Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

NGUYỄN BÍNH ( Tiếp theo ) Quay đầu về thành Nam


 

Sau cơn bão táp Nhân Văn Giai Phẩm, Nguyễn Bính trở về Nam Định, sống quãng đời u ám còn lại như những người đã gắn bó với phong trào. Lỡ bước sang ngang lại một lần nữa trở về trong định mệnh của Nguyễn Bính:
Chị giờ sống cũng bằng không
Coi như chị đã sang sông đắm đò

Trên thực tế, Nguyễn Bính về Nam Định trước sau chỉ làm một nhân viên ngoài biên chế của Ty Văn hoá tỉnh, và ông Trưởng ty Chu Văn được giao đặc trách "chăm sóc" Nguyễn Bính, như Tô Hoài viết: "Những ai đã công tác cùng Nguyễn Bính ở Ty Văn hoá Nam Định có thể biết Chu Văn đã quần Nguyễn đến điều thế nào" ( Chiều chiều, sđd, tr.228 ).
Dù có thể là đáng tin cậy đến mức nào, "chứng từ " của Tô Hoài về Nguyễn Bính như trên vẫn là quá ít ỏi.
Chu Văn viết về Nguyễn Bính trong lời bạt của cuốn Tuyển tập Nguyễn Bính như sau: Nguyễn Bính về Nam Hà, tuổi gần năm mươi, gầy, đen, tóc cắt ngắn gần như trọc. Anh ăn mặc thật giản dị: một sơ mi nâu, một quần ka ki bạc màu, và đôi dép cao su. Toàn bộ hình thức ấy không gợi một vẻ gì một nhà thơ lớn trước - sau này người ta gọi là "thi nhân tiền chiến". Anh cười đôi mắt nâu, sắc sảo, ánh hơi lạnh, và nụ cười khô, hàm răng ám khói thuốc lào.
Chu Văn viết tiếp :
‘’Công việc làm thơ tuyên truyền. Thơ ca ngợi chiến thắng miến Nam. Thơ nói về sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Những Tập sáng tác Ty Văn hóa ngày ấy in ra, phát hành không thu tiền. Nguyễn Bính làm thơ phục vụ công cuộc đấu tranh chống Mỹ cứu nước.”

Mùa hè năm 1965. Giặc Mỹ leo thang ác liệt. Hôm trái bom đầu tiên rơi xuống ngoại thành Nam Định Bính vẫn còn ngồi trên gác uống trà và gật gù viết…Anh đi sơ tán với cơ quan, đội nón lá, khoác bị, cuốc bộ rất thoải mái. Và còn cả những bài thơ về những chuyện đi bộ và xe đạp. Không thấy anh tiếc gì quạt máy, đèn điện bao nhiêu. Kể ra thì đôi khi có than thở một chút về chuyện gian khổ:
Chồng ở Nhân nghĩa, vợ Nhân Hậu
Mười lăm cây số, đường độc đạo.”

Nhiều bài thơ, nhiều câu thơ của Nguyễn Bính đạt yêu cầu cao của công tác tuyên truyền, phản ánh không khí thời đại:
Cuộc họp về sau đều nhất trí
Bừng bừng khí thế bỗng dâng cao
Tất cả xã viên thành chiến sĩ
Quyết xông ra ruộng lập công đầu
( Quê ta thành phố dệt )

Ta đang sống buổi hừng đông dân tộc
Đường lên hạnh phúc ngát hoa tươi
Đế quốc Mỹ chiều tàn trên miệng vực
Dù điên cuồng lồng lộn cũng hoài hơi
( Buổi sáng lên đường )

Thật khác xa, một trời một vực với những câu thơ tình năm xưa của ông. Nhưng những câu thơ như thế, mang khí thế thời đại, được giải thi thơ báo Văn Nghệ, được đăng in mới là cứu cánh cho đời ông.
Cũng theo Tô Hoài Nguyễn Bính cũng mua được đất ở Thiện Vịnh, làm một căn nhà tranh, đưa vợ con về ở nhưng chẳng bao lâu lại bán nhà, lại gồng gánh ra tỉnh. Rồi vợ chồng ở phố cũng không yên, tam tứ phen chửi đánh nhau, vợ chồng xé đôi chiếc chăn đắp. Chuyện này vào tờ bướm của cơ quan, nghe đồn là do chính Chu Văn diễu.

Trong những năm ở Nam Định Nguyễn Bính dường như đã linh cảm về hậu vận của mình.
Trong cuốn Tuyển tập Nguyễn Bính in năm 1986, Chu Văn kể: Cuối năm 1965, nhằm chuẩn bị cho kỷ niệm 200 năm ngày sinh Nguyễn Du - người mà Nguyễn Bính vốn coi như "tổ sư" của mình trong lĩnh vực làm thơ (Nguyễn Bính chẳng phục nhà thơ nào, chỉ trừ... Nguyễn Du!), báo Xuân năm Bính Ngọ ra số đặc biệt với nhiều bài vở về Nguyễn Du (1966). Hôm duyệt bài báo Tết, Nguyễn Bính cười thật tươi, tay cầm một xấp giấy mỏng, khoe: "Chỉ trong một đêm, tôi đã viết được một bài tập Kiều, vịnh cụ Tiên Điền". Nguyễn Bính không cho ai xem mà chờ cho đến lúc đông đủ anh em mới trịnh trọng giở những trang giấy được viết thật công phu, chữ đẹp như xếp, rồi hắng giọng ngân nga: "Kính tặng cụ Nguyễn Du và Truyện Kiều":
Cảo thơm lần giở trước đèn
Là nhiều vàng đá, phải tìm trăng hoa
Trăm năm trong cõi người ta
Một thiên tuyệt bút gọi là để sau
Khen tài nhả ngọc phun châu
Mười lăm năm ấy biết bao nhiêu tình
Mấy lời ký chú đinh ninh
Rằng tài nên trọng, mà tình nên thương
Khen rằng giá đáng Thịnh Đường
Thì treo giải nhất, chi nhường cho ai
Gẫm âu người ấy, báu này
Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào
Nặng vì chút nghĩa xưa sau
Mà cho thiên hạ trông vào cũng hay
Thương vui bởi tại lòng này
Tan sương đầu ngõ, vén mây cuối trời
Lòng thơ lai láng bồi hồi
Tưởng người nên lại thấy người về đây...

Cả hội đồng duyệt bài số báo Tết hôm ấy, cùng lặng đi. Một bài tập Kiều thật hay. Nhưng nghe ra... đây tuy đề là tặng cụ Tiên Điền mà sao cứ như tâm sự của Nguyễn Bính, tổng kết cái cuộc đời thơ tài hoa long đong lận đận về... Những câu sau cùng, sao mà nó sái quá. Một lời là một vận vào khó nghe. Nguyễn Bính cười trừ: "Các ông mê tín! Cứ hay là được rồi. Tôi xin nộp bài này. Một câu một chữ không sửa!"...
... Mùng sáu tháng giêng ta, tôi lên Hội Nhà văn thông báo về việc anh Bính mất. Gặp Tô Hoài, cũng ngậm ngùi nói chuyện về người bạn mới mất. Sau đó, tôi tìm đến nhà Trần Lê Văn. Nghe tin Bính mất, Trần Lê Văn tròn xoe mắt kinh ngạc: "Bính chết thật ư? Bao giờ?". "Ba mươi Tết, trước giao thừa". Trần Lê Văn bỗng xịu mặt, đấm vào đùi bình bịch: "Biết mà! Biết mà! Chết trước mồng một, đã lường thấy từ bao giờ". Tôi gặng hỏi: "Sao anh lại nói vậy?". Trần Lê Văn nói như gắt: "Ô kìa! Năm mới tháng giêng mồng một Tết. Còn nguyên vẹn cả một mùa xuân", rồi "... Giờ đây chín vạn bông hoa nở/Riêng có tình ta khép lại thôi". Nó để mùa xuân nguyên vẹn cho người. Nó đi mà". Tôi sực nhớ bài tập Kiều Lời lời lệ sa máu rỏ đăng trân trọng trong số báo Tết. Ôi, thương quá! Chẳng lẽ trong thơ có quỷ, có ma thật chăng?!...
Hầu như ai cũng biết rằng nhà thơ Nguyễn Bính qua đời vào một ngày giáp Tết Bính Ngọ (1966), chính xác là ngày 29 Tết (tháng chạp này không có ngày 30). Tuy nhiên, kể về cái chết của ông thì mỗi người nói một kiểu, không thống nhất.
Theo nhà văn Vũ Bão, người bạn thân thiết với Nguyễn Bính ở Ty Văn hóa Hà Nam và là người hỏi những người chứng kiến sự ra đi của Nguyễn Bính sớm nhất (mùng 4 tết) ông đã kể lại như sau:
Khi làm báo Hà Nam, tôi và Nguyễn Bính có một người bạn chung tên là Đỗ Văn Hứa, người thôn Mạc Hạ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Anh này làm nghề bốc thuốc Đông y nhưng cũng viết báo, làm thơ, lấy bút hiệu là Tân Thanh. Đặc biệt, anh rất yêu thích thơ Nguyễn Bính nên mỗi lần về Ty Văn hóa Hà Nam họp, Tân Thanh lại khẩn khoản mời Nguyễn Bính về nhà mình chơi. Được cái cô Sang - vợ Tân Thanh - là người rất mến khách, mỗi lần chúng tôi về nhà là cô tiếp đón niềm nở... Mùng 4 Tết tôi mới được nghỉ, đạp xe đi thăm đây đó... 10 giờ ngày mùng 4 Tết, tôi tới nhà Tân Thanh ở Mạc Hạ. Vừa nhìn thấy tôi dắt xe đạp vào trong sân, cô Sang đã nói ngay: "Bác Vũ ơi, bác Bính mất rồi!". Tôi đứng sững lại: "Ai nói với cô?". Cô Sang nói tiếp: "Tuần trước, bác ấy đạp xe về nhà em. Trời trở gió, vừa vào tới nhà, bác ấy đã bảo nhà em đưa bác đi bệnh viện. Thời may, bệnh viện huyện lại sơ tán ngay xã em. Bác ấy bị thổ ra máu. Nằm ở bệnh viện huyện 3 ngày, sức khỏe hơi đỡ, lại về nhà em lấy xe đạp tính về Đại Hoàng ăn tết với vợ con. Hôm ấy đã là 29 Tết rồi. Thấy bác còn mệt, chúng em sợ bác không đủ sức về tận Đại Hoàng nên cố giữ bác lại ăn Tết cùng chúng em... Sáng sớm 30, nhà em tính sang chỗ hàng xóm chia thịt lợn mang về cái đùi và một ít lòng, tiết canh để hai anh em ăn cơm. Bác Bính bảo nhà em cứ ở nhà ăn với bác bát cơm cái đã. Nể bác, nhà em ngồi nán lại ăn cơm. Bác Bính có thói quen ăn xong là đi rửa tay. Bác vắt khăn lên vai, lò dò bước xuống cầu ao. Bỗng chúng em nghe tiếng bác gọi "Tân Thanh!". Nhà em chạy vội ra sân, thấy bác Bính đang gục xuống bên gốc mít, cạnh hố vôi. Nhà em xốc bác lên, tựa người bác vào ngực mình. Miệng bác đầy máu, bác thổ ra huyết. Nhà em chạy đi gọi anh Huê và anh Đáp, nhờ họ cáng bác lên bệnh viện gấp. Y sĩ khám cho bác ấy xong mới cho nhà em biết bác ấy mất rồi. Nhà em ra bưu điện huyện gọi điện báo tin cho bác Trúc Đường và Ty Văn hóa...
Nhà thơ Hoài Anh kể với Phạm Chu Sa: Tết năm Bính Ngọ (1966), Hoài Anh về quê ăn tết. Ngày mùng 3 tết, ông từ quê đi theo sông Châu Giang lên thăm một người quen tên Hứa, tức Tân Thanh ở thôn Mạc Hạ, xã Công Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Ông Hứa là Đông y sĩ nhưng mê văn chương, cũng có viết văn, làm thơ đăng báo, là một người rất yêu thơ Nguyễn Bính, tính tình rất hào phóng, thường giúp đỡ tiền bạc cho Nguyễn Bính khi khó khăn. Khi Hoài Anh vừa đến nơi, ông Hứa cho biết Nguyễn Bính mới mất sáng 30 tết (thật ra là 29 nhưng tháng Chạp thiếu, coi như 30). Ông ngậm ngùi kể lại: Hôm đó Nguyễn Bính mới ở bệnh viện về ghé qua nơi cơ quan Ty Văn hóa Nam Hà sơ tán ở xã Nhân Nghĩa, huyện Lý Nhân vay tiền về quê ăn tết. Đến nơi thì anh chị em trong cơ quan đã về hết, ông bèn lên Mạc Hạ vay tiền ông Hứa. Nguyễn Bính đến lúc ông Hứa vừa đi chia thịt lợn về, ông bèn đánh tiết canh, luộc lòng và dồi mời Nguyễn Bính uống rượu. Ăn uống xong, Nguyễn Bính ra cầu ao rửa miệng, trượt chân ngã xuống ao, bị trúng lạnh. Vớt lên, người ông lạnh run, tím tái và ói ra máu. Ông Hứa chạy quanh xóm tìm mãi mới có hai người giúp cáng nhà thơ đến trạm xá. Nhưng khi cáng đến Cầu Họ thì Nguyễn Bính qua đời nên phải an táng ông tại nghĩa trang gần Cầu Họ ngay chiều hôm đó. Đó là ngày cuối cùng năm 49 tuổi ta của Nguyễn Bính.
Hoài Anh vội về Hà Nội báo tin dữ cho Xuân Diệu và Tô Hoài. Hội Nhà văn họp, cử nhà thơ Yến Lan (đồng tác giả kịch thơ Bóng giai nhân viết chung với Nguyễn Bính, xuất bản năm 1942) xuống Nam Hà viếng Nguyễn Bính. Đêm đó Hoài Anh làm bài thơ khóc Nguyễn Bính. Hoài Anh đọc cho tôi nghe, tôi còn nhớ mấy câu rất ngậm ngùi: Anh ngã xuống lòng ao nước nông/ Ôi trời! Lạnh thế, gió mùa đông…/ Đồng quê man mác trang anh viết/ Một cánh buồm nâu thở phập phồng…”.
Một người bạn khác, nhà báo Nguyễn Thế Vinh ở báo Hà Nam kể:
Khi làm báo Hà Nam, tôi và Nguyễn Bính có một người bạn chung tên là Đỗ Văn Hứa, người thôn Mạc Hạ, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam. Anh này làm nghề bốc thuốc Đông y nhưng cũng viết báo, làm thơ, lấy bút hiệu là Tân Thanh. Đặc biệt, anh rất yêu thích thơ Nguyễn Bính nên mỗi lần về Ty Văn hóa Hà Nam họp, Tân Thanh lại khẩn khoản mời Nguyễn Bính về nhà mình chơi.
Được cái cô Sang – vợ Tân Thanh – là người rất mến khách, mỗi lần chúng tôi về nhà là cô tiếp đón niềm nở… Mùng 4 Tết tôi mới được nghỉ, đạp xe đi thăm đây đó… 10 giờ ngày mùng 4 Tết, tôi tới nhà Tân Thanh ở Mạc Hạ. Vừa nhìn thấy tôi dắt xe đạp vào trong sân, cô Sang đã nói ngay: “Bác Vũ ơi, bác Bính mất rồi!”. Tôi đứng sững lại: “Ai nói với cô?”. Cô Sang nói tiếp: “Tuần trước, bác ấy đạp xe về nhà em. Trời trở gió, vừa vào tới nhà, bác ấy đã bảo nhà em đưa bác đi bệnh viện. Thời may, bệnh viện huyện lại sơ tán ngay xã em. Bác ấy bị thổ ra máu. Nằm ở bệnh viện huyện 3 ngày, sức khỏe hơi đỡ, lại về nhà em lấy xe đạp tính về Đại Hoàng ăn tết với vợ con. Hôm ấy đã là 29 Tết rồi. Thấy bác còn mệt, chúng em sợ bác không đủ sức về tận Đại Hoàng nên cố giữ bác lại ăn Tết cùng chúng em… Sáng sớm 30, nhà em tính sang chỗ hàng xóm chia thịt lợn mang về cái đùi và một ít lòng, tiết canh để hai anh em ăn cơm. Bác Bính bảo nhà em cứ ở nhà ăn với bác bát cơm cái đã. Nể bác, nhà em ngồi nán lại ăn cơm. Bác Bính có thói quen ăn xong là đi rửa tay. Bác vắt khăn lên vai, lò dò bước xuống cầu ao. Bỗng chúng em nghe tiếng bác gọi “Tân Thanh!”. Nhà em chạy vội ra sân, thấy bác Bính đang gục xuống bên gốc mít, cạnh hố vôi. Nhà em xốc bác lên, tựa người bác vào ngực mình. Miệng bác đầy máu, bác thổ ra huyết. Nhà em chạy đi gọi anh Huê và anh Đáp, nhờ họ cáng bác lên bệnh viện gấp. Y sĩ khám cho bác ấy xong mới cho nhà em biết bác ấy mất rồi. Nhà em ra bưu điện huyện gọi điện báo tin cho bác Trúc Đường và Ty Văn hóa…
Đây cũng là một sự lạ đối với nhà thơ lừng danh chân quê. Ngay trong Từ đường của gia đình Nguyễn Bính, có treo một bài thơ dài của Nguyễn Thế Vinh, viết về chuyện này, trong đó có câu:
Một lần chết – bốn lần đưa
Tóc tang mấy độ cho vừa văn nhân…
Quả đúng vậy, nhà thơ mất đúng vào ngày Tết, năm 1966, lại đúng vào thời kỳ chiến tranh, nhiều người về quê hay đi sơ tán, nên đám tang ông cũng không có mấy ai. Người ta tạm chôn cất ông tại nghĩa trang Cầu Họ, cây số 13, đường 10, ngoại thành Nam Định.
Phần mộ của Nguyễn Bính sau này khi hợp nhất ba tỉnh thành Hà Nam Ninh, được chuyển về nghĩa trang Tam Điệp, Ninh Bình. Mọi chuyện tưởng thế là mồ yên sau cuộc di chuyển mộ lần thứ hai. Nhưng vì quá xa xôi, việc thăm nom, chăm sóc mộ chí ngày giỗ tết hết sức khó khăn, nên gia đình kiến nghị di chuyển hài cốt nhà thơ Nguyễn Bính về quê, đặt tại cánh đồng Mả Quan, cạnh mộ ông nội.
Đó là lần thứ ba. Bởi lẽ không hiểu xuất phát từ đâu mà gia đình ông lại xin chính quyền địa phương cho di mộ nhà thơ về ngay chính trên vườn nhà, nơi ông được sinh thành. Thêm một sự lạ, bởi lẽ đây là một ngôi mộ danh nhân, có một không hai, được chôn cất ngay tại giữa làng. Đúng là “quá tam” đã thành bốn lần, ngôi mộ nhà thơ Nguyễn Bính mới được bình yên.
Nguyễn Bính và Lê Duẩn
Bài viết của Phạm Chu Sa:
Nhà thơ Trần Bạch Đặng kể rằng hồi kháng chiến chống Pháp, trong một đêm không trăng giữa năm 1947, ông và Bí thư xứ ủy Nam Bộ Lê Duẩn cùng đi công tác bằng thuyền trên Đồng Tháp Mười. Ông Lê Duẩn nằm trong khoang thuyền, còn ông ngồi ở mũi thuyền. Buồn buồn ông đọc bài thơ Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính:
Em ơi em ở lại nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương
Mẹ già một nắng hai sương
Chị đi mỗi bước trăm đường xót xa...
Nghe đến giữa bài thơ, ông Lê Duẩn chợt bật dậy, ra khỏi khoang, đến ngồi bên Trần Bạch Đằng hỏi: "Thơ ai mà hay thế cậu?". Trần Bạch Đằng trả lời đó là thơ của nhà thơ Nguyễn Bính. Lê Duẩn lại hỏi Trần Bạch Đằng: "Nghe nói Nguyễn Bính vào Nam Bộ đã mấy năm, cậu có biết giờ Nguyễn Bính ở đâu không?". Trần Bạch Đằng cho Bí thư xứ ủy biết Nguyễn Bính đang ở Hà Tiên, trong vùng kháng chiến, nhưng đang bị chính phủ Nam Kỳ tự trị của Nguyễn Văn Thinh tìm cách chiêu hồi.
Lê Duẩn nghe kể liền nói với Trần Bạch Đằng bàn với anh em tìm cách đưa Nguyễn Bính về với Xứ ủy.
Ông Lê Duẩn rất vui khi đón được Nguyễn Bính về với Xứ ủy, ông cũng nói với anh chị em lãnh đạo văn nghệ xứ ủy quan tâm đến tác giả Lỡ bước sang ngang để ông gắn bó lâu dài, phục vụ tốt nhất cho kháng chiến. Để Nguyễn Bính yên tâm theo kháng chiến, ông Lê Duẩn đã làm mối cho Nguyễn Bính với bà Nguyễn Hồng Châu, một nữ nhà báo dòng dõi trí thức lớn ở chiến khu, một nữ Đảng viên xinh đẹp. Chính Lê Duẩn trực tiếp đứng ra làm chủ hôn đám cưới của cặp trai tài gái sắc này.
Được sự quan tâm của nhà lãnh đạo kháng chiến cao nhất, các cơ quan Xứ ủy và anh chị em văn nghệ sĩ Nam bộ, Nguyễn Bính đã say sưa sáng tác phục vụ kháng chiến, trở thành nhà thơ lớn nhất của Nam Bộ kháng chiến, được coi là "Tố Hữu của bưng biền Nam Bộ". Hàng chục bài thơ kháng chiến của ông đã ra đời được quân dân Nam Bộ yêu thích, truyền tụng rộng rãi, nhất là các bài Đồng Tháp Mười, Ông lão mài gươm, Tiểu Đoàn 307 (đã được nhạc sĩ Nguyễn Hữu Trí phổ nhạc thành bài hát rất nổi tiếng), Máu chảy trên đường phố, Những người của ngày mai...
Sau một thời gian chung sống, cặp vợ chồng Nguyễn Bính - Nguyễn Hồng Châu xảy ra nhiều xung khắc, đổ vỡ. Khi bà Nguyễn Hồng Châu sắp sinh con gái Nguyễn Bính Hồng Cầu, Nguyễn Bính bất ngờ xin ly hôn. Không biết ông trình bày những gì với Lê Duẩn mà Bí thứ Xứ ủy chấp thuận để chính quyền kháng chiến ký giấy chính thức cho ông ly hôn. Đây thật là một bí ẩn ở lãnh tụ cộng sản Lê Duẩn. Người đồng ý cho Nguyễn Bính ly hôn với người vợ Đảng viên cộng sản cũng là người cấm không cho phổ biến đường lối văn nghệ Diên An của Mao Trạch Đông và kiên quyết không thực hiện cải cách ruộng đất theo kiểu Trung Quốc tại Nam Bộ.
Ít lâu sau khi ly hôn, Nguyễn Bính đã về Bến Tre( có người nói là Cà Mau) cưới chính thức một người vợ mới là cô gái quê Mai Thị Mới, rồi có một con gái nữa tên là Nguyễn Hương Mai sau đứa con với bà Nguyễn Hồng Châu là Nguyễn Bính Hồng Cầu.
Cuối năm 1954, Nguyễn Bính tập kết ra Bắc theo tiêu chuẩn cán bộ miền Nam tập kết. Ông được trở về quê cũ nhưng lại xa quê mới, nơi ông có những hai người vợ và hai đứa con. Tâm trạng "ngày Bắc đêm Nam" (thơ Tế Hanh) làm nên những bài thơ xứng đáng lọt vào top những bài thơ hay nhất của Nguyễn Bính như Đêm sao sáng, Gửi người vợ miền Nam, Xuân nhớ. Hai bài Đêm sao sáng, Gửi người vợ miền Nam đã quá nổi tiếng, được nhiều người thuộc, nên xin đưa lên đây toàn văn bài thơ Xuân nhớ, bài thơ ít người được biết:
XUÂN NHỚ
Rộn rã xuân về giữa thủ đô
Hồn đơn gác lẻ đón giao thừa
Nhà ai hàng xóm khoe màu cúc
Vườn cũ mai vàng biết nở chưa?
Câu thơ đứt giữa lòng trang giấy
Mắt rượu mờ trông mái tóc thề
Đất Bắc phải đâu là đất khách
Sao lòng mãi nặng mối tình quê
Ngày muộn mẹ già hong tóc trắng
Khác nào mây núi đỉnh Trường Sơn
Mẹ ơi giữ lấy vườn mai nhé
Cho trải vàng xuân đẹp bước con.
Các bài thơ như rứt ruột gan mà viết này cho thấy 9 năm kháng chiến ở Nam Bộ và miền Nam bây giờ quan trọng thế nào với Nguyễn Bính.
Thật tiếc khi không có tài liệu nào về mối quan hệ của Nguyễn Bính với Lê Duẩn. Vào cuối tháng 4 năm 1957, Lê Duẩn đã được Bộ Chính trị và Chủ tịch Hồ Chí Minh điều ra Hà Nội. Ông vào Ban Bí thư Trung ương Đảng, chủ trì công việc của Ban Bí thư và là Phó Ban chuẩn bị văn kiện Đại hội toàn quốc lần thứ III của Đảng. làm Bí thư thứ nhất Đảng Lao động VN từ năm 1960 .
Không lẽ khi ra Bắc, Lê Duẩn không còn nhớ gì tới nhà thơ ông hết sức yêu mến thời Nam Bộ kháng chiến giờ đang bị hoạn nạn...
Số phận tác phẩm
Số phận Nguyễn Bính để lại nhiều u hoài, và càng đáng tiếc khi ông chết quá sớm. Không khí chiến tranh lúc đó đang rất căng thẳng ác liệt làm mọi người ít có điều kiện nghĩ ngợi và bày tỏ lòng thương xót. Nhiều nhà văn cùng trang lứa với ông, cùng hoàn cảnh như ông nhờ sống dai hơn mà vẫn còn viết tiếp được và được hưởng thành quả đổi mới.
Về Xuân Diệu, điều đáng trách nhất ở ông, là trong thời kỳ Nhân Văn Giai Phẩm, Xuân Diệu đã viết bài mạ lỵ Lê Đạt, tố cáo Văn Cao và riêng đối với Nguyễn Bính cư xử rất tàn tệ. Lại Nguyên Ân, trong bài nghiên cứu, tựa đề:“Xuân Diệu trong những năm 1954-58”, cho biết: “Tác phẩm mới (1969-1976) mà Xuân Diệu là một trong số vài ba nhân vật chủ chốt cầm lái, đã hầu như không nhắc gì đến Nguyễn Bính, đã làm như không hề có Nguyễn Bính trong nền thơ Việt thế kỷ XX (...) Phải nhờ có dư luận văn nghệ miền Nam nhắc nhở, tên tuổi Nguyễn Bính mới được sống lại với công chúng miền Bắc từ 1986”.
Mãi đến 1-1986 hai mươi năm sau cái chết của Nguyễn Bính Tuyển tập Nguyễn Bính mới được Nhà xuất bản Văn học phát hành, đích thân Tô Hoài viết giới thiệu và Chu Văn viết lời bạt. Sách in với số lượng 40.500 cuốn.
Sau đó việc in bài viết về Nguyễn Bính và tuyển tập của ông trở lại bình thường.
Sách của Nguyễn Bính được in nhiều bản và bán rất chạy, gây ra một hiện tượng sốt về thơ Nguyễn Bính.
Tháng 9-2017 con gái đầu của ông nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu đã hoàn thành bộ sách toàn tập cho ông sau 20 năm bỏ công sưu tầm.
Bộ sách "Nguyễn Bính Toàn Tập" gồm 2 tập, được chia thành nhiều phần như: Cuốn 1: Phần I: Thơ in trước 1945, Phần II Thơ in sau 1945, Phần III Truyện thơ và Trường ca. Cuốn 2: Phần I: Kịch Thơ, Phần II Văn xuôi, Phần III Nguyễn Bính trong ký ức bạn bè, Giai Thoại và những bài thơ và ca dao Nam bộ kháng chiến...
Con gái Nguyễn Bính chia sẻ:
Sau này đất nước thống nhất, phải ba lần bốn lượt phần mộ ông mới được về vườn quê. Nhưng tác phẩm của ông, cái phần hồn của nhà thơ thì nằm tản mát khắp mọi miền đất nước. Bản được in trong các tập sách báo qua các thời kỳ tìm lại đã khó, nhưng còn khó hơn là bao nhiêu bài thơ, giai thoại còn lưu giữ trong lòng bạn bè tứ xứ.
Bổn phận làm con, chúng tôi luôn băn khoăn day dứt, muốn làm một điều gì đó để phần nào an ủi hương hồn cha tôi, một đời người, một đời thơ có quá nhiều gian nan, trắc trở".
"Cuộc đời cha tôi cũng không biết trọn vẹn hay không trọn vẹn, nhưng tác phẩm của người không chỉ được lưu giữ trong các ấn phẩm mà còn lưu lại trong lòng bạn đọc nhiều thế hệ. Tập sách này dẫu ao ước là toàn tập vẫn chưa tập hợp hết những sáng tác của người.
Nguyễn Bính được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt II năm 2000.
Hà Nội tháng 11-2023

Không có nhận xét nào: