Thứ Tư, 8 tháng 6, 2022

Gia đình bà hoàng hậu Nam Phương Nguyễn Hữu Thị Lan

 


Một gia đình điền chủ Miền Nam từ giàu sang tột bực đã thành quý tộc nhờ có con gái làm hoàng hậu.
Đây là tấm hình chụp gia đình bà hoàng hậu Nam Phương Nguyễn Hữu Thị Lan.
Tấm hình hiếm hoi toàn gia 4 người nhà ông Nguyễn Hữu Hào, bà Lê Thị Bình và hai con gái trong đó có Nam Phương Hoàng Hậu.
Bà Hoàng Hậu có khuôn mặt giống cha y thinh.
Ông bà Nguyễn Hữu Hào có hai người con gái: Gái lớn là cô Agnès, gả cho Nam tước Pierre Didelot là Khâm mạng hoàng triều cương thổ.
Út nữ là cô Mariette Jeannette Nguyễn Hữu Thị Lan, tức Nam Phương Hoàng hậu.
Ông Hào dân Đồng Sơn, Gò Công, xuất thân nhà Nguyễn Hữu giàu sang, ông du học bên Pháp, có bằng tú tài toàn phần. Ông Hào về Nam Kỳ là đại điền chủ, ông có đồn điền minh mông ở Nam Kỳ Lục Tỉnh. Ông có đồn điền cao su,trà và cafe ở Biên Hoà, Bà Rịa, Đà Lạt.
Về ruộng ông có đất ở Gò Công, Tân An và Rạch Giá. Tại xứ Long Mỹ, Vị Thanh lúc đó thuộc tỉnh Rạch Giá ông có 1000 mẫu điền.
Vợ ông Nguyễn Hữu Hào là bà Maria Lê Thị Bình là con gái ông Huyện Sĩ , người giàu nhứt Nam Kỳ thời đó.
Huyện Sĩ Lê Phát Đạt sanh được 4 đứa con. Con trai trưởng là Denis Lê Phát An, kế là trưởng nữ duy nhứt Lê Thị Bình, Lê Phát Vĩnh, Lê Phát Thanh.
Bà Maria Lê Thị Bình là mẹ của bà Nam Phương hoàng hậu.
Denis Lê Phát An (1868-1946) chính là cậu hai của bà Nam Phương, ông này giàu nhứt trong các con ông Huyện Sĩ.
Năm 1934 gả Nguyễn Hữu Thị Lan về làm dâu nhà Nguyễn, cậu hai Lê Phát An tặng cho cháu gái một triệu đồng tiền mặt làm của hồi môn ôm theo “dằn mặt” hoàng gia khi đó rất nghèo. Một triệu đồng Đông Dương lúc đó tương đương 20.000 lượng vàng.
Ông Vương Hồng Sển bàn vụ một triệu này như sau:
"... Bà Nam Phương đem tiền hồi môn về là một triệu đồng bạc mặt, do cậu ruột là ông Lê Phát An dâng tặng cho cháu gái.
Số tiền này thuở đó là khổng lồ, nếu so sánh với bạc hiện nay, thì số tỷ vẫn chưa vừa, vì tỷ phú ngày nay có hiếm, chớ như hồi năm một ngàn chín trăm hai mươi ngoài, đầu thế kỷ hai mươi, tờ giấy xăng (100$) có người trọn đời chưa từng thấy, và giàu bạc muôn, tức trong nhà có được mười ngàn, đã là giàu bạc nứt đố đổ vách”.
Ông bà Nam Kỳ xưa có câu ”Tiền muôn bạc vạn” chỉ sự giàu sang phú quới của những nhà giàu nứt vách đổ tường. Bạc muôn là từ 10.000, bạc vạn là trên 10.000 đồng.
Đồng tiền xưa rất mắc, năm 1925, một mẫu ruộng tốt ở Nam Kỳ có giá 50 đồng, có khi 80 đồng. Được xếp loại “đại điền chủ” thì gia đình đó phải có 50 mẫu ruộng trở lên, vị chi 50 mẫu điền x 50 đồng = 2.500 đồng bạc, hoặc 80 x 50 = 4.000 đồng bạc là gia tài của một đại điền chủ thấp nhứt. Năm 1930 Nam Kỳ có cả thảy 6.690 đại điền chủ có từ 50 mẫu đất trở lên.
Coi truyện Hồ Biểu Chánh ta thấy chưa có ông đại điền chủ nào có tiền mặt trong nhà quá 40.000 đồng.
Trong tiểu thuyết “Con nhà giàu” ta thấy cha mẹ cậu tư, ông bà Kế Hiền ở Chợ Gạo, một đại điền chủ có 500 mẫu điền chết để lại số tiền lớn tới 25.000 đồng trong tủ. Hồi xưa tiền có giá,chưa có danh từ tỷ phú như bây giờ,chỉ triệu phú là hết mức.Vậy số tiền một triệu đồng của cậu hai Denis Lê Phát An cho bà Nam Phương lớn không thể tưởng tượng.
Sau khi gả cô Lan cho Hoàng Đế Bảo Đại làm Hoàng Hậu thì hồi 1935 ông rể Bảo Đại phong cho cha vợ huân chương Long bội tinh hạng nhứt, tước Long Mỹ hầu, đặc ân phong cho cậu vợ Lê Phát An tước An Định Vương, tước hiệu cao quý nhứt của triều đình và chỉ phong cho các hoàng tử con hoàng đế.
Ngày 30-8-1937, Hoàng đế Bảo Đại phong cho ông Nguyễn Hữu Hào tước Long Mỹ Quận công khi ông nằm trên giường bịnh.
Vì chỉ hơn hai tuần sau Long Mỹ Quận công Nguyễn Hữu Hào qua đời ngày 13/9/1937, được an táng trên một ngọn đồi sát bên thác Cam Ly Đà Lạt.
Xưa rày ai cũng nói Nam Phương là người đẹp gốc Đồng Sơn Gò Công, nhưng ít ai nói tới thân mẫu bà hoàng hậu.
Bà Lê Thị Bình là con gái đầu của ông huyện hàm Lê Phát Đạt tức Huyện Sĩ và bà Huỳnh Thị Tài. Bà Lê Thị Bình được sanh ra tại làng Bình Lập tỉnh lỵ Tân An, lúc đó Huyện Sĩ làm thầy thông tại tòa bố Tân An. Ông Lê Phát Đạt đã phất lên, làm giàu từ đầu tư đất Tân An, thành ra ông đặt tên cho con gái đầu là Bình để ghi nhớ chữ làng Bình Lập của xứ Tân An.
Riêng bà Lê Thị Bình cũng là một đại điền chủ ruộng vườn cò bay thẳng cánh. Bà có một khuôn mặt khá hiền lành và phúc hậu
Bà Bình lấy ông Nguyễn Hữu Hào là một điền chủ Đồng Sơn Gò Công nhưng bà chưa bao giờ sống ở Đồng Sơn ngày nào, hai vợ chồng sống tại biệt thự Montjoye (Lạc Sơn) ở số 37 đường Taberd Sài Gòn sau là Nguyễn Du khúc Tao Đàn, nay là tòa lãnh sự quán Hàn Quốc. Hai ông bà có một biệt thự nữa ở Đà Lạt, sau cho Nam Phương mà nay là nhà bảo tàng Đà Lạt.
Ông Nguyễn Hữu Hào từ trần năm 1937 tại Đà Lạt ở tuổi 70, vài năm sau bà Bình mới từ trần, hai vợ chồng táng song song tại lăng mộ xây trên đồi cao tại khu suối Cam Ly.
Do không có con trai nên hai con gái của ông bà Nguyễn Hữu Hào đã xây mả và dựng bia cho cha mẹ, bà bá tước Didelot và bà Nam Phương đã đề bia cho cha mẹ mình bắt đầu bằng dòng chữ:
“ 鹿野之靈前江之英鍾之於人賢哲篤生”
(Lộc Dã chi linh, Tiền Giang chi anh, chung chi ư nhân, Hiền triết đốc sinh)
Tức là : Đồng Nai anh linh, Tiền Giang vượng khí, hun đúc nơi người, sanh đấng anh minh.
Trích một đoạn:
"Giữ thân đoan chánh, gặp buổi văn minh
Kiến thức sâu rộng, giàu lòng đạo đức, người đều ngưỡng mộ.
Lễ giáo gia truyền, đức lớn sanh ta.
Bệ son rợp ơn, dòng dõi vẻ vang.
Thiên tử ơn sâu, tấn phong Công tước.
Ước định khoản thư, bền với non sông.
Nhưng tuần bảy mươi, hóa cõi về trời.
Danh cao bất hủ, muôn đời còn ghi.
Ngắm trông núi hồ, mây trắng vời vợi.
Bên gò cảm xúc, gió thông vi vu.
Tưởng nhớ đức xưa, tinh thần bất diệt"
Chúng ta cũng không quên ông Nguyễn Hữu Hào bà Lê Thị Bình chỉ có 2 cô con gái.
Ngoài một triệu lận lưng khi lấy chồng, sau đó khi cha mẹ chết bà Nam Phương còn được chia một nửa gia tài của cha mẹ nên bà rất giàu.
Chưa có ai thống kê bà Nam Phương có trong tay bao nhiêu tiền. Nhưng có sách nói ông Bảo Đại hay xin tiền vợ xài. Sau 1947 qua Pháp lưu vong bà Nam Phương mua rất nhiều điền trang, đất đai bên Pháp.
Nam Phương rời khỏi VN vĩnh viễn từ 1947, bà chị sống bên Pháp không liên lạc về VN.
Hoàng Hậu đem các con lưu vong qua Pháp, thời gian đầu vợ chồng còn liên hệ, sau thời ông Diệm lên cầm quyền ở Nam Kỳ thì hầu như hai vợ chồng cựu hoàng “ly thân”.
Bà Hoàng Hậu chán ngán sự đời nên sống ẩn dật tại một điền trang nhỏ tên là “La Perche” ở làng Chabrignac, tỉnh Corrèze, một vùng quê hẻo lánh thuộc miền trung nước Pháp.
Bà mất ngày 14- 9-1963 do sốt cao lúc tròn 49 tuổi bên cạnh không có ai thân thích, tất nhiên là không có mặt chồng. Đám tang đơn sơ, thầm lặng như phận đời lưu vong của bà hoàng hậu VN sống gửi núm xương tàn nơi xứ người.
Mả Hoàng hậu thấp, rất đơn sơ, tấm bia đá hai mặt ghi chữ Hán và Pháp , mặt trước chữ Hán, mặt sau chữ Pháp.
Chữ Hán : 大南南芳皇后之陵 (Ðại Nam Nam Phương Hoàng Hậu Chi Lăng) có nghĩa là :Lăng mộ của bà Hoàng Hậu nước Đại Nam.
Mặt chữ Pháp : “ICI REPOSE L'IMPÉRATRICE D'ANNAM NÉE MARIE THÉRÈSE NGUYEN HUU THI LAN,”có nghĩa là : “Ðây là nơi an nghĩ của bà Hoàng Hậu An Nam tên là Marie Thérèse Nguyễn Hữu Thị Lan”.
Một gia tộc điền chủ từng tột bực của cải giàu sang và uy quyền.

Không có nhận xét nào: