Thứ Ba, 21 tháng 8, 2018

Kẻ sỹ.



(Đọc sách giùm bạn)
Tề Tuyên vương (thời Xuân Thu chiến quốc) tới chơi nhà Nhan Xúc, nói :“Xúc lại đây”. Nhan Xúc cũng nói :“Vua lại đây”.   Các quan đi theo hầu, nói :“Vua là bậc chí tôn, Xúc là kẻ thần hạ. Xúc nói như thế có nghe được không ?”. Nhan Súc nói :“Vua gọi mà Xúc lại, thì Xúc là người xu nịnh kẻ quyền thế. Xúc gọi, mà vua lại, thì vua là người biết quý trọng kẻ sỹ. Để Xúc mang tiếng xu nịnh, sao bằng để vua được tiếng quý trọng hiền tài”.

Tuyên vương tức giận hỏi :“Vua quý hay kẻ sỹ quý?”. Nhan Xúc đáp :“Kẻ sỹ quý chứ vua không quý. Ngày trước nước Tần qua đánh Tề, ra lệnh cho quân sĩ :“Ai dám tới gần mộ Liễu Hạ Huệ (một hiền sỹ nước Tề thời Xuân thu) kiếm củi thì bị xử tử”, lại ra lệnh :“Ai lấy được đầu vua Tề thì được phong hầu, thưởng ngàn vàng”. Xem đó đủ biết cái đầu ông vua đang sống không bằng ngôi mộ kẻ sỹ đã chết”. 

Tử Kích người nước Ngụy, là một kẻ quyền thế, gặp Điền Tử Phương giữa đường, xuống xe chào mà Tử Phương làm ngơ không đáp. Tử Kích giận hỏi :“Kẻ phú quý hay khinh người đã đành, chứ kẻ nghèo hèn cũng khinh người sao?”. Tử Phương đáp :“Kẻ nghèo hèn mới có thể khinh người, chứ kẻ phú quý đâu dám khinh người. Vua khinh người thì mất nước, quan khinh người thì mất chức. Còn kẻ có học thức sống trong cảnh nghèo hèn nếu lời không được dùng, việc không được theo thì xỏ chân vào giày bỏ đi lập tức, tới đâu mà chẳng được nghèo hèn, có sợ gì mà không dám khinh người?”.

Ninh Thích, người nước Vệ, học rộng tài cao, nhưng không được biết đến. Ông cam chịu nghèo hèn, chăn trâu kiếm sống.
Quản Trọng là quan Tể tướng nước Tề gặp Ninh Thích trên đường hành quân. Hỏi chuyện thì biết là người tài, Quản Trọng nói :      
- Kẻ hào kiệt lúc chưa gặp vận cũng khó thi thố tài năng của mình được. Đại binh của chúa công ta cũng sắp đến đây, ta viết cho nhà ngươi một phong thơ, nhà ngươi an lòng ở đây mà chờ, lúc nào chúa công ta đến, hãy xin yết kiến mà trình thơ, ắt được trọng dụng.          
Nói xong, Quản Trọng viết một phong thơ, trao cho Ninh Thích. 
   
Cách ba ngày sau, đại binh của Tề Hoàn công kéo đến.        
Ninh Thích lại gõ sừng trâu hát :       
Mặt Thương Lan nhấp nhô đá trắng, 
Thân lý ngư thầm lặng xuôi dòng.     
Đời không hiền sỹ,     
Đất thiếu minh quân. 
Thương thân, ta lại tủi thầm, 
Hỡi con trâu trắng,     
Hỡi cụm rừng thâm,   
Hùng anh sống với âm thầm mãi ư ? 

Tề Hoàn công nghe giọng ca lấy làm lạ, khiến kẻ tả hữu dẫn đến hỏi thăm họ tên, quê quán.         
Ninh Thích tâu :         
- Tôi người nước Vệ, lưu lạc nơi đây.           
Tề Hoàn công hỏi :      
- Ngươi là một đứa chăn trâu, cớ sao lại dám chê bai thiên hạ ?       
Ninh Thích nói :         
- Tôi đâu có chê bai. Tôi chỉ tiếc rằng đời nay không có người hiền.
Tề Hoàn công hỏi :     
- Sao ngươi lại dám chê rằng “đời thiếu minh quân”, trong lúc thiên tử nhà Chu đang trị vì thiên hạ, còn ta một nước chư hầu giàu mạnh, trên phục tùng thiên tử, dưới chế ngự chư hầu đem lại thái bình cho thiên hạ.
Ninh Thích nói :         
- Một minh quân tất phải biết mình, hiểu người rõ được thời bình, thấy được lúc biến, đem ân đức rải khắp nhân gian, lấy lòng nhân mà trị thiên hạ. Như nhà Châu hiện nay vận nước mỗi lúc một suy, trong thì dân tình không phục, ngoài thì chư hầu bất tuân, tài trị nước không có, sao gọi là minh quân? Đến như chúa công, giết anh ruột mình mà cướp ngôi, mượn uy thiên tử để chế ngự chư hầu, nlưng chư hầu đều không phục, sao gọi là giàu mạnh ?  
    
Tề Hoàn công nghe nói nỗi giận mắng lớn :  
- Đứa thất phu, dám nói càn. 
Liền hô kẻ tả hữu bắt Ninh Thích đem chém.
Ninh Thích không chút sợ hãi, ngước mặt lên trời than :      
- Ngày xưa vua Kiệt giết Long Bàng, vua Trụ giết Tỉ Can, chỉ vì nói thẳng, nay tôi cùng với hai ông ấy kể là ba người ?           
Thấp Bằng thấy thế tâu với Tề Hoàn công:   
- Người ấy lời nói không dua mị, lòng không sợ uy nghiêm, chắc không phải là kẻ tầm thuờng, xin chúa công chớ nên giết.         
Tề Hoàn công sực nghĩ lại cơn giận đã nguôi, bước tới mở trói cho Ninh Thích, và nói :    
- Ta thử nhà ngươi đó thôi. Nhà ngươi quả là một kẻ sỹ khí phách. 

Ninh Thích thò vào túi lấy phong thư của Quản Trọng dâng cho Tề Hoàn công.     
Tề Hoàn công tiếp lấy đọc.    
Trong thư viết : “Tôi phụng mệnh đem quân qua núi Dao Sơn, có tiếp được một người nước Vệ, tên là Ninh Thích. Người này là một nhân tài trong thiên hạ, không phải những kẻ chăn trâu tầm thường, xin chúa công thu dụng, đừng để người ấy đi nước khác mà hối tiếc”.         
Tề Hoàn công nói :     
- Nhà ngươi đã có bức thư của Trọng phụ sao không tâu trình cho sớm ?    
Ninh Thích nói :          
- Tôi nghe nói vua hiền chọn người ngay, tôi trung chọn chúa có đức. Nếu chúa công ghét người thẳng, ưa kẻ nịnh, thì thà tôi chết đi còn hơn là đưa thư để được trọng dụng.

Chử Nhân Hoạch thời Thanh trong “Kiên biểu tứ tập”, quyển 1 chép “Cuối niên hiệu Hoằng Quang (niên hiệu của Phúc vương Chu Do Tung Nam triều, khoảng 1644 - 1645), Nam Kinh thất thủ, một người ăn mày đề thơ trên cầu Định Kiều rằng:
Tam bách niên lai dưỡng sỹ triều,
Như hà văn vũ tận giai đào.
Cương thường vọng tại ty Điền Việt,
Khất cái tu tồn mệnh nhất điều.

Dịch :
Ba trăm năm lẻ dạy anh tài,
Văn võ vì sao chẳng thấy ai.
Điền Việt lại mong trung nghĩa sót,
Sống thừa nghĩ thẹn kiếp ăn mày.

Rồi nhảy xuống sông Tần Hoài tự tử.
Những kẻ ăn lộc vua mà còn sống thừa cũng nên thẹn với người ăn mày ấy vậy”.

Trên đây đã nói lên phong cách của kẻ sỹ.
Kẻ sỹ không vì sự nghèo hèn, không vì địa vị cao sang, cũng không vì uy vũ mà thay đổi khí tiết. 
Kẻ sỹ có làm ăn mày vẫn cứ là kẻ sỹ, mà ăn mày có làm quan cũng vẫn chỉ là ăn mày...

1 nhận xét:

Ngô Trường An nói...


ĐÚNG KHÔNG TA?
Bị tứ bề thọ địch định nghỉ ngơi một thời gian, nhưng nghe anh phúc quê tôi nói rằng: «đất nước không có người hiền tài thì không thể hưng thịnh»?!

Anh có hiểu thế nào là HIỀN TÀI không anh phúc? Nói về người có tài mưu lược, có nhân cách, có đức độ thì đất nước ta không thiếu, nhưng họ không được gọi là hiền tài! Hiền tài, là ám chỉ người có tài, có đức tham gia triều chính, họ giữ một cương vị quan trọng nào đó trong guồng máy nhà nước, họ được quyền làm những gì họ muốn chứ chẳng cần xin ý kiến và đợi sự cho phép của chi bộ, miễn là việc họ làm đem lại lợi ích thiết thực cho quốc gia, dân tộc...

Ngày xưa Hàn Tín đã từng sống dưới trướng của Hạng Vũ, nhưng ông không được Hạng Vũ trọng dụng, nên chẳng ai gọi Hàn Tín là bậc hiền tài. Mãi sau này, Lưu Bang mới trọng dụng Hàn Tín, giao cho ông quyền thống lãnh ba quân. Từ đó, ông đánh đâu thắng đó, sau này giết luôn được Hạng Vũ thu giang sơn về một mối cho Lưu Bang (Hán Sở tranh hùng). Bởi vậy, cũng con người Hàn Tín, nhưng sống với Hạng Vũ thì chẳng ai biết ông là thằng nào. Nhưng khi được Lưu Bang trọng dụng thì ông nổi tiếng là bậc hiền tài, mưu lược.

Trong xã hội mà đảng độc tôn giành quyền cai trị thì hiền tài có cũng như không! Xưa nay biết bao người tài giỏi sáng chế máy bay, tàu ngầm, năng lượng... Mà có được đảng công nhận đâu. Thậm chí có người bỏ ra hàng mấy trăm triệu để làm đường cho dân đi đỡ vất vả. Nhưng đường vừa làm xong thì bị chính quyền địa phương bắt xúc đất đá đổ đi chỗ khác, trả nguyên hiện trạng con đường lầy lội như thuở ban đầu.

Như vậy, theo anh, trên cơ sở nào để đánh giá đúng mực là người hiền tài? Dựa vào đâu khi mọi tài năng, đức độ những người đó bị ngăn cản, bị bóp chết ngay cả trong tư duy?
Nhưng dù sao nhận định của anh cũng đúng! Nhìn đất nước nhão nhoẹt, rối rắm như nồi cám lợn hôm nay đã chứng minh trong đám cầm quyền chẳng có tên nào có tài, có đức (hiền tài) như anh nói cả. Công an tổ chức đánh bạc, y tế tổ chức buôn thuốc giả, giao dục buôn bằng giả, tòa án sử dụng chứng cứ giả, quan chức xài bằng giả, báo chí, truyền thông cỗ vũ trộm cắp, chính quyền tổ chức cướp đất của dân.... Điều này chính nó tố cáo đất nước rối rắm như thế này sẽ không bao giờ hưng thịnh, mà không hưng thịnh thì rõ ràng trong đám lãnh đạo đéo có một mống nào để tạm gọi là hiền tài.

Đúng không anh?