Đọc tác phẩm “Điệp viên hoàn hảo”
của nhà sử học Mỹ Larry Berman, nói về vị tướng tình báo Phạm Xuân Ẩn, cảm
thấy hình như nhà sử học Mỹ này ít hiểu biết về con người Việt Nam.
Thật ra, Phạm Xuân Ẩn, con người
đặc biệt nhưng không lạ, không bí ẩn như Larry Berman từng nghĩ.
Tác giả “Điệp viên hoàn hảo” tuy
ca ngợi Phạm Xuân Ẩn, nhưng vẫn thắc mắc về tính cách con người ông. Tác giả đã
viết ở ngay bìa sách “Cuộc đời hai mặt không thể tin được của Phạm Xuân Ẩn”.
Nghĩa là ông ta, một nhà sử học và biết bao người Mỹ như ông ta, không thể nào
hiểu được Phạm Xuân Ẩn. Họ cho rằng ông bí ẩn, bí ẩn như cái tên của mình, bí
ẩn như cái nhiệm vụ tình báo của ông.
Ở đây, cụm từ “nghề tình báo”
được tôi thay bằng “nhiệm vụ tình báo”, vì thực chất là như vậy. Cho dù Phạm
Xuân Ẩn là một vị tướng trong lực lượng tình báo.
Bản thân ông Ẩn cũng không muốn
nhận mình là một nhà tình báo, ông cũng không được đào tạo để làm một nhà tình
báo chuyên nghiệp và cũng không sống bằng cái nghề hai mặt này.
Việc ông làm tình báo, chỉ như
một nhiệm vụ mà cấp trên giao cho, dựa trên cơ sở là khả năng, nghề nghiệp báo
chí, lòng yêu nước và lòng trung thành của ông đối với đất nước Việt Nam.
Đây là mấu chốt của vấn đề, nhưng
nhiều người không hiểu, cho rằng ông bí ẩn, như cái tên của ông.
Người ta thường hay gán ghép tính
Đảng cho những nhân vật huyền thoại.
Ai cũng hiểu, do nhu cầu của cuộc
kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta, một số cán bộ lãnh đạo Việt Minh đã
nhìn thấy được tương lai của lịch sử cách mạng Việt Nam, nên tạo điều kiện cho
Phạm Xuân Ẩn học nghề làm báo, tạo điều kiện cho ông thành thạo tiếng Anh và
hiểu rõ nước Mỹ, hiểu rõ nhân dân Mỹ. Trên cơ sở đó, họ giao cho ông làm nhiệm
vụ của một điệp viên, thu lượm tin tức, phân tích nguồn tin dựa trên nghề
làm báo.
Như vậy, Phạm Xuân Ẩn sống bằng
nghề báo chí, sống theo bản năng tình cảm của mình như bất kỳ một người chân
chính nào khác. Ngoài ra, ông còn là công dân Việt Nam, có trách nhiệm với vận
mệnh quốc gia nên ông phải vì lợi ích quốc gia của mình, nhận và thực hiện cái
nhiệm vụ, mà chắc ông không hề thích thú gì, vì nó trái với bản chất con người
ông.
Nhưng dù sao, nhiệm vụ tình
báo mà ông được giao nhận giúp tạo nên kỳ tích, đó là việc giúp cho
bao nhiêu con người, bao nhiêu nạn nhân của cuộc chiến tranh này, từ cả
hai phía, thoát khỏi cái lưỡi hái của tử thần.
Người làm nghề tình báo, có thể
cũng không sống bằng nghề này, nhất là trong cuộc chiến tranh vừa qua ở Việt
Nam, nhưng họ là người trong tổ chức tình báo và đầu tư toàn bộ tài năng, trí
tuệ, kiến thức, thời gian... kể cả cuộc sống.
Do đó họ bất chấp các trở ngại, kể cả những trở ngại trong tình cảm, bất
chấp mọi thủ đoạn để thực hiện nhiệm vụ. Tất nhiên họ phải có vỏ bọc, nhưng vỏ
bọc phần nhiều là tạm bợ, tùy cơ ứng biến, kể cả họ tên cũng thay đổi theo “vai
diễn” trong nghề. Tình cảm mà họ tạo dựng đối với người khác tuyến cũng chỉ là
chiến thuật. Khi cần trở mặt, họ không phải ăn năn vì lương tâm cắn rứt, bởi họ
phải làm theo nhiệm vụ do cấp trên chỉ thị, bằng mọi giá.
Người làm nhiệm vụ tình báo thì
không cần phải đứng trong tổ chức tình báo, họ chỉ thực hiện những điệp vụ được
giao, dựa trên những điều kiện cụ thể mà họ có được trong cuộc sống, trong công
việc.
Phạm Xuân Ẩn thuộc loại
người này.
Vấn đề làm người ta, những người
Mỹ và người của chính quyền Saigon cũ khó hiểu ở đây, là liệu ông có chân
thành, có trung thực khi làm bạn với người khác, những người khác chiến tuyến,
trong khi ông lại đang làm nhiệm vụ tình báo mà tổ quốc giao cho ?
Việc phân tích ông Ẩn dựa theo
yếu tố này của quyển sách.
Trong các bộ sách cổ của Trung
hoa như “Đông chu liệt quốc”, “Tam quốc diễn nghĩa”... luôn có nêu tình bạn
giữa những người thuộc hai chiến tuyến.
Họ biết rõ người kia thuộc phe
thù địch, nhưng vẫn giữ tình bạn bền vững, như tình bạn giữa Quản Trọng và Bão
Thúc Nha (Đông Chu liệt quốc), hay Quan Công với Trương Liêu, Từ Hoảng, hoặc
Lỗ Túc với Gia Cát Lượng ... hay tình anh em của Gia Cát Cẩn và Gia
Cát Lượng (Tam quốc diễn nghĩa).
Tuy nhiên, trong các chuyện này,
bên này luôn muốn lôi kéo bên kia về với mình, nhưng vì lòng trung thành với
phía của mình, nên hầu hết các trường hợp, họ vẫn ở hai phía chiến tuyến, chỉ
có vài trường hợp, như Quản Trọng về với Bão Thúc Nha (do hoàn cảnh).
Đó chính là đặc tính Á Đông nói
chung, chứ không riêng gì của Trung Hoa.
Người Á Đông trọng tình nghĩa, ai
đối xử tốt với mình thì mình đáp lại, bất kể đó là ai. Phạm Xuân Ẩn cũng vậy
thôi, và ông không vì những người bạn Mỹ, bạn trong chính quyền Saigon
mà phản bội tổ quốc và lý tưởng của mình. Ông quý trọng cá nhân của
những con người mà ông xem là bạn, dù biết rằng, nếu những người này biết rõ về
ông, có thể sẽ hại ông.
Lòng chung thủy của Phạm Xuân Ẩn
đối với bạn thể hiện ở chỗ, không lợi dụng họ để săn tin mà chỉ lấy tin từ họ
bằng nghề báo. Khi lấy được tin quan trọng, ông không tiết lộ nguồn tin vì như
thế có thể làm hại bạn. Khi có điều kiện, ông luôn tìm cách giúp đỡ bạn bè và
những người mà ông mang ơn. Đó là những trường hợp ông giúp nhiều người vượt
biên, một hành động vào thời đó bị xem là phản quốc.
Phạm Xuân Ẩn đã từng du học ở Mỹ,
được những người Mỹ quý mến, cưu mang, tận tình giúp đỡ, chỉ bảo ... nên ông xem
đó như là một cái ơn của nhân dân Mỹ đối với cá nhân ông. Ông sống ở Mỹ hai
năm, do nhu cầu nghề nghiệp và khả năng quan sát, nên ông nhận thấy nhân dân Mỹ
thực sự tốt. Sự kiện “Mỹ xâm lược Việt Nam” chỉ là ý đồ của một số người xấu,
mà bất kỳ dân tộc nào cũng có.
Những kẻ xấu đó lôi kéo một lực
lượng, bao gồm cả những người tốt đi theo họ bằng những lý luận vô cùng khôn
khéo của họ.
Những người bạn của Phạm Xuân Ẩn,
không biết ông ta đang thực hiện nhiệm vụ được giao. Họ đối xử với ông chân
tình, bằng mọi khả năng của mình. Họ quý mến ông vì cái gì ? vì tư cách, vì tài
năng, trí tuệ, vốn hiểu biết và sự nhiệt tình của ông ... Mà đa số những người
này, theo ông Ẩn, họ là những người rất tốt, xét trên khía cạnh nhân văn. Trong
số những người bạn đó, có rất nhiều người đã giúp đỡ ông Ẩn rất tận tình. Nhờ
thế mà ông Ẩn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thậm chí họ còn cứu
giúp nhiều người thuộc phe cộng sản.
Những người lãnh đạo phía đảng
cộng sản có thể vì thiếu hiểu biết mà không đánh giá cao về họ. Ông Ẩn hiểu họ,
quý mến và kính trọng họ nên không thể không công nhận những đóng góp, dù vô
tình, cho công cuộc giải phóng đất nước.
Đó là chưa kể những cái ơn nghĩa
riêng tư mà họ dành cho Phạm Xuân Ẩn, và ông phải đáp lại bằng ơn nghĩa. Đó là
chuyện bất kỳ người quân tử nào cũng phải làm.
Và chính điều này lại là vỏ bọc
tốt nhất cho ông trong suốt quá trình hoạt động tình báo.
Sự kiện Phạm Xuân Ẩn giúp Trần
Kim Tuyến di tản vào ngày 30 tháng 4 và giúp cả những người khác đi di tản,
vượt biên ... nhiều người cho là chuyện lạ.
Thật ra, chẳng có gì lạ đối với
người Á Đông, sống theo Nho giáo. Có khác chăng chỉ là khả năng và lòng dũng
cảm để thực hiện điều đó.
Tào Tháo “tha” Quan Công, chỉ vì
mến tiếc người tài, và Quan Công tha Tào Tháo chỉ vì ơn nghĩa. Huống chi Phạm
Xuân Ẩn còn “mắc nợ” Trần Kim Tuyến.
Nếu Tề Hoàn Công không bao dung
Quản Di Ngô, thì chẳng bao giờ ông trở nên bá chủ các chư hầu. Nếu Tào Tháo
truy sát Quan Công, liệu có còn sống sót ở đường Huê Dung ?
Phạm Xuân Ẩn, nếu không xử trí
theo tình nghĩa với những người phía đối phương, thì chắc gì ông đã hoàn thành
tốt các nhiệm vụ được giao. Chắc gì ông được ca ngợi như ngày nay.
Công lao của ông Ẩn đối với cách
mạng Việt Nam, chưa chắc đã hơn nhiều người khác trong mảng hoạt động tình báo.
Nhưng tư cách của ông vượt lên trên những người bất chấp thủ đoạn để đạt mục
đích. Đó là điều đáng để người đời ca ngợi ông.
Những người bạn Mỹ khó hiểu Phạm
Xuân Ẩn, vì họ không phải là người Á Đông. Tình cảm của ông Ẩn đối với những
người bạn Mỹ, với nước Mỹ là hoàn toàn chân thật, không một chút dối trá nào,
dù ông không thể nói ra được.
Ngoài ra, Phạm Xuân Ẩn còn có
nhiệm vụ của một công dân Việt Nam, cho nên, ông làm tất cả mọi chuyện có lợi
cho Cách mạng Việt Nam.
Đọc quyển sách, ai cũng thấy rõ,
khi thực hiện những nhiệm cách mạng giao cho, ông Ẩn không hề làm hại đến những
người dân lương thiện Mỹ.
Thành tích của ông không chỉ đối
với cách mạng Việt Nam, mà còn để giúp cho cuộc chiến tranh sớm kết thúc, để
những người lính Mỹ không phải tiếp tục đổ máu và nhân dân Mỹ không phải tốn
thêm một khoản tiền thuế khổng lồ vì lợi ích của một thiểu số người xấu trong
cuộc chiến vừa qua ở Việt Nam.
Theo AQ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét