Cách đây mấy hôm, tôi có đến thăm một chị bạn, gặp cả chị và con trai chị. Chả là vài năm trước đây tôi có dạy cả hai mẹ con học một ít tiếng Pháp. Tôi hỏi thăm cháu năm nay lên lớp mấy rồi, chị bảo giờ đang nghỉ hè, vào năm học mới cháu sẽ lên lớp tám. Ngừng một chút, rồi chị nói tiếp: “Em cũng đang chuẩn bị ráo riết để cho cháu ‘lên thuyền’ thầy ạ.”
Tôi ngạc nhiên: “Lên thuyền?”. Thấy tôi ngơ ngác, chị cười bảo: “Hai chữ này bây giờ người ta nói phổ biến rồi mà thầy. ‘Lên thuyền’ tức là ra nước ngoài học, đi du học ấy mà. Em chuẩn bị cho cháu lên cấp ba thì sang học ở Mỹ. Bây giờ cũng đang có một phong trào ‘thuyền nhân’ chạy khỏi đất nước như hồi mấy mươi năm trước, ngày càng đông đảo. Hồi những năm 70, 80 là thuyền nhân chính trị, di tản chính trị. Bây giờ là thuyền nhân giáo dục, di tản giáo dục. Chạy trốn nền giáo dục này”.
Hóa ra tôi quá lạc hậu. Một cuộc di tản mới, sâu sắc chẳng kém gì cuộc di tản trước, mà nào tôi có biết. Hay đúng hơn, tôi không biết nó đã đến mức một phong trào “thuyền nhân” mới. Khẩn thiết chạy trốn khỏi cái nền giáo dục mà cha mẹ họ lo sợ cho con cái họ. Chắc dẫu sao cũng là chỉ những gia đình tương đối khá giả, và tôi nghĩ hẳn cũng chỉ ở thành phố, thậm chí phải là thành phố lớn.
Nhưng mấy hôm sau tôi lại gặp một chị bạn khác, vốn quê Thái Bình. Tôi đem kể với chị chuyện “Lên thuyền” tôi mới được nghe. Chị bảo: “Không chỉ ở thành phố đâu anh ơi, em mới về quê lên đây nè. Ngay ở quê Thái Bình, nhiều gia đình chẳng khá giả gì cũng lo chạy vạy hết nước, có khi bán cả nhà, cả ruộng, để cho con ra học nước ngoài, ngay từ phổ thông. Những bậc cha mẹ có ít nhiều hiểu biết đều rất lo sợ về nền giáo dục này cho con cái của họ. Người cắn răng ở lại chỉ là người đã cùng đường…”.
Vậy đó, Bộ Giáo Dục, nhà nước có biết điều này không? Tôi muốn hỏi. Chưa hề thấy Bộ Giáo Dục, là cơ quan chịu trách nhiệm về toàn bộ nền giáo dục và tình hình giáo dục nước nhà, nói gì về chuyện “Lên Thuyền” này cả. Bộ có biết một cuộc di tản giáo dục mới, rỉ rả, âm thầm, nhưng là đại di tản đang diễn ra, từng ngày, quyết liệt, một cuộc phản kháng âm thầm mà dữ dội bằng chân đối với nền giáo dục mà các vị đang áp buộc lên họ, con cái họ?
Cũng trên trang Văn Việt này cách đây ít lâu, tôi có đọc được bài viết của anh Đỗ Ngọc Thống trả lời những người muốn hỏi anh vì sao là người làm việc chính trong nền giáo dục này mà anh cũng lại cho con ra học nước ngoài, có phải anh cũng cho con di tản giáo dục không? Anh Thống bảo chẳng lẽ người hỏi điều đó không biết rằng anh cũng phải lo sợ cho con anh về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm và bao nhiêu thứ ô nhiễm văn hóa xã hội nữa ở trong nước bây giờ mà anh hẳn không muốn con anh phải chịu.
Tôi đồng ý với anh Thống về các thứ ô nhiễm rành rành anh đã chỉ ra và vì chúng, anh phải quyết cứu con anh ra khỏi. Tuy nhiên tôi có ngạc nhiên thấy anh không hề nói gì về ô nhiễm cũng sờ sờ ra đó của chính nền giáo dục mà anh đang tham gia làm ra, nó nguy hiểm đến mức hầu như bất cứ bậc cha mẹ nào có thể thì cũng đều không muốn cho con họ phải chịu, và quyết làm mọi cách để cho con “lên thuyền” hôm nay.
Một cuộc di tản giáo dục lớn, sao không ai báo động...?
NGUYÊN NGỌC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét