Thứ Tư, 19 tháng 6, 2024

VÌ SAO LIÊN XÔ SỤP ĐỔ


 

Viết nhân 30 năm ngày Liên Xô sụp đổ 25-12-1991 – 25-12-2021
Lê Phú Khải
Ngày 22-8-1991, Goocbachôp đang bị giam lỏng ở khu nghỉ mát Krym đã về Matxcơva nắm lại quyền tổng thống và tuyên bố từ chức Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô, yêu cầu Ban chấp hành trung ương Đảng giải thể.

Ngày 25-12-1991, Tổng thống Liên Xô Goocbachôp từ chức và bàn giao mật mã kích hoạt tên lửa hạt nhân của Xô Viết cho Tổng thống Nga Boris Yelsin vào 7 giờ 30 phút tối cùng ngày. Liên Xô chính thức chấm dứt tồn tại vào ngày 26-12-1991 bởi tuyên bố số 1420-H của Hội đồng Tối cao Liên bang Xô Viết, công nhận quyền độc lập của 12 nước cộng hoà còn lại.

Liên Xô tan rã sau 74 năm đã khiến nhiều người cộng sản trên thế giới chết lặng trong đau đớn bàng hoàng, trong đó có những người cộng sản Việt Nam!

Liên Xô là đất nước có nhiều nhà bác học nhất thế giới, ¼ các nhà bác học thế giới là của Liên Xô. Liên Xô có tiềm năng khoa học kỹ thuật rất lớn, đã đạt đỉnh cao về vật lý hạt nhân, cơ học lượng tử, chinh phục vũ trụ. Đất nước có nhiều nhà bác học nhất thế giới đó, lại không có trí thức! Hay nói đúng hơn là không có tầng lớp trí thức, không có tầng lớp tinh hoa có khả năng “đánh thức không cho xã hội ngủ” (Cao Huy Thuần). Dưới chế độ độc tài, Liên Xô chỉ có một lớp người “thông minh, béo tốt và dễ bảo” như lời chị Irina – Trưởng ban Việt ngữ Đài phát thanh đối ngoại Matxcơva – nói với tôi vào lúc đó, tức tháng 3 năm 1991 tại Matxcơva. Vẫn theo lời chị Irina, lớp người thông minh và béo tốt ấy để đảng sai khiến, để lãnh tụ dạy bảo!

Báo chí với vai trò “dẫn đầu và báo trước hiểm nguy” (Josep Plitzer) hoàn toàn vắng bóng ở Liên Xô. Văn học nghệ thuật “là niềm vui thích cao nhất mà con người tự đem lại cho mình” (Marx) thì ở xã hội Liên Xô nó chỉ là công cụ để ca ngợi kẻ cầm quyền!

Chính vì thế mà nhà tương lai học nổi tiếng của Mỹ AlvinToffler, tác giả của ba bộ sách: Cú sốc tương lai (Future Shock), Làn sóng thứ ba (The Third Wave), Thăng trầm quyền lực (Power Shift) – những cuốn sách mà giới trí thức cải cách của Trung Quốc xem là Kinh Thánh của mình, còn ông Đặng Tiểu Bình xem là sách gối đầu giường của mình –, tác giả Alvin Toffler nhìn nhận Cách mạng Tháng 10 Nga năm 1917 như một “làn sóng” tăng tốc hệ thống công nghiệp quy mô lớn, mà không nhìn nhận nó như một tiến trình xã hội bền vững văn minh.

Alvin Toffler viết: Ở nước Nga, sự va chạm giữa những lực lượng Làn sóng thứ nhất và thứ hai cũng nổ ra. Cuộc cách mạng Tháng Mười năm 1917 là bản dịch của Nga về cuộc nội chiến ở Mỹ. Nó được chiến đấu không phải cho chủ nghĩa cộng sản, mà là cho vấn đề công nghiệp. Khi những bônsêvich quét sạch những dấu vết cuối cùng của chế độ nông nô và nền quân chủ phong kiến, nó đẩy nông nghiệp ra phía sau và tăng tốc hệ thống công nghiệp quy mô lớn. Họ trở thành Đảng của làn sóng thứ hai (Làn sóng thứ ba – Alvin Toffler – NXB Thông tin Lý luận Hà Nội – 1992 – trang 23).
Nhận định của tác giả “Làn sóng thứ ba” cho chúng ta cơ sở để suy nghĩ, lý giải vì sao Đại hội 14 của Đảng cộng sản Liên Xô tháng 12-1925 quyết định công nghiệp hoá trước tiên, nhắm vào công nghiệp nặng. Và chỉ sau 15 năm, Liên Xô đã trở thành cường quốc công nghiệp, đứng đầu châu Âu về tổng sản lượng công nghiệp. Công cuộc tập thể hoá nông nghiệp chỉ tiến hành sau đó, và cũng chỉ để phục vụ phát triển công nghiệp.

Stalin cũng dùng những biện pháp hành chính để ưu đãi đặc biệt (hưởng theo nhu cầu) đối với đội ngũ các nhà bác học (không phải trí thức!). Thành phố mang tên “Ngôi sao” được lập nên. Các nhà bác học được hưởng chế độ “hưởng theo nhu cầu” ở thành phố Ngôi sao này. Vì thế, Liên Xô mau chóng đưa được người lên vũ trụ.

Nhưng lên được vũ trụ rồi, vẫn phải quay về đất nước mà ở đó không có nhân văn, ở đó tan rã về đạo đức, thiếu vắng lương tâm công dân, những kẻ có hành vi tồi tệ lại nắm giữ những vị trí then chốt. Những điều đó mọi người Xô Viết đều biết và im lặng! Lương tâm người Xô Viết im lặng! Nhà văn Xô Viết Damien Granin đã viết về sự xói mòn lương tâm ấy qua nhiều truyện ngắn của ông trên báo Văn học Liên Xô về nạn hối lộ trong các bệnh viện vào những năm 1987-1988.
Khi đã cải cách cải tổ, xã hội xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô trong những năm tháng dưới chế độ toàn trị, bệnh quan liêu mệnh lệnh, đặc quyền đặc lợi… thực chất là một xã hội phong kiến trá hình do bọn quý tộc đỏ quyết bám trụ sau “làn sóng thứ hai”. Vì thế nó hung bạo hơn bất cứ chế độ độc tài nào trong lịch sử. Nó gia cố tệ sùng bái cá nhân, xây dựng uy quyền tuyệt đối nhằm kiểm soát toàn bộ đời sống xã hội, từ văn hoá, kinh tế, quân sự, chính trị đến đời sống dân sinh và tư duy cá nhân. Mọi suy nghĩ cũng bị kiểm soát chặt chẽ, phục tùng tuyệt đối với “lãnh tụ vĩ đại”, với “người cha của tổ quốc”, với “nhạc trưởng của khoa học”, “người trông nom hạnh phúc của loài người”… Vì thế, người ta có thể giải thích được, vì sao Stalin lại có thể trị vì lâu đến thế, và giết nhiều người đến thế! Giết người không cần xét xử là đặc điểm nổi bật nhất của chủ nghĩa cộng sản dưới thời Stalin!

Hai mươi năm cầm quyền của Brêgiơnep sau này là hai mươi năm trì trệ mà “cơ chế kìm hãm” chiếm ưu thế. Từ sau khi Khơrutsốp bị gạt khỏi chức vụ Bí thư thứ nhất, Liên Xô bị giằng xé giữa hai xu thế đối lập nhau, mà xu thế quan liêu bảo thủ thắng thế. Bọn quan liêu bảo thủ xuất hiện và củng cố địa vị, từ trên xuống dưới, từ cao đến thấp, chúng dung dưỡng cho bọn tham nhũng. Thói bịp bợm, nạn nghiện ngập thâm nhập cả vào giới lãnh đạo cao cấp.

Trong công tác cán bộ, sự đề bạt theo nguyên tắc trung thành với cá nhân khuyến khích thói xu nịnh và tâng bốc, tách rời nói và làm.
Trong xã hội xuất hiện tâm lý tiêu dùng, “sùng bái cái tầm thường”. Dân chúng chán nản, thờ ơ với mọi thứ. Xã hội Liên Xô không vượt qua được sự trì trệ và đình đốn.

Ngày 7-11-1982, theo thường lệ, Matxcơva tổ chức diễu binh kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười. Ba ngày sau Brêgiơnep chết. Mấy ngày sau nhân dân hân hoan đón nhận tin Andropop được cử làm Tổng bí thư của đảng. Những yêu cầu đổi mới chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô đã chín muồi, vì thế những người cộng sản Liên Xô hân hoan nghe Andropop tuyên bố khi nhậm chức: “Từ lâu chúng ta đã quen bằng lòng với những biện pháp nửa vời, bây giờ là lúc phải giành lại những thời gian đã mất”.
Andropop bắt tay vào những công việc cải cách với nghị lực hiếm thấy. Bắt đầu từ lập lại kỷ cương trong lao động, chặn đứng tham nhũng, cải tổ cơ cấu kinh tế. Một số lãnh đạo từ cơ sở đến cao cấp bị thay thế. Xã hội Liên Xô bắt đầu rung chuyển. Nhưng ngày 9-2-1984, Andropop từ trần trong sự bàng hoàng của nhân dân Xô Viết. Trecnenkô được cử lên thay. Cái đà khởi động dưới thời Andropop “dần dần chựng lại” như nhận xét của một số người. Ngày 10-3-1985 Trecnenkô mất. Goocbachốp, người trẻ nhất trong Bộ Chính trị (54 tuổi) được cử lên thay. “Kỷ nguyên Goocbachốp bắt đầu”.

Ngày 23-4-1985, Goocbachốp triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng. Một hội nghị được coi là bước ngoặt trong lịch sử Liên Xô. Tại hội nghị đó, Goocbachốp đề ra chiến lược phát triển kinh tế và xã hội, được gọi là “chiến lược gia tốc”.

Từ đó cho đến lúc Liên Xô tan rã, công cuộc cải tổ và đổi mới ở Liên Xô đã diễn ra như thế nào thì chúng ta, những người Việt Nam và nhân loại đã thấy, và đã có không biết bao tranh cãi, bút mực đã đổ ra để lý giải về sự sụp đổ và tan rã của “đế quốc” hùng mạnh này.

Có lẽ, tôi là nhà báo Việt Nam cuối cùng có mặt ở Liên Xô trong những giờ phút cuối cùng (1991) trước biến cố lịch sử này. May mắn hơn nữa cho tôi là được làm việc với các nhà báo Liên Xô trong Ban Việt ngữ của Đài phát thanh Đối ngoại Matxcơva, những người rất am tường thế cuộc và nói tiếng Việt rất trôi chảy. Được nhìn tận mắt, nghe tận tai – bằng tiếng Việt –, và được các bạn Nga lý giải những khúc mắc của mình về xã hội Xô Viết, tôi có thể nêu lên bốn nguyên nhân cơ bản về sự sụp đổ của Liên Xô:
Một là, Đảng Cộng sản Liên Xô áp đặt quyền lực tuyệt đối lên nhà nước, làm thay bộ máy nhà nước, khiến bộ máy Đảng rất cồng kềnh, già cỗi, kém hiệu quả. Nhóm cải cách Goocbachốp vừa không thoát khỏi cách làm cũ, vừa mắc sai lầm mới, không kiểm soát được xã hội.

Hai là, hệ thống kinh tế quan liêu bao cấp, mô hình kinh tế không động viên được sức lao động. Kế hoạch kinh tế cưỡng ép, chủ quan, đi ngược quy luật kinh tế. Tình trạng quan liêu, tham nhũng, do ai cũng có quyền ra lệnh, can thiệp vào các hoạt động kinh tế và không ai chịu trách nhiệm về các kết quả kinh tế cuối cùng.

Ba là, chính quyền vi phạm các quyền tự do dân chủ của công dân. Các hoạt động văn hoá nghệ thuật trở thành nhạt nhẽo, nghèo nàn. Tâm hồn người Xô Viết khô héo!
Một nguyên nữa phải nhắc đến là Liên Xô đã “sập bẫy” trong cuộc chạy đua trong chiến tranh lạnh với Mỹ và sa lầy trong cuộc chiến tranh kéo dài 10 năm ở Afghanistan.

Nếu ai còn nghi ngờ gì về sự sụp đổ của Liên Xô, thì xin đọc lại diễn văn từ chức dài 7 phút do Tổng thống Goocbachốp đọc trên Đài Truyền hình Liên Xô (mà Thông tấn xã Việt Nam trong bản tin mật đã đăng lại):
“Tôi có thể làm Nga Hoàng 20 năm nữa, nhưng như thế là vô đạo đức nên tôi đã cải cách… Các bạn sẽ làm tiếp”.
Biểu tình trên đường phố Matxcơva với khẩu hiệu “Enxin là nước Nga!”. Ảnh: Lê Phú Khải – 1991.

Không có nhận xét nào: