Thứ Bảy, 28 tháng 10, 2023

Doanh nhân ư, cũng chỉ là cam vắt (kỳ 4)

 


Nói gì thì nói, trong khoảng 2 chục năm trở lại đây, sự đổi thay bề mặt ở đất nước này, chẳng hạn nhà cửa, đường sá, khu dân cư, nhà máy xí nghiệp, nơi du lịch… chủ yếu là nhờ doanh nhân, những nhà tư bản, nhà sản xuất kinh doanh nằm ngoài hệ thống nhà nước. Ngay cả công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người dân cũng chủ yếu dựa vào họ - nhà tư sản trong nước lẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Kể đâu xa, huyện Kiến Thụy (Hải Phòng) quê tôi là vùng quê thuần nông, tới cuối thập niên 90 càng tiến lên chủ nghĩa xã hội càng xơ xác tiêu điều. Ruộng đất ít, nông dân không việc làm, thanh niên nam nữ bỏ đi khắp nơi làm thuê làm mướn, cu li bốc vác, buôn thúng bán bưng lê la hè phố. Cuộc sống cực kỳ bấp bênh, bế tắc. May nhờ có những nhà tư bản cả trong và ngoài nước mở nhà máy xí nghiệp công ty sản xuất ven sông Đa Độ, khu chợ Hương, lối thông ra đường 14 cũ (nay là đường Phạm Văn Đồng đi Đồ Sơn) mà cả vạn thanh niên nông dân có việc làm, chăm chỉ lao động nên có thu nhập nuôi bản thân và gia đình. Không phải kiểu vô sản hóa như mấy ông hồi xưa, mà là công nhân hóa, nhờ doanh nhân nên sống được, chứ không phải nhờ chính quyền.

Thỉnh thoảng tôi về quê, cứ sáng sớm hoặc chiều tối, thấy từng đoàn, cả nghìn công nhân, nhiều nhất là nữ, lũ lượt đạp xe hoặc chạy xe máy trên đường, thương và cảm động, lòng thầm biết ơn những nhà tư bản. Họ không bóc lột bóc liếc gì hết, không như lý luận xưa nay của cộng sản, của chế độ xã hội chủ nghĩa, mà là cứu người, đem lại chút hạnh phúc dù còn nhỏ nhoi cho con người. Nhà cai trị hẳn cũng hiểu điều đó nhưng họ cứ lập lờ.

Đối với họ, kinh tế thì trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều cần thiết để duy trì chế độ, nhưng doanh nhân, tư sản cũng rất cần. Bây giờ với mấy chú tư sản đỏ hoặc hơi đo đỏ đang là idol của xứ này, chẳng ai dám nghĩ tới việc chê một câu chứ nói gì đánh. Đánh họ là phải tội, có khi đi tù.

Nhưng ngày xưa, mà nào có xa xôi gì cho cam, mới hơn 4 chục năm, ai dính tí tư sản thì lên bờ xuống ruộng, nhà nước đánh cho không còn đường sống. Thiếu gì cách kết tội. Ngay cả Tăng Minh Phụng cũng chết bởi "ai biểu giàu quá", dám làm tư sản, nhà nước kiếm vài cớ “sai phạm” (mà làm ăn trong buổi nhố nhăng tránh sao khỏi) nên toi cả mạng lẫn sự nghiệp. Dạng như Tăng Minh Phụng lúc này rất nhiều, điều xui của Phụng là “sinh bất phùng thời”, lại không có người chống lưng. Hồi năm 1990, con trai tôi học cùng lớp với con Phụng ở Trường tiểu học Minh Đạo (Q.5). Bất kỳ đóng góp nào cho lớp, Phụng tự nguyện gánh hết. Trường Minh Đạo nhờ có phụ huynh Phụng nên không phải lo chuyện tài chính tiền nong mỗi khi lễ lạt.
Có lần họp phụ huynh, đại gia Phụng kể với giáo nghèo tôi rằng ông đang nhận nuôi dưỡng 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng cho đến hết đời các mẹ. Đùng một cái, người ta diệt Phụng, bắt giam, xử án kinh tế, khép tội chết, lôi ra bắn. Cái chết của Phụng kéo theo sự sụp đổ của hệ thống làm ăn tư bản tư nhân đang có đà khởi sắc. Mà cũng chẳng biết sau đó nhà nước có “kế nghiệp” Phụng nuôi 5 bà mẹ kia đến hết đời không. Vụ Tăng Minh Phụng là tấn thảm kịch đâu chỉ của doanh nhân mà còn của chục nghìn công nhân từng sống được nhờ tài làm ăn của Phụng, nay Phụng chết, nhà máy đóng cửa, họ bị mất việc, mất luôn cả hiện tại và tương lai.

Bài học hơi gần là Trịnh Vĩnh Bình, còn có tên Bình Hà Lan. Bây giờ đi trên đường Trần Hưng Đạo quận 1, ngay sát "Sở Công an" hoành tráng hơn cả dinh toàn quyền, vẫn còn tòa nhà 9 - 10 tầng xây dở dang, gạch đã rêu phong của Bình Hà Lan, đang bị thi hành án, như một thứ chứng tích khốn nạn của công cuộc đánh tư sản man rợ. Cam để vắt nước uống, còn nếu không vắt được thì rục thùng rác. Doanh nhân sinh ra để nộp tiền, không chịu cúng thì tìm cách cho vào tù. Bình Hà Lan bây giờ mà vô tình gặp được trung tá Ngô Chí Đan thì không ai dám đảm bảo không xảy ra án mạng. (còn tiếp)

Nguyễn Thông

Không có nhận xét nào: