)
Thế làm sao chỉ hô biến cái,Nguyễn Huệ thành "thánh sống"?
Nguyên nhân dễ thấy, rõ lắm là để che đậy cái "sĩ hão" của dân xứ này, che đậy cái nhục thời cuộc, cái bất lực về thân phận của chính họ, vớt vát thể diện để che đậy một giai đoạn lịch sử Bắc Hà cuối Lê Trịnh rất u ám bằng cách họ nâng chiến công đánh Thanh lên của Nguyễn Huệ.
Hội chứng Stockholm
Tức là phong thánh cho chính kẻ đem quân ra Bắc Hà diệt họ Trịnh và bỏ mặc vua Lê sau khi hốt hết của kho, nhưng lại được sĩ phu Bắc Hà làm màu bằng cuộc hôn nhân cải lương giữa Nguyễn Huệ với Ngọc Hân.
Nguyễn Huệ được tôn sùng nhờ trận Đống Đa mùa Xuân Kỷ Dậu 1789 mà theo ca ngợi là Nguyễn Huệ chỉ trong một đêm phá tan hai mươi vạn (hai trăm ngàn ) quân Thanh.
Thư tịch Bắc Hà thì nói Tôn Sĩ Nghị đem qua 29 vạn quân, còn Tàu thì nói Tôn Sĩ Nghị đem 6.000 kỵ binh qua Việt Nam.
Tàu nói Tôn Sĩ Nghị đem 6.000 kỵ binh theo làm lễ thụ phong cho Lê Chiêu Thống nhưng đã bị Nguyễn Huệ đánh úp bất ngờ.
Còn sử Bắc Hà thì nói Thanh xâm lăng, và trận Đống Đa 1789 chỉ trong một đêm Nguyễn Huệ giết hai mươi vạn quân Thanh.
Sử liệu duy nhứt trận Đống Đa là của cuốn tiểu thuyết chương hồi “Hoàng Lê nhất thống chí “của Ngô gia văn phái thành ra cứ gây tranh cãi tới ngày nay về sự thực của trận này.
Rồi cách hành quân thần tốc đi bộ 20 tới 40 ngày từ Phú Xuân theo đường đèo, đường bộ ra Thăng Long mà sử gia ca ngợi cũng gây tranh cãi vì phi thực tế.
Nhiều cách thức đã được đưa ra để giải thích bao gồm võng, thuyền, voi, ngựa đều không làm sáng tỏ cái thực tế rằng không có cách nào hành quân nhanh như vậy.
Nói về ngoa ngữ, mồm mép, tráo chữ, nói thẳng là xạo thì không ai qua sĩ phu xứ Bắc. Họ nhảy xổ vào Nguyễn Huệ để nâng chiến thắng Đống Đa lên.
Trước 1954 ở Miền Nam không có vết tích gì của nhà Tây Sơn, sau 1954 người Bắc 54 đã mang thánh Nguyễn Huệ vào.
- Chắc gì Tây Sơn có lá cờ màu đỏ.
Hoàng Lê nhất thống chí có chép một khúc :“Ta mới chỉ quen gái Nam Hà, chưa biết con gái Bắc Hà, nay cũng nên thử một chuyến xem có tốt chăng?”
Đoạn trên nói về Nguyễn Huệ có cảm giác khi được gả Ngọc Hân, có vẻ là muốn "thử" Bắc Hà (??)
Chưa có ai biết rõ lá cờ của Tây Sơn ra làm sao. Tuy nhiên đó là cờ đỏ, người cộng sản đã làm ra lá cờ Tây Sơn nền đỏ có cái hình tròn vàng ở giữa cũng na ná cờ đỏ sao vàng ngày nay. Cờ Tây Sơn là cờ đỏ, tuy rằng có viền tua vàng.
Năm 1792, Quang Trung Hoàng Đế đột ngột qua đời. Người ta "tương truyền" rằng bà Ngọc Hân làm bài thơ "Ai tư vãn" khóc chồng.
Bài vãn này gồm 164 câu, viết theo thể song thất lục bát, trong bài có tả cờ :
"Từ cờ thắm trỏ vời cõi Bắc
Nghĩa tôn phù vằng vặc bóng dương
Rút dây vâng mệnh phụ hoàng
Thuyền lan chèo quế thuận đường vu quy
.....
Nghe trước có đấng vương Thang, Võ
Công nghiệp nhiều tuổi thọ thêm cao
Mà nay áo vải cờ đào
Giúp dân dựng nước xiết bao công trình !"
Thiệt ra chưa chắc bài vãn này của Ngọc Hân, không có chứng cớ nào khẳng định là của bà Ngọc Hân làm ra, ngôn ngữ rất hiện đại, có thể sau này của một "sĩ phu Bắc Hà" nào đó làm ra gán cho Ngọc Hân nhằm thần thánh hóa Nguyễn Huệ.
Thứ nhứt là bản nguyên gốc, bản Hán ngữ không hề có, chỉ có bản quốc ngữ.
Thứ hai là (như người cộng sản nói) vua Gia Long rất tàn bạo với Tây Sơn, Gia Long không chủ trương để lại cái gì của nhà Tây Sơn. Vậy bài thơ này sao có thể còn tồn tại?
Tuy nhiên, nhà sử học Hoàng Xuân Hãn trong"Chinh Phụ Ngâm Bị Khảo" nói bài này không phải của Ngọc Hân, bà công chúa không có khả năng là tác giả.
Nguyễn Huệ được gọi là “Anh hùng áo vải? Anh hùng áo vải ý nói từ dân nghèo, bình dân mà ngoi lên, nghe nặc mùi XHCN kiểu VN .
- Công Chúa Lê Ngọc Hân (1770-1799) có ngôi Bắc Cung Hoàng Hậu là bà vợ “chánh trị” mà thôi. Nguyễn Huệ có ít nhứt 7 bà vợ.
Bà lớn chánh thất tên Phạm Thị Liên năm 1788 được phong làm Chánh Cung Hoàng Hậu của Nguyễn Huệ.
Bà Phạm Thị Liên sanh cho Nguyễn Huệ 3 người con trai gồm Khang công Nguyễn Quang Thùy, con trai kế là Nguyễn Quang Bàn, Nguyễn Quang Toản.
Bà Phạm Thị Liên chết sớm, bà mất trước năm 1782 vì năm 1782 Nguyễn Huệ lấy bà Bùi Thị Nhạn.
Nguyễn Huệ rất thương bà Liên, truy tặng là “ Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục Nhu Thuần Hoàng Chánh Hậu”.
Bà vợ sau lên ngôi Chánh Cung Hoàng Hậu sau khi bà Liên qua đời là bà Bùi Thị Nhạn.
Bùi Thị Nhạn là con gái út của ông Bùi Đức Lương, một người rất giàu có ở thôn Xuân Hòa. Bà Nhạn là cô ruột của nữ tướng đô đốc Bùi Thị Xuân, là em gái của Thái sư Bùi Đắc Tuyên.
Bùi Thị Nhạn sanh bao nhiêu người con không rõ, nhưng có hai con trai là Nguyễn Quang Thiệu và Nguyễn Quang Hưng.
Nguyễn Huệ còn ít nhứt 5 bà vợ nữa, bà thứ ba là công chúa Lê Ngọc Hân được phong làm ”Bắc Cung Hoàng Hậu”, đây là người vợ chánh trị của ông.
Ngọc Hân qua đời 1799 tại Huế để lại hai con nhỏ và con của Ngọc Hân không được nối ngôi sau khi Nguyễn Huệ mất.
Nhà Tây Sơn không coi trọng các công chúa nhà Lê lắm, bằng chứng là Quang Toản chạy ra Bắc đã bỏ lại Hoàng Hậu của mình là bà Lê Thị Ngọc Bình, người sau đó trở thành Đức Phi của vua Gia Long.
Hình ảnh "cành đào Nhật Tân" gửi từ đất Bắc về Nam mùng 5 Tết Kỷ Dậu (30/01/1789) của Nguyễn Huệ cho công chúa Ngọc Hân là hình ảnh không có thiệt, nó chỉ xuất hiện sau này trong những tuồng chèo tuyên giáo của Trúc Đường.
"Hẳn nhớ Thăng Long hẳn nhớ đào
Mai vàng xứ Huế có khuây đâu
Đào phi theo ngựa về cung nhé
Nở cạnh đài gương sắc chiến bào"
(Chế Lan Viên)
- Tây Sơn có nền móng không chắc, cách họ vận hành trước sau cũng sụp đổ. Nguyễn Huệ không có một di sản nào tồn tại trong lòng dân Nam trừ trận Rạch Gầm-Xoài Hột, nhưng ác thay, tiến quân đánh Xiêm mà Nguyễn Huệ không quên hốt, vét Mỹ Tho sụm bà chè.
Trong thư tịch Nam Kỳ xưa không có dòng nào kể tên Nguyễn Huệ ngoài từ "cướp phá”. Thành ra không có một giai thoại, một dấu vết công trạng nào của Nguyễn Huệ trong Nam.
Phải nói là dân Nam Kỳ nhìn Nguyễn Huệ lợt nhách như nước lã, cái tên Đông Sơn của người MN đối chọi Tây Sơn là bằng chứng.
Ngày 7/9/1788 chúa Nguyễn Ánh có Võ Tánh mới chiếm thành Gia Định được làm Gia Định kinh, lúc này anh em Tây Sơn đã lục đục, Tây Sơn bắt đầu rạn nứt nội bộ.
Nhâm Tý 1792 Nguyễn Huệ đang sân sẩn bỗng hoa mắt, tối sầm mặt mũi, mê man bất tỉnh.
Nguyễn Huệ chết vào đêm 29 tháng 7 năm Nhâm Tý AL (Tức 16 tháng 9 năm 1792 ) ở ngôi 4 năm thọ 40t.
Khi sắp mất Quang Trung nói với cận thần : "Nếu ngày hôm nay Ta chết thì mai Hắn ắt ra, nếu mai Ta chết thì ngày sau Hắn ắt ra. Người còn sống, các ngươi hãy coi ".
Có giai thoại nói vầy:"Khi ta chết rồi, nội trong một tháng phải chôn cất, việc tang làm lao thảo thôi. Lũ ngươi nên hợp sức mà giúp Thái tử sớm thiên đô về Vĩnh Đô để khống chế thiên hạ. Bằng không quân Gia Định kéo đến thì các ngươi không có chỗ chôn thân!"
Ông Tạ Trí Đại Trường khẳng định rằng phong trào Tây Sơn “có bản chất quân phiệt và thi hành chế độ quân chính”. Tây Sơn đối xử với dân và nội bộ vô cùng tàn bạo.
Nhiều bạn thắc mắc tại sao quan của Tây Sơn toàn có chữ đô đốc ở trước. Thí dụ đô đốc Long, đô đốc Tuyết, đô đốc Bùi Thị Xuân. Đô đốc hay đề đốc (都督) là một chức quan võ của phong kiến xưa, hàm nhứt phẩm của hải quân.
Tại sao bà Bùi Thị Xuân đâu phải tướng hải quân, bà là tướng bộ binh, nhưng vẫn kêu là đô đốc?
Tây Sơn sau khi nổi lên, tràn từ núi xuống Qui Nhơn, giai đoạn này họ chơi với Tập Đình và Lý Tài là nhóm cướp biển Tàu Ô của Trung Hoa.
Cướp biển này huấn luyện binh cho họ và cứ thế mang hàm đô đốc cho hết tướng lãnh Tây Sơn.
Đám đô đốc này của Tây Sơn thực trị trong triều đình Tây Sơn, đám quan văn như Trần Văn Kỷ, Ngô Thời Nhiệm, Nguyễn Thiếp quyền hành yếu ớt luôn bị đám "võ biền" lấn áp.
Ngô Thời Nhiệm (1746- 1803) theo Tây Sơn, là nho gia ông theo giúp Tây Sơn về vặn trị. Thực ra với một bộ máy quân phiệt võ biền như Tây Sơn-ông Nhiệm chỉ là hoa lá cành trang trí.
Nguyễn Huệ cần ông Nhiệm để vỗ yên Bắc Hà. Tuy nhiên nội bộ Tây Sơn vẫn dè chừng ông Nhiệm “Bắc Hà”.
Năm 1788 Nguyễn Huệ “răn” các thuộc tướng quân phiệt của mình như sau :
“ Sở và Lân là nanh vuốt của ta, Dụng và Ngôn là tâm phúc của ta, Tuyết là cháu của ta, còn Nhiệm vừa là bề tôi vừa là khách của ta, lại là dòng văn học Bắc Hà, thông thạo việc đời. Nay ta giao cho các ngươi cả mười một trấn trong toàn hạt. Những việc quan trọng trong nước, đều cho tùy tiện mà làm. Mọi việc cùng nhau họp bàn ổn thỏa, chớ vì kẻ cũ người mới mà xa cách nhau….”.
Sau khi Nguyễn Huệ làm vua thì phong ông Nhiệm chức thượng thơ bộ binh, chức “tượng trưng’ vì thực ra ông Nhiệm chuyên lo việc văn thư, đi sứ. Sau khi Nguyễn Huệ chết thì ông Nhiệm lại bị đá ra rìa.
Không phát triển kinh tế, kinh tế không vững mà lại đánh hết trận này tới trận khác thì tất yếu sẽ bại vong nay mai.
Có nhiều người Việt mê Tây Sơn lý luận rằng chỉ cần Nguyễn Huệ sống thêm 10-20 năm nữa là đất nước ổn định.
Điều này là tàm xàm.
Một chế độ chánh trị phải có từ gốc tới ngọn hoàn chỉnh. Tây Sơn Nguyễn Huệ không không đưa ra một phương thức phát triển kinh tế xã hội nào, không có đường hướng để cai trị, một bộ máy chiến tranh và chỉ giỏi tới đâu "huy động" của dân tới đó chứ không thể làm nông nghiệp, xây dựng thương nghiệp.
Của cải trong dân cũng có giới hạn, lấy mãi cũng hết, thành ra Tây Sơn tiêu là điều ai cũng thấy.
Nguyễn Huệ không có tầm nhìn trong cai trị, chỉ đánh phá và "trưng thu". Nếu Nguyễn Huệ mà còn sống thì kết quả sẽ rất thảm khốc, sẽ bị Gia Long bắt như Quang Toản, nhẹ là chém đầu, nặng là lột da, tứ mã phanh thây.
Cái cách mà Tây Sơn bắt dân nuôi lính của họ, họ bắt lính trong dân, chiến dịch nào đi ngang qua là vét sạch đàn ông, có khi cả đàn bà.
Lúa gạo làm ra không đủ cho Tây Sơn "trưng dụng". Tây Sơn đi tới đâu phố xá banh chành tới đó, cướp bóc tới viên gạch. Hội An tan tành, Phố Hiến hoang tàn, Biên Hòa thành bình địa, Chợ Lớn thành sông máu, Mỹ Tho đại phố xác xơ …
Trong khi Nguyễn Ánh thì quy chuẩn hơn.
Quân Nguyễn chạy thì chạy, nhưng sau đó chiếm lại thì đặt bộ máy cai trị, trị an dân chúng, bắt đầu sản xuất lúa gạo, mở cảng làm ngoại thương liền.
Tây Sơn khinh đất Nam Kỳ, coi đây là đất ghẻ, đất để cướp bóc đem về Qui Nhơn mà thôi, trong khi Nguyễn Ánh thì coi Nam Kỳ là đất trung hưng.
Năm 1788, Nguyễn Ánh chiếm lại được Gia Định, năm 1790 chọn đất Sài Gòn làm kinh đô với tên Gia Định kinh, ông xây thành Quy tức thành Bát Quái - Phiên An.
Nguyễn Ánh khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp, làm đồn điền, quản lý dễ dãi, thuế má nhẹ nhàng nhằm đẩy mạnh việc khai khẩn đất hoang. Ông cũng khuyếch trương hoạt động ngoại thương bán buôn với ngoại quốc để kiếm tiền.
Gia Định thành “kinh đô” trù phú, giàu mạnh. Kết cuộc, ai giỏi làm kinh tế, ai giỏi nuôi dạy quân sẽ chiến thắng.
Quân đội Tây Sơn rất mạnh, ngoài chiến công đánh Xiêm, đánh Thanh ra, hạm đội hải quân mạnh nhất Biển Đông của họ không thể hiện được xác nhận chủ quyền gì về biển đảo của dân tộc.
Nói chung phong trào Tây Sơn không đủ thơi gian để xây dựng và phát triển, nó chỉ phụ vụ cuộc nội chiến rồi thôi.
Cá nhân Nguyễn Huệ là một hiện tượng lịch sử, làm tướng vang dội nhưng làm vua thì không giỏi cho lắm. Nếu Nguyễn Huệ giỏi đã không để lại cảnh xào xáo nội bộ sau khi chết, đã không có cảnh đem quân bao vây ông anh bức Nguyễn Nhạc phải khóc và một nền kinh tế lấy chiến tranh nuôi chiến tranh tới tàn lụn. Em không coi anh ra gì thì cháu coi bác cũng không ra gì, sau này mặc cho Nguyễn Nhạc khóc lóc, quân Phạm Công Hưng thời Quang Toản đã chiếm giữ luôn thành trì và tịch biên hết kho tàng, của cải làm Nguyễn Nhạc tức giận đến nỗi thổ huyết chết.
Nguyễn Huệ sáng chói hào quang nhưng sớm tắt, kiểu của Chế Bồng Nga.
Thành ra người Miền Nam tinh ý khi đặt tên đường Nguyễn Huệ ở Sài Gòn, một đại lộ rộng nhứt, nhưng ngắn ngủn và mang tên tục chứ không mang tên "Vua".

Tin liên quan: https://trithucvn.org/van-hoa/nha-tay-son-bai-long-nguoi-huong-ve-ai.html

Không có nhận xét nào: