Thứ Tư, 9 tháng 4, 2025

PHÁO ĐÀI BREST

 


PHÁO ĐÀI BREST
(Hoài niệm của một người lính vô danh vô cảm của một thời vô bổ tại Đông Âu)
Tháng 9 chúng tôi có mặt ở ngoại ô Minsk, một vùng rừng thông mênh mông xanh mướt quanh năm. Đơn vị tất nhiên biết danh sách từ trước, ra đón nhiệt tình, hồ hởi lắm, khoe trường này truyền thống giúp Việt Nam đánh nhau với máy bay Mỹ nhất luôn, nhiều người tài học đây lắm, ngoài năm thứ ba có chục ông học viên thì có gần chục nghiên cứu sinh. “Quân đội nó lại lừa mấy đứa trẻ chúng mày rồi, mở mồm ra là bảo "почему страны" (“những vì sao đất nước”); thôi tối vào phòng anh uống bia nói sau...” – là câu mà mấy anh nghiên cứu sinh đón 5 thằng Hà Nội vừa sang choai choai sàn sàn chúng tôi đặt chân tới trường ở Minsk. Vô cảm, chúng tôi chỉ hơi tò mò thôi chứ kiểu như chai lỳ sớm với cái quân đội này rồi, mặc dù mới vào lính có một năm. Đến chiều tối uống bia, các đại ca mới giảng cho: “chúng mày sang đây là học kỹ thuật, lính kỹ thuật hay sĩ quan kỹ thuật thì cũng để đi hầu máy thằng học chỉ huy với chính trị, chứ làm vương làm tướng gì… Bọn ở nhà chúng nó toàn hứa hão với trẻ con, các anh đây bị lừa mười lăm năm trước rồi!”. À ra thế, vẫn vô cảm, có lẽ cái cảm giác đó mới giúp cho những đứa trẻ chưa là người lớn này đứng vững được qua năm tháng, mặt khác đó là cái các thế hệ đi trước chả có được đâu…
Theo truyền thống C1X6 từ xa xưa thì những đứa thi đại học điểm cao nhất của ĐHKTQS, học hành dự bị ở nhà kết quả tốt nhất sẽ được chọn ngành học, mà hồi đó chúng tôi ngu dốt lắm (chả hiểu các bạn học dự bị ngoại ngữ ở Võ Văn Tần với Thanh Xuân có “đỡ” hơn không?) nên bọn được chọn ngành độ một tiểu đội 30 đứa đều lao đầu vào “toán lý thuyết”, “vật lý lý thuyết”… vì thời đó cứ nghĩ phải hy sinh cuộc đời cho khoa học cơ bản mới là cao quý! (Giờ nghĩ lại, ngu thế thì đáng đời!). Đánh đùng một cái riêng cái năm 8X ấy không có suất “cơ bản” nào dành cho C1X6 hết (chắc dự bị Thanh Xuân lắm ông bà “ngẫn ngẫn” cũng lao đầu hết cả vào “lý thuyết” mất rồi, chỗ thì có hạn…) – thế nên quân đội lại dỗ ngọt: thôi không lý thuyết thì kỹ thuật đỉnh cao, đầu ngành cả đấy, ưu tú nhất mới được vào đây, trường người ta chỉ cho 5 đứa thôi, mấy năm vừa rồi có ai đâu… Không biết người khác thế nào chứ với một thằng trẻ con mới lớn như tôi đã “bị lừa” một lần rồi thì có lừa nữa cũng kệ, cảm giác rất là sadism, có khi na ná Thúy Kiều đã lỡ bước đưa chân…
Rừng thông xung quanh có lẽ là quà tặng thiên nhiên lớn nhất cho chúng tôi, bất chấp việc ở đó trước kia phát-xít giết hại và chôn 27 nghìn người dân Belarus. Chúng tôi ở khách sạn (đúng nghĩa đấy, có người dọn dẹp thay trải giường, lau sàn, dọn dẹp sạch có lẽ cỡ resort Hồ Tràm resort), nhưng về kỷ luật bị thì rèn cho ra bã, tây rèn đã đành Việt Nam còn bồi thêm nữa cho đủ gam cảm xúc, hành nhau cho khoái. Tự nhiên lũ trẻ chúng tôi rơi vào trạng thái trầm cảm nặng nhưng kèm theo những cơn tăng động. Mạnh Hải là đứa điểm thi đại học cao nhất và cũng lạc quan nhất, thì lẩn thẩn làm thơ, làm để tặng một nàng nào đó ở Việt Nam, tôi cứ nghĩ là người tình tưởng tượng cơ vì có thấy bao giờ đâu, hóa ra gần 40 năm sau tôi mới gặp cô nàng này, chưa kịp hỏi cô ấy có còn giữ được những bài thơ của chú lính xa nhà này gửi về không. Trường Sơn thì luyện yoga từ bé, nên lại luyện tiếp, chẳng hạn ngồi học thì tắt đèn tối um rồi đọc sách cho nó dễ tiếp thu. Trọng Minh thì học đàn ghi ta để phèng phèng, cũng may là có tôi bên cạnh luôn động viên bỏ đàn đi cuộc sống còn tươi đẹp hơn nhiều. Hiếu tập hút thuốc thả chữ “o” sao cho đặc quánh nhất có thể. Còn tôi thì như một người bị dị ứng kinh niên với bất cứ biểu hiện gì của kỷ luật quân đội, nếu dùng ngôn ngữ thời nay có lẽ phải gọi là “kẻ phán kháng” – không làm gì sai nhưng luôn làm với một tâm thế để họ biết là cái thứ họ đòi hỏi người khác làm là bullshit, đúng là tính trẻ con nhưng cứ thế đấy, kệ. Niềm vui thực sự lúc đó đối với chúng tôi chỉ còn là những trận bóng đá chết bỏ, những tối discoteka, những trò nghịch dại mà tưởng là hay lắm… trầm cảm mà! Quan trên trông xuống người ta ngó vào cũng ngứa mắt lắm nhưng chả làm gì được, chúng tôi thi cử toàn 5 thôi (điểm tối đa), mà ngay chuyện thi chúng tôi cũng phải làm nó kịch tính nhất có thể: chỉ học sau 12h đêm cái ngày sáng hôm sau đi thi thôi, đến bốc câu hỏi xin vào trước nói luôn không nó quên mất thì toi, sau đó thay quần áo dân sự ù té vào thành phố, ở đó chủ yếu tôi chơi với mấy ông năm trên lấy vợ tây ở lại để thâm nhập cuộc sống … Lão NCS đơn vị trưởng sau này hằm hè lắm, cứ hay nói đổng ngoài hành lang mỗi khi chúng tôi trở về từ thành phố: “Thấy bảo có đứa đi ngủ với gái Nga... Sang tuần tao bắt tất cả mấy đứa chúng mày xuống trạm xá khám trinh, thằng nào không còn ông báo tùy viên quân sự đuổi học luôn”! Quả thực 5 đứa chúng tôi chả biết số phận nó sẽ đưa đẩy mình về đâu nữa, với cái kiểu cách trại lính như thế này! Khi nào bức xúc lắm tôi chỉ biết đi xuống đường, độ dăm chục bước chân là cả một rừng thông, đẹp nhất vào mùa đông tuyết phủ trắng tinh khôi, còn cây thì vẫn xanh rười rượi...
Hôm đó là một ngày cuối xuân năm thứ nhất, sắp tới ngày Chiến thắng, khoa người ngoại quốc (chúng tôi không được học với người Liên Xô – “bạn” tốt thì tốt đấy nhưng phân biệt đối xử lắm, dạy Việt Nam những thứ cũ rích trong khi cưng Đông Đức cũ như “bố”, học những thứ tối tân nhất – đến khi Đức “đổ tường” mới trắng mắt ra, thông minh cho lắm vào đồ ngu ạ - sorry vì có tí hằn học hehe!) tổ chức đi tham quan pháo đài Brest. Vui rồi, đỡ phải học, lại được đi xa, lại được mặc quần áo thường dân (mỗi lần được mặc dân sự đối với tôi là một niềm vui vỡ òa), dù có phải dậy sớm hơn bình thường một chút cũng chả sao, tất cả mặc thường phục và do đó không phải đi đúng điều lệnh đến nhà ăn, mà được đi bình thường – cũng là nguồn cảm hứng làm cho tinh thần phấn chấn trong cái se lạnh của buổi sáng, những tia sáng đầu tiên mới len lỏi qua đường các tầng thông. Chúng tôi ở “khách sạn” (гостиница) như đã kể, ăn bắt buộc 2 bữa ít nhất ở “nhà ăn” (столовая) nhưng là nhà ăn sỹ quan đẹp lắm, từ bát đĩa thìa dao cho đến khăn bàn, lọ hoa, người phục vụ gọi món từng bàn, chả khác gì restaurant cả. Món ngon, giá hợp lý, mỗi tội cần trả tiền thôi, mà mỗi cuối tháng đối với “cộng” nói chung và nhất là cái đứa thích để dành tiền đi taxi như tôi thì ăn gì là một bài tính khó hơn thi học kỳ... Thấy tôi lấy sữa mà không lấy сметана (kem chua) là món ngon khoái khẩu nhưng đắt gấp 3 ông anh Hợp năm trên hiểu ngay vấn đề, cậu ấy trêu tôi: “Mày hôm nọ đá bóng xong bốc phét với cả đội, bảo uống được một lúc 5 cái “piramid” 500 ml sữa tươi kia, có dám thử không? Để anh mua sữa!”. Máu trẻ con nổi lên, mà hồi đang tuổi lớn lại đói triền miên đó tôi đã tính rồi, gì chứ về thể tích thì 5 paket sữa ấy với đứa còi còi cao 1m76 nặng 56 kg đang tuổi ăn tuổi lớn như tôi khi ấy chưa phải là điều gì quá khó. Cá cược ngay thôi!




Anh Hợp liền ra lấy không phải cốc như bình thường, mà 5 “piramid” sữa tươi, đem về bàn, rồi ông ấy lấy 6 cốc đem về, bảo làm như thế để “tây nó không để ý chúng mình làm trò gì”. Lần lượt mấy anh cắt góc các Kim Tự Tháp sữa ấy ra, rót vào các cốc cho mình tôi uống. Lúc đâu 2-3 cốc thấy ngon thế, tôi còn trêu, xin thêm mấy lát bánh mỳ trắng. Cốc 6-7 vận tốc bắt đầu chậm dần, sữa không nóng không lạnh mà tự nhiên bụng thấy lạnh toát đi. Các ông anh không giục, vừa ăn sáng vừa xem tôi uống, bảo cứ từ từ nhưng tôi biết là “từ từ” mới chết, giả vờ vui vẻ uống tì tì… Chỉ loáng đã hết cả 5 gói sữa, tôi đứng lên bảo về chuẩn bị áo quần, anh đoàn trưởng còn gọi với theo: “nhanh nhé, tất cả ăn xong là đi đấy”. Thế mà chỉ trong chưa đầy 10 phút tôi đã kịp hai lần đi “nặng”, nói là nặng vì “đầu ra” như thế thôi chứ chủ yếu lõng bõng lắm, cũng may bụng tôi ăn tạp tốt lắm, chả đau gì cả, nghĩ bụng hai lần thế thì làm gì còn gì trong bụng nữa mà sợ, yên tâm.
Tôi “yên tâm” hơi sớm, vì từ trường chúng tôi đến ga tàu phải đi xuyên qua cả thành phố. Nhớ mãi mấy cái xe tải chuyên dụng chở lính hôm ấy được điều đi chở khoa ngoại quốc, khoang đằng sau là những thanh sắt đóng ngang xe, để lính ngồi lên đấy. Vừa ngồi xuống tôi đã rùng mình vì mông lạnh toát, thôi gay go rồi… Trời vào xuân, không lạnh lắm những cũng chỉ chưa được 10 độ, tôi vẫn nhớ tôi mặc hôm ấy cái áo Mỹ (có mỗi cái áo khoác ấm ấy thì dễ nhớ quá!) và trong mặc áo len, còn đi đôi giày mùa đông (đúng ra là mùa thu) ông anh năm trên để lại, dáng thì đẹp nhưng “mát” lắm. Nhưng “mát” nhất và tôi sẽ nhớ nó suốt đời là cái quần nhung tăm Montana màu mận chín đã bạc đi nhiều, nó khá mỏng và không che chắn gì được cho bàn tọa của tôi khỏi cái thanh sắt lạnh toát kia. Suốt dọc đường 40 phút tôi nhấp nhổm, lúc nào cũng phải đệm một bàn tay xuống dưới mông cho đỡ lạnh mà không sao tránh cái sự cọ xát kỳ lạ ấy, tôi cảm thấy bụng dạ mình bắt đầu sôi lên nhè nhẹ… Chỉ mong xe tới sớm để chạy ù vào toilet trong ga.
“Sắp tới chưa anh?” Tôi lo lắng hỏi ông anh Tuấn bên cạnh. “Chưa, xóc lắm hả?!” – ông ấy biết tôi có vấn đề thật rồi nhưng đang trên xe tải bít bùng biết làm thế nào, chỉ biết ngoái ra đằng sau nhìn phố rồi đoán xem đã đi tới đâu. Mấy đứa cùng năm rỉ tai báo tình hình nhanh cho mấy anh năm trên, cả bọn ngồi như trên đống lửa, khi sân vận động Dinamo hiện ra một ông lính cũ lẩm bẩm “Càng gần tới đích càng nhiều gian nan…”. Bụng tôi sôi sùng sục, nó như nồi súp sắp trào mà không tài nào kiểm soát được nữa, thế mới thấy thông cảm cho phụ nữ sinh nở tới thì. “Đến nơi, xuống xe, còn đúng 5 phút thì tàu chạy…!” – lão phó khoa hô to lên như vậy.
Chạm chân đến đất thì tôi thấy có một dòng chảy ấm nóng len lỏi dọc đùi rồi hai ống chân gày gò của tôi, ý nghĩ đầu tiên trong đầu lóe lên là: “thôi thế là đi đời nhà ma cái quần Montana rồi!”. Không hiểu phản xạ Việt Nam hay sao mà nghĩ ngay đến mấy tờ báo, tôi nhờ thằng bạn chạy ngay ra kiosk mua được 2 tờ, chả nhớ là “Pravda” (“Sự thật” – tây cứ đùa là “không có tin tức gì”) và “Izvestia” (“Tin tức” – tây nói đểu là “làm gì có sự thật”), đại loại thế… Còn tôi tập tễnh đuổi theo cả khoa ngoại quốc, túm được ông đoàn trưởng Việt Nam, giãi bày “Anh ơi có lẽ em phải quay về…”. Thời gian còn rất ít, ông anh nhìn tôi rất nhanh, tôi hiểu ngay có lẽ ông này đoán tôi xin ở lại nhà rồi té ra thành phố chơi bời gì đây, hoặc ông ấy sợ bị ảnh hưởng… Nửa phút trôi qua, ông ấy quyết: ”Phải đi thôi, quay lại trưởng khoa thiếu người sẽ mắng đoàn mình!”. Còn tôi cũng xác định ngay: tiền đâu mà đi taxi từ đây về trường, còn trong bộ dạng thế này đi phương tiện công cộng làm sao được, thôi lên tàu rồi tính!
Tất cả kịp lên tàu, khoa chúng tôi đã mua vé cả toa, 6 người một coupe, đi không xa nên chỉ có chỗ ngồi thôi. Việt Nam có thói quen hay ngồi túm tụm cùng nhau, chứ bọn Đông Âu nó vui tính hơn, đang thời gian học tiếng nên chúng nó cũng thích giao lưu, chạy qua chạy lại nói chuyện cho vui, còn bọn “Cừu” (Mông Cổ) với “Cu bửn” (Cuba) thì học dốt hay phải nhờ vả nên thân “cộng” lắm, nhất là bọn cùng dự bị với bọn tôi. Tôi ngồi coupe khoảng giữa toa, vừa ngồi xuống thấy mấy đứa nước ngoài đang đấu hót từ từ đứng lên, lảng đi nhanh lắm! Có thằng Đông Đức ghét thế, tỏ vẻ khó chịu ra mặt, khịt mũi liên tục, trước khi đi còn rút ra để lại gói khăn giấy (kiểu “Tempo” – thời đó là một sự xa xỉ khá khó hiểu ngay cả với dân Đông Âu khác). Còn trơ lại mấy anh em “cộng”, ông anh quý tôi nhất tên là Hỏa Tiễn bảo tôi thôi cứ nói thật ra, rồi anh em trợ giúp. Tôi khai là “ra” rồi, nhưng sợ còn ra nữa, toilet thì tàu mới chạy còn chưa mở cửa… Lập tức hai ông “cộng”đi ra hai đầu toa chiếm chỗ, có cái gọi tôi ra ngay. Chẳng mấy chốc có chỗ, tôi tập tễnh cầm theo mấy tờ báo ra toilet. Xoay xở, gột rửa chân tay quần áo, tất giầy hết sức có thể (báo có tác dụng đấy nhé) tôi lại tập tễnh đi về coupe, đi tới đâu thấy bọn học viên dạt ra như rẽ sóng ấy. Tôi thanh minh với các ông anh: “Em định ngồi luôn trong ấy cơ, nhưng ở ngoài hay có người gõ cửa, mà trong ấy gió lùa từ dưới lên làm em lạnh, còn sợ đau bụng hơn, thôi đành phải ra…”. Ông Hỏa Tiễn đi thủ thỉ với con mẹ phục vụ toa, lôi được về một lọ nước hoa hay after shave mà tôi cũng sẽ nhớ cả đời – «одеколон Шипр». Thế rồi anh ấy giúp tôi vẩy hết cả lọ ấy vào những chỗ có màu tối hơn các chỗ khác trên chiếc quần nhung khổ ải của tôi. “Tại sao toàn sữa mà nó lại thối được hả các anh” – tôi vò đầu bứt tai – khi thấy hình như cái bọn nước hoa này phản chủ, càng vẩy vào cái mùi “sữa” của tôi nó càng lan tỏa ra hết trong toa tàu. Mấy đứa bạn chạy về báo: coupe nào cũng thử mở cửa kính, rồi dân tình ra hết lối đi dọc toa mở cửa hút thuốc, không nói tiếng Nga mà chỉ xì xồ tiếng mẹ đẻ, nhưng hình như đứa nào cũng ném về phía tôi ngồi ánh mắt mang hình viên đạn cả!
Brest đón chúng tôi bằng nắng ấm, chim hót và cây cối xanh tươi, thành phố nhỏ hơn Minsk nhiều nhưng rất dễ thương. Lại có xe đón chúng tôi từ ga, lần này là xe buýt, tôi rón rén lên xe cuối cùng nhưng chỉ mong xe chạy thật nhanh, còn bao nhiêu cửa kính trên xe người ta lại phải mở hết. Đến điểm tham quan lịch sử với bức tượng đài đầu chiến sỹ Hồng quân, lúc nào cũng có tiếng loa truyền thanh ầm ào như từ lòng đất vang lên rất ấn tượng, nhưng trừ tôi vô cảm ra, tôi bảo anh đoàn trưởng Việt Nam “Hay em xin ngồi lại ghế đá ở đây, chứ xem gì nữa...!”. Thì anh ấy bảo, cũng rất đúng đấy, đoàn nó đi ào ào, chả biết xem những gì về lúc nào ở đâu, ngồi lại đây thì nhỡ lạc biết về kiểu gì? Thế là đoàn đi đâu tôi cũng đi theo, bao giờ cũng phía cuối đoàn, cách ra một cự li đáng kể để không có cơn gió bất chợt nào thổi vào đoàn “quân ta” được. Cả buổi tôi đói mệt, khắm khú tập tễnh đi theo đoàn như một zombie. Chỉ có một lần suýt gây họa, là khi chui vào một cái hang hay giao thông hào gì đấy, không gian hẹp thế là bà con nháo nhác hết cả lên, may mà tôi thoát ra được sớm không có lẽ có người tưởng bị tống vào lò hơi ngạt của Hitler. Từ đấy tôi chỉ ở ngoài, cố tình đứng nắng xem liệu có cải thiện tình hình được tí nào không...
Cuộc tham quan pháo đài Brest rồi lướt nhanh qua thành phố, bữa trưa đoàn đặt sẵn (tôi tranh thủ ngồi ôm toilet chứ chả dại vào ăn miếng nào nữa) rồi 4 tiếng tàu về thế nào bây giờ tôi chỉ nhớ như một giấc mơ vàng vọt. Tỉnh dậy đã thấy trời xẩm tối, ngoại ô Minsk đã lên đèn, có một mình tôi nằm còng queo trong coupe chứ anh em ra đứng hết ngoài lối đi. Lại cái xe tải với thanh sắt lạnh như kem để kê đít mà ngồi, nhưng bây giờ các anh ‘cộng” đã lo sẵn cho tôi cả mớ báo kê vào đấy, chỉ sợ lại... Mà hình như nước hoa rẻ tiền “Шипр” bây giờ mới có tác dụng, thấy bảo mùi cũng dịu đi, hay là tây ta gì rồi cũng phải chịu đựng, chịu khó chở tôi mà về, kể cả tay phó khoa thiếu tá hói đầu cứ khịt mũi liên tục. “Vì mày mà tối nay ối thằng tây về nốc rượu” – một anh dự đoán thế. Còn anh Hợp, cái ông anh thua độ tôi (hôm nào lão ấy sẽ phải đi chợ nấu cho tôi ăn nguyên một con gà bỏ lò – ước mơ con chỉ có thể thôi mà!) thì làu bàu khi xe về tới nhà: “Tưởng đi Brest, thành ra đi Blyad thế này!”. Thôi cả ngày khổ nhục, cũng học thêm được một từ mới, tôi tự nhủ rồi chui lên khách sạn, tắm táp một lần kỹ lưỡng nhất trong đời...
Mấy năm học khổ ải trôi qua nhanh dần, cũng đầy ắp sự kiện buồn vui. Sau này khi chẳng còn dính dáng gì đến quân đội nữa tôi vẫn quay lại Minsk chỉ để tìm về vùng ngoại ô xanh ngát rừng thông này để đi dạo lòng vòng, chỉ để nhìn lại chỗ ngày trước mình đã từng lăn lóc, sứt sẹo ở đây. Tôi biết là chúng tôi chẳng có 5 năm tuổi xuân đẹp đẽ thời bấy giờ đâu, tuy thế sau này nhìn lại cũng chả mấy hối tiếc (hay là mình già rồi AQ nhỉ). Như người đi tu mấy ai tiếc những năm son trẻ, hay kẻ leo núi chả mấy khi muốn xuống bằng chính con đường đã trèo lên. 5 đứa chúng tôi thế nào mà số phận chẳng ai giống ai, cũng chưa bao giờ gặp mặt lại đầy đủ sau khi tốt nghiệp, và đáng nhẽ “câu chuyện Brest” này tôi để dành hàn huyên với chúng nó khi nào đủ 60 tuổi, nhưng vì hoãn nên thôi public gửi đến các bạn. Chuyện lính mà, đời lính nó thô ráp lắm, có ai không thuận nhĩ mong bỏ quá cho...
Bonus: Tuyến đường Minsk-Brest sau này trở thành cung đường buôn lậu nóng bỏng của “đội du kích đường sắt” của “Việt cộng” (Người Việt ở Liên Xô và Đông Âu cũ), trong số đó sau này khá nhiều vị “nên ông, nên bà”. Năm 2002 “đồng chí” đơn vị trưởng năm xưa dọa “khám trinh bắt buộc” chúng tôi, lúc này đã là cục phó rồi, quay lại Minsk để mua khí tài cho quân đội, rồi trốn ở lại với vợ tây, sau đó bị bắt và di lý về nước, đi tù mấy năm, kể cũng đáng thương. Còn tôi từ buổi đấy không bao giờ đi qua Brest nữa..
(Trích “ĐÂ AHT”)
P.S. Câu chuyện của bác CB có đề cập tới một vấn nạn được lập chương trình từ trước. Tức là chiến lược đào tạo lực lượng trẻ cho quân đội (do các bác Tạ Quang Bửu, Võ Nguyên Giáp, Đặng Quốc Bảo, Chu Huy Mân khởi xướng) rất chú trọng việc tiếp cận với khoa học kỹ thuật, vũ khí khí tài hiện đại, là điều rất nên cổ suý, nhưng tạo ra một tiền lệ: lớp người có trí tuệ nhất của quân đội những năm 7X-8X “được” ra nước ngoài học kỹ thuật, và sau đó về nước sẽ cả đời đi làm chân loong toong, “đầu sai” cho lớp người (tính về trung bình, chứ không nói về từng cá nhân bất kỳ nào) sức tiếp thu kém hơn, đông hơn, chỉ cần học thời gian ít hơn, có điều kiện lên quân hàm hơn để ngồi vào vị trí chỉ huy cao hơn. Rất phí nhân tài và hệ luỵ còn cho tới ngày hôm nay.

Không có nhận xét nào: