Thứ Hai, 31 tháng 7, 2023

MỘT THỜI LỮNG LẪY ĐẤT HÀ THÀNH

 

Cô Tư Hồng năm 1915

Nguyễn Bá Đạm

 

      Cuối thế kỉ XIX, ở làng Thành Thị huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam, một ông phó lí có cô con gái xinh đẹp, tiếng lành đồn xa. Nhà vốn có nghề nấu rượu, nên ngày nào cô Trần Thị Lan cũng mang rượu đi bán ở các chợ xa gần khắp vùng quê.

      Năm 17 tuổi, cô Lan càng đẹp, không ngờ đã lọt vào mắt lão chánh tổng, người huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. Cô bị bố mẹ kế ép lấy chồng danh giá, đứng đầu một tổng. Cô khóc hết nước mắt, xin cha mẹ kế "Ép dầu, ép mỡ, ai nỡ ép duyên !". Nhưng cô bị quở mắng rằng “Cá không ăn muối cá ươn !". Không thế đành lòng lấy lão già còn chơi trống bỏi, một đêm mưa gió đầy trời, cô bỏ nhà, trốn xuống Nam Định, rồi qua bến phà Tân Đệ, đi tới Hải Phòng.

      Nơi đất khách quê người, không chịu ngồi yên, cô kiếm đôi quang gánh đi rong, khi bán rau, khi bán hoa quả. Thấy cô có nhan sắc, lại nhanh nhẹn, một chủ hiệu tạp hoá Hoa kiều còn trẻ tên là Hồng, đem lòng yêu và lấy cô làm vợ. Từ đó người ta gọi cô là thím Hồng. Âu cũng là cái duyên, cái số !

      Nhưng cảnh đời thật trở trêu. Chỉ ít lâu sau, chú Hồng vỡ nợ, phải trốn về Tàu, để thím sống bơ vơ một mình. Đêm đêm cô Lan chỉ còn biết khóc thầm, thương cho thân phận lỡ làng, lại nhớ cha, nhớ mẹ nơi đồng chiêm trũng đang buồn tủi vì mình.

      Giữa những ngày phòng không, gối chiếc lạnh lùng, một mụ me Tây, vợ tên quan ba Lavic lân la đến chơi, chuyện xa rồi chuyện gần, nói có nên lấy chồng Tây nhà binh, vừa nhiều tiền, vừa biết chiều vợ, chẳng phải làm gì vất vả. Đắn đo mãi, cô nhận lời. Từ đất Cảng, cô được mụ đưa lên chốn Hà Thành, giới thiệu với viên quan tư Garlan. Thấy cô gái chân quê xinh hơn nhiều cô gái đô thành, lại nhanh mồm nhanh miệng, hắn ưng ngay. Từ hôm lấy chồng Tây, cô có cái tên mới : cô Tư Hồng. Kể như thế cũng là may, bởi khối cô gái quê lấy chồng Tây nhà binh chỉ là lính trơn hoặc cai, đội. Còn cô, cô vớ được hẳn viên quan tư, không phải dễ.

      Sống ở đất thị thành, cô sinh khôn ngoan, muốn gây thanh thế. Chẳng lẽ chỉ là con một viên phó lí quê mùa, cô được vị tuần phủ Nhã, người làng Mọc Chính Kinh - nay là phường Nhân Chính nhận làm con nuôi. Ngược lại, cô cũng coi ông như bố đẻ, mỗi khi đau yếu, đều tới săn sóc chu đáo. Dù sao cũng là con nuôi ông tuần phủ, danh giá chán. Thời xưa, không ít người sống bằng hư danh như thế.

      Vào năm 1894, thực dân Pháp đang cải tạo lại Hà Nội. Nhiều hồ, ao, nhiều quãng sông bị lấp đi, một số tường thành cũng bị phá trụi để mở thêm đường phố mới. Dựa vào thế lực và vốn liếng của chồng, cô Tư Hồng đứng lên nhận thầu. Nhờ liên tiếp trúng thầu, cô trở thành bà chủ thầu khoán lúc nào không biết. Nghĩ đến quê hương chiêm khê, mùa thổi, cô cho người về làng mộ nhân công đưa lên làm.

      Gạch và đá ở tường thành Hà Nội phá ra, cô cho chở về làng Hội Vũ (nay là ngõ Hội Vũ). Như thế, gạch đá không phải mua, lại đỡ được tiền vận chuyển, chỉ cần mua thêm ngói, xi-măng, gỗ, ... là cô có thể xây được 9 gian nhà hai tầng và 1 biệt thự có vườn hoa, có hàng rào sắt - nay là ngôi nhà số 5-A ngõ Hội Vũ. Thời ấy, biệt thự này được coi là nguy nga, đồ sộ lắm rồi.

      Thấm thoát có vài năm, cô Tư Hồng đã trở nên giàu có, nổi tiếng khắp ba Kì. Tên cô đồn lẫy lừng cả hàng tổng, hàng huyện, khiến cha cô hởi lòng mát dạ, họ hàng cũng thơm lây.

      Bỗng miền Trung bị nạn lụt lớn. Nghe được tin này, cô nổi máu làm giàu, bèn tung người đi vơ vét gao các tỉnh Bắc Kì, rồi cho chở vào bán, nhất định một vốn bốn lời, vơ một món đậm. Nhưng sự thể xảy ra lại không đúng như giấc mộng vàng. Khi mấy thuyền chở gạo sắp cập bến thì bị nhà chức trách giữ lại hỏi. Biết đằng nào cũng mất, cô Tư Hồng nhanh trí biến báo :

      - Thưa các ngài, gạo tôi chở vào để phát chẩn cho đồng bào miền Trung bị lụt đó !

      Tin này bay nhanh vào triều đình Huế. Vua Thành Thái thấy một người đàn bà có lòng nhân ái, biết thương xót đồng bào máu đỏ, da vàng đang trong cơn hoạn nạn, bèn ra sắc phong cho hàm Tứ phẩm. Theo luật của triều đình, nếu con được sắc phong thì bố cũng được phẩm hàm Lạc Quyên Nghĩa Phụ. Một niềm vui bất ngờ, ông phó lí làng Thành Thị bỗng mở mày mở mặt vì cô con gái lấy Tây, đi buôn lậu, không những tránh được vòng tù tội, lại vinh quang hết mức, coi như bỏ tiền mua danh.

      Lĩnh sắc phong về nhà, ít ngày sau cô tổ chức ăn khao cả tuần lễ. Từ các quan ta : tổng đốc, tuần phủ, tri huyện đến các quan Tây : Công sứ, chủ kho bạc, chủ sét-ti, ... đều mang vợ đến nâng cốc sâm-panh để chúc mừng. Nhiều nhà doanh nghiệp lớn, trong đó có ông Bạch Thái Bưởi, cũng có mặt. Làng Hội Vũ tấp nập chưa từng thấy. Xe song mã, xe tứ mã, xe bánh cao su kéo tay, ô-tô, ... đỗ đầy cửa. Giờ đây, với cách giao thiệp rộng, tài xã giao giỏi, cô Tư Hồng nhanh chóng Âu hoá, biết bắt tay, nói “merci” với mấy câu tiếng Tây bồi, uống rượu Tây, hút thuốc lá thơm. Cuộc vui có cả tiếng đàn hát từ máy quay đĩa.

      Cụ Tam nguyên Yên Đổ Nguyễn Khuyến, tuy không tới dự, vẫn gửi mừng đôi câu đối :

                  Có tàn, có tán, có hương án thờ vua, danh giá vang lừng băm sáu tỉnh.

                  Này biển, này cờ, này sắc phong cho cụ, chị em hồ dễ mấy lăm người.

      Ông Trần Tán Bình, tuần phủ Hà Nam, cũng tặng đôi câu đối :

                  Tứ phẩm sắc phong hàm cụ lớn.

                  Trăm năm danh giá của bà to.

      Nhận được nhiều trướng và câu đối, cô Tư Hồng lấy làm hãnh diện, treo hết lên tường, muốn để khoe với mọi người. Cô có biết đâu trong các câu đối ấy chứa đầy sự mỉa mai, châm biến sâu sắc của các bậc túc nho.

      Đang giàu sang, sung sướng, ấm êm, bỗng cô lại gặp chuyện chẳng lành. Viên quan tư, chồng cô, phải về Pháp và không trở lại nữa. Cô căm giận hắn bỏ rơi cô và trả lời ngay cho hắn biết. Chỉ ít lâu sau, cô bước đi bước nữa. Lần thứ ba này, cô vẫn lấy Tây, nhưng là một ông cố đạo râu xồm, đã phá giới, kém cô đến mười tuổi. Thế mới biết cô vẫn còn xuân sắc và hiểu biết "Kĩ nghệ lấy Tây”. Song, ông trời sao khéo trêu người, ăn ở với cha phá giới mới được hơn một năm thì xảy ra đụng chạm với nhau về kinh tế, cô quyết định tự li hôn.

      Vài năm sau, cô ốm nặng, rồi qua đời. Đám tang của cô được đưa từ làng Hội Vũ đến khu nghĩa địa ở nhà thờ Hàng Bột, còn gọi là nhà thờ Soeur Antoine.

      Có người hỏi :

      - Sao một người đàn bà ba đời chồng, hết Tàu đến Tây, theo đạo Phật, không theo đạo Thiên Chúa, mà khi chết lại được chôn ở nghĩa địa của nhà thờ Hàng Bột ?

      Vì cô Tư Hồng lúc trước lấy quan tư nhà binh, sau lấy chồng theo đạo Thiên Chúa, đã bỏ tiền xây nhà thờ Hàng Bột, nên lúc nhắm mắt mới được bằng an dưới chân Chúa !

      Thật hay ! Chuyện cô Tư Hồng vừa bi, vừa hài, nửa đời, nửa đạo, được viết thành truyện, gây dư luận ở đất Hà Thành thời xưa.

         ( Trần Quang Dũng trích sách HÀ NỘI : NHỮNG CÂU CHUYỆN KỂ TỪ CUỐI THẾ KỶ XIX - XX - Nhà xuất bản Văn học năm 2010)

                       ***




Không có nhận xét nào: