Cuối tháng 8/2015, khi cả nước đang rầm rộ chuẩn bị cho kỉ niệm 70 năm Quốc khánh thì tôi chọn cách tìm viếng mộ người được coi như tổng đạo diễn của ngày lễ độc lập 2/9/1945. Hôm nay nhân ngày sinh cụ Nguyễn Hữu Đang, xin kể lại cùng mọi người kỉ niệm đáng nhớ này của tôi. (Bài đã viết từ 8/2015 nên các mốc thời gian dưới đây đều thuộc thời điểm đó).
Nhà văn Phùng Quán viết bài “Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng lễ đài Tuyên ngôn độc lập”. Tôi đọc đi đọc lại suốt nhiều năm, mỗi lần đều cảm thấy buồn thương nhưng cảm phục, ngưỡng mộ cụ Nguyễn Hữu Đang. Nay, đã tròn 70 năm cách mạng tháng Tám, tôi cảm thấy mình cần phải tìm viếng con người này, một bậc sĩ phu thực sự của đất nước, với tư cách là trí thức trẻ và cũng là đồng hương của ông.
Hôm nay, 30/8, nếu ngược lại 70 năm trước, đây chính là ngày mà ông Nguyễn Hữu Đang phải gặp Hồ chủ tịch để báo cáo công tác tổ chức ngày Lễ Độc lập. Trong hồi ký (đã dẫn) của Phùng Quán, ông Nguyễn Hữu Đang bồi hồi nhớ lại ngày 28/8/1945, lần đầu tiên ông được gặp cụ Hồ. Cụ Hồ giao cho ông trọng trách làm Trưởng ban tổ chức ngày Lễ Độc lập 2/9, ra mắt quốc dân đồng bào. Ông Đang lo lắng: “Thưa Cụ, việc cụ giao là quá khó vì gấp quá rồi”. Cụ Hồ nói ngay: “Có khó thì mới giao cho chú chứ!”. Trước chiêu “khích tướng” tài tình của cụ Hồ, ông Nguyễn Hữu Đang chẳng những không thể thoái thác mà còn cảm thấy phấn chấn, tự tin vô cùng.
Tôi về TP. Thái Bình từ tối qua (29/8), trong lòng thắc thỏm lo âu vì khả năng mai có mưa lớn. Sáng dậy, trời mưa sụt sùi nhưng không mưa rào nặng hạt, anh em tôi quyết định lên xe đi Kiến Xương, tìm viếng mộ ông Nguyễn Hữu Đang.
Cách TP.Thái Bình 15km, chúng tôi tìm đến thôn Trà Vy, xã Vũ Công, huyện Kiến Xương, Thái Bình. Con đường xã khá khó đi, loang lổ từng mảng. Đường ở Thái Bình lâu nay vẫn vậy. Nghèo! Được người dân chỉ dẫn, anh em tôi tìm được nghĩa trang thôn Trà Vy. Tôi định sẽ tìm một cách thủ công, lần mò rà soát từng ngôi mộ, nếu không thấy thì sẽ vào thôn tìm trưởng thôn hỏi thăm về gia đình, thân nhân của ông Đang để nhờ họ giúp đỡ.
Chúng tôi lần mò từng ngôi mộ, vừa tìm vừa khấn ông Đang, chừng được non nửa nghĩa trang mà chưa thấy. Một chị chăn bò gần đó thấy hai thanh niên lạ mò mẫm, cất tiếng gọi vọng từ xa:
- Các anh tìm mộ ai đấy?
Chị ấy trẻ, tôi nghĩ, có hỏi chắc chị cũng không biết ông Đang. Thế hệ sau nào có biết Nguyễn Hữu Đang là ai. Nhưng tôi vẫn chạy tới hỏi, biết đâu chị có thể giúp gì chăng. Và quả nhiên, chị không biết ông Đang là ai. Chị hỏi:
- Thế các anh là họ hàng xa hay thế nào? Đã về đây bao giờ chưa?
- Em ở Hà Nội về, không quen biết gì ông Đang cả, nhưng muốn tìm viếng ông. Ông Đang làm cách mạng, rất nổi tiếng đấy chị.
- Ông ấy là liệt sĩ à?
- À, không, ông không phải liệt sĩ, nhưng ông là một cánh tay phải của cụ Hồ năm xưa đấy chị.
- Thế cơ à ?! Để tôi tìm phụ các chú.
Dứt lời, chị bỏ mặc mấy con bò lại rồi tất tả lao vào nghĩa trang tìm cùng chúng tôi. Thấy chị sốt sắng quá, tôi bỗng phấn chấn hẳn lên dù trước mặt là bạt ngàn mồ mả nhấp nhô dưới trời mưa phùn ướt át.
Tôi nghĩ, ông Đang sống độc thân, cô đơn, nghèo khổ, mộ của ông chắc sẽ nhỏ, sơ sài, cũ kĩ và… lẻ loi. Lần mò khá lâu, hết cả nghĩa trang mà vẫn không thể tìm được, chị chăn bò mách chúng tôi:
- Bây giờ chị chỉ cho các em nhà một người, chú làm thợ xây thôi, nhưng ai ở làng này chú cũng biết, mộ ai chú cũng biết. Nếu vẫn không được thì quay lại đây chị dẫn vào nhà ông quản trang hỏi.
Theo chỉ dẫn của chị, tôi tìm vào nhà chú ở gần đó. Chú đang lúi húi rửa mấy món đồ phụ nề. Khi tôi giới thiệu và vừa nói tên ông Nguyễn Hữu Đang, chú đã biết ngay, vui vẻ bỏ lại đồ đạc còn lấm lem bùn vữa, chú chạy vào nhà vơ vội cái nón rồi lên xe: “Ra đây tôi chỉ cho”. Tôi mừng quá, theo chú quay lại nghĩa trang. Thật không ngờ, mộ ông Đang lại nằm trong khuôn viên một khu mộ dòng họ mà lúc nãy tôi đã bỏ qua vì cách suy nghĩ của tôi. Nhìn thấy bia mộ ghi rõ ràng: “ông Nguyễn Hữu Đang, thứ trưởng bộ thanh niên”, tôi mừng rỡ, cảm ơn chú rối rít. Thật may mắn cho chúng tôi, trong một ngày xấu trời lại gặp được những người tốt vô cùng.
Tôi rót chút rượu vodka ra đặt lên mộ ông Nguyễn Hữu Đang và thắp hương khấn vái. Tôi vẫn không ngờ rằng, trước mặt tôi là mộ phần của một nhà văn hóa, một kẻ sĩ, một bậc trượng phu đầy khi phách mà tôi hằng ngưỡng mộ từ lâu. Chúng ta, kể cả những nhân sĩ trí thức nổi tiếng, đã nói, đã ngưỡng mộ và ca ngợi quá nhiều về ông Nguyễn Hữu Đang, nhất là trong bối cảnh đấu tranh vì nền dân chủ của đất nước, nhưng có lẽ, chưa có ai tự nguyện tìm đến, tỏ lòng thành kính trước một con người dấn thân vì dân vì nước như ông Đang. Hay ít ra, tôi trộm nghĩ, giá như những ngày này, chính quyền địa phương tổ chức viếng thăm ông Đang, một người con của quê hương đã góp nhiều công lao cho Ngày Độc lập, thì ý nghĩa và đáng quý biết bao.
Lan man nghĩ ngợi trong lúc chờ hết nhang, tôi sực nhớ ra chị chăn bò lúc nãy đã tận tình giúp chúng tôi. Không có chị đi chăn bò vào đúng lúc ấy, làm sao chúng tôi có thể tìm ra mộ ông Nguyễn Hữu Đang dễ dàng được. Nhưng, tìm khắp quanh ây, đàn bò vẫn nhởn nha gặm cỏ, còn chị thì không thấy đâu. Chúng tôi cố chờ mãi để cảm ơn chị nhưng cũng không thấy chị xuất hiện.
Hay là ông Nguyễn Hữu Đang đã “phái” chị đến giúp chúng tôi nhỉ?
Kiến Xương, ngày mưa 30/8/2015
...
Cụ Nguyễn Hữu Đang
Ngày này, 15.8 của 109 năm trước, tức năm 1913, là ngày sinh một người con đất Thái Bình, một nhân vật lịch sử bi thương bậc nhất thời cộng sản, cụ Nguyễn Hữu Đang.
Thế hệ tôi sinh giữa thập niên 50 hầu như ít người không biết cụ. Những ai quan tâm đến thời cuộc, nhất là văn nghệ, đến những biến động bão táp trong lịch sử miền Bắc sau năm 1954, thì cái tên Nguyễn Hữu Đang thành thứ ám ảnh bi kịch bám chắc, hằn sâu vào trong đầu và tâm hồn.
Nguyễn Hữu Đang là tên tuổi lớn, một nhân cách cực lớn. Ông tham gia phong trào yêu nước rất sớm, được cụ Hồ tin cậy giao cho việc chủ trì (trưởng ban) tổ chức lễ độc lập 2.9.1945 (chính ông biên kể lại, cụ Hồ bảo "có khó mới giao cho chú"); một trong những người đứng đầu Nhân văn giai phẩm, chịu mức án cao nhất khi đảng và nhà nước do ông góp phần xây dựng nên xử vụ án oan sai tai tiếng này. Suốt 15 năm ông bị đầy ải biệt giam ở nhà tù tuốt tận vùng cao Đồng Văn, Hà Giang (từ 1958 đến 1973) đến nỗi không hề biết miền Bắc có chiến tranh (nhà thơ Phùng Quán kể lại); rồi được thả mà không có tự do, bị đưa về quê Thái Bình quản thúc gần 20 năm trời. Ông mất tháng 2.2007 tại Hà Nội, tang lễ của ông cũng bị "người ta" làm khó dễ.
Nguyễn Hữu Đang là một tấn bi kịch thời đại, đầy rẫy oan khiên, nhưng cho đến giờ vẫn chưa có ai đứng đầu nhà nước này, đảng cầm quyền này nhận lỗi trước linh hồn ông (cũng như các ông Phan Khôi, Trương Tửu, Trần Đức Thảo, Trần Dần...). Nguyễn Hữu Đang trong 15 năm “thân thể tại ngục trung” chắc thể nào cũng có lúc chạnh lòng về sự thất vọng tận đáy, trở về số 0 khi ngay cả người từng tin cậy ông nhất cũng lạnh lùng bỏ rơi ông. Nhiều ông nọ bà kia, đận cụ Đang như một vị tướng chỉ huy dựng đài tuyên bố độc lập trên vườn hoa Ba Đình chỉ đáng xách dép cho cụ, cũng nhảy xổ ra vùi dập, gọi cụ là thằng này thằng nọ. Cứ ngẫm nghĩ tưởng tượng, không có Nguyễn Hữu Đang thì khó có được cái lễ đài độc lập nhanh chóng, vững chãi, bắt mắt ấy; khó có đội ngũ văn hóa cứu quốc đóng góp cực kỳ quan trọng cho cuộc khai trí và nền dân chủ mới trong mấy chục năm. Nhưng người ta đã đẩy cụ Đang vào tù với cái tội rất tào lao, bằng thói vô ơn, ăn cháo đá bát.
Cách nay mười mấy năm, tôi có dịp trò chuyện với nhà văn lão thành Thái Vũ (tên thật Bùi Quang Đoài, thời ấy cụ Đoài là sinh viên, đệ tử của các thầy Trần Đức Thảo, Đào Duy Anh) cũng bị lên bờ xuống ruộng khi "người ta" quy kết Thái Vũ tội tham gia Nhân văn giai phẩm. Ông Thái Vũ bảo các nhà văn bị xử lý oan sai đều sẵn lòng tha thứ cho chính quyền bởi họ là những tâm hồn độ lượng, nhưng chính quyền này thì chưa biết bao giờ mới hết xóa bỏ hận thù.
Thày (bố) tôi hơn cụ Đang 3 tuổi, sinh thời dù chỉ ở nông thôn nhưng biết nhiều về cụ Đang, về Nhân văn giai phẩm. Chúng tôi mon men nạp được chút ít kiến thức về các cụ Phan Khôi, Trương Tửu, Nguyễn Hữu Đang, Trần Đức Thảo… cũng là nhờ đọc ké những tư liệu mà thày tôi có, hoặc do thày lúc nông nhàn thủng thẳng kể lại. Chả hiểu sao, một ông già chân đất (có học, từng làm thư lại ở phủ) sau 1945 chỉ gắn bó với ruộng đồng, cây lúa củ khoai lại biết rõ những chuyện và người động trời thời ấy. Điều tôi cảm nhận rõ nhất, từ lúc còn trẻ ranh thò lò mũi xanh tới khi đã trưởng thành biết phân biệt đúng sai hay dở, qua những chuyện rời rạc của thày tôi về cụ Đang, thì hiểu đó là một đấng bậc công lao hãn mã với dân với nước, và trên hết là con người khí tiết cao đẹp ít ai bằng.
Hồi những năm cuối 50 và nguyên thập niên 60, chỉ nhắc tới cái tên cụ Nguyễn Hữu Đang và những Trương Tửu, Phan Khôi, Trần Dần, Phùng Quán… cũng bị coi là phạm pháp, có tội, giỡn mặt chính quyền. Nhà cai trị muốn dân chúng chỉ biết ngoan ngoãn phục tùng nên không chấp nhận những người cứng đầu cứng cổ không nghe lời họ, muốn xóa sạch hình ảnh đám văn nghệ sĩ “xông lên đoạt trời”.
Những hiểu biết của tôi về cụ Nguyễn Hữu Đang và những đồng chí đáng kính của cụ thật ít ỏi, ai muốn biết thêm về cụ cứ đọc bài của thi sĩ Phùng Quán, “Những ngày cuối năm, tìm thăm người dựng lễ đài tuyên ngôn độc lập”, hoặc đọc những tư liệu được bác Thái Kế Toại (tức nhà văn Lê Hoài Nguyên) đưa lên FB. Bác Toại là bậc đàn anh của tôi, học trước tôi 3 khóa, biết nhiều hiểu nhiều, tư cách đáng trọng, từng là đại tá an ninh chuyên về văn nghệ, nhất là về Nhân văn giai phẩm, đánh giá công bằng nhất về phong trào văn nghệ lừng danh này. Chính bác Toại đã có công cực lớn đấu tranh đòi trả lại những quyền lợi chính đáng cho cụ Đang lúc cuối đời cụ. Tiếc là chúng ta chưa có tư liệu nào về thời gian Nguyễn Hữu Đang chịu án tại Hà Giang, ngoài một vài trang nhắc đến ông trong tập hồi ký “Đêm giữa ban ngày” của Vũ Thư Hiên, “Chuyện kể năm 2000” của Bùi Ngọc Tấn (cả hai tác giả đều từng được đảng ưu ái cho ăn cơm tù chốn Đồng Văn). Giam cầm một người tài giỏi đạo đức như ông Nguyễn Hữu Đang suốt 15 năm để con người ấy không phát huy được gì phục vụ cho nhân dân, đất nước, đó là tội ác, cần phải lên án mạnh mẽ.
Nhắc tới Nguyễn Hữu Đang lại nhớ thi sĩ Phùng Quán ví cụ Đang như cây xương rồng. Nhà báo Xuân Ba bạn tôi đang giữ bản chép tay bài thơ “Cây xương rồng” từ chính chữ Phùng Quán, thể hiện đúng cốt cách con người cụ Đang: “Mọc lên từ cát lửa/Hồn vẫn xanh mát trong/Che chở người lương thiện/Trộm cướp đều ngại ngùng/Tên như một biểu tượng/Đời gọi cây xương rồng!”.
Nhà cai trị xứ này, nếu là người tử tế, biết sửa chữa lỗi lầm của người tiền nhiệm, hãy chọn con đường đẹp nhất thủ đô, ở gần quảng trường Ba Đình càng tốt, đặt cho nó cái tên hãnh diện Nguyễn Hữu Đang. Ở nơi chín suối, có nhẽ cụ Đang không cần vậy, nhưng dân cần, lịch sử cần.
Thương kiếp người cụ Đang, cũng là thương cái kiếp chúng ta đang chịu chẳng khác gì cụ chịu vậy.
Nguyễn Thông
Ảnh: Bản chép tay bài thơ "Cây xương rồng" thi sĩ Phùng Quán chép tặng nhà báo Xuân Ba.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét