Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2017

LÃO KHOA LÀM CỐ VẤN ÁI TÌNH


* Anh Khoa ơi!
Em rất thích những chuyên mục có sự tham gia của anh. Nội dung rất hay. Mới mẻ và hấp dẫn. Các anh cũng nên giành một vài trang cho giới học đường. Lượng bạn đọc ấy đông lắm đấy. Trong trường em, nhiều người đọc lắm.
Học sinh em bây giờ có đứa nghịch như quỷ. Hồi còn là học sinh, anh có nghịch ngợm không? Trò nghịch của anh thường là gì?Nghe nói khi còn có tí tuổi, anh đã làm “cố vấn ái tình”. Thực hư chuyện ấy ra sao?

Vũ Hà Phan
Vũ Thư – Thái Bình


* Có lần thấy trên báo, anh bàn về tình yêu, lại tư vấn chuyện chăn gối như trên chuyên mục “Cửa sổ tình yêu” phát trên sóng Đài. Em đọc ngay. Đọc vì tò mò, ông này biết quái gì chuyện tình dục mà cũng bàn chuyện giường chiếu. Nhưng đọc thì công nhận ông anh siêu thật. Đọc rồi không quên được. Em cứ bật cười. Tự dưng cũng muốn nói câu gì đó! Đúng rồi! Lòng tham vô độ của đàn ông. Đó chính là bản chất của con đực: chinh phục rồi chiếm đoạt và cả thèm chóng chán. Em công nhận ông anh là chuyên gia giường chiếu, chí ít ở mặt lý thuyết
Nghe nói hồi nhỏ, anh còn làm người tư vấn yêu đương. Nghĩa là anh đã trác táng từ thuở bé.. Anh có thể bật mí được không?

HƯƠNG TÌNH ÁI
(TÂN AN – Lập Thạch – Phú Thọ)




Cám ơn cô giáo Vũ Hà Phan đã quan tâm đến lão già này. Nguyện vọng của cô giáo, mong căn nhà ấm cúng là tờ báo của chúng ta trổ thêm một ô cửa sổ để lé mắt chiêm ngưỡng giới học đường là một gợi ý hay, tôi xin chuyển cho Ban biên tập tòa báo nghiên cứu. 

Trẻ con thì thời nào cũng thế thôi, cô giáo ạ. Các cụ nói cấm có sai bao giờ. Các cụ bảo: “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Quỷ thì không có rồi. Ma cũng chẳng có nốt. Thế thì chỉ còn đám học trò thôi. Tôi cũng là một con quái vật đứng sau ma quỷ. Chẳng “tử tế” gì đâu. Đối với cái lũ đứng thứ ba mà không có thứ nhất, thứ nhì ấy thì khoái nhất là mỗi kỳ nghỉ hè. Không phải bây giờ mà từ xửa xưa kia. Chả thế mà cụ Nam Cao cũng bảo: “Buổi sáng sướng nhất của một cậu học trò có lẽ là buổi sáng đầu tiên trong vụ nghỉ hè”. Đúng quá! Nghỉ hè rồi. Không phải bù đầu vào chuyện bài vở. Có thể tha hồ đi chơi thoả thích, mệt thì lăn ra giường mà ngủ. Muốn ngủ đến bao giờ cũng được. Sướng! Vua chẳng bằng mình. Ông giời cũng chẳng bằng mình!


Ấy là nói đám học trò ở thành phố thôi, cô giáo ơi. Còn lũ nhà quê chân lấm tay bùn chúng tôi thì chẳng bao giờ có mùa hè. Nghĩa là chẳng có sự chơi bời nào hết. Suốt ngày úp mặt vào đồng ruộng. Mùa hè thì cả ngày làm quần quật trên đồng. Có khác chăng vào kỳ nghỉ hè, ở cái làng quê hẻo lánh của tôi có tưng bừng hơn đôi chút, bởi sự có mặt của anh Bản. Anh là một ông giáo, đi dạy học ở tỉnh xa. Chỉ có vụ hè anh mới về nhà. Anh về là tưng bừng khắp làng trên xóm dưới. Rồi theo yêu cầu của ông chủ tịch xã, anh đến dự các cuộc họp và nói chuyện thời sự, toàn những chuyện vui anh thu lượm được qua báo, qua đài, rồi véo von ca mấy câu cải lương rất chi là mùi mẫn. Cứ như ông chủ tịch xã nói thì “không khéo làng này khối cô chết mê chết mệt vì nó!" 

Chẳng biết ở làng có cô nào "chết mê chết mệt" anh không, nhưng có một người quả có mê anh thật. Đó là chị Nụ. Chị là xã viên chăn nuôi lợn. Người chị thấp đậm, đi lạch bạch, nhưng trắng nõn. Cặp má bầu bĩnh, lúc nào cũng đỏ au như quả táo chín. Chị hay rủ tôi sang nhà anh Bản mượn sách, toàn những cuốn dày cộp. Mượn tối hôm trước, sáng sớm hôm sau, chị đã mang trả. Chị kẹp vào trang sách hai sợi chỉ hồng buộc xoắn vào nhau. Nhưng anh Bản thì dường như không biết đến sợi chỉ ấy. Anh cứ hí hoáy đếm xem cuốn sách có bị thiếu mất trang nào không? Anh bảo, cho mượn sách anh không sợ, anh chỉ sợ người ta xé mất sách. Chị Nụ bực lắm. Rồi bao nhiêu nỗi bực dọc không kìm nén được, chị lại trút sang tôi:
- Người đâu mà ngốc thế. Mang danh trí thức mà lão còn đần hơn cả mấy con lợn con của chị. Chị tặng lão cái khăn mùi-soa. Trong khăn, chị thêu hai con chim đang mớm cho nhau. Lão lại tưởng chị quên cái khăn trong cuốn sách, lại mang đến giả "Người đâu mà đoảng, có mỗi cái khăn cũng bỏ quên thế này thì còn làm được gì". Em bảo thế chị có điên không? "
Chị gầy xọp hẳn đi. Rồi mấy ngày sau, chị lại tìm tôi. Cứ lúc nào buồn mà không biết trút nỗi niềm vào đâu, chị lại tìm đến tôi. Có lẽ vì thế mà bạn Tân An, bút danh Hương Tình Ái lại nghĩ tôi là “cố vấn ái tình chăng”. 

Ở quê tôi hồi đó, chị Nụ mê anh Bản lắm. Niềm si mê ấy, cả làng biết. Mà làng quê tôi, ai cũng quý anh. Làng có đám cưới, người ta lại vời anh về. Đám cưới nào, người ta cũng muốn anh làm chủ hôn. Anh vừa cầm cái mi-crô là cả rạp đang ầm ĩ là thế bỗng im tăm tắp. Nhiều người lại cứ tưởng là đám cưới thuê được anh chủ hôn ở đâu đó, chứ không dám tin đó là anh giáo con ông phó cối làng mình. Đầu tiên, thế nào anh cũng yêu cầu quan viên hai họ tặng cô dâu chú rể một tràng pháo tay. “Hỏng, hỏng. Làm lại nào. Tôi ra hiệu đụp, bà con hẵng đụp nhé. Tôi chưa ra hiệu sao bà con đã vội đụp rồi. Chỉ được cái ăn cơm trước kẻng”. Rồi anh vẫy bên phải, vẫy bên trái, vẫy đều cả hai bên. Tiếng vỗ tay ào lên như sóng. Còn anh thì quay cuồng như con chim cánh cụt, vừa từ dưới biển lên, đang vẩy cánh cho khô. Mấy bà thợ cấy nắc nỏm: “Gớm cái thằng xuya thật. Nó nói đến kiến trong lỗ cũng phải bò ra!” 

Ấy chỉ có thế mà chị Nụ mê đấy. Chị bảo tôi:
- Chị yêu lão lắm, Khoa ạ. Chị không còn làm ăn gì được nữa, mà lão thì vừa ngốc vừa đần. Vậy mà không hiểu sao, lúc nào chị cũng nghĩ đến lão. Bây giờ chị cứ nói bộp vào mặt lão là chị rất yêu lão, em bảo có nên không? Có vô duyên, có mang tiếng là cọc lại đi tìm trâu không? Nhưng mà trâu ngốc, trâu ngu, nên cọc mới phải đi tìm...
Tôi ngẩn ra nhìn chị. Thật là chẳng còn hiểu ra làm sao cả. Chị rơm rớm nước mắt:
- Chị rất tin em, em đi đây đi đó nhiều, em biết làm thơ, lại chăm chỉ đọc sách báo...
- Nhưng chị phải xem anh ấy có yêu chị không? Chị nên thử đã, rồi hãy nói thật với anh ấy!
- Thử thế nào? - Chị có vẻ tò mò.
- Thì chị cứ gặp anh ấy, tung ra một cái tin vịt, là chị sắp phải lấy chồng, lấy gã Tứ hâm. Bố chị bắt phải lấy...
Chị Nụ giãy nảy:
- Lão Tứ thọt ấy à? Ối giời, cái lão vừa chấm phẩy, vừa điếc lác, làm sao mà lấy được...
- Thì chị chỉ "thử" thôi mà! Thử xem anh ấy phản ứng ra sao, nếu yêu chị, anh ấy sẽ cuống lên cho mà xem...
Chị Nụ thở phào. Đôi mắt ánh lên một tia sáng trong trẻo. Tự dưng, tôi thấy chị rất đẹp. Một vẻ đẹp thật nhuần hậu. Chị cười:
- Ừ, mày đọc nhiều sách cũng có khác. Sách nó bảo thế hở?

Chị Nụ vui lắm. Nhưng tôi còn vui hơn. Vui và hồi hộp, và phấp phỏng nữa. Chả gì mình cũng mới tò tè học có lớp 7, thế mà đã đi làm cố vấn cho người lớn rồi, mà cố vấn ái tình hẳn hoi nhé. Ngày hôm sau, tôi tìm chị Nụ:
- Chị thấy anh ấy sao? Có luống cuống hốt hoảng không?
- Hốt cái khỉ gì? - Chị Nụ rơm rớm nước mắt. - Lão lại mừng như vớ được của: "Bao giờ cưới, Nụ nhớ báo trước cho tớ nhé, để tớ làm chủ hôn! " Ối giời ơi là giời. Em bảo thế thì chị còn biết làm thế nào?
- Thế thì chị trả thù lão đi!
- Cái gì? - Chị Nụ trợn mắt nhìn tôi.
- Trả thù! Nghĩa là chị lấy béng luôn cái gã chấm phảy ấy cho lão tiếc!
- Ối giời ơi, làm sao lại có chuyện thế được! Cứ tưởng mày đọc nhiều sách, mày thông minh, mày được người ta gọi là Thần Đồng. Hoá ra mày cũng ngu! Thần đồng gì mà ngu hơn cả lợn!

Nói rồi, chị bẻ ngoéo luôn cành xoan, còn tôi thì ù té chạy. Chị vung cành xoan lạch bạch đuổi theo tôi, như đuổi một con lợn vừa mới xổng chuồng...
TRẦN ĐĂNG KHOA

Không có nhận xét nào: